Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Chúa Nhật 14 Thường Niên. Năm A_2014

 
Ông bà anh chị em thân mến.  Hiền lành và khiêm nhường là đức tính tối quan trọng của con người, nhất là đối với những người Ki-tô hữu chúng ta, vì trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho chúng ta biết Ngài là người hiền lành và khiêm nhường, và dạy chúng ta hãy đến và học cùng Ngài. 
Trong đời sống, chúng ta muốn thân thích với những người đơn sơ và hiền lành, hơn là một người cao ngạo, tự tôn, tự cho mình biết và giỏi hơn người khác, và có thái độ khinh khi người khác. Người kiêu căng và tự cao không biết hay chấp nhận giới hạn của mình, không nhận ra nhược điểm và sai trái của mình, trái lại luôn lên mặt dậy đời, luôn chê bai và muốn sửa bảo người khác. Tự cao, tự đại cũng là nguyên nhân làm cho chúng ta không nhận ra và đón nhận ơn Chúa

Có một câu chuyện về một hoàng tử trẻ, đẹp trai, ngoại trừ 1 điều là bị gù lưng. Tật bẩm sinh này làm cho hoàng tử rất buồn khổ, cô đơn và là một cản trở to lớn để trở thành một vị hoàng tử mà cậu cũng như người dân trong nước mong muốn.  Hiểu được tâm sự của người con, một hôm, vua cha ra lệnh triệu tập tất cả các nhà điêu khắc tài giỏi nhất trong nước, tạc một bức tượng chân dung của hoàng tử lưng thẳng, không gù, vì vua muốn bức tượng của người con có một thân hình vóc dáng như người bình thường. Vì muốn làm vừa lòng vua, cho nên các nhà điêu khắc đã cố gắng trổ hết tài năng của mình và hoàn thành bức tượng chân dung của hoàng tử thật đẹp và rất sống động như người thật. Nhà vua rất ưng ý mãn nguyện và đặt bức tượng này trong khuôn viên của hoàng tử, để hoàng tử chiêm ngắm mỗi ngày.  

Một ngày kia, hoàng tử khám phá và nhận biết mỗi khi nhìn ngắm bức tượng này thì tim mình đập mạnh và nhanh hơn và cảm thấy thân thể chuyển động.  Năm tháng đi qua, dân chúng cũng nhận thấy và bàn tán thì thầm với nhau về những sự thay đổi trong thân thể của hoàng tử không còn gù như xưa. Khi nghe được những lời thì thầm của dân chúng, mỗi khi chiêm ngắm bức tượng, hoàng tử cảm thấy tim đập nhanh hơn và thân thể rung động hơn.  Do đó hoàng tử ra khuôn viên đều đặn và thường xuyên hơn. Mỗi lần đứng trước bức tượng chiêm ngắm và suy tư, hoàng tử cảm thấy như bị thu hút một cách mãnh liệt. Một ngày kia, hoàng tử nhận ra một điều lạ lùng là mình đứng thẳng như bức tượng không còn  gù như xưa.

Ông bà anh chị em thân mến.  Mọi người có thể đoán ra câu chuyện này là một câu chuyện dụ ngôn, ám chỉ đời sống tinh thần của mọi người Kitô hữu chúng ta. Tất cả chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng nên với tất cả sự cao quí của hoàng tộc vì giống hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng tất cả chúng ta cũng mang một thứ tật nguyền, ngăn cản chúng ta không trở thành hoàn hảo, tốt đẹp hay cao quí như chúng ta mong ước.

Một ngày kia, Thiên Chúa, Cha của chúng ta trên trời đã sai chính Con Một Người là Chúa Giêsu đến trần gian và ở giữa chúng ta. Ngài là Thiên Chúa nhưng đã vâng lời, khiêm nhường tự hạ mình mặc lấy thân phận hèn mọn của chúng ta, trừ tội lỗi. Chúa Giêsu là hình ảnh tuyệt hảo, cao quí và chính là dung nhan của chúng ta khi chúng ta được tạo thành.  Bức tượng là biểu tượng của Chúa Giê-su đứng thẳng và tuyệt đẹp.   Mỗi khi chúng ta đến với Chúa Giê-su, chú tâm chiêm ngắm và thờ lạy, tim của chúng ta cũng sẽ đập mạnh, thân thể cũng sẽ rung động, và chúng ta cũng sẽ cảm thấy bị thu hút và lôi cuốn, bởi vì trong tâm hồn chúng ta cũng có hình ảnh của Thiên Chúa, và chúng ta cũng sẽ có những sự biến đổi, trở nên đồng dạng với Chúa Giêsu.

Nhưng thật sự mà nói, ông bà anh chị em thân mến, chúng ta có những biến đổi hay không, hay những biến đổi trong con người chúng ta có trở thành sự thật hay không, thì hạ hồi phân giải, chưa hoàn toàn thành hình và chưa là kết cuộc. Vì thế chúng ta đối diện với những câu hỏi thật quan trọng là “Làm sao chúng ta có những biến đổi tốt đẹp, hay làm sao những biến đổi tốt đẹp có thể hình thành trong cuộc sống của chúng ta, để chúng ta trở nên đồng dạng với Chúa Giê-su?” Và câu hỏi quan trọng hơn là, “Làm sao cuộc đời của chúng ta chắc chắn sẽ có một đoạn kết tốt đẹp và vui mừng như câu chuyện của vị hoàng tử trong câu truyện trên?”  

Câu trả lời không đến nỗi khó khăn thật đơn giả. Chúng ta phải làm như vị hoàng tử đã làm.  Vị hoàng tử đã dùng thời giờ đến chiêm ngắm, quan sát và suy tư bức tượng, cho nên, nếu chúng ta muốn trở nên đồng dạng với Chúa Giê-su, thì chúng ta phải cố gắng đến với Chúa, chiêm ngắm, quan sát, suy gẫm và cầu nguyện.  

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi “Tất cả hãy đến với Ta...Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các người sẽ gặp được bình an.”  Chúng ta phải làm gì và như thế nào trong đời sống hàng ngày hôm nay để đáp trả lại lời kêu mời của Chúa?  Tôi muốn đề nghị với ông bà anh chị em 2 phương cách.

Phương cách thứ nhất, là những người Ki-tô hữu, dù muốn hay không, chúng ta phải cố gắng hy sinh thời giờ để cầu nguyện và suy niệm Kinh thánh như một phần chính trong cuộc sống hằng ngày. Tôi biết tất cả chúng ta đều bận rộn với gia đình và công việc, nhưng dù ở đâu hay làm gì, chúng ta phải chú ý đến linh hồn, đời sống tâm linh và tiếp tục nhận những ơn lành của Chúa. Chúng ta phải dành thời giờ đến với Chúa, cầu nguyện và suy ngắm Chúa một cách sốt sắng và thành tâm.

Phương cách thứ nhì. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta chú tâm lắng nghe lời Chúa dạy không những với lỗ tai của thân thể, nhưng còn với lỗ tai của tâm hồn và của con tim. Để có thể lắng nghe được lời Chúa dạy chúng ta phải làm sao? Trước hết, khi chúng ta chú ý nghe đọc lời Chúa “Tất cả hãy đến với Ta...Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các người sẽ gặp được bình an”, chúng ta còn hình dung gương mặt chính Chúa Giêsu nói câu nói này với tất cả những cảm xúc yêu thương và lo lắng. Như thế lời Chúa sẽ trở nên sống động hơn và dễ tiếp nhận hơn.  Chúng ta làm cho lời Chúa sống lại ở hiện tại và trong lúc này.  Chúng ta lắng nghe với lỗ tai của tâm hồn, có nghĩa là, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói thẳng với chính chúng ta,  “Ông A, anh B, bà Ba, chị Tư, hãy học cùng Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhường.”  Lắng nghe Lời Chúa với con tim là đưa lời nói ấy vào đời sống hằng ngày.  Dịu hiền như Chúa là có đời sống hiền hòa, bác ái và quảng đại, đem tình yêu và lòng nhân từ của Chúa đến với mọi người. Khiêm nhường là hy sinh tham gia phục vụ, đóng góp làm sáng danh Chúa.

Ông bà anh chị em thân mến. Đời sống của chúng ta có 2 phần: phần xác và phần hồn liên kết với nhau.  Chúng ta lo lắng cho sức khoẻ phần xác, chúng ta cũng phải lo cho sức khỏe phần hồn bằng cách đến với bác sĩ Giêsu, để Người dùng lời Chúa siêu âm hay scan tâm hồn, và dùng sức mạnh quyền năng chữa những bệnh tật, để chúng ta trở nên đồng dạng với Chúa, có một trái tim nhân từ, một tâm hồn khiêm nhường và một đời sống tốt lành: hy sinh phục vụ và yêu thương, và như thế cuộc đời của chúng ta sẽ chan hòa bình an, và nhất là có một kết thúc trong vui mừng và hạnh phúc thật sự.  
Lm. Chánh xứ
 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....