Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Chúa Nhật 16 Thường Niên Năm A_2014

 
Ông bà anh chị em thân mến.  Tôi còn nhớ khi còn học tại đại chủng viện thánh Meinrad, trong một lớp Kinh thánh, cha giáo bắt đầu bằng đoạn Tin mừng “Các con là muối đất.  Các con là ánh sáng thế gian.” (Mt. 5, 13-14)  Sau đó ngài gấp cuốn Kinh thánh lại, ngồi trên góc bàn và hỏi:
“Có phải là một điều thật tốt nếu chúng ta có thể cắt bỏ, loại trừ những người xấu, những người vô dụng ra khỏi giáo hội? Hay nếu chúng ta loại bỏ tất cả những người không thành tâm, chỉ còn những người thành tâm, những người cam kết chắc chắn, thì ảnh hưởng của giáo hội đối với thế giới hôm nay sẽ như thế nào?”  “Chỉ cần 1 trăm triệu người Ki-tô hữu tốt lành, có lòng chân thành, đích thực làm chứng cho Chúa Ki-tô thì có kết quả hơn 1 tỷ người không tha thiết, không nhiệt tình, không thật tâm!”

Tất cả chủng sinh chúng tôi nhận ra được tư tưởng của cha giáo và gật đầu đồng ý.  Nhưng 1 người giơ tay và phát biểu, “Con đồng ý với cha giáo, nhưng ai sẽ quyết định người nào bị loại bỏ ra và người nào được giữ lại?”  Một đám bàn tay náo động giơ lên và một chủng sinh nói rằng, “Rất dễ.  Tôi nghĩ rằng ai cũng có thể quyết định được, và tôi có thể cung cấp một danh sách đầy tên người nào ngay bây giờ!”

Ông bà anh chị em thân mến. Sự kiện này đưa đến cho chúng ta một số câu hỏi, “Có phải là một điều tốt nếu thỉnh thoảng chúng ta cắt bỏ đi hay loại bỏ một số người ra khỏi giáo hội?”  “Điều này có thể giúp mọi người kể cả những người không thành tâm không?”  “Sự kiện này có thể lay động, thức tỉnh mọi người và giúp mọi người thành tâm  hơn không?” Và nhất là, “Điều này có thể giúp cho giáo hội trở nên thánh ý Chúa mong ước, đó là “muối cho đời và ánh sáng cho thế gian không?”       
Ông bà anh chị em thân mến. Dụ ngôn cỏ lùng và lúa trong bài Tin mừng hôm nay chiếu những tia sáng vào những thắc mắc, những câu hỏi nêu trên. Cỏ lùng mà Chúa Giê-su đề cập đến là một tai họa cho nhà nông thời đó, và được gọi là “lúa giả” vì lúc mới mọc lên trông giống như lúa thật, và đó là lý do tại sao người chủ ruộng nói với những người thợ đợi cho đến mùa gặt mới nhổ cỏ lùng, lúa giả, đi.  Và đến đây chúng ta cũng nhận ra dụ ngôn chiếu những tia sáng vào những câu hỏi loại trừ những người Ki-tô hữu không thành tâm, không thật lòng ra khỏi giáo hội.  Như người thợ có thể sai lầm phân biệt lúa thật và lúa giả, chúng ta cũng có thể sai lầm phân biệt người Ki-tô hữu thành tâm và không thật tâm. Và một điều tai hại hơn có thể xảy ra là chúng ta có thể kết án, loại trừ những Ki-tô hữu bây giờ không thành tâm, nhưng có tiềm năng trở thành người Ki-tô hữu chính đáng.

Một điều căn bản mà chúng ta phải chú ý để có thể phân biệt cũng như hiểu ý nghĩa xâu xa của dụ ngôn là: cỏ lùng, vì bản chất của nó là cỏ dại, cỏ xấu vô dụng, bên ngoài nhìn giống cây lúa, nhưng nó không thể nào biến thành lúa tốt được.  Cũng thế, lúa, lúc nào cũng là cây lúa, chỉ có điều là nó sản xuất ít hay nhiều, chứ không bao giờ biến thành cỏ lùng được.  Nhưng, đây là điều quan trọng, con người chúng ta thì không như vậy. Bản tính con người chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng là tốt. Con người khi sinh ra thì tốt lành, nhưng với thời gian lớn lên và tùy theo hoàn cảnh, trường hợp hay điều kiện, con người vẫn tốt và tốt hơn, hay trở thành xấu đi. Nếu chúng ta thành thật nhận xét, chúng ta nhận thấy có người trước kia là lúa tốt bây giờ là cỏ lùng, trở thành người xấu.  Ngược lại, có người trước kia là cỏ lùng bây giờ trở thành lúa tốt. Dĩ nhiên cũng có những người luôn luôn là lúa tốt, và cũng có những người lúc nào cũng là cỏ lùng. Điều quan trọng đối với những người Ki-tô hữu chúng ta hay bất cứ ai, là đến mùa gặt, khi chúng ta chết, chúng ta đang ở trong tình trạng nào, cỏ lùng hay lúa tốt?  Chúng ta cũng cần ghi nhớ, loại trừ hay xét đoán không phải là quyền của chúng ta, và phải đợi đến mùa gặt, đợi đến ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ xét xử công minh.

Trong xã hội và trên thế giới, chúng ta thấy nhiều người làm những sự dữ  như quân khủng bố bắn rớt chiếc máy bay mấy ngày qua, hay như những sự chết chóc, đau khổ vì chiến tranh, tranh chấp, kỳ thị, bất công đang xảy ra nhiều nơi.  Chúng ta thấy ngày nay nhiều người sống ích kỷ, gian dối, tham lam hay tội lỗi lại có cuộc sống giàu sang, tiện nghi và hưởng thụ.  Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết mọi sự sẽ được phơi bày trước ánh sáng trong ngày phán xét của Thiên Chúa.  Lúa tốt, người tốt, người thành tâm sẽ được phân ra, được thưởng công xứng đáng và được thu vào kho lẫm là Nước Trời.  Trái lại, cỏ lùng, tức là người xấu, những người không thành tâm, thì chúng ta biết rõ số phận sẽ ra sao, bị ném vào lửa, bị thiêu hủy đời đời.

Ông bà anh chị em thân mến.  Dụ ngôn cỏ lùng và lúa tốt trong bài Tin mừng hôm nay quả quyết và khẳng định với chúng ta, những người có đức tin, về ngày phán xét và sự công minh của Thiên Chúa ở đời sau. Tốt hay xấu, được thưởng hay phạt, là do quyết định và lựa chọn của mỗi người chúng ta ở đời này.  Chúa ban cho chúng ta tự do và nhiều ơn lành, nhất là vì thương yêu và không muốn bị hư mất đời đời, cho nên trong câu kết của bài Tin mừng, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta, “Ai có tai thì nghe”, nghĩa là Chúa muốn nhắc nhở chúng ta, những người được Thiên Chúa thương yêu và ban cho trí khôn, phải suy nghĩ lời Chúa hôm nay, cố gắng và thành tâm sống giáo huấn Chúa dạy.  Luôn luôn tỉnh thức đừng để ma quỉ dùng những sự dữ, kiêu căng, tham lam, ích kỷ, gian dối, lười biếng, biến chúng thành cỏ lùng. 

Tóm lại, ông bà anh chị em thân mến, chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng trong hình ảnh của Ngài.  Nhưng chúng ta ý thức trong cánh đồng xã hội thế gian đầy sự lôi cuốn và cạm bẫy của ma quỉ. Chúng ta xin Chúa giúp và ban sức mạnh, để chúng ta thành tâm nhìn vào đời sống của chính mình, cố gắng sửa đổi sống tốt lành, thánh thiện, khiêm nhường, bác ái và quảng đại hơn, để đến ngày phán xét Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực nhận chúng ta vào Nước Trời. 
Lm. Chánh xứ
 
 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....