“Cái hoa hòe của chữ viết chỉ là văn chương, tư tưởng con người mới là văn học.”
(“Những nẻo đường tiếng Việt”, BS Nguyễn Hy Vọng)
Câu hát quen thuộc trong một bài nhạc cũ, “Gợi giấc mơ xưa”. Bài hát kể về một chuyện tình lỡ làng. Tác giả bài hát ấy, nhạc sĩ Lê Hoàng Long, có lần bộc lộ rằng cuộc tình duyên của ông đành “lỡ làng” vì ông bố người yêu không bằng lòng gả con gái cho anh chàng tối ngày chỉ biết kéo đàn violon. Hẳn là chàng nhạc sĩ phải tiếc nuối nhiều lắm nên hai tiếng “lỡ làng” được chàng đưa vào trong bài hát đến hai lần, “Em ơi, tình duyênlỡ làng rồi, còn đâu nữa mà chờ…”.
Tôi chắc ông nhạc sĩ (và nhiều người buồn vì duyên phận lỡ làng) không có ý định tìm hiểu chữ “làng” trong “lỡ làng” có nghĩa là gì, và cũng không hề biết rằng tiếng ấy có gốc gác là tiếng Nùng, với nghĩa là lỡ dịp, là không còn dịp nào để làm một việc gì. Khi bị lỡ chuyến tàu hay chuyến xe thì người Nùng gọi là “làng tàu”, “làng xe”.
Cũng ít ai biết chữ “pha” trong tên bài hát “Phôi pha” phát âm rất gần với tiếng Chàm và Thái, và có cùng một nghĩa là mờ nhạt, là qua đi. Hoặc chữ “ngùi” trong tên bài hát “Ngậm ngùi” phát âm rất gần với tiếng Mon và Chàm, và có cùng một nghĩa là buồn tủi. Hoặc chữ “tác” trong tên bài hát “Tan tác” phát âm rất gần với những tiếng Thái, Mon, Chàm, Khmer, Malay, Indonesia, và có cùng một nghĩa là nứt rạn. Những tiếng ấy đều có chung một cái nôi ngôn ngữ với tiếng Việt, và có thể gọi là “anh em ta cùng mẹ cha”. (*)
Người tiết lộ cho chúng ta biết những điều thú vị này là Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, tác giả cuốn sách “Những nẻo đường tiếng Việt” và bộ “Từ điển nguồn gốc tiếng Việt”. Riêng bộ từ điển có khổ lớn (8”x10”), gồm 3 quyển, dày đến 2.200 trang và nặng đến 5 ký.
Có thể gọi đây là bộ sách rất “nặng ký”, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Tất nhiên giá trị một cuốn sách không đo ở bề dày, sức nặng hay kích cỡ, thế nhưng một bộ sách được giới thiệu là cân nặng đến 5 ký cũng là chuyện hiếm thấy trong những sinh hoạt giới thiệu sách. Chỉ cần hình dung những người yêu sách khệ nệ ôm bộ sách quý ra xe và những người khách lớn tuổi cần người phụ giúp để khuân sách về nhà là đủ thấy ấm lòng vì biết được rằng ở quanh đây vẫn còn những tấm lòng yêu chữ nghĩa tiếng Việt.
Không cần phải kể ra những tên tuổi như nhà biên soạn từ điển Đào Đăng Vỹ hay nhà văn Bình Nguyên Lộc từng bày tỏ lòng thán phục và gọi đấy là “một kỳ công”, bộ từ điển này tự nó đáng được xem là một công trình đồ sộ, hay nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp Kim Dung thì quả là một “kỳ tích võ lâm”. Chỉ kể sơ qua một vài điểm đáng gọi là “kỳ tích”:
Thứ nhất, tác giả đã tiêu pha đến gần nửa đời người để cho ra đời bộ từ điển độc đáo này. 33 năm nghiền ngẫm, trăn trở, lặn lội ngược xuôi để truy tầm đến tận ngọn ngành nguồn gốc đích thực của tiếng Việt. 33 năm “một mình một ngựa” miệt mài, rong ruổi trên những dặm đường dài hun hút, không ngưng nghỉ, không mệt mỏi. Không có một tấm lòng yêu tiếng Việt thiết tha, một niềm say mê ngôn ngữ học và một ý chí mạnh mẽ, không ai dành ra bao nhiêu năm tháng ấy với bao nhiêu công sức khó nhọc ấy để đeo đuổi một công trình lớn lao đến bạc trắng cả mái đầu.
Thứ hai, tác giả trưng dẫn những khám phá mới mẻ đến bất ngờ và thú vị, chẳng hạn:
(1) Không hề có cái gọi là “tiếng Hán-Việt” trong ngôn ngữ của người Việt mà chỉ có tiếng Tàu đọc theo âm và giọng Việt, được “Việt hóa” để thành tiếng Việt. Chuyện vay mượn tiếng nước ngoài là bình thường, có ngôn ngữ của nước nào, kể cả nước Tàu, lại chẳng ít nhiều đi vay đi mượn từ các ngôn ngữ khác.
(2) Không có tiếng nào được người Việt sử dụng mà lại không có nghĩa, kể cả những tiếng vẫn bị cho là “tiếng đệm” cho xuôi tai chứ chẳng có nghĩa gì cả (như những tiếng kể ra ở trên). Những “tiếng đệm” này đều được giải nghĩa tường tận trong bộ “Từ điển nguồn gốc tiếng Việt”.
(3) Bác bỏ thẳng thừng những ngộ nhận hay luận điệu xuyên tạc cho rằng tiếng Việt là từ tiếng Tàu mà ra hoặc có chung nguồn gốc với tiếng Tàu, qua phương pháp đối chiếu ngôn ngữ có tính khoa học và đầy sức thuyết phục.
Thứ ba, tác giả trình làng một “bộ sưu tập” quy mô và có hệ thống dựa trên ngôn ngữ học so sánh, có đến gần 28,000 từ ngữ đơn và kép tiếng Việt đi với khoảng 275,000 tiếng đồng nguyên (có chung một nguồn gốc ngôn ngữ) của 58 chủng tộc khác nhau ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Thái, Lào, Khmer, Mòn, Chàm, Miến điện, Malay, Indonesia và cả tiếng nói của những sắc tộc thiểu số như Nùng, Mường, H’mong, Bahnar, Rhade… để tìm đến cái nôi đầu đời của tiếng Việt, cũng là cái nôi chung của “các ngôn ngữ anh em đồng nguyên với tiếng Việt”, trong đó có rất nhiều tiếng đồng âm, đồng nghĩa đến lạ lùng.Mỗi từ ngữ còn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, và cả những tiếng “Hán-Việt” đều có dạng chữ Hoa đi kèm, rất là thuận tiện cho bất cứ ai muốn tra cứu cặn kẽ những từ ngữ tiếng Việt mà không rõ nghĩa và gốc gác, hay còn nghi hoặc.
Đây cũng là nét đặc sắc và lý thú nhất của công trình sưu khảo này.
Đi tìm nguồn gốc đích thực của tiếng Việt còn là tìm về cội nguồn, tìm về những nét đẹp của di sản văn hóa truyền thống của người Việt, như bức ảnh “văn hóa trống đồng” được in trang trọng trên bìa hai bộ sách ấy.
“Gìn giữ tiếng Việt là gìn giữ cái linh hồn của người Việt chúng ta ở nước ngoài cũng như ở trong nước,” tác giả hai bộ sách nói. Phải có một tấm lòng rộng mở, một tâm tình yêu nguời Việt, yêu tiếng Việt biết chừng nào mới thốt lên được câu nói ấy.
Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, có bao nhiêu sức lực, bao nhiêu công phu, bao nhiêu nhiệt tâm nhiệt huyết ông mang ra thi thố hết để mà gìn giữ cái linh hồn ấy, để cho những thế hệ người Việt hôm nay và mai sau không phải “mất gốc”, không phải đánh mất tiếng Việt như những kẻ đánh mất linh hồn.
Được biết hai bộ sách này, sau ngày chính thức “ra mắt” tại Nam và Bắc California vừa qua, sắp sửa về đến Seattle (WA) và Portland (OR) vào đầu tháng Tám này, và nghe đâu sẽ đánh một vòng nước Mỹ, đến những nơi nào người Việt cùng chung một tiếng nói, tiếng lòng.
Xin được gọi tác giả công trình mang tầm vóc lớn này, Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, danh hiệu “Người lữ hành miệt mài trên ‘những nẻo đường tiếng Việt’”, như là tên cuốn sách đi kèm với bộ từ điển thật dày, thật “nặng ký”, vì chứa đựng bao nhiêu là tâm huyết và tâm tình của ông.
Lê Hữu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét