Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Giáo dục trẻ vị thành niên

Trẻ em thể hiện tốt nhất nếu cha mẹ biết quan tâm giáo dục một cách hợp lý. Cha mẹ cần nâng đỡ và hướng dẫn, nhưng đừng “kiểm soát” quá mức. Đây là 5 cách cha mẹ có thể “can thiệp hợp lý” để giáo dục trẻ vị thành niên:
1. TẠO THÓI QUEN TỐT
Trẻ có thói quen chơi đùa nhiều. Hãy tạo thói quen tốt cho trẻ khi chơi. Nếu trẻ gặp rắc rối về việc thức dậy để đi học hoặc có vẻ mỏi mệt, hãy cho trẻ đi ngủ sớm. Nếu trẻ khó tập trung làm bài, hãy tạo “khoảng” học tập yên tĩnh cho trẻ dễ tập trung.
Hãy giúp trẻ có thói quen tốt. Nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, chúng cần được hướng dẫn cách phân chia thời gian hợp lý sau khi học ở trường để chúng có thể làm việc nhà, làm bài tập, học bài, tham gia các hoạt động khác và có giờ chơi đùa. Hãy khuyến khích trẻ làm bài sớm vào buổi tối để tạo thói quen tốt.
Hạn chế cho trẻ chơi trò chơi điện tử trên máy tính, ipad hoặc điện thoại, nhất là khi chúng chưa làm bài xong. Hãy hướng dẫn trẻ sớm để trẻ có thói quen học tập tốt, thói quen này giúp chúng tự lập khi trưởng thành.
2. HOÀI BÃO VỀ TRẺ
Hy vọng về thành tựu của trẻ phải khác hẳn. Nếu bạn hoài bão ở trẻ, có thể trẻ sẽ phát triển tốt hơn, dĩ nhiên không nên hy vọng vượt quá sức của trẻ. Hãy chắc chắn rằng bạn hy vọng trẻ hoàn tất bài làm đúng giờ và thường xuyên nói chuyện về những ước muốn. Trẻ có thể học tốt hơn tùy vào hy vọng của cha mẹ.
3. QUAN TÂM GIÁO DỤC
Hằng ngày nên nói chuyện với trẻ về những điều liên quan nhà trường. Hãy nói về bài tập về nhà, kế hoạch sắp tới, việc thi cử, và những điều liên quan việc học tập của trẻ. Hãy cho trẻ cơ hội thảo luận về mọi vấn đề hoặc mối quan tâm, cũng nên tạo cơ hội cho trẻ chia sẻ những thành công của trẻ.
Hãy thường xuyên nói chuyện về những dự định của trẻ. Hãy hỏi những câu hỏi khuyến khích trẻ nghĩ về các vấn đề khác và thảo luận về kế hoạch học thêm hoặc tự học.
4. LÀM GƯƠNG HỌC TẬP
Cha mẹ không còn đi học nữa, nhưng như vậy không có nghĩa là cha mẹ không thể làm gương về các hoạt động giáo dục. Hãy làm gương cho trẻ bằng cách đọc sách, đọc báo, và tham gia các hoạt động liên quan trí tuệ. Hãy nói về tầm quan trọng của việc học và khuyến khích trẻ vươn lên.
Hãy đưa trẻ đi tham dự các hoạt động văn hóa, tham quan bảo tàng viện, nhà sách, thư viện,… Hãy nói về mối quan tâm đối với sự học tập, tìm hiểu, nghiên cứu,… để phát triển tính tò mò và tính ham học hỏi ở trẻ.
5. LIÊN LẠC VỚI GIÁO VIÊN
Liên lạc với giáo viên là điều cần thiết để có thể biết thêm về việc học hành của trẻ. Đừng đợi đến cuối năm, khi nhận được học bạ của trẻ, thấy trẻ không học tốt như mong ước rồi mới tìm gặp giáo viên. Cái gì biết sớm cũng có lợi hơn nhiều, thậm chí có thể “cứu vãn” tình thế.
Hãy tham dự các buổi họp phụ huynh để biết những thông tin cần thiết về trẻ. Hãy tìm cách liên lạc với giáo viên, dù trực tiếp hoặc qua điện thoại, nếu bạn cảm thấy có vấn đề quan ngại về trẻ. Đừng ngại khi cần trao đổi vấn đề với giáo viên về trẻ.
TRẦM THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ parentingteens.about.com)

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....