Ông bà anh chị em thân mến. Trong Giáo hội Công giáo chúng ta có ba mầu
nhiệm quan trọng và cao cả. Ba mầu nhiệm
này là nền tảng đức tin của chúng ta. Thứ
nhất là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Thứ hai là mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể, mặc lấy
bản tính con người, chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại, và đã sống
lại vinh quang. Và mầu nhiệm thứ ba là mầu
nhiệm Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Tin mừng của thánh Mác-cô hôm nay cho chúng ta biết
chính Chúa Giê-su đã lập Bí tích Thánh Thể vào chiều Thứ Năm trong bữa tiệc ly,
trước khi chịu khổ nạn. Tin mừng thuật lại
“Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho
các ông mà phán: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". Rồi Người cầm
lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông:
"Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người.” Chúa đã biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu
Thánh Ngài để thiết lập một giao ước mới, chuộc tội và ban ơn cứu độ cho chúng
ta. Vì yêu thương cho nên Chúa đã thiết
lập Bí tích này để ở lại và để tiếp tục chuộc tội, ban phát ơn cứu độ cho chúng
ta cho đến ngày tận thế như Chúa đã hứa. Thật vậy, đây là hồng ân cao quí mà
Chúa đã ban cho nhân loại chúng ta.
Chúng ta thấy các bài
đọc hôm nay tường thuật tình yêu Thiên Chúa qua các việc Ngài làm để cứu chuộc
con người. Bài đọc 1 cho chúng ta biết vì yêu thương
Thiên Chúa đã giải thoát dân Israel ra khỏi ách nô lệ ở Ai cập, dẫn dắt, bảo vệ
và nuôi sống họ suốt 40 năm trường trong sa mạc trong cuộc hành trình tiến vào
Đất Hứa. Trước khi vào Đât Hứa, ông Mô-sê khuyên bảo dân hãy trung thành tuân
giữ những giới răn Chúa dạy, và đừng bao giờ quên những ơn lành mà Thiên Chúa
đã ban cho. Trong số những ơn lành Chúa
đã ban, là sự việc Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ, vượt qua Biển Đỏ,
và nhất là nuôi sống họ khỏi chết đói bằng manna từ trời xuống, và cũng làm cho
nước từ tảng đá vọt ra để họ khỏi chết khát. Sau đó, Môsê cho giết một số bò, lấy
máu của chúng rảy một phần lên bàn thờ tượng trưng cho Thiên Chúa, và phần kia
lên dân. Máu là tượng trưng cho sự sống, vì thế ý nghĩa của việc rảy máu là từ
nay hai bên kết ước: một bên là Thiên Chúa, đã hạ mình xuống và bên kia là dân
Do Thái, cùng một sự sống với nhau.
Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu ở
Cô-rin-tô, họ đã được thánh hóa bằng máu của Chúa Giê-su Ki-tô, và có sự sống
trong Chúa. Nhưng ngài nhận thấy trong cộng
đoàn tín hữu có sự bất hoà và chia rẽ, cho nên thánh Phaolô khuyên nhủ họ hãy
đoàn kết lại trong tình yêu thương hiệp nhất. Ngài cho họ biết chính Thánh Thể là mối dây
tuyệt hảo của sự yêu thương hiệp nhất. Khi
chúng ta hiệp thông với Mình và Máu Chúa Giê-su Kitô, cùng ăn một bánh, cùng uống
một chén trong Bí tích Thánh Thể, thì chúng ta cũng phải thể hiện sự hiệp thông
ấy ra trong đời sống cộng đoàn bằng cách phải yêu thương, hiệp nhất với nhau.
Cũng như chỉ có một tấm bánh, chúng ta tuy nhiều người cũng chỉ là một thân thể. Tất cả mọi người là chi thể được kết hợp, nối
liền trong Thân Thể Chúa Giê-su Ki-tô.
Chúng ta biết đối với các tín hữu thời Giáo hội sơ
khai, họ có cùng một niềm tin chắc chắn vào lời Chúa Giêu phán trong Bữa Tiệc
Ly “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". Rồi Người cầm lấy chén, và bảo
"Này là Máu Ta.” Họ chúc tụng và
tin sự hiện diện của Chúa trong bánh và rượu mà họ cùng chia sẻ. Và cũng chính bánh và rượu này nối kết họ lại
trong giao ước tình yêu mới qua Chúa Giê-su Ki-tô. Sự việc này xảy ra như thế nào đối với họ thì
không thành vấn đề, vì đây không những là một sự việc thuộc về đức tin, mà còn
là sự cảm nhận sâu xa cá nhân, và của mọi người trong cộng đoàn tín hữu liên kết
với nhau như anh chị em trong một gia đình.
Ông bà anh chị em thân mến. Từ ngàn xưa cho tới ngày nay, mỗi lần chúng
ta cùng nhau cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta không những thông phần vào giao
ước mới, mà còn thông phần vào hiến lễ hy sinh của Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa
Cha trên thập giá. Hay nói một cách khác,
mỗi Thánh lễ chúng ta cử hành không phải là một giao ước mới hay hy lễ mới, mà
chính là giao ước và hy lễ mà Chúa Giêsu bắt đầu từ Bữa Tiệc Ly và kết thúc
trên thập giá trên ngọn đồi Gôn-gô-ta.
Chúng ta tin thật trong Thánh lễ và sau khi truyền
phép, bánh và rượu đã trở nên Thân Thể Chúa Kitô. Cả con người của Chúa Giêsu ở
trong đó: thịt và máu, nhân tính và thần tính.
Chúa Giêsu thật sự hiện diện trong Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu. Dấu
chỉ tuyệt diệu nhất của tình yêu Thiên Chúa là sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô
– Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của chúng ta, nơi BÍ TÍCH THÁNH THỂ. Thiên
Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban cho chúng ta Con Một Ngài là Chúa Giêsu
Kitô, và Chúa Giêsu Kitô yêu thương chúng ta đến nỗi đã khiêm nhường hạ mình xuống,
chấp nhận thân phận tôi đòi, đã chịu nạn, chịu chết và phục sinh vinh hiển để
đem lại sự sống cho chúng ta. Chỉ vì yêu thương, Ngài còn hy sinh ở lại với
chúng ta mọi ngày cho đến tận thế nơi Bí tích Thánh Thể.
Và trong phần rước lễ, chúng ta lãnh nhận chính Chúa
Giêsu và được kết hợp với Chúa như Chúa xác định cành nho với cây nho trong Tin
mừng thánh Gioan “Ta là cây nho, các con là cành,’’ như trên tấm biển ngữ
đây. Trong chốc lát nữa đây, khi lên
lãnh nhận Mình Thánh Chúa, chúng ta hãy chú ý tới hành động chúng ta làm. Chúng ta hãy tự hỏi “Chúng ta nhận lãnh ai
vào tâm hồn?” “Qua Thánh Thể, chúng ta
được liên kết với ai? Và trở thành gì
trong Thân Thể Chúa Ki-tô?” “Chúng ta phải
sống như thế nào để chúc tụng và tạ ơn vì hồng ân tình yêu Chúa đã thương ban?”
Và “Chúng ta phải làm gì để được nối kết trong cùng một Thân Thể Chúa?”
Xin Chúa Giê-su Thánh Thể ngự vào tâm hồn chúng ta, kết
hợp chúng ta lại trong tình yêu thương hiệp nhất, và biến đổi chúng ta trở
thành chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô, để chúng sống chứng nhân cho Chúa
Ki-Tô trong lời nói cũng như trong việc làm.
Xin cho chúng ta có tấm lòng hy sinh phục vụ Chúa, và có lòng bác ái và
quảng đại để làm sáng danh Chúa, và hiệp nhất cùng nhau xây dựng giáo xứ, là
Thân Thể Chúa Ki-Tô.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét