Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Chúa Nhật 20 Thường Niên Năm B_2015

 
Ông bà anh chị em thân mến.  Những bài Tin mừng trong mấy Chúa nhật vừa qua và tuần này được trích trong chương 6 Tin mừng của thánh Gioan nói về Bánh Hằng sống là chính Chúa Giêsu, và những hiệu quả của sự lãnh nhận Bánh Hằng Sống này.

Trước khi đi sâu vào bài Tin mừng hôm nay, tôi xin có mấy lời về bài đọc 1 hôm nay trích sách Châm ngôn.  Sách Châm ngôn hướng dẫn những người trẻ lớn lên đến tuổi trưởng thành, và nhấn mạnh đến những đề tài như giáo dục, tự kiềm chế, tự kiềm hãm, sự cẩn trọng, chân thật và cách cư xử tốt.  Sách Châm ngôn cho chúng ta biết tất cả những điều này dẫn đến sự khôn ngoan, và cũng đề cập đến khía cạnh ngây ngô, ngu xuẩn là sự bồng bột, thiếu tự chủ và tự chế, là thái độ gian dối, lười biếng, không có lòng tôn kính và là cuộc sống buông thả.

Chín chương đầu của Sách Châm ngôn diễn tả 2 người đàn bà, không phải  người thật, mà chỉ là biểu hiệu, nhân cách hóa mà thôi, một người có tên là Bà Khôn ngoan và thứ hai là Bà Ngu xuẩn. Mỗi bà được diễn tả như một hình trạng của một người chủ quán trọ bận rộn với công việc mời khách đến trọ, và ăn uống trong quán của mình.  Những ai nhận lời mời thân thiện của Bà Khôn ngoan sẽ được hưởng sự vui mừng và tràn đầy sự sống.  Còn ai nhận lời mời của Bà Ngu xuẩn thì bước vào một cạm bẫy đưa đến sự diệt vong và sự chết.
Hôm nay, chúng ta nghe phần đầu của chương 9, trong đó chỉ chứa đựng lời mời những bạn trẻ của Bà Khôn ngoan tham dự bữa ăn của bà thôi.  Và lời mời của bà là “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan.”

Ông bà anh chị em thân mến.  Lời mời của Bà Khôn ngoan trong bài đọc 1 này rõ ràng ám chỉ đến những lời mời chúng ta của Chúa Giê-su trong bài Tin mừng hãy đến ăn thức ăn và uống nước Chúa đã dọn sẵn và ban cho chúng ta.  Thức ăn và thức uống chính là Mình và Máu của Chúa trong Bí tích Thánh thể để có sự sống đời đời.  Nhận và đến với Chúa Giê-su Thánh Thể là quyết định và lựa chọn của những người khôn ngoan.  Những người khôn ngoan có cái nhìn vượt qua sự hiện hữu, còn người ngu xuẩn chỉ nhìn thấy những gì trước mắt. Và đây cũng là ý nghĩa của bài đọc hai.
Trong bài đọc này, thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải biết sống như những người khôn ngoan bằng cách theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để tìm ra và sống theo thánh ý Thiên Chúa. Ngược lại, người khờ dại, thánh Phao-lô cho chúng ta biết, là những người chỉ sống theo ý muốn xác thịt, say sưa rượu chè, và rượu chè đưa tới truỵ lạc. Những người khờ dại không biết lợi dụng ơn thời giờ Chúa ban cho, phí thời giờ vào các việc vô ích, không đem lại lợi ích cho cuộc sống tương lai. Và vì không biết thánh ý Chúa nên người khờ dại chỉ biết làm theo ý riêng mình, không mang lại những hiệu quả thiêng liêng cho cuộc đời của họ.

Ông bà anh chị em thân mến. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi dân chúng hãy tin vào lời người giảng dạy về chính Ngài là bánh hằng sống, và phải ăn thịt và uống máu Ngài thì mới có sự sống đời đời.  Chúng ta thấy ngay cả các tông đồ và môn đệ của Chúa cũng cảm thấy chói tai về những lời giảng dạy này.  Họ thắc mắc, xì xầm bàn tán “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6 : 52). Nhưng Chúa đã không thay đổi lời Ngài giảng dạy, để hi vọng dụ dỗ thu hút được nhiều người theo.  Lời giảng dạy của Chúa là lời ban sự sống, nên Chúa khẳng địnhThịt Ta là thật của ăn, và máu Ta là thật của uống.” (Ga 6:55).

Ông bà anh chị em thân mến. Ngày xưa người Do thái tranh luận với nhau, làm sao ông Giê-su có thể ban cho họ thịt máu Ngài làm của ăn thiêng liêng, và trong suốt dòng lịch sử Ki-tô giáo, người ta cũng tranh luận tương tự như vậy, về sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh thể.  Chúng ta biết những người trong các giáo phái Tin lành không tin vào Lời Chúa phán, hay cắt nghĩa sai lệch theo ý của họ, cho nên, họ chỉ coi việc bẻ bánh như một kỷ niệm, một hình bóng biểu hiệu sự hiện diện của Chúa mà thôi.  Họ không tin sự hiện diện thực sự của Chúa trong Bí tích Thánh Thể.
Một người Công giáo đã trả lời cho một số bạn bè đạo Tin Lành, chế nhạo vì họ không tin Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, như sau “Tại sao các ông lại hỏi tôi?  Lẽ ra các ông phải hỏi Chúa Giêsu mới đúng, vì đó là lời của Ngài. Phần tôi, tôi tin vào lời Chúa nói. Nếu lời Chúa khẳng định “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống” mà không đúng, thì người nói là Chúa Giêsu mới đáng trách, chứ không phải là tôi! Tôi luôn tin rằng: Lời Chúa là sự thật, là lời hằng sống và sẽ tồn tại đến muôn đời.”

Ông bà anh chị em thân mến. Và cũng qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy và cho chúng ta biết ba hiệu quả quí trọng và cần thiết của Bí tích Thánh Thể.  Hiệu quả cần thiết thứ nhất là ban cho chúng ta được sống lại và được sống muôn đời.  Chúa nói “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6, 54).  Hiệu quả quí trọng thứ hai, chúng ta được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, Ngài nói “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy” (Ga 6, 56). Và hiệu quả thứ ba, có sự sống của Chúa Giêsu, theo khuôn mẫu sự kết hiệp giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha, Chúa nói “Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta.”  (Ga 6, 57).
Chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu đã đặc biệt nhấn mạnh nhiều lần hai từ “thịt” và “máu.”  Thịt - máu, nghĩa là trọn vẹn con người, và có nghĩa là Chúa trao ban hoàn toàn sự sống của Chúa cho chúng ta, để chúng ta nhận được những hiệu quả là được kết hiệp mật thiết với Ngài và với Chúa Cha, hiệp thông với anh chị em, và được sự sống đời đời.

Hôm qua, hôm nay và ngày mai, Chúa Giêsu vẫn luôn mời gọi chúng ta đến và sẵn sàng ban Thịt Máu cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Xin Chúa cũng ban cho chúng ta sự khôn ngoan, chấp nhận và hân hoan đón tiếp Chúa vào trong tâm hồn một cách sốt sắng và chân thật, với một niềm tin vững chắc, để chúng ta trở nên giống Chúa, được tháp nhập vào Chúa và sống bằng sự sống của Chúa.

Lm. Chánh xứ

 
 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....