
Ông bà anh chị em thân mến. Ngày 1/11/1950, Đức Giáo Hoàng
Piô XII, đã long trong tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Đối với người Ki-tô Công giáo chúng ta đây là một tín điều. Sau
cuộc đời trần thế, Đức Maria, như Chúa Giê-su con của Mẹ, được đưa về Thiên
đàng hồn xác. Đây cũng chính là ý nghĩa
của ngày lễ chúng ta mừng kính hôm nay.
Có một danh
nhân đã nói câu tiếng Anh như sau: “Our chief need in life, is somebody who
will make us do what we can.” Tôi xin tạm
dịch “Một điều chính yếu trong đời sống chúng ta, là cần một người khích động,
linh hứng thúc giục chúng ta làm những điều chúng ta có thể làm.” Thật vậy,
như chúng ta có thể nhận biết, chúng ta không cần một ai sai bảo chúng ta làm
những gì chúng ta phải làm. Chúng ta thật
sự đã biết chúng ta phải làm gì trong đời sống, hay phải sống như thế nào. Nhưng chúng ta cần một người khích động thúc
giục chúng ta sống, thực hành, những điều chúng ta biết chúng ta phải làm. Và theo danh nhân này, đó là vai trò của một
người bạn thân, của một người vợ, người chồng hay của cha mẹ. Là những Ki-tô hữu, chúng ta có thể kể thêm
vào, đó cũng là vai trò của Đức Maria, một Hiền Mẫu của tất cả chúng ta. Qua Mẹ,
chúng ta nhận thấy những tấm gương/ những nhân đức khích động, thúc dục chúng
ta sống và thực hành những gì chúng ta có thể làm được/ để trung thành và sống
Lời Con Mẹ dạy. Tôi tin tất cả chúng ta đây đều được Mẹ thương yêu, che chở và
cầu bầu, và chúng ta cũng có lòng yêu mến Đức Maria một cách đặc biệt.
Nhân đức, gương
sáng đầu tiên chúng ta nhận thấy trong cuộc đời của Đức Maria thúc dục và khích
động chúng ta là sự đau khổ theo thánh ý Chúa. Sự đau khổ của Đức Maria bắt đầu từ lúc Mẹ và
thánh Giuse mang con trẻ Giê-su vào đền thờ.
Ở đó ông Si-mon, một người công chính và có lòng kính sợ Chúa, đã tuyên
bố về Chúa Giê-su “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel
phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối.” Rồi quay sang Đức Maria, ông nói “Về phần bà,
một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ.”
Đau khổ tiếp tục
đến trong cuộc đời của Đức Mẹ mấy năm sau, khi Mẹ nhìn thấy những sự chống đối
và thù hằn Chúa Giê-su, con Mẹ, lớn mạnh hơn. Và cuối cùng, đau khổ đã lên tới tuyệt đỉnh
khi Đức Maria đứng bên cạnh con bị đóng đinh treo trên cây thánh giá như một tội
nhân, trên ngọn đồi Gôn-gô-tha.
Đức Maria đã
gánh những đau khổ trong cuộc đời với sự can đảm và nhẫn nại, và đó tôi tin rằng
cũng trở thành nguồn linh cảm cho chúng ta.
Mẹ là nguồn an ủi và sức mạnh giúp chúng ta can đảm và nhẫn nại gánh những
đau khổ vì đức tin, vì Tin mừng và vì Chúa Giê-su, con Mẹ trong cuộc sống.
Gương sáng thứ
hai linh cảm, khích động, thúc giục chúng ta được tìm thấy trong cuộc đời của Đức
Maria là tình thần phục vụ Chúa và tha nhân, và tinh thần này được tỏ hiện rõ
ràng khi thiên thần báo tin cho Đức Maria đã được Thiên Chúa chọn trở thành mẹ
Chúa Giê-su, Đấng cứu thế qua câu trả lời ngắn gọn và chính nghĩa của Mẹ “Này
tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.”
Tinh thần phục
vụ của Đức Maria tiếp tục được thể hiện trong cuộc đời khi Mẹ biết E-li-za-bét,
người chị họ, cũng đã thụ thai, và Mẹ đã mau mắn lên đường để giúp đỡ bà trong
lúc khó khăn. Cuối cùng, tinh thần phục vụ của Đức Maria được thể hiện khi Mẹ cầu
cứu Chúa Giê-su giúp đỡ đôi tân hôn trong tiệc cưới Cana.
Có một người đã
nói rằng “Cuộc đời của tôi hoàn toàn thay đổi khi tôi ngừng không đòi hỏi Chúa
phải làm những điều tôi muốn, thay vào đó, tôi thưa với Chúa Chúa muốn tôi làm
điều gì cho Ngài.” Đây chính là một loại tinh thần hy sinh phục vụ trong cuộc sống
của Đức Maria, và có thể khích động thúc giục hay là nguồn linh hứng cho chúng
ta phục vụ Chúa và tha nhân như Mẹ đã sống đã thực hành trong đời sống.
Và nhân đức,
gương sáng thứ ba linh hứng thúc giục hay khuyến khích chúng ta, mà chúng ta tìm thấy trong đời sống
Đức Maria là tinh thần cầu nguyện sâu thẳm, và tinh thần này được biểu hiệu
trong lời ca tụng Thiên Chúa khi con trẻ trong lòng bà E-li-za-bét nhảy mừng,
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu
Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Từ nay muôn thế hệ sẽ
khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và danh
Ngài là thánh.”
Đời sống cầu
nguyện, suy niệm sâu thẳm của Đức Maria được tiếp tục thể hiện khi con trẻ
Giê-su được sinh ra, và Tin mừng cho chúng ta biết “Còn Maria thì ghi nhớ tất cả
những sự việc đó, và suy niệm trong lòng.” Tinh thần cầu nguyện này của Đức
Maria lên đến tuyệt đỉnh như sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta biết Mẹ đã “kiên
trì cầu nguyện” với các tông đồ chuẩn bị cho sự kiện Chúa Thánh Thần ngự xuống.
Mẹ Tê-rê-sa Calculta
đã nói rằng “Cầu nguyện trong sự suy niệm sẽ mở rộng trái tim cho đến lúc có khả
năng chứa đầy ơn sủng của chính Chúa ban tặng.”
Đó chính là những
đặc ân sủng và lạ lùng mà sự cầu nguyện, suy niệm đã đem đến trong cuộc đời của
Đức Maria, và đó cũng là những gì có thể xảy đến với cuộc sống chúng ta nếu
chúng ta có đời sống cầu nguyện suy niệm như Mẹ Maria.
Ông bà anh chị
em thân mến. Ba nhân đức được tỏ hiện rõ ràng nhất trong cuộc sống của Đức
Maria: thứ nhất là nhận chịu đau khổ theo thánh ý Chúa với lòng can đảm và nhẫn
nại, thứ hai hy sinh phục vụ trong sự vui mừng, và thứ ba cầu nguyện, suy niệm
một cách sâu thẳm và kiên trì. Những đức
tính xác thực đặc biệt này trong cuộc đời của Đức Maria trở thành sự khuyến
khích, linh hứng và thúc giục chúng ta hôm nay biết noi gương và sống như Mẹ. Và nếu chúng ta thật sự có lòng yêu mến Mẹ và
sống 3 nhân đức đặc biệt này của Đức Maria, chắc chắn chúng ta sẽ cùng được hưởng
vinh phúc cùng Mẹ trên Thiên đàng.
Đây là niềm vui
mừng và hy vọng mà chúng ta cử hành trong Thánh lễ kính Đức Maria hồn xác lên
trời hôm nay. Xin Đức Maria luôn cầu bầu
cho từng cá nhân, gia đình và cộng đoàn giáo xứ chúng ta.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét