Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Chúa Nhật 29 Thường Niên. Năm B

 
Ông bà anh chị em thân mến.  Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay, khi hai người con ông Dêbêđê, và cũng là những người trong nhóm môn đệ đi theo Chúa Giê-su, là Gioan và Giacôbê, đến xin Chúa cho mình được hai chỗ bên tả và bên hữu Chúa, nghĩa là những người có địa vị, danh vọng và uy quyền trên những người khác, và chúng ta cũng được biết, khi 10 môn đệ khác tỏ thái độ bực tức và ganh tị với hai người con ông Dêbêđê, vì họ cũng muốn có địa vị, danh vọng và uy quyền, Chúa Giê-su đã từ chối, và nhân đó Người dạy các môn đệ và chúng ta bài học về đời sống hy sinh phục vụ. 

Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã từ chối vì 2 lý do. Lý do thứ nhất là trong các tổ chức chính trị, hành chánh và xã hội, những người lãnh đạo đều thích và dùng mọi phương cách để có uy quyền, chức vụ trên người khác. Nhưng trong các cơ cấu tổ chức mà họ lãnh đạo người dưới quyền không được hạnh phúc gì cả, trái lại còn phải đau khổ. Lý do thứ hai là trong tổ chức mà Chúa Giê-su thành lập, tức là Giáo Hội, không có người trên kẻ dưới, không có người lớn kẻ nhỏ, mà tất cả đều bình đẳng với nhau vì tất cả đều là anh em với nhau, cùng là con của một Cha trên trời. Cho nên mọi người đều có bổn phận, trách nhiệm và giúp nhau để làm theo ý Cha trên trời, và làm danh Cha cả sáng. Bởi vậy trong Giáo Hội, địa vị và quyền bính được trao không phải cho kẻ ham muốn kiếm tìm nó, mà trao cho những người nào có thiện chí và hy sinh phục vụ.

Có một câu chuyện ngụ ngôn được kể như sau.  Một chiếc đồng hồ đeo tay một hôm đi dạo ở công trường trước một nhà thờ. Nó nhìn lên tháp nhà thờ thấy một chiếc đồng hồ rất lớn nên ganh ghét.  Đồng hồ nhỏ nói: “Anh tưởng là anh ngon lắm hả. Thực ra cái mặt anh to quá khổ chẳng đẹp chút nào, hai cánh tay thì dài thượt coi chẳng đẹp gì cả. Giọng nói thì khàn khàn.”  Chiếc đồng hồ lớn chỉ mỉm cười và nói: “Hãy lên đây.” Chiếc đồng hồ nhỏ leo lên. Khi đứng bên chiếc đồng hồ lớn nhìn xuống thì nó mới hoảng sợ. Thì ra ở trên cao này nguy hiểm quá té xuống tan xác như chơi. Rồi lúc nào cũng bị bao nhiêu cắp mắt nhìn lên, và lại còn cô đơn nữa. Khi đó chiếc đồng hồ lớn khều nó nói:  “Ở dưới có người muốn biết giờ kìa. Em đưa mặt ra cho họ xem đi.”  Chiếc đồng hồ nhỏ đáp: “Không được, từ đây xuống dưới xa quá mà mặt em nhỏ quá ở dưới xem không thấy đâu.”  “Vậy thì em nói giờ cho họ nghe đi.”  “Cũng không được, vì tiếng em nhỏ quá.”  Khi đó chiếc đồng hồ lớn mới ôn tồn giải thích: “Đó em thấy chưa. Em cũng không thể làm việc của anh, mà anh cũng không thể làm việc của em. Mỗi người chúng ta ai làm việc nấy, chỉ để phục vụ cho người ta thôi. Từ này về sau mình đừng chỉ trích và ganh ghét nhau nữa nhé.”

Ông bà anh chị em thân mến.  Câu chuyện rất ý nhị và nói lên được ý nghĩa bài học Chúa Giê-su dạy chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.  Mỗi người Ki-tô hữu chúng ta có bổn phận, trách nhiệm và cũng có một ơn gọi để phục vụ người khác. Kẻ ở địa vị cao thì phải phục vụ nhiều hơn. Và ở địa vị cao thì càng gặp khó khăn nhiều hơn, có khi còn cô đơn hơn nữa. Bởi vậy, khi hai người con ông Dêbêđê xin địa vị, Chúa Giêsu đã hỏi: “Chúng con có uống nổi chén đắng không?”

Chúng ta nhận thấy phục vụ và đau khổ là hai đường rầy của đường xe lửa.  Ở đâu có phục vụ, ở đó có đau khổ.  Phục vụ luôn đi kèm với chén đắng, tức là những hy sinh và đau khổ vì 3 lý do sau đây.

Thứ nhất, phục vụ luôn đi đôi với đau khổ, vì chúng ta không thể phục vụ, không thể giúp đỡ người khác, mà chúng ta không phải hy sinh cách nọ cách kia, lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, về thời giờ, khả năng hay tài chánh.  Lý do thứ hai phục vụ luôn đi đôi với hy sinh và đau khổ bởi vì Thiên Chúa luôn kêu mời những ai có những sự đau khổ hãy đặt sự đau khổ của mình trong sự phục vụ người khác.  Thiên Chúa kêu mời họ dùng sự đau khổ của chính mình để hy sinh phục vụ người khác về mặt tinh thần.  Hay nói một cách khác, Chúa kêu mời họ hãy dùng sự đau khổ của mình để kết hợp với sự đau khổ của Chúa Giê-su. Và lý do thứ ba, phục vụ luôn đi đôi với hy sinh và đau khổ, mà chúng ta thường không để ý, không chú ý tới là: hy sinh phục vụ lấy bớt đi những sự đau khổ của kẻ khác. Đó chính là đường lối mà chính Chúa Giê-su đã phục vụ anh chị em đau khổ của Người. Vì thế mà Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, nói với các môn đệ rằng “Con người cũng không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.”

Ông bà anh chị em thân mến. Vậy thì, là những Ki-tô hữu, chúng ta phải xây dựng một tinh thần hy sinh phục vụ người khác, và cách riêng, những người cùng trong một cộng đoàn giáo xứ người Việt chúng ta sống trong thành phố Tulsa này, như thế nào?  Trước hết, chúng ta phải chú ý đến một điều ngăn cản chúng ta xây dựng một tinh thần hy sinh phục vụ người khác, đó là sự chia rẽ và lạnh cảm.  Hay nói một cách khác, chúng ta muốn người khác chú ý đến, phục vụ chúng ta, nhưng chúng ta muốn sống ích kỷ, riêng rẽ cá nhân, không muốn chú ý đến những người chung quanh, hay trong cùng một cộng đoàn giáo xứ, và không hy sinh phục vụ ai hay tham gia vào một điều gì trong giáo xứ. Thứ nhất, chúng ta cố gắng tạo một tinh thần hy sinh phục vụ người khác như của Chúa Giê-su, bằng cách duy trì một đời sống cộng đoàn hiệp nhất, và chú ý đến những khó khăn, những điều cần thiết trong đời sống của người khác, thay vì chú ý đến đời sống của chính mình. Và thứ hai, chúng ta xây dựng một tinh thần hy sinh phục vụ người khác bằng lời cầu nguyện.  Lời cầu nguyện giúp chúng ta ý thức đến những khó khăn và đau khổ của người khác hơn bất cứ một phương cách nào khác.

Ông bà anh chị em thân mến.  Chúng ta cùng cầu xin Chúa trong lời kinh của thánh Phan-xi-cô.  Lạy Chúa từ nhân, xin cho chúng con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa. Ðể chúng con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Ðể chúng con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Lạy Chúa xin hãy dạy chúng con: Tìm an ủi người hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

  Lm. Chánh xứ


 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....