Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Thứ Sáu Tuần Thánh Năm C_2016.

Ông bà anh chị em thân mến. Tối hôm nay, chúng ta tụ họp lại đây để suy tôn Thánh Giá Chúa Giê-su, và suy niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Người. 
Ngày nay và trong xã hội này, chúng ta khó có thể hình dung và cảm nghiệm được sự đớn đau về thể xác và tâm hồn của Chúa khi bị đánh đòn và đóng đinh treo trên thập giá.  Theo các nhà khoa học và y khoa thì cái chết khổ hình thập giá là một cái chết kinh hãi, khiếp đảm và đau đớn. Theo họ, trước khi chịu đóng đinh, một người bị đánh đòn và tra tấn dã man, nhưng rất ít người chết vì sự hành hạ này.  Người tử tội mang những vết đau thương và sau đó bị đóng đinh treo trên thập giá cho đến chết.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tập trung vào những đau khổ của Chúa Giêsu và cho chúng ta biết lý do tại sao Người phải chịu những đau khổ này. Bài Đọc 1 hôm nay trích trong sách I-sa-i-a và được gọi là Bài Ca Người Tôi Trung,  cho chúng ta biết 2 lý do tại sao Người Tôi Trung phải chịu nhiều đau khổ.  Lý do thứ nhất, Người Tôi Trung, ám chỉ  Chúa Giê-su Ki-tô, chịu nhiều đau khổ nơi thân xác, bị bọn lính đập đánh, bị đội mão gai nhọn đâm thấu vào đầu với bộ mặt đầy máu và đau đớn. Thân hình đã rách nát.  Với cảnh tượng như vậy, tiên tri Isaia tưởng rằng dân chúng sẽ động lòng thương xin tha cho Người ngay, nhưng theo bài thương khó thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe, Người đã bị đám đông dân chúng kết án, bắt vác thập giá lên đồi Canvê, bị đóng đanh và treo trên thập giá giống như một tội nhân.   Lý do thứ hai Người Tôi Trung phải chịu những đau khổ vì tội lỗi chúng ta. Người bị tan nát vì sự gian ác của nhân loại chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích của Người mà chúng ta được chữa lành. 

Trong bài đọc 2, thánh Phaolô  xác nhận rằng, vì vâng phục thánh ý Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã phải chịu nhiều đau khổ để trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai vâng phục Người.  Thánh Phao-lô nói “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.”  

Ông bà anh chị em thân mến. Sự khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su nêu ra một câu hỏi: Tại sao Chúa lại phải chịu một cái chết quá đau thương như vậy?  Thưa: vì yêu thương và muốn cứu độ chúng ta, cho nên Chúa muốn chịu khổ hình để gánh lấy tội lỗi của nhân loại, và của tất cả mọi người chúng ta.  Và vì vậy cho nên, đó là lý do chúng ta suy tôn cây Thánh giá của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu chuộc chúng ta hôm nay.  Nhưng tối hôm nay, chúng ta được kêu gọi không đặt chủ điểm vào cây Thánh giá, nhưng đi xa hơn và chú ý đến một điểm quan trọng liên quan đến cây Thánh giá, đó là tình yêu của Chúa Giê-su đã thúc đẩy và đưa Người đến cây Thánh giá, và đó cũng là ý nghĩa sâu sa của cây Thánh giá mà chúng ta tôn vinh hôm nay.

Vì vậy, tôi xin được chia sẻ với ông bà anh chị em 3 ý nghĩa sâu sa của cây Thánh giá Chúa Giê-su để chúng ta cùng suy niệm và cảm tạ Chúa. Ý nghĩa thứ nhất:  Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết cái chết khổ hình của Người trên Thánh giá là một dấu chứng thật chắc chắn về lời Người thường tâm sự với các môn đệ trong suốt cuộc đời là: “Không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình.” (Ga. 15:12)   Ý nghĩa sâu sa thứ hai: Chúa Giêsu muốn cái chết của Người trên Thánh giá là một lời kêu mời sống động cho chúng ta thực hành những gì Người thường dạy các môn đệ trong suốt cuộc đời là: “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con.” (Ga. 15:12)  Ý nghĩa sâu sa thứ ba của cây Thánh giá là: Chúa Giêsu muốn cái chết đau thương của Người trên Thánh giá như là một sự mạc khải về điều Người thường nhắn nhủ với các môn đệ là: tình yêu nối liền với đau khổ.  Chúa nói: “Ai muốn theo Ta phải bỏ mình vác thánh giá.” (Mc. 8:34)

Như vậy, ông bà anh chị em thân mến, cái chết đau thương của Chúa Giêsu trên cây Thánh giá cho chúng ta biết 3 ý nghĩa sâu sa: thứ nhất là một dấu chứng tình yêu cao quí của Chúa; thứ hai là một lời kêu mời sống yêu thương, và thứ ba là một sự mạc khải về yêu thương đi đôi với đau khổ.

Chiều hôm nay, chúng ta tôn vinh cây Thánh giá và suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su, Đấng cứu độ trần gian, để chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu cao cả của Chúa cho chúng ta những người tin và yêu Người.  Động lực thúc đẩy Chúa Giê-su đi vào con đường đau khổ và chết nhục nhã trên Thánh giá chính là tình yêu ơn cứu độ cho chúng ta.  Và đây là bài học yêu thương mà Chúa muốn kêu mời chúng ta là những người tin và yêu Chúa cùng cộng tác với Người để cứu chuộc nhân loại.  Ơn cứu chuộc của Chúa chỉ được thực hiện qua việc sống giáo huấn, và đi con đường thập giá của Người đã đi.  Chúa Giê-su đã vâng theo thánh ý Chúa Cha, và Người cũng muốn chúng ta vâng theo lời Người dạy bảo, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, khó khăn và đau khổ trong cuộc sống vì đức tin, vì yêu thương, và vì Chúa, để biến những đau khổ này trở thành những ơn sủng dâng lên Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh và can đảm để chúng ta trở thành sứ giả lòng thương xót, thể hiện tình yêu của Chúa trong đời sống cho dù phải hy sinh hay phải chịu khổ đau, để chúng ta cùng được vinh quang với Người.
Lm Chánh xứ

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....