Là không thích nhìn mặt,
Là không muốn tiếp xúc,
Là không thèm quan tâm,
Ghét một người là đưa người đó ra khỏi
thế giới của mình, là đối với mình, người đó không tồn tại, người đó có
sống chết thế nào, ta cũng chẳng bận tâm. Ghét là không dành cho người
ta sự đồng điệu, là cho rằng người ta khác với mình và không thể có nét
gì giống mình được. Ghét là đẩy người ta ra xa mình, là quay mặt đi –
quay lưng lại với người ta, là bĩu môi khi người ta nói, là gạt đi ý
kiến của người ta, là có khi chỉ cần nghe nhắc đến cái tên thôi, là ta
đã thấy lòng trào tràn những cảm xúc tiêu cực rồi.
Có thể vì không ưa,
vì không hợp tính cách, vì không chung quan điểm. Cũng có thể vì người
đó xấu tính, người đó đã làm chuyện gì sai, hoặc người đó đã gây ra tai
hại gì đó cho mình. Hoặc, có đôi khi, ghét chỉ vì không thích, thế thôi!
Nhưng cảm xúc của con người lại rất phức
tạp. Ghét một người chưa hẳn là không để ý tới người đó. Phải có sự để ý
đến người đó, ta mới thấy người đó có cái gì đó không hợp, không “cùng
tông” với mình chứ! Phải có sự để ý đến những gì người ta nói, mình mới
“bĩu môi”, mới “gạt đi” được chứ! Tuy không đúng hoàn toàn, nhưng ghét
một người có đôi khi lại là vì quá quan tâm, quá yêu mến… rồi vì sự quan
tâm và yêu mến của mình không được đền đáp, nên mình đâm ra ghét. Hận
một người, đó chẳng phải vì quá yêu người đó mà không được đón nhận đó
sao? Thù một người, đó phải chăng là do đã đặt quá nhiều tin tưởng vào
người đó, nhưng niềm tin ấy bị phản bội?
Thật chẳng dễ chút nào để hiểu được từng
dòng cảm xúc trong con người. Cuộc chiến nội tâm trong con người chưa
bao giờ dừng lại. Thế giới cảm xúc lại rất nhạy cảm với hoàn cảnh bên
ngoài, mà hoàn cảnh thì có bao giờ đứng yên đâu.Giữa yêu và ghét, giữa
thương rồi hận, mến rồi thù… dường như chỉ có một đường ranh rất mỏng.
Con người hạnh phúc rồi khổ đau, cười rồi khóc, sung sướng rồi đau khổ,
cảm xúc cứ đong đưa như con lắc đồng hồ, hay như con lật đật chao đảo
ngã nghiêng. Thậm chí, ta có thể nói rằng chẳng có một sự phân biệt rõ
ràng nào giữa yêu và ghét, bởi cái ghét nằm trong cái yêu và cái yêu đã
hàm chứa cái ghét. Bởi thế, ghét một người chưa hẳn là loại trừ người ta
ra khỏi cuộc sống của mình. Trái lại, càng ghét ai, hình bóng người đó
càng xuất hiện nhiều trong ta, chẳng qua chỉ là với một cung bậc khác.
Khi ghét ai, người chịu thiệt thòi đầu
tiên và nặng nề nhất là chính ta, bởi vì lòng ta lúc nào cũng ngập tràn
những cảm xúc tiêu cực về người ấy. Cảm xúc tiêu cực làm ta khó chịu,
bức bối không yên. Rồi nó làm ta mất giờ bởi cứ phải suy nghĩ về người
ấy với những tư tưởng không hay, ta còn cầu mong những điều không may
xảy ra cho người ấy mà chẳng biết người ấy có gánh chịu những điều tai
hại từ sự chúc dữ của ta hay không. Khi cái ghét lên đến đỉnh cao, ta
còn bày mưu tính kế để hãm hại họ. Và giả như kế hoạch của ta thành
công, cái mà ta có được cũng chỉ là một chút hả hê đắc thắng, chứ không
phải là một sự bình an thẳm sâu. Ta vẫn chẳng có thêm được gì nhưng lại
chỉ mất thời gian và công sức cho những chuyện không đâu. Ta nghĩ rằng
mình đã gỡ bỏ đi được một “kẻ thù” và cuộc sống của ta sẽ thoải mái hơn.
Nhưng khi nhìn lại, ta thấy mình vốn dĩ đã bị mất mát nhiều, nay lòng
hận thù càng đục khoét, nới rộng thêm những chỗ trống thương đau. Ghét
một người, loại trừ một người, chưa bao giờ là phương thế giúp ta có
được bình an.
Con người chúng ta được dựng nên là để
chia sẻ tình thương. Càng mở ra, càng đón nhận người khác, càng phá bỏ
đi những rào cản, ta càng cảm thấy cuộc sống này thật ý nghĩa. Khi ta
được một ai đó đón nhận, ta cũng thấy có một niềm hạnh phúc dâng cao
trong lòng. Đó chính là huyền nhiệm của tình yêu thương mà Tạo Hoá đã
đặt để nơi vũ trụ và nơi từng thụ tạo của Người. Đã đành con người bị
đẩy đưa bởi những cảm xúc vui buồn, yêu ghét. Nhưng con người cũng được
ban cho sức mạnh giúp hướng về điều gì là tốt đẹp để mưu cầu hạnh phúc
cho chính mình. Đừng vì những lý do không đâu mà ghét người ta: ghét vì
ganh tỵ, ghét vì người đó giỏi hơn mình, ghét vì người đó ngăn cản thành
công của mình… Những điều này chẳng giúp ta được điều gì ngoại trừ chỉ
cho ta thấy mình là một con người kém cỏi, nhỏ mọn và hèn nhát ra sao.
Còn nếu cái ghét xuất phát từ một tình
yêu quá lớn bị phản bội hay không được đền đáp thoả đáng hoặc không được
đón nhận như mong chờ, một sự bình tĩnh là rất cần thiết. Biết rằng khi
yêu thì ai cũng mong được yêu lại, và nếu không được như thế thì sẽ rất
đau, nhưng một lòng hận thù nảy sinh lúc đó thì giải quyết được gì.
Người ta phản bội mình, rồi thế nào người ta cũng gánh chịu hậu quả đã
gây ra thôi. Còn nếu ta yêu người đó thật lòng thì hạnh phúc của người
đó mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải một sự chiếm hữu độc
quyền của ta. Đừng vì việc người ta không đón nhận mình mà biến tình yêu
cao đẹp thành sự thù oán chua cay. Luật đời có vay có trả. Ai cho đi
tình thương thì sẽ nhận lại tình thương, còn ai sống trong thù hận thì
chính sự thù hận đó đã là một hình phạt dày xéo tâm can người đó rồi.
Nỗi đau khi mất đi một tình yêu đã đủ lớn rồi, đừng làm cho nỗi đau ấy
lớn lên thêm chỉ vì sự thù ghét của ta. Thay vào đó, hãy xoa dịu nó bằng
sự tha thứ và chân thành. Cuộc sống của ta mới có thể nở hoa được. Bởi
thế,
Hãy dám nhìn nhau
Hãy tiếp xúc với nhau
Hãy quan tâm đến nhau để trao nhau và chia sẻ cho nhau tình thương mến!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét