Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Chúa Nhật 15 Thường niên. Năm C_2016

 

Ông bà anh chị em thân mến. Các bài Kinh thánh Chúa Nhật tuần này chú trọng đến chân lý, giới luật Bác Ái, kính mến Chúa và yêu thương tha nhân, đặc biệt những người lâm cảnh khó khăn. Bài đọc 1 nhắc nhở chúng ta lề luật của Chúa được ghi khắc vào tâm hồn của chúng ta, hướng dẫn chúng ta sống xứng đáng là những người đã được Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài, và khuyên nhủ chúng ta đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày.
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết một người thông thái đến hỏi Chúa Giê-su “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Chúa đã bảo ông hãy sống đức bác ái như Kinh thánh đã dạy: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình.” Nhưng vì người thông thái này muốn biết anh em của mình là ai, cho nên Chúa đã kể câu truyện người Samarita nhân hậu để cho ông biết anh em là ai và phải đối xử với họ thế nào.

Đến đây tôi phải thú nhận với ông bà anh chị em 2 điều.  Điều thứ nhất không liên quan đến ý nghĩa của những bài Kinh thánh hôm nay, nhưng tôi nghĩ ông bà anh chị em có thể cảm thấy vui vui. Số là trưa Thứ Năm tuần vừa qua khi soạn bài giảng, tôi thú nhận đã đọc những bài giảng cũ mấy năm trước đây, và những bài giảng này đã làm cho tôi gần ngủ gật.  Nếu ai gật đầu đồng ý thì sẽ không làm cho tôi buồn hay tự ái!  Điều thứ hai tôi muốn thú nhận là vào những năm khi tôi mới chịu chức linh mục, thật tình tôi không muốn đọc hay nghe câu truyện người Samarita nhân hậu này, vì tôi cảm thấy câu truyện gán cho linh mục những điều xấu không tốt.  Thông thường linh mục là những người tốt, lo lắng quan tâm và sẳn sàng giúp đỡ mọi người.  Nhưng như tất cả mọi người đều biết, thực tế thì không hoàn toàn hoàn như vậy.  Tôi phải thú nhận, đôi khi tôi cảm thấy mình như người tư tế hay trợ tế trong câu truyện, từ chối giúp đỡ những người đang cần sự giúp đỡ, vì ngại ngùng, vì nghi ngờ hay không muốn mang họa vào thân.  Tôi thường đặt nặng vào sự kiện hay những người mà tôi tin chắc chắn cần đến sự giúp đỡ và an toàn, cho nên vì tính toán tôi đã bỏ qua những cơ hội giúp đỡ những hoàn cảnh hay những người có vẻ nghi ngờ. Nhưng càng thêm tuổi, tôi cảm thấy sự tin chắc của tôi càng bớt đi, vì yêu thương đích thực không phải chỉ vươn tay giúp đỡ người khác, mà còn là sự sẵn sàng nhận chịu những thiệt thòi, đau khổ, bị đánh lửa hay bị lợi dụng.  Và đó, tôi nghĩ, là một bài học rất quan trọng của bài Tin mừng hay thực tế hơn là ý nghĩa của câu truyện về người Samarita mà Chúa Giê-su kể cho chúng ta nghe hôm nay.

Ông bà anh chị em hảy tưởng tượng, người Do thái nạn nhân bị đánh cướp có thể đã chết.  Nếu như vậy và nếu đến giúp người chết, thì theo luật tôn giáo thời đó, vị tư tế và trợ tế sẽ bị loại trừ không được cử hành nghi lễ tại đền thờ vì ô uế. Ngược lại, nếu nạn nhân không chết, nhưng giả vờ chết nằm bên lề đường để đánh lừa người khác dừng lại, rồi đồng bọn nấp ở bụi bên cạnh xấn đến cướp của, hành hung và hạ sát. Vì vậy chúng ta thấy trở thành một người Samaritan nhân hậu là một sự mạo hiểm, rủi ro và liều mạng. Và đó, thưa ông bà anh chị em, chính là ý nghĩa của yêu thương.  Chúa Giê-su, Thầy Chí Thánh của chúng ta, cho chúng ta biết và dạy chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay yêu thương đòi hỏi chúng ta phải mở rộng tâm hồn, trái tim và sẵn sàng lãnh nhận những sự rủi ro, thiệt thòi hay bị lợi dụng.

Chúng ta biết vào thời Chúa Giê-su, có sự thù nghịch giữa người Do thái và Samaritan, do đó khi Chúa đưa người Samaritan vào câu truyện, Chúa muốn nói với chúng ta anh em là mọi người, kể cả những người chúng ta không ưa thích và những người thù ghét chúng ta.  Chúng ta thấy người thông thái đã hỏi Chúa Giê-su “Ai là anh em tôi?” nhưng tôi nghĩ rằng có một câu hỏi quan trọng hơn đáng lẽ người thông thái nên hỏi Chúa tiếp theo là: “Vậy, thưa Thầy yêu thương là gì?”  Chúng ta thấy trong xã hội ngày nay, yêu thương là một khái niệm rất phức tạp, và có thể nói rằng trong tâm trí mọi người yêu thương là làm hay giúp đỡ qua những cảm giác thoải mái, có lợi, được cám ơn và đền đáp. Thí dụ như cầu nguyện mà tôi cảm thấy thoải mái và được ơn thì tôi yêu mến Chúa; còn nếu tôi cầu nguyện mà tôi không cảm thấy gì hay được gì, thì tốn thì giờ vô ích.  Nếu tôi đi nhà thờ xem lễ mà tôi không cảm thấy gì, không cảm thấy thoải mái, không “feel good” hay không “getting anything out of it”, thì phí thời giờ vô ích hay tại sao phải đi.  Hay như: nếu tôi làm điều gì cho người nào mà tôi cảm thấy thoải mái, đưa đến lợi lộc, nhận được sự cám ơn và đền đáp là biết thương người. Còn nếu họ không cám ơn, không nhận biết hay coi thường, không đáp trả, thì tôi không ưa thích, không bằng lòng và không đáng làm.  Xã hội tân tiến hôm nay dạy chúng ta đo lường hành động yêu thương bằng những sự tính toán, những cảm giác thoải mái, ưa thích, lợi lộc, cám ơn và đáp trả.  Có những lúc chúng ta cảm thấy thoải mái khi cầu nguyện, ưa thích khi làm điều tốt hay giúp đỡ người khác, nhưng cũng có nhiều lúc không.  Thật sự, hành động yêu thương được đo lường bằng sự cho đi, bằng sự hy sinh, bằng sự dâng hiến không tính toán, và nhưng không, và không mưu ích lợi lộc đáp trả, như trong những việc thờ phượng Chúa, cầu nguyện, hay những việc giúp đỡ quảng đại cho tha nhân.  Người Samaritan nhân hậu có thể cảm thấy thoải mái, sung sướng vì làm việc tốt, bác ái và quảng đại cho người khác, anh không nghi ngờ, tính toán, sợ thiệt thòi hay lo lắng cho sự an toàn.  Anh cũng có thể cảm thấy là một gánh nặng, là một sự hy sinh vì những áp lực, khó khăn mà anh tự tạo cho chính mình.  Chúa Giê-su không cho chúng ta biết cảm giác của người Samaritan nhận hậu, mà chỉ cho chúng ta biết hành động tốt lành, thương yêu và quảng đại không tính toán và nhưng không của anh mà thôi.

Ông bà anh chị em thân mến. Bài đọc 2 xác định cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật.  Vì yêu thương và để cứu độ chúng ta, nên Ngài đã vâng phục và khiêm nhường nhập thể, mặc lấy thân xác hèn mọn con người, chịu nhiều sự đau khổ, bị khinh bỉ, chế nhạo, bị đánh đòn, bị đóng đanh và chết trên thập giá.  Ngài chính là Người Samaritan Nhân Hậu đã đến với chúng ta là những con người đau thương cần giúp đỡ.  Chúa đã giang tay trên thập giá sẵn sàng đón nhận tất cả, chấp nhận tất cả và vui mừng trao ban cho chúng ta tất cả, chỉ vì yêu thương chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta trở thành những nhân chứng và khí cụ tình yêu của Chúa trong một xã hội đầy kỳ thị, hận thù và gian dối hôm nay.  Và là sứ giả lòng thương xót Chúa cho mọi người.       

Lm. Chánh xứ
 


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....