Ông
bà anh chị em thân mến. Các bài Kinh
thánh Chúa nhật tuần này hình như không có sự mừng rỡ. Trước hết trong bài đọc 1, chúng ta nghe đề cập
đến tiên tri Giê-rê-mi-a một người trung thành với Thiên Chúa trong mọi mặt, và
là người mang sứ điệp của Chúa đến cho dân Ngài. Nhưng tiên tri đã bị vu khống và lãnh nhận
“phần thưởng” bằng cách
bị nén xuống giếng sâu và bị bỏ đói cho đến chết. Vì sự
ác độc của những người thù oán, của những người a dua theo lời dụ dỗ và sự từ
chối không lắng nghe lời khuyên bảo của ngôn sứ, dân Do thái đã bị quân
Ba-bi-lon xâm lăng, tàn phá nhà cửa kể cả thành Giê-ru-sa-lem, và bắt đi làm nô
lệ.
Trong
bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe đề cập đến Chúa Giê-su, một tiên tri vĩ đại
nhất trong lịch sử nhân loại. Thánh
Lu-ca cho chúng ta biết Chúa Giê-su đang trên đường đi lên Giê-ru-sa-lem, và
Ngài biết rõ những gì sẽ xảy ra trước mắt.
Chúa tuyên bố sự kiện này qua 3 cách: thứ nhất như một ngọn lửa mà Ngài
đã đem đến thế gian và mong muốn ngọn lửa đó cháy lên; thứ hai như một phép rửa
mà Ngài sẽ lãnh nhận; và thứ ba điều đó sẽ là nguyên nhân đem đến sự chia rẽ.
Chúng
ta thấy lửa và phép rửa mà Chúa tuyên bố có phần hơi khó hiểu. Lửa có nhiều biểu tượng trong Kinh thánh. Tôi xin chỉ đưa ra một vài biểu tượng mà
thôi. Thứ nhất, lửa tượng trưng cho sự
thanh luyện, thiêu huỷ và phán xét. Đó là ngọn lửa từ trời xuống thiêu huỷ
thành Sôđôma và Gômôra, và đó là mưa lửa từ trời xuống như một phần trong ngày
tận cùng của thế giới, hay lửa soi sáng trong ngày phán xét của Thiên Chúa. Chúng
ta thấy lửa trong Kinh thánh Cựu ước biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa như
Chúa tỏ mình ra cho ông Môsê giữa bụi gai cháy rực, hay cột lửa dẫn dân đi
trong sa mạc. Trong Tân Ước, lửa là hình ảnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự
xuống trên các Tông đồ dưới dạng hình lưỡi lửa vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Các Tông đồ
nhận được Chúa Thánh Thần trở nên con người hoàn toàn mới, sốt sắng ra đi rao giảng Tin Mừng và can đảm làm chứng
cho Chúa. Cuối cùng lửa còn tượng trưng cho tình yêu của Thiên Chúa mà chính
Chúa Giê-su đã vâng lời và trung thành đem đến cho mọi người mọi thế hệ qua cái
chết đau thương trên thập giá, nhưng Ngài đã chiến thắng sự chết và sống lại
vinh quang.
Chúa
Giê-su còn tuyên bố về phép rửa mà Ngài sẽ lãnh nhận. Đây là biểu tượng hơi khó hiểu vì như chúng
ta biết Chúa Giê-su đã lãnh nhận phép rửa từ Gioan Tẩy giả tại sông
Gio-đan. Nhưng nếu chúng ta đặt phép rửa
trong bối cảnh Chúa Giê-su hỏi Gia-cô-bê và Gioan khi các ông đòi hỏi Chúa dành
cho 2 ông chỗ bên phải và bên trái Chúa trong vinh quang: “Các con có thể uống
chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc. 10.38),
thì chúng ta có thể hiểu phép rửa ở đây có ý chỉ
về sự thương khó và cái chết khổ nhục của Chúa trên thập giá.
Cuối cùng, Chúa Giê-su tuyên bố Ngài sẽ
đem đến sự chia rẽ: “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư?
Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ.” Câu này tiên báo về những đau khổ, kể cả bị
áp bức và tử đạo mà những người tin theo Chúa sẽ phải lãnh nhận. Nhưng chúng ta thấy ở đây Chúa nhấn mạnh đến
sự chia rẽ giữa những người thân thuộc trong gia đình, vì gia đình là mối giây
liên hệ mật thiết và quan trọng trong xã hội.
Chúa dùng sự chia rẽ trong gia
đình để muốn diễn tả, nhấn mạnh và cho chúng ta hiểu biết thật minh bạch và rõ
ràng: gia nhập vào cộng đồng trong Nước Chúa còn quan trọng hơn mối giây liên hệ
trong gia đình.
Chúng ta tự hỏi “Có phải Chúa Giê-su
đem bình an đến không?” Chắc chắn! Trong
giây phút Chúa giáng trần nằm trong máng cỏ, thiên thần Chúa đã đồng thanh ca
hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời.
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Khi Chúa Giê-su sai các môn đệ ra đi rao giảng,
Ngài dặn dò rằng: “Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người
xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng:
'Bình an cho nhà này'.” Trong Bữa Tiệc
Ly, Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ: “Thầy
để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho
các con không như thế gian ban tặng.” Sau khi sống lại, lời đầu tiên Chúa Giê-su Phục
sinh nói với các môn đệ khi Ngài hiện ra: “Bình an cho các con.”
Ông bà anh chị em thân mến. Tôi phải thú nhận rằng nguồn bình an to lớn
nhất của tôi là sự liên hệ mật thiết với Chúa. Tôi không thể dựa vào ai và như ông bà anh chị
em, tôi chỉ dựa vào Chúa thôi. Chúng ta
nhận biết bình an sâu sa hơn là không có chiến tranh, mà còn là điển hình cho
những ơn sủng và sứ mệnh của Ngài đem đến cho nhân loại. Do đó, khi Chúa đề cập
đến chia rẽ, Ngài muốn nói đến cuộc chiến liên tục giữa sự lành và dữ; giữa ánh
sáng sự thật và bóng tối gian dối; giữa thiện và ác; giữa kiêu căng ích kỷ và
khiêm nhường hy sinh quảng đại; giữa thánh thiện và tội lỗi; giữa những ai tin
theo Ngài và những ai từ chối Ngài. Sự
mong ước của Chúa là đem ơn sủng tình yêu, tha thứ, cũng như lòng thương xót của
Thiên Chúa đến cho những ai chấp nhận Ngài.
Vì vậy, chia rẽ sẽ xảy ra khi người ta từ chối không muốn tin nhận ơn sủng
Chúa ban. Và vì không tin và sống lời
Chúa, cũng như ơn sủng của Chúa, mà chúng ta thấy ngày nay có bao nhiêu cuộc
chiến, khủng bố, giết người và đàn áp đang diễn ra trên thế giới, sự bách hại
trong quốc gia, xã hội chúng ta đang sống, những sáo trộn về đời sống trong gia
đình và sự cám dỗ ngay trong con người chúng ta.
Chúng ta nhận biết cuộc chiến liên tục
này xảy ra ngay trong chính con người chúng ta, khi một bên con người chúng ta
muốn yêu mến và sống lời Chúa dạy, và một bên muốn làm hay muốn sống theo ý
chúng ta, ngược lại với thánh ý Chúa. Cuộc chiến này tiếp tục xảy ra ngay chính
trong gia đình của chúng ta, khi chúng ta phải đối diện với những hoàn cảnh đòi
hỏi chúng ta phải có những quyết định chọn hay đặt Chúa trên hết và trước hết
trong đời sống giữa những người thân thuộc, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị
em với nhau.
Ông bà anh chị em thân mến. Bài đọc 2 trích thư gởi người Do thái hôm nay
đem đến cho chúng ta nguồn ơn sủng và sức mạnh của Chúa. Bài Kinh thánh khuyến khích chúng ta là những
người tin theo Chúa, hãy can đảm, kiên nhẫn và cương quyết sông pha chiến trận
với tội lỗi, sự dữ và gia dối, luôn hướng nhìn thẳng về Chúa Giê-su Đấng đã chiến
thắng tội lỗi và sự chết, là niềm vui và hy vọng của chúng ta. Chúng ta đem đến đây trong Thánh lễ những lo lắng
hay sự đối nghịch trong con người của chính chúng ta, hay với những người thân
thuộc trong gia đình, hay với xã hội bên ngoài. Trong sự hiện diện của Chúa và qua ơn sủng của
Ngài, chúng ta tìm được một chút bình an và lắng đọng trong tâm hồn, nhưng
chúng ta biết cuộc sống vẫn còn những thử thách, khó khăn và cuộc chiến. Chúng ta cầu xin Chúa ban sức mạnh và luôn hướng
dẫn chúng ta để chúng ta sống trong bình an và ơn sủng của Chúa.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét