Ông bà anh chị em thân mến. Các bài Kinh thánh tuần này, đặc biệt là bài
Tin mừng, dạy chúng ta 2 đức tính quan trọng cho cuộc sống Kitô hữu, và cũng là
điều cần thiết để được hưởng hạnh phúc Nước Trời, đó là đức bác ái và tính
khiêm nhường. Nhân ngày kính thánh Monica, thánh bổn mạng của hội Hiền mẫu
trong giáo xứ chúng ta,
tôi muốn chia sẻ tóm tắt câu chuyện cuộc đời của bà
thánh, vì cuộc đời của thánh nhân là một mẫu gương sáng về 2 nhân đức này cho
chúng ta noi theo. Thánh nữ đã sống 2 đức
tính này trong khuôn khổ hôn nhân gia đình vợ chồng và với con cái, vì thế đã
có một tầm ảnh hưởng rộng lớn trong Giáo hội.
Chúng ta nhận biết tất cả
mọi người chúng ta sinh ra và chào đời bằng tiếng khóc và những giọt nướt mắt,
cho nên nước mắt luôn hiện diện trong suốt cuộc đời chúng ta. Có những giọt nước mắt của đau khổ và buồn
phiền, nhưng cũng có những giọt nước mắt của vui mừng và sung sướng. Có những giọt nước mắt bày tỏ cảm tình riêng,
cá nhân, mà còn có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác. Và có
những giọt nước mắt có thể lay chuyển tâm hồn hay biến đổi cuộc đời của người
khác, nhất là những giọt nước mắt của phái nữ, hay những giọt nước mắt của người
mẹ hiền, luôn luôn có một động lực rất lớn và quan trọng đối với con cái.
Mônica
sinh ra vào năm 332 tại làng Su-ca-ra bên Phi Châu, trong một gia đình đạo hạnh
và thánh thiện. Gia đình cha mẹ Monica
có một truyền thống sống đạo đức, bác ái và yêu thương tha nhân. Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình,
Monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, sốt sắng và nhiệt thành. Ngay từ khi
còn nhỏ, Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo một cách đặc biệt. Mỗi bữa cơm, Monica thường dành ra một phần
cho người nghèo đói túng thiếu. Hơn nữa,
Monica lại có một tâm hồn kính mến Chúa chân thật. Bà thường tìm chỗ vắng vẻ để trò truyện thân
mật với Chúa. Monica trân quí những phút giây gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ người
nghèo khổ, cũng như những giờ phút cầu nguyện, tâm sự với Chúa, và cho đó là hạnh
phúc đời mình.
Chúng ta thấy có những người
đạo đức và thánh thiện những vẫn không tránh được đau khổ, gian truân và khó
khăn trong đời sống. Nếu chúng ta đọc
câu chuyện của ông Gióp trong sách Cựu Ước, thì cuộc đời của ông là minh chứng
cho cuộc đời thánh thiện, nhưng gặp toàn những chuyện thử thách, khó khăn và rắc
rối. Thánh Giuse là một người công chính trước mặt Chúa, nhưng cũng gặp những trắc
trở và gian truân. Nếu không hiểu được
thánh ý Chúa, chắc chắn Giuse đã từ bỏ Maria và có thể có những suy tính và
hành động lầm lạc. Cuộc đời của Monica
cũng nằm trong hoàn cảnh ấy.
Năm 22 tuổi, vì vâng lời
cha mẹ, Monica kết hôn với một người đàn ông có tên là Patricius thuộc dòng dõi
quí phái, nhưng tính tình xấu xa, ích kỷ, ngang ngược và độc ác, lại hơn Monica
hai con giáp tuổi. Đau khổ, nhưng cô
Monica đã vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius. Chính sự vâng lời cha mẹ này đã thay đổi cuộc
đời của cô, nghĩa là cô đã chấp nhận điều mình không muốn, không dự tính để biến
nó thành phương cách cứu độ cho mình, và cho người mình sẽ nhận làm chồng chung
sống trong một gia đình, dù biết sẽ phải chịu nhiều đau khổ và phải hy sinh nhiều. Tuy sống trong một gia đình mà chồng là một
người ngoại giáo, nhưng Monica luôn chứng tỏ có Chúa ở cùng. Monica có một niềm
xác tín mình sẽ cứu được một linh hồn trở về với Chúa. Sự thánh thiện, lòng
khiêm nhường, quảng đại và yêu thương, cộng với lòng quả cảm, nhất là đức khiêm nhường, Chúa dạy trong bài
Tin mừng hôm nay, và của Đức Maria khi thốt lên lời “xin vâng” theo thánh ý
Chúa, Monica đã cảm hóa được người chồng
ác độc, ích kỷ và ngoại đạo, ăn năn quay trở lại với Chúa.
Sau này, bà hạ sinh được
3 người con mà Augustinô là con đầu lòng. Monica không nuông chiều con
cái. Bà luôn dậy con cái biết mến Chúa
yêu người. Bà yêu thương con cái một
cách chân thành với tất cả con tim và với một tâm hồn tràn đầy ơn sủng của
Chúa. Nhưng phần đầu cuộc đời của
Augustinô đã gây cho Mônica nhiều khổ đau, gian truân và nước mắt. Nhưng chính nhờ vào những giọt nước mắt yêu
thương chân thành của người mẹ hiền, và nhờ vào lời cầu nguyện kiên trì của bà,
Augustinô sau đó đã ăn năn thống hối quay trở lại, trở thành một chứng nhân vĩ
đại cho Chúa và cho Giáo hội, và trở nên một vị thánh noi gương cho nhân thế.
Ông bà anh chị em thân mến.
Thật vậy, qua những giọt nước mắt chân tình và lời cầu xin tha thiết, cũng như
đời sống thánh thiện, bác ái và khiêm nhường, Monica đã là chứng nhân và là động
lực thay đổi đời sống vợ chồng gia đình và của con cái nên tốt lành và thánh
thiện hơn. Và cũng vì lòng yêu mến Chúa
với tấm lòng bác ái và tính khiêm nhường, Monica đã đổi mới mọi sự và đưa ơn sủng
của Chúa đến cho người khác. Thánh nữ Monica qua đời năm 387, lúc đó bà được 56
tuổi.
Chúng ta phải luôn ý thức khiêm nhường không
phải là cố ý chọn chỗ ngồi ở phía sau, để được chú ý và được mời lên ngồi phía
trước, đó là sự giả hình, giả dối và xấu.
Khiêm nhường cũng không phải là dùng những ơn lành của Chúa ban để tự
cao, tự đại, hay tìm kiếm danh vọng cho mình.
Khiêm nhường mà Chúa dạy chúng ta là biết nhận ra mình được Chúa dựng
nên theo hình ảnh của Chúa, biết nhận ra những ơn lành Chúa ban, có lòng bác ái
cũng như quảng đại xử dụng theo thánh ý Chúa, đem lại hy vọng và sự sống cho
tha nhân, và làm sáng danh Chúa. Vì thế, khiêm nhường là “hạ mình xuống” như
người thợ máy chui xuống gầm xe để sửa những bộ phận hư nơi khó thấy, khó tìm,
để làm cho chiếc xe tốt lại. Như chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã khiêm nhường, tự
hạ mình xuống trần, để mang tình yêu, ơn sủng cứu độ và hạnh phúc Nước Trời đến
cho chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sống lời Chúa
dạy, noi gương thánh Monica, có lòng bác ái và tính khiêm nhường để trở nên giống
như Chúa Giêsu như Người đã nói: “Hãy đến và học cùng ta vì Ta hiền lành và
khiêm nhường trong lòng.” Khiêm nhường
và bác ái không chỉ là đức tính cần thiết cho đời sống Kitô hữu hôm nay, mà còn
là chìa khóa mở cánh cửa Nước Trời ngày mai.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét