Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Xung đột trong đời sống hôn nhân

Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em?

Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. (Gc 4, 1-3)





Xung đột đôi khi khởi đầu từ những chuyện thật vớ vẩn

Một hôm hai anh chị đang ngồi xem tivi, bỗng dưng có một chú chuột phá đám ở đâu chạy vào phòng. Anh bảo: Trời ơi, chuột ở đâu ra mà anh thấy nó chạy ra từ phía tivi vậy? Chị liền bảo: Đâu có, em mới thấy nó chạy từ dưới tủ ra đó. Anh nói: Em có cận thị không vậy? Rõ ràng anh thấy nó từ đây chạy ra. Chị chẳng chịu thua: Có anh mới quáng gà, mê xem ti vi không để ý thì có. Anh phang liền: Cô đừng có nói năng hàm hồ! Liệu ăn nói cho đàng hoàng! Chị trả đủa liền: Đàng hoàng cái gì! Anh nói sai mà không chịu nhận còn nói gì nữa? Anh quát: Câm cái mồm đi! Chính mắt tui thấy rõ ràng mà cô còn cãi bậy bạ nữa hả! Thế là không ai chịu nhận mình sai, lời qua tiếng lại, to tiếng, cãi lộn từ đó đi đến chuyện xúc phạm tự ái, làm tổn thương nhau…


1.  Xung đột, hiện tượng và biểu hiện

•   Xung đột là sự đối nghịch về lập trường. Nó xuất phát từ tiếng latinhconflictus = đụng chạm, sốc. Sự đụng chạm tự thân nó là trung tính. Nó có thể trở thành bất hạnh hay hạnh phúc.

•   Cuộc sống hằng ngày tạo ra nhiều đụng chạm, không hẳn mang tính bạo lực, liên quan đến quyền lợi, những nỗi sợ hãi hay những ước muốn của đôi vợ chồng. Vợ chồng thích ứng khá tốt. Nhưng nếu chúng tích tụ, lặp đi lặp lại và không được hiểu, và giải quyết đúng đắn có nguy cơ gây rạn nức hay đổ vỡ hôn nhân.


Biểu hiện của xung đột

•   Xung đột nhiều khi bắt đầu từ những chuyện vớ vẩn như thế đấy, nhưng rồi từ đó lại trở nên trầm trọng đến độ không lường được nếu người ta không bình tĩnh, xử sự cách khôn ngoan.

•   Xung đột có thể biểu hiện trực tiếp hay gián tiếp, qua lời nói, thái độ xử sự, cách sống. Ví dụ: ăn nói cộc cằn, cộc lốc, cãi vã, chửi bới to tiếng, hoặc thờ ơ lạnh nhạt vô tâm, không đối thoại, lơ là, tránh né việc thể hiện âu yếm, ân ái vợ chồng, bỏ nhà đi chơi, hay nán lại chỗ làm vô cớ, có những quan hệ mờ ám, hay người thứ ba… hay ngấm ngầm quỷ quyệt bằng việc áp bức, đe dọa, ép buộc, hăm dọa, tác động, áp lực.

•   Lầm lẫn giữa khủng hoảng và xung đột vợ chồng

•   Dĩ nhiên, sự rối loạn gây ra bởi một sự khủng hoảng có thể bị lầm lẫn với một xung đột: sự quân bình hiện hữu bị phá vỡ và sự mất quân bình này được cảm nhận như thể tạo nên lo lắng, nản lòng, đe dọa, hoặc như một dấu chỉ hy vọng, cuộc sống mới. Ngắn hay dài, chậm rãi hay đột ngột, khủng hoảng là một sự chuyển tiếp giữa một tình trạng ổn định tương đối trước đây và việc tìm kiếm một sự quân bình mới.

•    Vợ chồng trải qua một cơn khủng hoảng không hẳn ở trong tình trạng đối đầu, vì vợ chồng là một thực thể năng động, sống động, biến đổi không ngừng.


2.   Xung đột là quy luật của đời sống xã hội

•     Nhà xã hội học Max Weber định nghĩa tương quan xã hội như một “cách sống hổ tương của nhiều cá nhân điều chỉnh cách sống của mình dựa vào nhau và từ đó tự định hướng chính mình”. Cách sống này có thể được diễn tả dưới hình thức hòa hợp, yêu thương hay ngược lại bất hòa, hận thù.

•    Như thế, mọi tương quan xã hội, trong đó có tương quan vợ chồng, mang một tiềm năng kép: yêu thương và thù hận. Dù cần thiết cho sự phát triển của bản thân do chính sự hiện hữu của người khác, người khác kiềm hãm sự hoàn hảo của tôi và tôi cảm nhận điều đó như một sự hụt hẫng.


Xung đột là điều không thể tránh khỏi.

•    Mọi cặp vợ chồng đều mong chung sống hòa bình, nhưng sự chung sống lại có vấn đề. Người ta khó có thể sống một mình, nhưng cũng khó khi sống hai mình. Mỗi người cần người khác chấp nhận mình, nhưng không thể tránh khỏi việc bất đồng xã hội do khác biệt.

 

•    Dù có yêu nhau, hợp nhau, gần gũi đến đâu đi nữa cũng sẽ có lúc quyền lợi, hành vi, nhu cầu của họ đối nghịch nhau. Không thể có chuyện, cũng không thể mong hai người suy nghĩ, cảm nhận hay hành động luôn luôn giống nhau.

•   Nếu như một số gia đình cảm nghiệm sự hài hòa, thì nơi một số gia đình khác lại là hỏa ngục theo cách nói của Sartre.

“Đấu tranh là quy luật, cấu trúc của bản thể” (Jean Lacroix)

•   Biểu hiện rõ ràng của sự sống là đấu tranh. “Đấu tranh là quy luật, cấu trúc của bản thể” (Jean Lacroix). Sống đấu tranh, cũng thế đời sống của vợ chồng không ở tình trạng tĩnh nhưng động.

•   Chỉ không có xung đột khi một trong hai người không dám khẳng định chính mình, thể hiện chính mình. Hoặc cả hai là thánh nhân.

•   Cho dù có cố kìm nén chịu đựng đến một lúc nào đó cũng bùng nổ và khi đó xung đột còn có nguy cơ trầm trọng hơn, có thể dẫn đến chia tay tức khắc vì sự bùng nổ đó sẽ gây ra một cú sốc vô cùng nặng có thể đánh gục đối phương vì họ chưa bao giờ được chuẩn bị để đón nhận, chưa từng có kinh nghiệm, chưa được vắc xin đề phòng.

“Thương nhau lắm cắn nhau đau”.

•   Ở một mình thì thấy cô đơn buồn chán, có người khác để bầu bạn tâm sự lúc đầu thì vui lắm nhưng sau lại bực bội khó chịu, cãi cọ. Giống y hệt tình trạng của ông bà nguyên tổ. Kinh Thánh nói rằng dù Adam có muôn thú xung quanh, nhưng vẫn cảm thấy cô đơn, phòng không chiếc bóng, không có người trợ tá tương xứng. Đến khi Chúa rút từ xương sườn của ông tạo nên Eva, Adam mừng rỡ reo lên “Ôi phen này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi, đó cũng là tiếng reo vui của thân xác được thỏa mãn niềm vui tình dục với người bạn đời đồng loại với mình. Nhưng chẳng bao lâu sau, cũng chính Adam lại bực tức đổ tội cho Eva: chính người đàn bà này đã xúi giục tôi…

Mãi mãi vẫn là thế!

•   Đó cũng là tình trạng của đời sống hôn nhân ngày nay. Ở xa nhau, cách mặt nhau thì xem ra nhớ nhau, cảm thấy cô đơn trống vắng. Không sống được bởi vì bị lấy mất một phần của chính mình, xương thịt của chính mình, như Hàn Mặc Tử đã tùng viết:

Người đi một nửa hồn tôi mất,

Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.

•   Trước viễn cảnh đánh mất nửa kia của mình người ta buồn lắm. Thế nhưng, khi nửa ấy vẫn ở bên mình, liệu người ta có nhận ra đó là điều quý giá hay không? Hay đến khi gặp lại nhau, vui thỏa chưa được bao lâu, thì lại đụng độ, gây gỗ, xích mích.


Phải chăng là số phận?

•   Phải chăng đó là số phận nghiệt ngã của con người. Do đâu vậy? Đó chính là hậu quả của nguyên tội. Con người nghĩ tự mình có thể mang lại hạnh phúc cho chính mình. Con người nghĩ kẻ khác chỉ là phương tiện để thoả mãn bản thân mình. Bao lâu con người còn nhận được sự thỏa mãn mà kẻ khác mang đến cho mình con người còn vui thích, nhưng khi không được thỏa mãn như ý mình con người lại hụt hẫng, trở mặt, thay vì nhận ra nguyên nhân sâu xa là do tính ích kỷ của mình, con người lại nghĩ là do người khác.


Xung đột đã có ngay từ đầu

•   Vào thời nguyên tổ, dĩ nhiên là đã có những xung đột, những đụng chạm, nhưng những điều này không hề có ý nghĩa tiêu cực. Chúng chỉ có nghĩa là giữa hai tính cách được tạo dựng khác nhau xảy ra những khác biệt, những đối nghịch có thể quản lý, và do đó có thể giải quyết một cách thỏa đáng.

•   Người nam và người nữ được tạo nên để lớn lên, tiến triển và triển nở bằng cách phong phú hóa chính mình một cách chính xác bằng sự khác biệt của họ. Dù khác biệt, họ bình đẳng, cùng một bản tính và cùng một nhân phẩm và bổ túc cho nhau.


Tội lỗi đồng phạm đã chia rẽ con người

•   Sau những thời điểm hạnh phúc, hiệp nhất trong việc chấp nhận những khác biệt và giới hạn của mỗi người, giữa cặp vợ chồng đầu tiên này nẩy sinh sự bất hòa, sự tố cáo, sự bất đồng.

•   Nhà thần học Gérard Von Rad nói “Lời bào chữa này của Adam là dấu hiệu của một sự hiệp thông từ nay bị cắt đứt giữa con người. Sự liên kết trong tội nơi đó họ đoàn kết với nhau trước Thiên Chúa là sự liên kết sau cùng mà họ từ chối nhìn nhận”.

•   Adam tố cáo và phản bội vợ mình. Tội lỗi đồng phạm đã không đoàn kết nhưng chia rẽ con người. Và sự chia rẽ lan đến hai đứa con của cặp vợ chồng này. Cain đã giết Abel.

Hỏa ngục là kẻ khác?

•    Phải chăng J.P Sartre có lý khi nói thế. Vậy để tránh hỏa ngục chẳng lẽ ta chấp nhận sống một mình ư? Được không? Dĩ nhiên là không!

•   Vì con người được tạo nên để sống với. Vì thế Kinh Thánh mới nói: Thiên Chúa tạo dựng con người là nam và nữ. Tự bản chất và kinh nghiệm cho ta thấy ta không thể sống một mình được. Vậy ta phải sống với kẻ khác. Điều tạo nên hỏa ngục đúng ra không phải là kẻ khác mà chính là sự từ chối tha tính, từ chối có một ai đó khác ta, không giống như ta mà ta phải phải tôn trọng, phải sống với phải chấp nhận như thế.

•   Lẽ ra thay vì loay hoay vất vả vì cái tôi của mình, ta phải xây dựng cáichúng ta.


Khác biệt và bất đồng từ đấy mang mầm mống hủy hoại

•     Mối quan hệ giữa con người từ lúc ấy trở đi mang dấu vết của việc đánh mất khả năng quản lý khác biệt và bất đồng. Những khác biệt và bất đồng này tự khởi đầu mang tính xung đột, giờ đây mang một ý nghĩa hủy hoại.

•   Không biết phong phú hóa chính mình bởi những khác biệt của nhau và chấp nhận những đối nghịch như chuyện bình thường, con người gây đau khổ cho nhau.

 
 Ảo tưởng hòa hợp trong hôn nhân

•             Người ta bị cám dỗ tin rằng do tự bản chất vợ chồng là nơi của sự tin tưởng, hòa đồng, là cảnh bình an giữa một xã hội xung đột. Việc hai người ở chung với nhau vì họ yêu nhau có những bất đồng xem ra không thể chấp nhận được. Vì họ nghĩ rằng họ không thể có bất đồng được, họ chối bỏ điều đó.

•             Họ có lợi hơn khi nhận ra những bất đồng và chấp nhận sự việc vợ chồng của họ phải chịu cùng những vấn đề tương quan như mọi nhóm khác. Họ không thể sống trong sự không tưởng vì điều đó bao hàm những nguy cơ.

Mơ một sự hòa hợp trường cửu là một điều không tưởng

•             Ta thường mơ đến một sự nhất trí hoàn hảo không thích đụng độ, ta thích không phải đối đầu, nhưng đó chỉ là một giấc mơ không thể có, một ảo tưởng.

•             Ta cần phải chấp nhận thực tại này, đương đầu với nó. Sự nhất trí, việc không có đối nghịch là một điều không tưởng, lý tưởng hóa, chứng tỏ một sự không hiểu biết về sự kiện, về thực tại.

•             Không tin thực tại của xung đột cũng là một thái độ bệnh hoạn, một hình thức cổ lỗ bảo vệ chống lại việc chất vấn nền tảng của cuộc sống, chống lại yêu cầu của một sự tiến triển không ngừng mà cuộc sống bao hàm, và chống lại câu hỏi then chốt mà sự chết tạo nên.

3.            Vì sao người ta tránh đụng độ?

•             Chủ nghĩa lý tưởng hóa này cũng là một cách vô thức và cực chẳng đã tự vệ chống lại việc ta thường xuyên bị người khác chất vấn. Người khác chính là người chất vấn chúng ta về sự sống và cái chết của riêng ta.

•             Ngang qua những cuộc tranh cãi, người bạn đời cho tôi thấy người ấy nhìn tôi như thế nào, tôi thực ra là thế nào. Nếu tôi từ chối thực tại bất đồng, chính là vì nó đụng chạm đến hình ảnh tích cực về chính tôi hay về cha mẹ tôi mà tôi đã tạo nên với biết bao mệt nhọc trong suốt thời thơ ấu. Có thể tôi trốn tránh sự đụng độ mà tôi coi như thể một sự cạnh tranh với người khác: tôi không muốn mất.

Từ chối đụng độ vơi người khác là từ chối sự hiện hữu của họ

•             Từ chối đụng độ người khác, là khinh khi chính sự hiện hữu của họ: “Không cần phải mất công, tôi sẽ không mất giờ với anh/cô ta”. Tôi trở nên như thể vắng mặt, tôi vắng mặt đối với người bạn đời.

•             Khi cho rằng người ấy không xứng với bất kỳ sự từ chối, sự đối nghịch, tôi đặt người ấy trong một sự cô lập kinh khủng, tôi khinh thường việc người ấy khác với tôi, người ấy hiện hữu với tư cách là một ngôi vị. Tôi biến người ấy thành một kẻ sống mà như thể đã chết.

Từ chối đụng độ là ước mong một cuộc sống đơn điệu

•             Một cuộc sống chung lúc nào cũng hòa hợp có lẽ trơn tru bề ngoài nhưng vô nhân tính và như thế phát sinh sự chết. Một cuộc sống như thế có thể là nguồn của sự buồn chán. Giống như thể những kỳ nghỉ mà không có hồi kết thúc: và với thời gian người ta sẽ nhàm chán. Hoặc như thể một nghĩa trang, quá yên hàn. Những luật lệ, nhằm tránh những nếu người ta tăng thêm những rào chắn, những luật lệ, nhằm tránh những bất đồng, người ta không còn tự do nữa và tính sáng tạo giảm đi.

•             Khi vợ chồng từ chối thực tại tranh cãi của mình, cuộc sống chung trở nên đơn điệu, tĩnh tại chứ không còn năng động.

Từ chối bất đồng có thể là ước muốn chuyên chế

•             Một người bạn khi nghe hai vợ chồng khoe cuộc sống gia đình của họ lúc nào cũng trời quang mây tạnh bẻ lại: “Vậy thì có khác nào sa mạc!”

•             Hơn nữa, thật nghịch lý ước muốn của con người là xung đột. Thật thế, những tranh cãi trầm trọng nhất xuất phát từ việc từ chối bất đồng. Người ta cãi vã nhân danh sự hòa đồng mà người ta muốn áp đặt lên người khác.

•             Sau cùng, việc tìm kiếm nhất trí có nguy cơ dẫn đến sự chuyên chế, là cách thức diễn tả ước muốn quyền hành và thống trị kẻ khác.

Từ chối xung đột là ép buộc tự do

•             Nhiều người mong mỏi một cuộc sống hai người không có bất đồng đi đến kết luận một cách lô gich là giải pháp nằm ở sự nhất trí trong tư tưởng: như thế sẽ không còn lý do để đối nghịch, không còn cơ may xung đột.

•             Họ theo triết gia Hobbes, cho rằng vì những xác tín cá nhân dẫn đến sự đối nghịch, cần phải làm mọi sự để chúng không thể có khả năng diễn tả. Theo ông, chỉ có ý kiến của kẻ thống trị là chính đáng.

•             Điều này nhắc ta nhớ lại câu nói của Rousseau trong Contrat social: “Kẻ nào muốn phá vỡ sự nhất trí này, người ta sẽ ép buộc nó trở nên tự do”, nghĩa là vâng lời ý muốn chung.

Xung đột không chỉ mang ý nghĩa tiêu cực

•             Xung đột có thể tạo mầm mống của sự hủy hoại.

•             Xung đột gây ra sự mệt mỏi, stress, chán chường, sự cách biệt, làm giảm hứng thú trong quan hệ.

•             Xung đột có khi là nguyên nhân của những cãi vã, to tiếng bạo lực, ẩu đả, rạn nứt, đổ vỡ, chia cắt nếu chồng chất lâu ngày, không được xử lý đúng đắn và kịp thời.

Ý nghĩa tích cực của xung đột.

•             Tình yêu thực sự chỉ có thể kiểm chứng qua đời sống hôn nhân trong đó người ta có điều kiện thực sự khám phá về nhau, về cuộc sống, công ăn việc làm, sinh hoạt, giải trí, các mối quan hệ gia đình xã hội và về việc giáo dục con cái. Và từ đó nẩy sinh những xung đột.

•             Những xung đột là một thách thức, một trắc nghiệm về tình yêu và tương quan vợ chồng, về nền tảng của hôn nhân, về khả năng nội lực của ta, để xem tình yêu của ta có nền tảng vững chắc, để có thể vượt qua khủng hoảng, khó khăn, có chủ động đương đầu với khó khăn hay thụ động buông xuôi.

•             Xung đột là một biểu hiện cho thấy đời sống vợ chồng còn tồn tại.

Xung đột giúp ta khám phá bản thân và người khác và trưởng thành hơn

•             Xung đột giúp ta thể hiện chính mình, khám phá chính mình, căn tính của mình.

•             Xung đột tạo điều kiện cho ta trưởng thành qua việc khám phá thêm con người của mình và người phối ngẫu để nhờ đó sống tương quan vị tha tốt hơn.

•             Xung đột buộc ta nhận ra sự hiện hữu của người khác, nhìn nhận sự khác biệt của người bạn đời, tạo điều kiện để ta hiểu người bạn đời của mình, tạo cơ hội đưa đến sự cảm thông hỗ tương, một sự hiệp nhất sâu xa hơn.

 

Gioakim Trương Đình Giai

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....