Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Con cái sẽ trở thành một món đồ chơi nếu thiếu tình yêu của Cha Mẹ

Là một người cha mẹ tốt, chắc chắn bạn từng có “những giấc mơ về đứa con của mình” trong suốt thời gian chín tháng mười ngày cưu mang, thậm chí là cả trước khi hoài thai, thì chúng ta đã mơ và đã tưởng tượng ra từng nét mặt, ánh mắt, nụ cười, và cả một hành trình giáo dục con cái nên người cho đến khi con bạn trưởng thành. Đó là một điều tốt lành và phù hợp với phẩm giá của một người làm cha làm mẹ, bởi lẽ “bạn không thể có một gia đình mà không có những giấc mơ. Một khi gia đình mất khả năng mơ, thì con cái không thể lớn lên, tình yêu không thể triển nở, sự sống sẽ khô héo và chết” (ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Amoris Laetitia, [AL]169).


Tất nhiên, trong những giấc mơ về con cái của mình, bạn không thể thiếu một dưỡng chất vô cùng quan trọng là tình yêu. Vì “tình yêu muốn mang lại sự sống” và “con cái bạn được yêu thương ngay cả trước khi chúng xuất hiện”. Chính tình yêu của bạn dành cho con mình mới thật sự làm cho nó trở nên một con người với sự phát triển trọn vẹn và hài hoà. Thiếu mất yếu tố này, thì “đứa trẻ sẽ trở thành một món đồ chơi thuần tuý” (AL 172). Tuy nhiên, trong thực tế, khi nhìn vào các gia đình và đời sống xã hội hôm nay, chúng ta thấy có vẻ như “nền văn minh sự chết” đang lấn loát và thắng thế “nền văn minh tình thương”. Các bậc làm cha mẹ dường như đang không biết cách yêu thương, hoặc thật sự không còn một chút tình thương nào cho con cái của mình, ngoài những chăm sóc thuần tuý mang tính bản năng của con người, mà yêu thương thì vượt trên và cao cả hơn hết mọi bản năng tự nhiên mà chúng ta được phú bẩm. Chính yếu tố thiếu yêu thương hoặc không được yêu này mà hiện quá nhiều bạn trẻ đang sống một đời sống hết sức lệch lạc về mọi phương diện, và lẽ dĩ nhiên, “trở thành một thứ đồ chơi thuần tuý”, bởi lẽ “cảm giác bị mồ côi đang ảnh hưởng trên nhiều con trẻ và người trẻ ngày nay đang sâu xa hơn chúng ta có thể tưởng nghĩ” (AL173).
 

Sự nhầm lẫn về tình yêu đầu tiên mà các bậc cha mẹ dành cho con cái là lòng lo lắng thái quá về yếu tố vật chất. Theo đó, đại đa số các đôi vợ chồng đều bị áp lực tài chính và vật chất dư dật cho con làm cho choáng ngợp, họ lao mình ngày đêm vào công việc kiếm sao cho thật nhiều tiền để cốt sao cho con cái mình được hưởng những gì là tốt đẹp nhất trong cuộc sống, từ áo quần, thực phẩm, nhà cửa, đến chuyện giáo dục, thậm chí ngay cả khi đứa trẻ còn đang ở trong nôi. Đương nhiên, những điều này “là điều hợp pháp và thực ra là đáng mong ước”, nhưng chúng ta không thể phớt lờ sự cần thiết mà con cái muốn có đối với sự hiện diện của người mẹ, đặc biệt là trong những tháng đầu đời” (AL 173). Từ đây, kéo theo sự vắng mặt thường xuyên của hoặc người cha, người mẹ, hoặc cả hai. Họ giao phó con cái cho ông bà hoặc cho bà vú để thoái thác trách nhiệm yêu thương và chăm sóc con cái, trong khi đó, đứa trẻ cần tình yêu, sự dịu dàng, nụ cười, ánh mắt, và sự hiện diện đầy tình yêu thương đối với nó. Ông bà hay bất cứ ai dù yêu thương con chúng ta đến mấy cũng không thể thay thế được tình yêu và sự hiện diện thiêng liêng đầy tình mẫu tử và phụ tử của chúng ta. Sống trong hoàn cảnh liên tục phải thiếu vắng cha mẹ, đứa trẻ sẽ trở thành một con người khác, phát triển không quân bình, hài hoà, và nhất là chúng sẽ mang lấy nguy cơ trở thành “một món đồ chơi”cho những người xấu trong xã hội.
 

Sự nhầm lẫn kế đến mà các bậc cha mẹ dễ mắc phải là sự nhầm lẫn giữa yêu thương và suy nghĩ lầm lạc khi coi con cái như là “một món phụ kiện hoặc một giải pháp cho một số nhu cầu cá nhân” (AL 170). Chính trong sự nhầm lẫn nguy hiểm này mà tình thương họ dành cho con cái là có điều kiện thay vì vô điều kiện. Nếu một đứa trẻ được sinh ra như họ mong đợi, xinh đẹp, tài giỏi, ngoan ngoãn thì họ sẽ thể hiện tình yêu của mình hết mức, tạo mọi điều kiện cho đứa trẻ phát triển, vì họ biết chắc rằng rồi đây nó sẽ mang lại cho họ một lợi ích nào đó, hoặc thoả mãn một giấc mơ nào đó của riêng họ; còn nếu một đứa trẻ được sinh ra mà không theo như mong đợi của họ về một số phương diện nào đó thì họ sẽ phớt lờ, bỏ mặc, hoặc chăm sóc cách hời hợt như thể “con họ không xuất hiện vào thời điểm tốt nhất” (AL 170). Chúng ta thấy rõ biểu hiện này ngang qua hiện tượng phổ biến ngày nay là nhà nhà đưa con mình lên các chương trình gameshow trên truyền hình với mục đích không lành mạnh, mà nguy hiểm hơn có thể giết chết mọi sự phát triển tự nhiên của đứa trẻ, dù thành công hay thất bại. Đây là một kiểu phóng chiếu tâm lý từ cha mẹ sang con cái mình. Trong khi đó, “một đứa trẻ là một con người nhân loại với phẩm giá lớn lao và không bao giờ được phép sử dụng cho lợi ích riêng tư của một người” (AL 170), và tất nhiên, “chúng ta yêu thương con cái của mình bởi vì chúng là con cái, chứ không phải vì chúng đẹp, nhìn hoặc nghĩ giống như chúng ta, hoặc mặc lấy giấc mơ của chúng ta. Chúng ta yêu mến con cái vì chúng là con cái. Một đứa con là một đứa con” (AL 170).
 

Chúng ta cần ý thức rằng, “con cái là một quà tặng. Mỗi đứa con là độc nhất và không thể thay thế” (AL 170), để từ đó chúng ta biết thể hiện tình yêu, sự chăm sóc, giáo dục một cách đúng đắn dành cho con cái mình. Nếu trong tư tưởng của chúng ta đang tồn tại não trạng suy nghĩ rằng con cái phải là một phương tiện để thoả mãn hết mọi lợi ích và dự tính của chúng ta, thì đã đến lúc chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận và hãy can đảm thay đổi nếu chúng ta không muốn phải hối hận vì dù sau này có rực rỡ và thành công vang dội trong bất cứ lãnh vực nào của đời sống xã hội, thì đứa con ấy vẫn cứ là “một món đồ chơi thuần tuý” cho xã hội và những người mà nó gặp gỡ, bởi lẽ đứa con ấy “cảm thấy là nó được mong đợi” (AL 170) thực sự từ trái tim đầy yêu thương của cha mẹ nó, một trái tim đầy ắp tình yêu thương vô điều kiện thay vì đầy điều kiện như hiện nay. Chúng ta đừng quên, di sản lớn nhất mà chúng ta để lại cho con cái là tình yêu thương, niềm tin, niềm hy vọng, chứ không phải những sự chóng qua mà chúng ta đang nỗ lực phấn đấu để đạt tới mà lãng quên bổn phận yêu thương con cái mình.
 
Joseph C. Pham – Chuyên Gia Huấn Luyện Tư Duy, Kĩ Năng Sống & Giá Trị Tinh Thần
Nguồn: http://muoianhsang.com/

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....