Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Chúa Nhật 2 Mùa Chay. Năm A_2017

Bài Tin mừng Chúa nhật thứ 2 mùa Chay hôm nay là nền tảng Kinh thánh cho Mầu nhiệm Thứ Tư trong Năm Sự Sáng của Kinh Mân côi: Thứ Tư thì ngắm: Chúa Giê-su biến hình trên núi.  Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.  Chúng ta biết mùa Chay là thời gian Lời Chúa và Giáo hội kêu gọi chúng ta ăn năn sám hối, hy sinh làm việc bác ái để cải thiện đời sống.  Nhưng tại sao Giáo hội lại đưa câu chuyện Chúa biến hình này vào mùa Chay và vào thời điểm này?”

Trước khi trả lời câu hỏi đó, tôi xin đuợc kể một câu chuyện vui như sau: Ông Tư là môn đệ rất trung thành của thần "lưu linh, thần rượu".  Triết lý sống của ông là “sáng xỉn, chiều say, tối lăn quay.”  Một hôm, ông Tư hết rượu, hết "chất liệu" để giải cơn sầu, cho nên ông gọi và sai con là cu Tí xách chai đi mua cho ông mấy xị đế.  Cu Tý vâng lời ba cầm chai đi mua nhưng không thấy ba đưa tiền, nên hỏi: “Thưa ba, ba đưa tiền cho con đi mua.” Ông Tư lè nhè trả lời: “Không có tiền mà mua được rượu đế mới giỏi chứ con.”  Nghe vậy, cu Tý xách chai đi mua, một lúc sau trở về, để chai không trên bàn. Ông Tư nhắc chai không lên hỏi: “Tại sao chai trống rỗng, không có rượu, như vậy làm sao mà uống?” Cu Tý giở chiêu “gậy ông đập lưng ông” và thưa rằng:  “Thưa ba, không có rượu mà ba uống được mới hay chứ!”

Ông bà anh chị em thân mến.  Biến cố biến hình xảy ra sau khi Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đệ về sự đau khổ, sự chết và sự sống lại của Người.  Chúa nói với các môn đệ: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.”  Lời tuyên bố này đã làm cho các môn đệ sửng sốt và không thể chấp nhận được.  Thật vậy, làm thế nào mà có thể chấp nhận được điều đó xảy đến cho Thầy mình, một người nổi tiếng làm được nhiều phép lạ, được coi là một Đấng Thiên Sai đến để giải phóng dân tộc khỏi ác nô lệ của ngoại bang. Và Chúa cũng biết rất khó giải thích một cách rõ ràng sứ vụ của mình đến thế gian không để làm vua, không để làm cách mạng lật đổ nhà cầm quyền, mà để thi hành một sứ mệnh khó khăn hơn nữa, đó là kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, thay đổi cuộc sống để lãnh nhận tin mừng ơn cứu chuộc.
 

Thực sự, các môn đệ đã chứng kiến những phép lạ kỳ diệu mà Chúa Giêsu đã làm, từ việc hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng ăn; cho người đui mù được thấy; chữa cho người què quặt đi được; người bị quỷ ám trở lại bình thường; và thậm chí cho người chết sống lại.  Vì lý do đó, các môn đệ không thể chấp nhận, không thể tin vào những điều tai mình vừa nghe, và cũng không có thể hiểu được tại sao Chúa Giêsu lại nhận chịu sự đau thương và chết nhục nhã trên thập giá như một tử tội.  Hy sinh chịu những sự khổ cực đi theo Chúa, các ông mong ước có cuộc sống tương lai sung sướng và hạnh phúc.  Vì thế làm sao các ông có thể chấp nhận trở thành chứng nhân cho một lý tưởng không có thật, hay phải đối diện với sự thất vọng sau những cố gắng, hy sinh, từ bỏ và đau khổ.  Có lẽ các môn đệ đã không chú ý đến câu rất quan trọng theo ngay sau đó là: “ngày thứ ba sẽ sống lại.”
 

Ông bà anh chị em thân mến.  Biến cố Chúa biến hình nói gì với chúng ta?  Qua biến cố biến hình, Chúa muốn dạy chúng ta điều gì?  Biến cố Chúa biến hình mang đến cho chúng ta niềm hy vọng trong thời điểm chúng ta đối diện với những khó khăn thử thách hay đau khổ vì đức tin, vì Tin mừng và vì Chúa.  Biến cố Chúa biến hình soi sáng và cho chúng ta biết ý nghĩa của những sự hy sinh vì đức tin, vì Tin mừng và vì Chúa. Biến cố biến hình mang đến cho chúng ta niềm hy vọng vui mừng, bình an và ân sủng của Chúa. Nói cách khác, qua sự biến hình, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ, và cho chúng ta thấy kết quả của những sự hy sinh, đau khổ và trung thành, đó là bình an, hạnh phúc, vui mừng và vinh quang bất diệt.   Hy sinh, đau khổ và cả sự chết không phải là câu nói cuối cùng trong cuộc sống của những người tin theo và yêu mến Chúa, vì Người đã tiên báo cho chúng ta biết “ngày thứ ba sẽ sống lại”, và hứa chúng ta sẽ chia sẻ vinh quang của Người trong Nước Trời: “Thật vậy, ý của Cha là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”  (Ga. 6:40)

Đây là là một lời hứa, một sự bảo đảm và là một sứ điệp mang đến cho chúng ta một niềm tin và hy vọng trong những thời điểm phải hy sinh, khó khăn và đau khổ.  Các môn đệ muốn ở lại trên núi vì những cảm giác tuyệt vời trong sự vinh quang của Thiên Chúa qua con người của Chúa Giê-su.  Nhưng Chúa Giê-su biết còn phải thi hành và hoàn thành sứ vụ trước mắt mà Chúa Cha đã trao phó, cho nên, Chúa cho các môn đệ biết phải xuống núi và tiếp tục hành trình cứu độ nhân loại.

Ông bà anh chị em thân mến. Trong mùa Chay này, Lời Chúa và Giáo hội mời gọi chúng ta “biến hình” bằng cách hãm mình, ăn chay, cầu nguyện, hy sinh làm việc lành phúc đức, quảng đại và tham dự Thánh lễ hằng ngày, để trở nên đồng hình, đồng dạng như Chúa Giê-su Ki-tô.  Trong mầu nhiệm thứ tư Chúa biến hình trong Kinh Mân côi, chúng ta được kêu gọi lắng nghe và thực hành Lời Chúa, vì như chúng ta vừa nghe tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người.”  Chúng ta tin Lời Chúa là ánh đèn soi cho cuộc hành trình đức tin của chúng ta, và sẽ đem lại cho chúng ta niềm hy vọng, ơn lành, hạnh phúc và vinh quang Nước Trời.
 Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....