Có một câu chuyện được kể lại
về một thiếu niên được bầu làm trưởng nhóm trong một khu nội trú với 20 học
sinh khác. Thiếu niên này được bầu làm trưởng nhóm vì những lời nói hay việc
làm của em đều có ảnh hưởng mạnh đến hành động, thái độ và lời nói của những
học sinh khác trong nhóm.
Một ngày kia, một học sinh mới
đến học và được chỉ định đến ở chung khu vực của thiếu niên trưởng nhóm này. Khi đến giờ ngủ, cậu học sinh mới này tự nhiên
và nghiêm trang quỳ xuống bên cạnh giường cầu nguyện. Mấy học sinh cùng khu vực cười khúc khích có
vẻ nhạo báng và chế diễu. Thậm chí một
học sinh đã ném chiếc giầy vào học sinh mới đang quì cầu nguyện.
Đêm hôm ấy, thiếu niên trưởng
nhóm không ngủ ngay được. Em nằm đó trằn
trọc, đầu óc liên tưởng đến sự việc đã xảy ra cho học sinh mới. Em hồi tưởng đến người mẹ và những kinh, lời
cầu nguyện của mẹ đã dạy mỗi đêm trước khi đi ngủ, mà em chưa bao giờ cầu
nguyện từ khi đến trường nội trú này.
Tối hôm sau, các học sinh trong
phòng chờ đợi và sẵn sàng để châm biếm, chọc cười và chế diễu cậu học sinh mới
này. Tuy nhiên khi đến giờ ngủ một việc bất ngờ xảy đến. Khi cậu học sinh mới quì xuống bắt đầu cầu
nguyện, thì thiếu niên trưởng nhóm cũng quì xuống cầu nguyện. Khi các học sinh khác thấy trưởng nhóm quì
xuống cầu nguyện thì từ bỏ những việc đã dự định sẵn.
Ông bà anh chị em thân mến.
Câu chuyện đơn giản trên diễn tả đầy đủ ý nghĩa bài học của Chúa Giêsu dạy
chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay, “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời
thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy. Còn ai chối Thầy trước mặt người
đời, Thầy sẽ từ chối nó trước mặt Cha Thầy. ”
Lý do tại sao Chúa Giêsu nói
với chúng ta câu này? Bởi vì, như câu
truyện ở trên, làm chứng và tuyên xưng hay không có một sự ảnh hưởng lớn lao
tới những người chung quanh, đặc biệt là trong khung cảnh thu hẹp gia đình của
chúng ta. Đời sống đức tin, đạo đức và
gương sáng của cha mẹ hay việc làm chứng cho Chúa hay không có một tầm ảnh
hưởng lớn lao đến đời sống của con cái lúc còn nhỏ trong hiện tại mà còn trong
tương lai. Chúng ta thấy rõ đời sống đức
tin của cha mẹ em học sinh mới và của em trưởng nhóm trong câu truyện đã dẫn
dắt các em trở thành nhân chứng cho đức tin, cho Chúa trước mặt các học sinh
khác.
Một cuộc thăm dò một số vợ
chồng Công Giáo đã kết hôn được 25 năm cho biết họ đã cầu nguyện chung với nhau
từ ngày cưới. Lúc đầu, họ chỉ đọc những
kinh thông thường như Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh hay lần hạt Mân côi. Nhưng với thời gian và sau những kinh này, họ
cầu nguyện bằng cách nói lên những ưu tư và cầu xin những ơn cần thiết cho gia
đình, để thoát khỏi tình trạng căng thẳng hay những vấn đề khó khăn mà họ đang
gặp phải. Những cặp vợ chồng này đã thú
nhận lúc đầu thì không dễ dàng. Họ cảm
thấy rất khó khăn và ngượng ngùng khi nói lên những ưu tư và lo âu trong cuộc
sống. Nhưng sau đó, qua lời cầu nguyện
chân thành xin Thiên Chúa soi sáng cho họ nhận rõ sự thật, cũng như cam đảm xin
Chúa giúp để vợ chồng hiểu biết đời sống của nhau hơn và cố gắng sửa đổi để vượt
qua khó khăn, thử thách. Họ thành thật
tâm sự rằng sau đó cách cầu nguyện này là những nguồn ơn sủng đặc biệt cho
chính họ.
Một người đàn bà trong số được
thăm dò đã nói: “Trong gia đình khi còn nhỏ, tuy chúng tôi ngủ khác phòng nhưng
cửa phòng không đóng, cho nên tôi đã lắng nghe những lời cầu nguyện của cha mẹ
trước khi đi ngủ. Giọng trầm bổng của
lời kinh cầu thiết tha là một sự an ủi tuyệt vời và thấm vào tâm hồn chúng tôi.
Đôi khi, cha mẹ tôi gọi chúng tôi vào ngồi chung cùng cầu nguyện và nghe Kinh
Thánh với họ.
Ông bà anh chị em thân
mến. Đây là một gương sáng, một sự chứng
nhân đặc biệt mà Chúa Giêsu đề cập đến trong Tin mừng hôm nay, và rất quen
thuộc với các bậc làm cha mẹ và ông bà trong gia đình, và Chúa Giêsu kêu mời
chúng ta thực hành. Nếu chúng ta nghe
Lời Chúa dạy đem ra thực hành, chắc chắn sẽ thay đổi đời sống và sự liên hệ
giữa vợ chồng một cách tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn, cũng như sẽ có ảnh hưởng tốt
đến đời sống của con cái.
Thế nhưng, điều gì cản ngăn
chúng ta làm chứng cho Chúa trong gia đình hay ngoài xã hội? Chúa
Giêsu ám chỉ 3 lần trong bài Tin mừng hôm nay đó là sợ. Sợ ngượng ngùng trong gia đình, sợ bị dòm
ngó, bị chế diễu ngoài xã hội, nhiều khi sợ làm dấu Thánh giá trước khi ăn ngoài
công chúng. Và trong cả 3 lần, Chúa nói với các môn đệ ngày xưa “Đừng sợ”, và
Chúa cũng nói với chúng ta hôm nay “Đừng sợ.”
Thứ nhất, Chúa dạy: “Chúng ta
đừng sợ người ta”, lý do là chẳng có gì che dấu mà sẽ không bị lộ ra, và chẳng
có gì kín đáo mà sẽ không được biết đến. Khi nói như thế Chúa cho chúng ta biết
Chúa xét xử công minh, chính trực, sự thật sẽ toàn thắng, cũng như sự chứng
nhân cho đức tin, cho Tin mừng và cho Chúa sẽ toàn thắng vinh quang trong ngày
phán xét.
Thứ hai, Chúa nói cho chúng ta
biết đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn, có nghĩa là hành
động của những người chống đối và bách hại những chứng nhân của Chúa, không thể
lường được. Họ chỉ có thể giết chết được
thân xác. Thiên Chúa mới là Đấng có thể
lên án chết cho cả xác hồn.
Và thứ ba, Chúa cho chúng ta
biết: “Các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn
chim sẻ bội phần”, có nghĩa là đừng sợ vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương
và ban ơn cứu độ, vì thế Thiên Chúa quan phòng và chăm lo cho những ai biết sống
chứng nhân, biết tôn thờ, kính mến và phụng sự Người. Chúa muốn nói với chúng
ta đừng sợ những khó khăn, thiệt thòi khi sống đức tin, sống cho sự
thật, cho công chính, cũng như sống bác ái, quảng đại, hy sinh phục vụ. Đừng sợ khi bị người khác đe dọa, chế diễu,
nói xấu và thù hằn khi rao giảng Lời Chúa, và làm chứng cho Chúa.
Ông bà anh chị em thân
mến. Đừng sợ làm chứng cho Chúa là tin
mừng mà Chúa muốn cho các môn đệ ngày xưa và chúng ta hôm nay biết, để chúng ta
an tâm và vui mừng. Đây cũng là tin mừng
có thể thay đổi không những cuộc sống của chúng ta, của gia đình mà còn cho
những người thân yêu và những người sống chung quanh. Xin Chúa ban cho chúng ta can đảm để chúng ta
làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, và giúp chúng ta nhận biết sự
quan trọng làm chứng cho Chúa trong gia đình chúng ta.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét