Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Chúa Nhật 22 Thường niên. Năm A_2017

Ông bà anh chị em thân mến.  Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa tiên báo cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn của Người sắp đến.  Khi loan báo điều này, Chúa muốn cho các ông biết mục đích sứ vụ của Người.  Và để chu toàn sứ vụ đó, Chúa nói với các ông, Người phải hy sinh chấp nhận và chịu những sự khó khăn, đau khổ, vác và chết trên thập giá. Tuy nhiên, Chúa cũng cho các ông biết một cách rõ ràng là thập giá không phải
là cùng đích, có nghĩa là Người đến không để tìm sự đau khổ và cái chết, nhưng qua sự đau khổ và cái chết, sẽ đem đến niềm tin yêu và sự sống mới trong Thiên Chúa như lời Tin mừng xác quyết: “Người sẽ chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngày thứ ba Người sẽ sống lại vinh hiển.”  

Chính vì tình yêu bao la, lòng vâng phục tuyệt đối, cùng với sự từ bỏ và khiêm hạ thẳm sâu, Chúa Giêsu đã biến thập giá, một công cụ của hình phạt, trở thành Thánh giá, một biểu tượng của tình yêu, ơn cứu độ và sự sống mới trong Thiên Chúa Cha.  Vì vậy, Chúa nói rõ cho chúng ta biết Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đánh mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống.”  Có nghĩa là Chúa muốn nói đến sự sống và sự chết, cái được và cái mất của người Ki-tô hữu chúng ta.  Đây là qui luật sống để hướng dẫn đời sống đức tin của chúng ta, nhưng chúng ta muốn hỏi “Qui luật đó là qui luật gì để chúng ta áp dụng vào đời sống Ki-tô hữu?”

Thứ nhất, như chúng ta đều biết, nhất là trong xã hội này, bất cứ cuộc sống nào, công trình nào, kế hoạch nào hay quyết định nào cũng đòi hỏi một sự đầu tư, có nghĩa là vốn tiền bạc hay sự hy sinh, cố gắng công sức và thời giờ vào công việc đó.  Và trong bất cứ cuộc đầu tư nào cũng có cái mất và cái được, cái bỏ ra và cái thu vào luôn gắn liền với nhau.  Cái mất thường luôn đi trước để mở đường cho cái được sẽ đến sau.  Có mất trước thì mới được sau và nhiều khi cái được sau nhiều hơn, như chúng ta thường nghe “Bỏ con tép, bắt con tôm.”  Đó là định luật chung cho bất cứ cuộc đầu tư nào.  Những cuộc đầu tư càng dài hạn, càng đòi hỏi nhiều vốn thì càng sinh nhiều lợi.

Như chúng ta biết, trong đời sống hôn nhân gia đình, muốn có hạnh phúc và hòa thuận suốt cuộc đời, vợ chồng phải “bỏ vốn đầu tư” dài hạn và liên tục.  Bỏ vốn thời giờ, sự hy sinh và từ bỏ chính mình cho nhau và cho gia đình thì cái được là yêu thương, hòa thuận và hạnh phúc sẽ đến theo sau.  Chúng ta biết yêu thương, hạnh phúc và hòa thuận sẽ không đến nếu chúng ta không đầu tư bỏ vốn trước.  

Cũng thế, dự án, kế hoạch xây dựng ngôi thánh đường mới của giáo xứ chúng ta để làm nơi thờ phượng, kính mến Chúa, sống đức tin người Việt Nam và làm sáng danh Chúa, cũng cần “vốn đầu tư” về tài chánh, về công sức, về thời giờ và sự hy sinh của mỗi người giáo dân trong giáo xứ, trong thời gian chuẩn bị này.  Chúng ta biết, mặc dầu kế hoạch sẽ gặp những khó khăn, trở ngại và thử thách, nhưng với đức tin và sự hiệp nhất, cùng với ơn Chúa phù giúp và đồng hành, chúng ta tin sẽ vượt qua và thành công.  Và chúng ta cũng tin chắc rằng phần thu được về phía của chúng ta mà Chúa sẽ ban sẽ to lớn, cao quí và sẽ sinh ra nhiều “lợi lộc” khác nữa.

Thứ hai, chúng ta thấy chính Chúa Giê-su đã thực hiện một cuộc đầu tư quan trọng trong kế hoạch cứu độ nhân loại, và Người cũng đã theo qui luật nói trên.  Khi sinh xuống trần, Người đã khiêm nhường đem vị thế Thiên Chúa của Người bỏ vào số vốn để đầu tư cho ơn cứu độ nhân loại.  Thiên Chúa Cha cũng đã dùng Con Một Ngài vào số vốn đầu tư trong kế hoạch chuộc tội cho con người.  Đây phải là một kế hoạch quan trọng như thế nào thì Thiên Chúa mới thực hiện, mới làm như vậy!

Ngoài ra chúng ta thấy chính Chúa Giê-su cũng đã làm một cuộc đầu tư quá thua lỗ, khủng khiếp.  Người đã bỏ ra số vốn đau khổ và cái chết nhục nhã trên thập giá để đánh đổi lấy sự sống cho loài người.  Chúa đã nhận lấy phần xấu cho mình vì yêu thương chúng ta. Giá đầu tư cao như vậy thì cái lợi mà Thiên Chúa muốn mang đến cho nhân loại phải lớn, quan trọng và cao quí như thế nào.  Vì thế, chúng ta thấy Chúa Giê-su đã đặt một câu hỏi rất quan trọng cho chúng ta “Nếu được lợi cả trần gian, mà mất sự sống đời đời thì được ích gì?”  

Sau cùng, là nếu chúng ta muốn sống trong ân sủng bình an của Chúa đời này và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, thì chúng ta cũng phải thực hiện một cuộc đầu tư cho chính mình.  Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho chúng ta biết rõ “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.”  Con đường thập giá của Chúa xem ra thất bại trước mắt người đời, nhưng lại là con đường Chúa đã đi, con đường đưa tới tình yêu, tha thứ và sự sống vĩnh cửu. Vì thế, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta cùng đi con đường này để nhận được những ơn sủng đó.

Thánh Thomas More, tên của giáo xứ hàng xóm của chúng ta trên đường 129, là thủ tướng nước Anh dưới thời vua Henry thứ 8.  Ngài bị tù vì không chịu chối đạo và sau đó bị kết án tử hình.  Vợ tới thăm và hỏi chồng: “Tại sao anh không lo cứu sống mình?”  Ngài hỏi lại: “Này em! Theo em nghĩ, thì anh sống ở trần gian này bao lâu nữa?”  Người vợ trả lời: “Em nghĩ rằng ít nhất 20 năm nữa.”  Ngài trả lời: “Em đề nghị cho anh một hành động hết sức điên dại.  Để sống 20 năm mà phải hy sinh cả cuộc sống đời đời sao!”  Thánh Thomas More đã hiểu được ý nghĩa, giá trị Lời Chúa dạy, thà mất đời này, để được đời sau. 

Ông bà anh chị em thân mến.  Chúa không hứa cuộc đầu tư của chúng ta vì Chúa, vì Tin mừng và vì đức tin này sẽ mang đến nhiều tiền bạc, nhà tiệm hay danh vọng hơn, nhưng sẽ nâng cao giá trị và phẩm giá cuộc đời chúng ta.  Nếu chúng ta sống Lời Chúa kêu mời, trở thành chứng nhân cho Chúa và Tin mừng, biết hy sinh, có lòng bác ái và quảng đại, chúng ta sẽ sống trong sự vui mừng, an bình và ân sủng của Chúa đời này và đời sau. 
Lm. Chánh xứ
   


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....