Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Trắc nghiệm chính mình trong tình yêu

Lúc còn trẻ, tôi khá tự tin để hiểu tình yêu thật sự có ý nghĩa như thế nào. Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều trải nghiệm tình yêu theo một cách nào đó: yêu ai và được ai yêu. Hầu như ai cũng biết yêu một người nào đó, một người bạn, một người quen, một người trong gia đình.

Tuy nhiên càng lớn tuổi, tôi càng tự hỏi, liệu tôi, hay những người khác, có hiểu được ý nghĩa thật sự của hai chữ tình yêu, hai chữ mà chúng ta dùng quá nhiều không? Nếu chúng ta thành thật, chúng ta có nhận thức được có một khoảng cách so với ý nghĩa trọn vẹn của nó không. Tại sao vậy?
Bởi vì càng lớn tuổi, chúng ta càng bắt đầu thấy khía cạnh tiêu cực của tình yêu. Các trải nghiệm này quá thông thường: Chúng ta yêu và tưởng rằng tình yêu đó sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng khi bị hất ra, chúng ta cảm thấy tình yêu là một cái gì đó chua chát, lạnh lẽo, phản bội, chúng ta cảm thấy mình bị tổn thương và còn làm tổn thương người khác nữa. Cuối cùng, còn hơn cả đau khổ, tất cả chúng ta đều nhận thấy, càng ngày cuộc đời chúng ta càng có những người lạnh lùng, chua cay, hẹp hòi đến nỗi chúng ta luôn cảm thấy không thoải mái khi thương và được thương.
Trong ánh sáng của thái độ ngập ngừng này, tôi muốn nhắc đến lời dạy quan trọng nhất của Đức Giê-su: “Các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con!”
Chúng ta rất dễ đọc câu này theo cách thức ngây thơ, lãng mạn, phiến diện, và quá tin tưởng. Tuy nhiên lời dạy bảo này chứa đựng thách thức quan trọng nhất của toàn bộ Phúc Âm, giống như phần sâu sắc nhất của Phúc Âm là phần liên hệ đến thập giá Đức Giê-su, vô cùng, vô cùng khó để noi theo. Tại sao?
Thật dễ dàng để tự xem mình đang yêu nếu chỉ nhìn vào một khía cạnh của sự việc, đúng hơn, cách chúng ta tiếp cận với những người dễ thương, nồng hậu, tôn trọng, và tử tế với chúng ta. Nếu chúng ta tự đánh giá mình qua cách cảm nhận về chính bản thân mình trong những khoảnh khắc đẹp nhất với bạn bè cùng quan điểm, chúng ta dễ dàng kết luận là chúng ta đang yêu thương mọi người và chúng ta thực hiện được lời dạy bảo của Đức Giê-su về tình yêu.
Tuy nhiên nếu chúng ta bắt đầu nhìn thẳng vào những điều cốt lõi trong các mối quan hệ thân thiết của chúng ta, sự tin tưởng ngây thơ đó sẽ sớm tiêu tan: Thế còn những người ghét chúng ta, người chúng ta không thích thì sao? Người chúng ta tránh mặt và người tránh mặt chúng ta thì sao? Người làm chúng ta oán giận thì sao? Người mà chúng ta xa lánh, chúng ta loại ra vì cảm thấy nghi ngờ, lạnh lẽo, tức giận thì sao? Người mà chúng ta không thể nào tha thứ được thì sao?
Đó là yêu người nào yêu mình, nhưng yêu người nào muốn giết hại mình là một chuyện khác!
Và đó mới là thử thách thực sự. Lời dạy dỗ của Đức Giê-su về tình yêu có một vế quan trọng “như ta đã yêu thương các con!” Đâu là điều đặc biệt nhất trong cách Ngài yêu thương chúng ta?
Đó là nơi Đức Giê-su hướng bản năng tự nhiên  của chúng ta, mọi mù quáng của chúng ta vào trong lời dạy dỗ của Người, để yêu thương kẻ thù của mình, nồng hậu với người dửng dưng, dễ thương với người dữ dằn, làm điều tốt cho người ghét mình, tha thứ cho người làm tổn thương mình, và cuối cùng yêu thương và tha thứ cho kẻ muốn giết hại mình.
Hơn bất cứ công thức giáo điều hay giáo lý đạo đức nào khác, lời dạy bảo hãy yêu thương và thứ tha cho kẻ thù là thử thách của người kitô-hữu. Chúng ta có thể hăng hái tin tưởng và bảo vệ tín điều, nhiệt thành chiến đấu cho công lý trong mọi chiều kích; tuy nhiên thử thách đích thật là liệu chúng ta có thể là đóa hoa của Đức Giê-su hay không, có khả năng tha thứ cho kẻ thù, giữ được lòng nhiệt thành, thân thiện, yêu thương những người lạnh lùng và thù ghét mình hay không.
Chúng ta không nên tự lừa dối mình ở điểm này. Giải thích theo kiểu lý luận thì dễ, và nếu chúng ta làm điều này thì chắc chắn, luôn luôn có những người đồng tình chung quanh chúng ta, sẽ cung cấp đủ dữ kiện về mặt thần học, cũng như tâm lý để thanh minh cho chúng ta trong việc không yêu thương kẻ thù. Tuy nhiên Phúc Âm vẫn kiên định: Chúng ta yêu thương hoặc không yêu thương không phải theo cách chúng ta đáp trả với những người yêu thương mình, nhưng đáp trả qua cách chúng ta đối xử với những người ghen ghét, lạnh lùng, căm thù, và đằng đằng sát khí với mình.
Đó là một khó khăn rất lớn, chân lý không bao giờ lay chuyển trong lời dạy của Đức Giê-su về tình yêu và khi chúng ta thành thật, chúng ta phải thừa nhận rằng, luôn luôn chúng ta ở xa tầm mức này.
Có một thách thức buồn buồn trong lời bài hát xưa cổ của Stevie Nicks, bài Goldust Woman: Bà đề nghị, ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, nếu có ai đó “đập tan ảo tưởng của chúng ta có về tình yêu” thì thật là tốt, bởi vì nó hay che khuất các ý định đúng đắn của chúng ta; chúng ta hay lèo lái tình yêu và tình yêu của chúng ta thì vị kỷ. Quá thường xuyên, lời ca cho thấy chúng ta là những người không biết yêu thương, người chọn con mồi một cách vô thức.
Những gì đập tan ảo vọng về tình yêu của chúng ta là sự hiện diện của những người ghét chúng ta. Đó chính là trắc nghiệm. Nó ở nơi đây, nơi chúng ta phải trắc nghiệm: nếu chúng ta có thể yêu thương người ghét mình, chúng ta mới là những người thật sự biết yêu, nếu chúng ta không làm được, thì muôn đời chúng ta vẫn ở dưới trướng của một ảo tưởng vị kỷ.
Ronald Rolheiser, 20-05-2007
J.B. Thái Hòa dịch

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....