Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Chúa Nhật 31 Thường Niên. Năm A_2017

 
Có một câu chuyện vui được kể như sau. Một bà đến nói với linh mục chánh xứ: “Thưa cha con khổ quá, tại vì đã lâu lắm rồi, nhà con bỏ không đi nhà thờ, không xưng tội rước lễ. Con không biết phải khuyên nhà con như thế nào nữa.”  Cha xứ hỏi:  “Vậy ông có nói lý do tại sao ông bỏ không đi nhà thờ và không xưng tội rước lễ không?”  Bà trả lời: “Thưa cha, chồng con gàn, cứng đầu và ngang bướng, nhưng ông ấy nói cũng có lý, nên con không biết nói làm sao để tranh luận với ông ấy được. Nhà con nói rằng:
“Tôi thấy nhiều người giả hình siêng năng đi nhà thờ, đọc kinh xem lễ, gia nhập hội đoàn này, nhóm nọ, nhưng chẳng có tinh thần công bằng, đạo đức bác ái thật gì cả. Đến nhà thờ xem lễ, đọc kinh, làm nọ làm kia, nhưng về nhà thì sống bê bối, chửi đánh vợ, ra xã hội và tới công sở thì tham lam, gian dối, hẹp hòi, ích kỷ và kiêu căng.  Lời nói không đi đôi với việc làm.  Nhiều người còn phê bình, chỉ trích, nói hành nói xấu người khác, chê bai, nói xấu cả cha xứ.  Họ sợ xấu hổ, không dám làm chứng cho đức tin, cho đạo của mình.  Đi lễ, đi nhà thờ, đọc kinh mà sống như thế thì vô ích, càng thêm tội.  Đến nhà thờ chỉ thấy toàn là những người giả hình, vậy thì đi làm gì! Họ cũng đâu có khá gì hơn tôi đâu!”  

Nghe như thế, cha xứ nói với bà: “Ông nhà nói rất đúng đấy. Bà đừng cãi với ông làm gì.  Nhưng bà về nói với ông như thế này: ‘Cha bảo là cha đồng ý với ông trăm phần trăm. Ông nói rất có lý. Và cha nhắn tôi về nói lại với ông là ở nhà thờ vẫn còn chỗ trống cho thêm một người giả hình nữa. Cha mời ông đến để gia nhập đầy nhà thờ cho vui!’”

Ông bà anh chị em thân mến. Tôi tin chắc rằng không ai trong chúng ta có thiện cảm với những người giả hình, lời nói không đi đôi với việc làm. Chúng ta càng không ưu thích những người thường chỉ trích, nói xấu hay vu khống cho người khác những điều không có thật, những điều xấu.  Bên ngoài họ có vẻ đạo đức, tự cao, tự đại, nhưng lại không có đời sống hiệp nhất, công bằng, ngay thẳng, không có tấm lòng hy sinh, phục vụ, nhất là bác ái và quảng đại.  Đó cũng là lý do tại sao trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa thẳng thắng lên án gắt gao những người biệt phái và luật sĩ, những người có đời sống giả hình và tự cao.  Họ tự cho mình là đạo đức dạy dân chúng về cách sống đạo.  Thế nhưng Chúa đã nhìn thấy những sai lầm trong đời sống đạo của họ, làm hoen ố, mất ý nghĩa và làm cho người khác coi thường đạo. Nhân đó, Chúa đã đưa ra mấy bài học cần thiết, thiết thực cho những người tin yêu Chúa, cho tất cả chúng ta hôm nay, để sống đạo, không phải để theo đạo mà thôi.

Bài học thứ nhất Chúa muốn dạy chúng ta là đừng nói, hãy làm. Chúng ta biết có một khoảng cách rất lớn giữa lời nói và việc làm, giữa lý thuyết và thực hành, giữa ước mơ và hiện thực hay giữa lý tưởng với thực tại.  Và chúng ta cũng biết nói thì dễ nhưng làm thì khó, vì vậy người ta dễ rơi vào thói nói nhiều làm ít, hay chỉ nói suông mà không làm, hay còn tệ hơn, xấu hơn là việc làm mẫu thuẫn, nghịch với lời nói.  Chúng ta thấy có những người phê bình, chỉ trích, nói xấu người khác khi họ vắng mặt thì dễ, nhưng sống hiệp nhất, hy sinh, chân thành yêu thương và quảng đại thì khó hay không làm. 

Khi lên án gắt gao những người biệt phái và luật sĩ, Chúa muốn dạy chúng ta đừng nói nhiều, nhưng hãy làm, thể hiện tình hiệp nhất, hy sinh, yêu thương và quảng đại bằng những việc làm, hành động cụ thể.  Chính những việc làm này minh chứng đạo thật, và mới có sức thúc đẩy cũng như thuyết phục người khác.  Đạo lý hay Lời Chúa dù có hay, có đẹp, có ý nghĩa và có ơn sủng đến đâu nếu không thực hiện thì cũng vô ích.

Bài học thứ hai mà Chúa muốn dạy chúng ta là hãy làm một cách khiêm tốn.  Thực ra, những người Biệt phái không phải là những người không làm.  Họ là những người có sống, có làm.  Nhưng họ làm gì cũng muốn phô trương mình đạo đức, kiếm danh lợi hay muốn được khen thưởng, vinh danh, hay muốn cho người khác biết họ giữ đạo cặn kẽ.  Thói phô trương, tự cao dễ biến thành tự phụ và kiêu căng, không tôn trọng và coi thường người khác. 

Khi lên án gắt gao những người Biệt phái và luật sĩ, Chúa muốn dạy chúng ta sống đạo, thực hành Lời Chúa trong sự khiêm nhường và kín đáo.  Khiêm nhường và kín đáo làm việc đạo đức, hy sinh, bác ái và quảng đại là những dấu chỉ lòng yêu mến Chúa chân thực.  Lòng yêu mến Chúa chân thực sẽ dẫn chúng ta đến thái độ khiêm nhường biết kính trọng người khác, biết thông cảm và tha thứ, biết hy sinh phục vụ anh chị em và biết quảng đại xây dựng tình yêu thương hiệp nhất, cùng nhau xây dựng Nước Chúa.

Bài học thứ ba mà Chúa muốn dạy chúng ta là hãy làm đúng vị trí.  Người Ki-tô hữu hay người đạo đức chân thực sẽ luôn sống dưới ánh mắt của Chúa, nhờ đó nhận thức được vị trí của mình trước mặt Chúa và anh chị em.  Người đó biết rõ những gì mình có trong tay là do ơn lành Chúa ban, và cũng hiểu rõ quyền năng phát xuất từ Chúa.  Dù được Chúa đặt làm cha, làm thầy dạy, làm người dẫn đầu hay làm bậc cha mẹ, tôi vẫn là con cái của Chúa, tôi đại diện Chúa làm và chu toàn những công việc Chúa trao ban.  Trước mặt Chúa, tôi chỉ là người anh chị em với mọi người.  Vì lãnh nhận trách nhiệm từ Chúa, nên tôi chỉ là người phục vụ, phải cố gắng chu toàn, làm tốt nhiệm vụ làm cha, làm thầy dạy, làm người hướng dẫn, làm cha mẹ, làm công việc đạo đức, bác ái hay phục vụ.  Sống đúng với vị trí của mình giữa lòng cộng đoàn anh chị em cùng một đức tin và thờ phương một Chúa, tôi càng yêu mến Lời Chúa và càng biết khiêm tốn hy sinh, phục vụ và quảng đại hơn.

Qua những bài học Chúa dạy chúng ta hôm nay, xin cho chúng ta biết lắng nghe và nhất là sống Lời Chúa dạy, biết sống yêu thương, hy sinh phục vụ, bác ái và quảng đại noi gương Chúa, để những việc chúng ta làm đẹp lòng Chúa và mang lại những ơn lành hồn xác cho chúng ta.

 Lm. Chánh xứ






Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....