Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng. Năm B_2017.


Ông bà anh chị em thân mến.  Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng hôm nay bắt đầu cho mùa phụng vụ mới.  Vọng là mong, là chờ.  Mùa Vọng là mùa mong  chờ ngày Chúa đến. Trước hết, chúng ta có 4 tuần mùa Vọng được tượng trưng cho 4 cây nến đặt trong vòng hoa trước bàn thờ đây, để chuẩn bị và sửa soạn tâm hồn cho đại lễ kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh cách đây hơn 2 ngàn 17 năm.  Và thứ hai, chúng ta suy niệm và hướng tâm hồn về
ngày Chúa đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết, cũng như chuẩn bị cho ngày Chúa đến cuối đời mình.  Bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta Chúa đến một cách bất ngờ, vì vậy chúng ta phải chuẩn bị bằng cách lắng nghe và sống Lời Chúa dạy, luôn tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi Chúa đến trong ân sủng và an bình.

Có một ký giả thường xuyên viết những bài bình luận thương vụ về xe hơi cho một tạp chí chuyên nghiệp.  Ông cũng là tác giả của một cuốn sách nổi tiếng có tên là: “Drive It Forever”, tôi xin tạm dịch là “Lái Xe Muôn Đời.”   Năm 1986, ký giả này mua một chiếc xe Ford cũ của Mỹ đời 1984, và nhờ một thợ máy danh tiếng bậc nhất tu bổ chiếc xe này cho đến khi được tuyên bố như là xe mới.

Sau đó, ông mướn một điều tra viên đi với ông đến 250 tiệm sửa xe trong 33 tiểu bang khắp nước Mỹ, để viết một bản báo cáo nhận định kỹ năng và sự chân thật của thợ sửa xe.  Trước khi dừng lại tại một tiệm sửa xe nào, ông kéo dây “bu-ri” (spark-plug) lỏng ra làm cho máy chạy không đều.  Một sợi dây bu-ri lỏng là một điều rất dễ nhận ra và sửa dù chỉ là một thợ mới ra trường hay mới vào nghề.

Thế thì điều gì đã xảy ra tại 250 tiệm sửa xe khi người thợ máy xem xét? Chúng ta hãy nghe chính ông ký giả này viết lại sau cuộc điều tra: “Tôi chỉ bằng lòng 44 phần trăm, 56 phần trăm còn lại, người thợ máy xe đã sửa những bộ phận không cần sửa, thay thế những bộ phận không phải thay thế hoặc tính tiền những công việc không làm.  Tệ hơn nữa là những công việc họ sửa chữa lại tạo ra những trở ngại, vấn đề khác.  Tổng cộng có hơn 100 trở ngại vô ích đã được kê ra trong các chi phiếu tốn phí từ 1 trăm đến 1 ngàn đô la.”  Ông cho biết tiếp rằng một việc vô lý đã xảy ra tại một tiệm sửa xe trong thành phố Tucson, tiểu bang Arizona.  Khi ông đưa xe cho vợ lái đến tiệm sửa xe, người thợ máy đã gắn sợi dây bu-ri vào nhưng trong hóa đơn trả tiền thì đề là điều chỉnh buồng đốt khí và hệ thống ti-ming.  Buồng đốt khí của loại xe này được niêm phong hay dính chặt vào máy không bao giờ phải điều chỉnh. Ông ký giả đã kết thúc bản báo cáo cuộc điều tra bằng sự cảnh báo những người lái xe: hãy cận thận, coi chừng khi phải nhờ đến thợ sửa xe.  Có nhiều thợ sửa xe giỏi và cũng có nhiều thợ xấu.

Thế thì câu chuyện trên có liên quan gì đến mùa Vọng?  Câu trả lời rất đơn giản.  Lời cảnh báo của ông ký giả và điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay giống nhau.  Cả hai sứ điệp là hãy coi chừng và đề phòng.  Chúng ta nghe trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu bắt đầu lời giảng dạy bằng câu nói: “Các con hãy coi chừng.” 

Chúng ta hiểu rõ điều ông ký giả cảnh báo chúng ta, hay nói khác đi chúng ta đề phòng điều gì, nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta coi chừng sự gì?  Thưa Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy coi chừng ngày Chúa đến phán xét hay ngày sau hết của cuộc đời mình, bất cứ ngày nào đến trước.  Chúa báo cho chúng ta biết ngày Chúa đến bất ngờ, thình lình, không biết lúc nào, và có thể ngày đó đến lúc chúng ta không sửa soạn và chuẩn bị, vì vậy, Chúa dạy chúng ta phải chuẩn bị, phải đề phòng.

Sống trong quốc gia này, chúng ta phải mua bảo hiểm đề phòng những rủi ro bất ngờ có thể xảy đến như bệnh tật hay tai nạn.  Có bảo hiểm, khi những rủi ro xảy đến thì không đến nỗi bị thiệt hại vì được đền bù, có khi còn được tí tiền bỏ túi nữa. Điều khiến người ta lưu tâm và phải quyết định bảo hiểm, đó là tính bất ngờ của sự rủi ro. Vì nếu người ta biết trước hay dự đoán trước được chính xác ngày giờ xảy đến và xảy đến thế nào, thì gần đến ngày giờ ấy, người ta mới phải chuẩn bị đề phòng. Nhưng nếu nó xảy ra bất ngờ, và có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, thì người ta phải luôn luôn đề phòng và đề phòng không ngừng. Chúng ta mua bảo hiểm nhà, xe và sức khỏe năm này qua năm khác cho đến chết.  Và lỡ có lúc nào không thể chuẩn bị hay đề phòng, thì lúc đó người ta không an tâm và lo lắng. Chính vì thế, người ý thức được tính bất ngờ của những rủi ro thì tìm cách mua bảo hiểm càng sớm càng tốt, để tâm hồn họ luôn luôn được bình an trong cuộc sống hay trong công việc làm ăn.

Nhưng chúng ta thấy thật buồn cười và phi lý, những rủi ro và thiệt hại to lớn hơn, quan trọng hơn, có ảnh hưởng vĩnh viễn, đời đời thì rất nhiều người lại chẳng thèm quan tâm, không chú ý, đề phòng hay chuẩn bị gì cả. Thực tế và cụ thể nhất là ngày Chúa gọi chúng ta về với Ngài, tức ngày tận cùng của cuộc đời. Nếu ngày đó được chúng ta chuẩn bị chu đáo, thì nó không có gì đáng sợ hay khủng khiếp đối với chúng ta, vì đó là ngày mà chúng ta bước vào một cuộc sống mới vĩnh cửu đầy hạnh phúc. Nhưng nếu ngày đó không được chuẩn bị tốt đẹp thì khi chúng ta phải ra trước tòa Chúa phán xét, thì ngày ấy đến với chúng ta có thể sẽ rất khủng khiếp.

Con người chúng ta phải theo một định luật cố định của tạo hóa, có nghĩa là chúng ta có sinh, thì chúng ta cũng sẽ có tử.  Và như chúng ta biết vũ trụ và mọi thứ vật chất qua đi là xong, là hết chuyện. Còn loài người thì không như thế, ngày sau hết hay chết không phải là hết, chết là bắt đầu cho cuộc sống mới, đời sống vĩnh cửu.  Chúng ta có tin hay không tin hay nghi ngờ, thì sự sống vĩnh cửu vẫn là một sự thật như lời Chúa đã khẳng định: “Mọi vật sẽ qua đi, trời đất sẽ qua đi nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”  Cho nên chúng ta phải biết lắng nghe và sống lời Chúa kêu gọi hãy coi chừng, hãy sửa soạn chuẩn bị. Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta đừng để cơ hội mùa Vọng này đi qua mà không chú ý đến đời sống đức tin và linh hồn. Xin Chúa thúc đẩy và hướng dẫn.


Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....