Màu xanh cây thông giữa màu tuyết trắng.
Màu xanh là màu trong thiên nhiên biểu thị sự trong suốt của bầu trời, màu của
không khí trong lành của rừng xanh tích tụ lại. Màu của nước tinh khiết kết
thành sâu thẳm. Màu xanh Giáng sinh cũng vì thế: “Lút cả trí khôn và ám ảnh
hương lòng” (Ave Maria, Hàn Mặc Tử).
Màu xanh của: “Trời xanh tường thuật vinh
quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm.” (Tv
18, 2). Màu của lời kinh tán tụng và tạ ơn.
Màu tinh khôi.
Ngoài màu trắng là màu tinh khiết, màu xanh
cũng là màu của tinh khôi từ thưở ban đầu chưa có gì được tạo dựng. Màu xanh
dường như ở cõi vô biên, không thuộc thế giới này. Họa sỹ Wassily Kandinsky,
người đam mê về màu sắc nói: “Sự chuyển động của màu xanh vừa là một chuyển
động tách xa con người, vừa là sự chuyển động duy nhất hướng về chính tâm của
nó. Cái tâm điểm, tuy vậy, lại hút con người về cõi vô tận và đánh thức con
người hương về tinh khiết và khát mong về cõi vô biên.” (Du Spirituel dans l’
art, Paris 1954).
Khi nói về màu xanh của sự cuốn hút ấy,
có lẽ cũng là màu biểu hiện sự hiện diện của Thiên Chúa ở cõi vô biên, vừa khai
mở, vừa cuốn hút nhưng cũng lại vừa thẳm sâu con người không thể đạt tới. Thiên
Chúa như cách nói vừa rất xa, nhưng vốn lại rất gần. Gần vì Thiên chúa làm
người ở giữa nhân loại (Ga1, 14), nhưng lại rất xa vì tư tương loài người không
phải tư tưởng của Thiên Chúa (Mc 8, 33).
Màu xanh cõi trời.
Người Ai Cập cổ xưa coi màu xanh là biểu
hiện chân lý. Phật Giáo Tây Tạng xem màu xanh là sự biểu hiện hiền minh và siêu
nghiệm. Thánh vịnh cũng nói tới màu xanh của cõi vô biên ấy: “Tín nghĩa ân tình
nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ
đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85, 11 – 12). Thiên
Chúa cội nguồn chân, thiện, mỹ, đã đi vào trần gian, cuộc giao duyên đất – trời
đã thành tựu. Chúa Giêsu tâm điểm của mọi cuốn hút đã đi vào trần thế, khiến cả
triều thần thiên quốc tụng ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời – Bình an dưới
thế cho người thiện tâm”. Một cõi trời đã đi vào cõi đất, và cõi thế vui mừng
hân hoan vì thấy mầm ơn cứu độ từ góc trời nhỏ Bêlem bừng sáng. Cuộc chiến giữa
bóng tối và ánh sáng đã bắt đầu, chiến thắng đã nghiêng hẳn về ánh sáng: “Ngôi
Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi
người.” (Ga 1, 9).
Màu xanh dưới thế.
Diệp lục màu xanh để tiếp nhận tốt nhất ánh
sáng mặt trời và màu xanh cũng là màu của tái sinh, phát triển. Xét về ý nghĩa
màu xanh giáng sinh, người ta sẽ nói nhiều về cây thông là cây giáng sinh. Cây
thông vẫn xanh tươi, vững chãi giữa mùa đông khắc nghiệt. Đại diện cho những
con người kiên vững vượt qua mọi trở ngại trần gian để giữ mãi một tâm hồn tươi
trẻ không vấn vương bụi trần. Màu xanh biểu lộ một tình yêu vô biên: Thiên Chúa
đã trở nên con người để gánh tội cho nhân loại, để rồi đóng đinh vào thập giá,
chỉ một lý tưởng: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”.
Màu xanh đang bị bỏ lại.
Ngoài ra, màu xanh giáng sinh, nhắc đến một
trẻ thơ bé nhỏ bước vào đời trong chốn bơ vơ, không nhà, không cửa, giữa mùa
giá rét. Đại diện cho những mầm xanh của thế giới đang bị bỏ rơi, giữa những ồn
ào, huyên náo, tranh giành, giết hại, bán buôn.
Màu xanh giáng sinh đang bị bào mòn bởi lối
sống trần tục, bởi người ta không còn chú ý đến Đấng Cứu Thế chào đời; mà thay
vào đó những lễ hội giáng sinh, ông già Noel, cây thông, ông già tuyết, mùa vui
chơi, mùa hẹn hò, mùa yêu đương…
Màu xanh đã mất dần, con người cũng sẽ chết
dần. Như rừng cây đã bị tàn phá, những cơn lũ cuốn trôi nhà cửa, sự sống. Như trời
xanh bị mất tầng Ozon bảo vệ, nhiệt độ trái đất tăng lên, băng chảy, nước dâng
lên, đất liền bị thu hẹp, bão tố mạnh hơn và nhiều hơn.
Ý nghĩa màu xanh giáng sinh nhắc điều quan
trọng. Cần giữ lại màu xanh của tâm hồn cũng như màu xanh của thiên nhiên. Giữ
màu xanh đúng nghĩa của giáng sinh: Đón Chúa vào tâm hồn để sống hòa hợp với
người anh chị em đang sống bên cạnh và giữ gìn, phát triển môi trường xanh,
trong lành.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét