Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Sám hối - Hoán cải (2)

Điều đáng sợ đối với nhiều người trẻ ngày nay là hay tỏ ra mình mạnh mẽ và gan dạ, thường hay tuyên bố: “Tôi không bao giờ ân hận về những gì mình đã làm”. 
 
1. Hoán cải tận căn
Nhà thần học Bernard Lonergan trong quyển “Phương Pháp trong thần học”[1] có nói tới một cuộc hoán cải tận căn trên ba bình diện: hoán cải về trí tuệ (intellect), luân lý (moral) và tôn giáo (religion). Đây là 3 tầng lớp hình thành tâm tưởng và nhân cách của ta, cách riêng là chiều sâu của đời sống tâm hồn, nhưng khi vận hành luôn bị điều kiện hóa, dễ bị sai lạc. 

  • Hoán cải trí tuệ (intellectual conversion)
Đời sống tâm lý và tâm linh có một vận hành chung, kết nối chặt chẽ với nhau, nhưng vẫn có những tầng nấc trước sau và theo một trình tự chuyển biến khác nhau. Trí tuệ được xem như một hệ điều hành lớn nhất trong toàn thể con người, nên việc hoán cải trước tiên là hoán cải trí tuệ. Điều này đòi ta đặt lại cái nhìn của mình về sự việc, con người và cuộc sống, để thay đổi cách suy nghĩ, kiểu phán đoán và lối nhận định của mình cho đúng đắn, phù hợp với chân lý hay sự thật khách quan. Cách nhìn sự việc quan trọng hơn chính sự việc. Sự việc có thể không còn đúng nữa qua cái lăng kính ta nhìn. Muốn nhận ra sự thật nơi đối tượng, trước tiên phải nhận ra màu sắc của cặp kính mà ta đang đeo.
 
Sự thật nằm trong chính nó, không thể nhìn qua cặp kính của ý thức hệ, hoàn cảnh, tuổi tác, địa vị, hay cảm nhận yêu thích của ta. Chính vì bị điều kiện hóa bởi những lý do đó, nên khi nhìn, ghi nhận và đánh giá về đối tượng, ta không còn thấy sự thật nguyên vẹn.
Thực tế cho thấy, đứng trước cùng một sự kiện, mỗi người thường phản ảnh khác nhau, nhiều khi đối nghịch nhau, khiến ta không biết đâu là sự thật. Sự thật không còn là chính nó khi bị gán ghép, chụp mũ hay giải thích cách tùy tiện, nhất là khi ta áp đặt lên nó cái nhìn thành kiến hoặc nhận định chủ quan của mình. Trong ta luôn có một khuynh hướng xấu là muốn uốn cong và lèo lái sự thật theo mục đích riêng của mình. Đó mới chính là cuộc hoán cải cơ bản và tận căn trên bình diện nhận thức. Phải bắt đầu từ đó để ta có thể mở ra một cuộc hoán cải khác trên bình diện luân lý. 
 
  • Hoán cải luân lý (moral conversion)
Luân lý là những giá trị khách quan, không tùy thuộc quyết đoán của ta, nhưng vượt trên ta và hướng dẫn đời sống ta. Những giá trị luân lý này có những điều phù hợp, có những điều đi ngược lại những ước muốn và thỏa mãn riêng của ta. Có những điều thiện ta thích làm hoặc không muốn làm; hoặc thích làm cho người này mà không muốn làm cho người kia. Hoán cải luân lý là vượt qua cái “thích” hay cái “muốn” để ta đạt tới chính sự thiện, là điều mà ta phải làm theo nghĩa vụ chứ không theo cảm tính.
 
Ta làm điều thiện là vì bổn phận phải làm chứ không phải thích hay không thích, muốn hay không muốn. Việc làm điều thiện không phải vì mình (tìm tư lợi) cũng không phải vì người khác (làm ơn), mà vì chính sự thiện. Vô kỷ, vô công, vô danh, vô cầu, vô lợi, vẫn luôn là lý tưởng cho mọi việc thiện ta làm. Giá trị việc thiện mà ta làm, làm nên giá trị đời sống ta. Tuy nhiên, việc tốt chưa hẳn minh chứng hoặc làm nên người tốt, nhưng là một tâm hồn tốt hoặc đã cải hóa nên tốt. Hoán cải luân lý là làm mới lại hay làm tốt hơn sự trong sáng của tâm hồn, đồng thời làm đẹp tính cách của ta trong mọi tương quan hằng ngày với Thiên Chúa, với chính mình và tha nhân.
 
  • Hoán cải tôn giáo (religious conversion)
Hoán cải tôn giáo là trở về với chính Thiên Chúa, Đấng là Chân, Thiện, Mỹ, mà ta hằng thao thức và khát mong tìm về từ trong sâu thẳm của lòng mình. Chỉ dừng lại ở việc hoán cải trí tuệ và luân lý thôi thì đời sống Kitô hữu vẫn còn đang dang dở trên bình diện tự nhiên, chưa đi tới chiều kích siêu nhiên, chưa dấn thân trọn vẹn và toàn vẹn con người mình cho Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cứu độ ta chứ không phải sự hiểu biết về chân lý hay những việc thiện mà ta làm. Thiên Chúa là sự thật, sự thiện, mà ta hướng tới và nỗ lực trở thành, nhưng Ngài không phải là một hữu thể bàng bạc trong vũ trụ, mà là một Ngôi vị sống động trong đời sống mỗi con người.
 
Sự hoán cải tôn giáo đưa đến gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết dạ, hết sức (x. Đnl 6,5). Đó là một tình yêu trọn vẹn với toàn thể con người mình. Tình yêu đó trở thành tiêu chuẩn để ta phán đoán, lựa chọn, quyết định, và hành động trước mọi tình huống. Vì thế, yêu thương tha nhân như chính mình càng là lẽ đương nhiên trong chính tâm thái và mọi phản ứng của mình.
 
2. Tâm tình hoán cải
Hoán cải vừa là ân huệ của Thiên Chúa, vừa là nỗ lực của ta trong đời sống hằng ngày. Hoán cải được thể hiện trên hai mặt tiêu cực và tích cực: hướng về quá khứ để hối hận ăn năn vì những lầm lỗi đã phạm; và hướng tới Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Ðấng đang đến.
 
  • Nhìn lại những tội lỗi đã phạm
Hoán cải gắn liền với ăn năn hối lỗi (paenitentia), đau buồn vì tội đã phạm, muốn đền bù và xa tránh mọi dịp tội. Tội càng nặng, quá khứ càng đen tối, khiến tâm tình hoán cải càng gia tăng. Điều này thể hiện rõ nơi các thánh.
-  Thánh Inhaxiô Loyola đề nghị với các người tĩnh tâm như sau: “Tôi sẽ nhìn tất cả sự hư hoại và thối tha của thân xác tôi. Tôi sẽ nhìn tôi như nhìn một vết lở loét và ung nhọt, từ chỗ đó phát sinh bao nhiêu là tội lỗi, bao nhiêu là điều ác, bao nhiêu là nhơ bẩn đáng xấu hổ”.
-  Thánh Luy Gonzaga đã ngất xỉu trong toà giải tội khi xưng những tội mà đối với chúng ta là quá nhẹ. Nhẹ đối với ta, nhưng vẫn là nặng đối với người thực sự ý thức về tội.
-  Thánh Têrêxa Giêsu hiến mình hoàn toàn cho Chúa, không bao giờ phạm tội nặng. Thế mà trong sách tự thuật, thánh nữ vẫn bộc bạch tình cảm về thân phận tội lỗi của mình, nói lên sự cần thiết phải sám hối.
Điều đáng sợ đối với nhiều người trẻ ngày nay là hay tỏ ra mình mạnh mẽ và gan dạ, thường hay tuyên bố: “Tôi không bao giờ ân hận về những gì mình đã làm”. Nghe ra đầy tự tin và thật bản lãnh. Họ coi sự hối hận như là thú nhận tính cách hèn yếu và thiếu chín chắn của mình. Chính vì không biết hối hận nên mới đâm ra sân hận. Gây ra lầm lỗi mà không hối hận mới là tính cách của kẻ hèn yếu và thiếu trưởng thành. Hối hận mới chính là thái độ của kẻ mạnh. Mạnh nên mới dám nói lên cái yếu của mình; yếu nên muốn làm ra vẻ mình mạnh.
 
  • Hướng đến một đời sống mới trong Chúa
Lúc sám hối là lúc chúng ta hướng tới lòng thương xót của Chúa, qua việc Ngài tha thứ tội ta và không ngừng đưa ta trở lại với Ngài. Nhưng sau khi sám hối, thì chính là một sự tái sinh, một sự đổi mới đời sống theo đường nẻo và ý muốn của Thiên Chúa.
 
Trong Cựu Ước. Các ngôn sứ luôn kêu gọi dân hoán cải với tâm tình như thế. Các ngài cũng thường nhắc cho Israel tội lỗi của họ (Gr 35,15), nhưng thường xuyên là những lời mời gọi trở về với Thiên Chúa (Is 45,22; Ge 2,12, v.v..). Qua việc hoán cải, lời cầu nguyện của dân Chúa cũng luôn như vậy: “Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy Đức Chúa” (Ac 5,21).
Trong Tân Ước. Gioan Tẩy Giả đã làm nổi bật khía cạnh tích cực khi ông kêu gọi người Do Thái hoán cải. Ông không muốn làm cho họ đau buồn trong tình cảm bệnh hoạn về tội của họ, nhưng nhấn mạnh đến viễn tượng vinh quang của Nước Thiên Chúa đã đến (x. Mt 3,2). Ông muốn họ nhìn về phía trước, hướng về Ðấng Cứu Thế đang đến. Bởi vậy, lời rao giảng hoán cải của ông không nhằm đưa họ trở lại với Giao ước cũ, mà hướng họ đi gặp Ðấng đến sau ông, nhưng cao trọng hơn ông, đến nỗi ông không đáng cởi dây giầy cho Ngài (x. Lc 3,16). 
Lời rao giảng đầu tiên của Ðức Kitô cũng đã xác định điều đó. Lý do sám hối cũng vì Nước Thiên Chúa đã gần kề. Nội dung này có thêm yếu tố mới là tin: “Hãy sám hối và tin” (Mc 1,15). Chính khi tin vào ơn cứu độ do Đức Kitô thực hiện, mà ta được tham dự vào sự sống thần linh của Ngài.
 
Lm. Thái Nguyên
 
[1] Bernard Lonergan, Il metodo in teologia, Città Nouva, Roma, 2001.

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....