Trong bài Tin mừng
hôm nay, Chúa Giê-su dùng hai dụ ngôn, hai hình ảnh để ám chỉ đến Nước Thiên
Chúa: “Hạt giống âm thầm mọc lên” và “Hạt cải.”
Khi so sánh Nước Thiên Chúa với hạt giống gieo xuống đất và âm thầm mọc
lên, cũng như hạt cải bé nhỏ mọc thành cây to lớn, Chúa muốn ám chỉ đến một đặc
tính của Nước Thiên Chúa, đó là khởi sự, bắt đầu trong khiêm tốn, nhỏ bé, âm thầm
nhưng sẽ thành tựu một cách lớn lao, tốt đẹp.
Cũng như tiến trình của hạt giống
đâm mầm, trở thành cây và kết hoa trái, sự thành tựu của Nước Thiên Chúa diễn
ra từ từ theo thời gian và tuy phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng có
tính cách chắc chắn vì đó là việc do quyền năng, sự quan phòng và can thiệp của
Thiên Chúa.
Cả hai dụ ngôn này có thể áp dụng như sau. Nước Thiên Chúa là Giáo hội ở trần gian. Trước hết, Đấng sáng lập là Chúa Giê-su Ki-tô, Ngài đã vâng lời và khiêm nhường sinh xuống trần trong một gia đình đơn sơ và khiếm tốn. Chúa sống ẩn dật, ít người biết đến kể cả những người xóm làng không biết và không tin. Những người thân thuộc của Chúa còn cho là Ngài bị “Mất trí.” Tất cả công việc hay sứ vụ lúc đầu xem ra thất bại vì bị chống đối, thù ghét và vu khống là bị “quỉ ám”, lấy quyền của quỉ vương để trừ quỉ, và kết thúc bằng cái chết nhục nhã và đau thương trên thập giá. Nhưng đó chính là hạt giống tự mục nát đi để nẩy mầm, trổ thành cây và sinh ra Giáo hội.
Thứ đến, lúc đầu Giáo hội thật nhỏ bé, ngày Chúa về trời chỉ có 12 tông đồ và một số ít tín hữu, nhưng sau ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các tông đồ đã can đảm ra đi rao giảng Tin mừng và rửa tội cho nhiều ngàn người. Từ đó, Giáo hội tiếp tục lớn lên và bành trướng khắp nơi, nhiều người đã hy sinh mạng sống chịu tử vì đạo, trong đó có các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cha ông chúng ta, lấy máu mình để tưới vào Giáo hội. Cho đến nay số tín hữu là hàng tỉ người. Giáo hội ngày nay, tuy còn phải chịu nhiều sự khó khăn và bách hại, nhưng đúng là một cây lớn cho nhiều dân tộc đến núp bóng, nghĩa là nhận được ơn cứu chuộc.
Cuối cùng. Hạt giống là đức tin được Chúa được gieo vào tâm hồn mỗi người chúng ta, biến đổi chúng ta thành dân riêng của Chúa và trở thành chi thể trong Thân Thể Chúa Ki-tô. Vì thế chúng ta được kêu gọi sống Lời Chúa dạy để tiếp tục xây dựng Giáo hội tăng trưởng và sinh nhiều hoa trái tốt cho Chúa. Trong bài đọc 2, thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò quan trọng của đức tin trong cuộc sống của người Ki-tô hữu. Nếu các tín hữu để ngọn đèn đức tin của Thiên Chúa ban cho chiếu tỏa và hướng dẫn cuộc đời, họ sẽ vượt qua được mọi gian nan thử thách và sống đẹp lòng Thiên Chúa.
Chúng ta biết đời sống đức tin, sự nghiệp Nước Trời thường là kết quả của những việc bé nhỏ, âm thầm nhưng có giá trị rất lớn nếu làm vì lòng yêu mến Chúa. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã làm gì để đáng được Giáo hội tặng phong là bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã vất vả, khó nhọc đi rao giảng khắp nơi? Thưa ngài không làm gì to lớn cả, cả đời ngài chỉ làm những việc nho nhỏ như quét nhà, giặt dũ, nhặt giấy vụn và nhường nhịn chị em trong dòng. Tất cả những việc hy sinh phục vụ, bác ái quảng đại chúng ta làm với lòng khiêm nhường, vì đức tin và vì Chúa sẽ lớn lên mang bình an, hạnh phúc cho chính chúng ta và nhiều người.
Có câu truyện về thầy Mạnh Tử khi còn nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào chôn lăn khóc. Bà Mẹ thấy thế nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được.” Thế rồi bà mẹ dọn nhà ra gần chợ. Mạnh Tử ở gần chợ thấy người buôn bán gian dối, lừa đảo và cãi chửi nhau, bà mẹ thấy thế lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được.” Bà bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học. Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, vâng lời cha mẹ và chăm chỉ học hành sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở được đấy.”
Một hôm, Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết một con heo, về hỏi mẹ: “Người ta giết heo làm gì thế?” Bà mẹ nói đùa với con: “Để cho con ăn đấy!” Nói xong, bà nghĩ lại và hối hận: “Ta nói lỡ miệng rồi. Con ta còn nhỏ trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?” Thế rồi rồi bà đi mua thịt heo về cho con ăn thật.
Lại một hôm khác, Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy.” Từ hôm đó Mạnh Tử học tập rất chuyên cần, rồi về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng phải là nhờ hạt giống tốt của người mẹ gieo vào tâm hồn của người con, hay công giáo dục quí báu của bà mẹ hay sao?
Tâm hồn mỗi người chúng ta là một mảnh đất, gia đình cũng là mảnh đất, giáo xứ cũng là mảnh đất nơi gieo trồng và nảy mầm hạt giống đức tin, hạt giống Lời Chúa. Thiên Chúa đã gieo hạt giống Nước Trời, và còn đổ tràn đầy ơn lành để trợ giúp hạt giống âm thầm phát triển, trổ sinh hoa trái tốt. Chúa muốn nó mọc lên với sự cộng tác của chúng ta. Điều quan trọng và thiết yếu là chúng ta phải nuôi dưỡng hạt giống với đức tin, với lòng tín trung, phó thác và sống lời Chúa dạy. Trong quá trình tăng trưởng, lớn lên của hạt giống, không thể tránh khỏi những khó khăn, thử thách, thế nhưng chúng ta xác tín vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta vượt thắng.
Xin Chúa giúp chúng ta ý thức cạm bẫy của ma quỉ ngăn chận không cho hạt giống đức tin và Lời Chúa nẩy mầm và hoa trái trong cuộc sống chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta biết cộng tác với Chúa, sẵn lòng và nhiệt thành để hạt giống nẩy mầm và lớn lên trong cuộc sống, qua những việc hy sinh, bác ái và lòng quảng đại để tiếp tục xây dựng Nước Thiên Chúa nơi trần gian là Giáo hội, là giáo xứ, để cuộc sống trở nên tốt lành thánh thiện hơn để những gì Chúa muốn thực hiện trong chúng ta đều đẹp ý Chúa và như lòng Chúa mong ước, để chúng ta được hưởng bình an, hạnh phúc và vinh quang Nước Chúa đời sau.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét