Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Chúa Nhật 17 Thường niên. Năm B_2018

 

Bài Tin mừng tuần này trích Tin mừng Gioan, không phải Mác-cô như những tuần vừa qua. Khi đến chương về phép lạ Chúa Giê-su hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, Tin mừng Mác-cô chỉ diễn tả ngắn ngọn, trong khi đó đoạn văn trong Tin mừng Gioan chi tiết và dẫn đến một chương tuyệt đẹp là Chúa Giê-su Bánh Hằng Sống. 
Vì vậy trong những tuần kế tiếp, chúng ta sẽ tiếp tục đọc và nghe Tin mừng Gioan. Thật vậy, phép lạ hóa bánh cá ra nhiều là hình bóng của Bí tích Thánh Thể. Nhưng trước khi là hình bóng đó, tự phép lạ này cũng có những bài học biểu lộ tấm lòng yêu thương quảng đại của Chúa đối với loài người.

Hãy tưởng tượng, chúng ta đang đứng trong đám đông dân chúng khi Chúa Giê-su và các tông đồ bắt đầu phát thức ăn ra. Chắc chắn chúng ta sẽ tự hỏi: Điều gì đang xảy ra? Thức ăn này từ đâu đến? Sự kiện này có gây ấn tượng cho chúng ta không? Ấn tượng có sâu xa để chúng ta ghi nhớ đã xảy ra không?  Những người theo Chúa lúc đầu đã có ấn tượng sâu xa về sự kiện này và đã lập đi lập lại nhiều lần đến mức phép lạ này xuất hiện trong cả 4 sách Tin mừng. Bằng một cách nào đó, Chúa đã nuôi đám đông dân chúng ăn no và dư thừa còn lại.

Đây là một phép lạ lớn lao cả thể. Tin mừng cho chúng ta biết số đàn ông là 5 ngàn, nếu cộng thêm độ 5 ngàn đàn bà và khoảng 2 ngàn trẻ em mà thánh Gioan không kể ra, thì con số có thể lên tới khoảng 12 ngàn người. 12 ngàn người ăn no nê và dư lại 12 thúng đầy. Quả là một phép lạ to lớn. Nhưng có một bài học quan trọng cho chúng ta là Chúa muốn có sự góp phần của loài người, của một em bé nhỏ, và khi bánh và cá đã hóa ra nhiều rồi, Chúa còn nhờ các tông đồ đi phân phát cho dân chúng. Dĩ nhiên, với quyền phép vô biên, Chúa có thể một mình làm được phép lạ này, nhưng Chúa muốn con người góp tay hợp tác vào. Các phép lạ khác cũng vậy, Chúa đều mời người ta hợp tác, hợp tác ít ra cũng bằng một thái độ khiêm nhường tin vào Chúa. Thường trước khi làm một phép lạ, Chúa hỏi: “Con có tin không?” và sau khi làm phép lạ, Chúa nói: “Đức tin của con đã cứu con.” 

Chúng ta biết lúc nào Chúa cũng sẵn sàng ban những ơn lành cho chúng ta, kể cả phép lạ Chúa cũng sẵn sàng làm. Nhưng nếu chúng ta không nhận được là vì chúng ta đã không góp phần của chúng ta vào với ơn Chúa, hoặc chúng ta không tin đủ, hay chưa xác tín vào Chúa. Cụ thể như nếu chúng ta xin Chúa giúp ban ơn cho gia đình chúng ta được bình an, yêu thương hoà thuận, thì đừng có cầu xin suông, nhưng vừa cầu xin vừa có những cố gắng, quyết tâm từ bỏ những tật xấu ảnh hưởng đến gia đình, tình vợ chồng con cái, hay phải thành tâm tha thứ, làm hoà lại với nhau. Hay nếu chúng ta xin Chúa giúp cho có sức khỏe tốt, thì cũng đừng cầu xin suông, nhưng vừa cầu xin vừa cố gắng từ bỏ những thói, tật xấu, hay nghiện ngập và tham lam ảnh hưởng đến sức khỏe. Hay nếu chúng ta xin Chúa giúp chúng ta có đời sống tốt lành, thánh thiện, bác ái, thì cũng đừng cầu xin xuông, mà phải cố gắng hy sinh thời giờ cầu nguyện, tham dự Thánh lễ với tấm lòng sốt sắng và yêu mến Chúa, và làm những việc hy sinh quảng đại.  Thánh Au-gút-ti-nô đã nói rằng, “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người.”  

Một vị linh mục đã giảng rằng: phép lạ hóa bánh ra nhiều là phép lạ của lòng yêu thương quảng đại. Đó là bài học thứ hai Chúa dạy chúng ta qua bài Tin mừng. Trước hết là lòng hy sinh quảng đại của em bé đã hiến dâng năm chiếc bánh và hai con cá cho Chúa Giêsu. Chúng ta thấy số bánh và cá đó không nhiều. Nhưng với em bé thì nó rất cần thiết và nhiều lắm, vì đó là tất cả những gì em có. Có rất nhiều người sẵn sàng cho đi từ cái có nhiều, dư thừa của mình, nhưng rất ít người chịu cho đi từ cái có ít của họ. Vì thế, việc em bé cho hết năm chiếc bánh và hai con cá là một phép lạ của lòng quảng đại. Kế đến là lòng yêu thương quảng đại của chính Chúa Giêsu. Chẳng những Ngài cho mọi người được ăn, mà còn muốn ăn bao nhiều tuỳ thích, rồi còn dư lại 12 thúng nữa.

Giảng xong, vị linh mục rất hài lòng nghĩ rằng mình đã giảng một bài rất hay. Khi vị linh mục vào phòng áo, một bà cụ già cũng theo vào và hỏi xem có ai thấy cái túi xách của bà để quên trong nhà thờ không. Vị linh mục cứ tưởng bà sẽ mỉa mai những người đã đến nhà Chúa mà còn ăn cắp thì hết nước nói. Nhưng bà cụ không nói thế, bà chỉ nhỏ nhẹ: “Chắc là người lấy cái túi đó cần đến nó hơn tôi.”  Vị linh mục hỏi tiếp: “Thế trong túi có gì vậy?”  Bà đáp: “Chỉ có hai chiếc bánh để ăn khi đường trong máu xuống thấp thôi.”

Chúng ta biết hy sinh quảng đại phải là một nhân đức quan trọng và cần thiết của người Kitô hữu.  Chúng ta có nhiều cơ hội thể hiện nhân đức quảng đại như đóng góp, dâng cúng tiền bạc, chia sẻ của cải, thời giờ, tài năng, hy sinh công sức phục vụ, chia sẻ sự quan tâm và lòng thương mến.  Chúng ta tin Chúa sẽ biến sự hy sinh quảng đại này trở thành niềm vui và hy vọng cho chính chúng ta và cho người khác. Một người đã nói: Ít khi chúng ta gặp một người nào có lòng hy sinh quảng đại mà buồn. Cũng như ít khi chúng ta gặp người nào bủn xỉn, ích kỷ mà vui.

Thật vậy, Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài và có lòng hy sinh quảng đại để giúp đỡ những người trong tình trạng khó khăn, và để xây dựng Nước Chúa, xây dựng tình yêu thương hiệp nhất trong cộng đoàn giáo xứ. Thánh Phaolô trong bài đọc 2, lo lắng vì sự chia rẽ và tranh chấp giữa các tín hữu trong cộng đoàn, cho nên Ngài đã khuyên bảo họ: “Hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc.” Ngài so sánh cộng đoàn như một thân thể, và “chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa” nối kết, làm cho thân thể ấy được sống, mạnh khỏe và hoạt động. 

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta tấm lòng hy sinh quảng đại chia sẻ tình yêu Chúa với những người chung quanh, và hiệp nhất với nhau qua Bí tích Thánh Thể là Thân Thể Chúa Ki-tô, để chúng ta xây dựng giáo xứ, làm sáng danh Chúa.

Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....