
Trong đời sống hằng ngày của mỗi người chúng
ta bị ảnh hưởng không ít thì nhiều bởi môi trường và bởi tình cảnh. Những ảnh hưởng này rất cần thiết và hữu
ích, chẳng hạn tại ngã tư đường đèn đỏ báo hiệu chúng ta biết phải dừng lại.
Nếu không sẽ có thể đưa đến tai nạn lưu thông và hậu quả trầm trọng. Khi đi chợ
hay đến những văn phòng,
chúng ta phải xếp hàng chờ đợi. Khi tới một nơi công cộng hay nhà thờ không được
xả rác. Nếu chúng ta ý thức được điều đó thì sẽ bị coi là người kém hiểu biết, hay
kém văn minh, nhất là trong xã hội Hoa kỳ này. Ngoài ra chúng ta còn bị chi
phối bởi luật lệ của quốc gia, phong tục gia đình, luân lý của xã hội và luật
lệ trong tôn giáo. Như chúng ta đều
biết, luật lệ cần thiết cho đời sống vì mục đích là bảo vệ những giá trị căn
bản cho cá nhân, và bảo đảm cho chúng ta sự tự do và an toàn.
Những bài Kinh thánh tuần này nhắc nhở và
giúp chúng ta hiểu sự khác biệt và hiệu quả đưa đến từ những gì chúng ta tiếp
nhận từ bên ngoài vào, và những hành động và thái độ phát xuất ra từ trong con
người chúng ta.
Bài đọc 1 nhắc nhở chúng ta về 10 điều răn
của Thiên Chúa dạy, mục đích là hướng dẫn cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nếu chúng ta tuân giữ và sống 10 điều răn
Chúa dạy, chúng ta sẽ kết hợp mật thiết với Chúa và sống trong ơn sủng và bình
an của Người.
Trong bài Tin mừng, chúng ta thấy Chúa
cảnh cáo những người Biệt phái đã giữ những điều luật rất tỉ mĩ, cặn kẽ, nhưng
không chú ý đến ý nghĩa và giá trị tinh thần hay mục đích của việc giữ luật. Họ giữ luật cặn kẽ cốt ý là tỏ ra mình là đạo
đức trước mặt mọi người và để được người ta ca tụng. Chính vì thế mà Chúa Giêsu
đã gọi họ là những người giả hình. Giả
hình hay giữ luật lệ một cách hình thức bề ngoài đều bị Chúa Giêsu lên án và
Chúa không ngại ngùng thẳng thắn tuyên bố rằng: “Dân này kính ta ngoài môi
miệng nhưng lòng chúng thì xa ta. Nó sùng kính ta cách giả dối.” //
Thái độ đó của những người Biệt phái và
luật sĩ ngày xưa có thể đang được tái diễn lại trong đời sống của người kitô
hữu ngày nay, nhất là trong một xã hội chú trọng tới vật chất, tiền bạc và tự
do cá nhân này. Đây là điều mà chúng ta
phải lưu ý. Khi nói đến đời sống tôn giáo, thông thường chúng ta nghĩ ngay đến
một số các luật lệ và nghi thức, và chúng ta cũng thường có khuynh hướng đánh
giá mức độ đạo đức, thánh thiện qua sự tham dự các lễ nghi, qua việc giữ các
luật lệ hay đọc kinh. Chính vì thế mỗi
khi thấy người nào không giữ như chúng ta, chúng ta liền phê bình, chỉ trích và
cho là “khô khan” hay không đạo
đức. Đó cũng chính là quan niệm của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu, điển
hình là khi thấy các môn đệ của Chúa Giêsu dùng bữa mà không rửa tay theo luật.
Nếu chỉ chú ý tới giữ những nghi thức, tuân
theo lề luật hay đọc kinh mà quên đi việc phải sống hy sinh, bác ái, quảng đại
như Lời Chúa dạy trong cuộc sống hàng ngày thì phải thành thật thú nhận rằng
cũng là điều mà tôi và quí ông bà anh chị em thường rất dễ mắc phải. Thực ra,
thì tất cả chúng ta chẳng ai muốn sống giả hình hay hình thức, nhưng vì giữ
những hình thức đó xem ra dễ hơn là sống những đòi hỏi, luật lệ của Chúa dạy,
hơn nữa vì sống trong xã hội này, chúng ta muốn sống đạo theo phương cách,
đường lối, luật lệ của chính chúng ta.
Do đó, chúng ta chỉ mới giữ đạo, chứ chưa sống đạo. Chúng
ta chưa thật sự để Tin mừng của Chúa biến đổi cuộc sống của chúng ta, và cũng
chính vì thế mà chúng ta vẫn còn phải nghe những nhận xét thật đau lòng của anh
chị em chưa có đức tin, đó là: Tin đạo chứ không tin người có đạo. Họ
không tin chúng ta vì chúng ta chưa thật sự sống điều chúng ta tin, hay đời
sống của chúng ta không phản ảnh những gì chúng ta tin. Ngoài ra, nếu chỉ lo giữ những nghi thức bên
ngoài, mà không có một tấm lòng chân thật bên trong, thì những nghi thức này sẽ
còn dẫn chúng ta đến những thói xấu khác là kiêu căng, tự phụ, tự cao và dễ kết
án người khác.
Chúng ta biết những hình thức bên ngoài
không phải là không cần thiết, nhưng những hình thức bên ngoài, muốn có giá trị
và ơn ích, cần phải phát xuất từ tâm tình tốt bên trong. Bởi vì nội tâm trong con người là nguồn mạch,
căn nguyên của mọi hành động, việc làm và lời nói, cho nên nội tâm có tốt thì những
hành động, lời nói, việc làm phát xuất ra từ đó mới tốt, mới có giá trị.
Thật vậy, bài Tin mừng nhấn mạnh đến điểm
quan trọng này: chính lòng con người là nguồn gốc của việc lành hay dữ, việc
tốt hay việc xấu. Đồng ý rằng chúng ta
bị ảnh hưởng, chi phối, lôi cuốn, thúc đẩy của hoàn cảnh, nhưng thật ra thiện
căn ở tại lòng của chúng ta. // Và cũng chính từ trong lòng này sinh ra 12 nết
xấu mà Tin mừng kể ra là: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam,
độc ác, xảo trá, lăng loan, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng.
Cho nên câu mà chúng ta thường nghe nói:
“không gì xấu bằng lòng người’’ chưa hẳn quá đáng. Ca dao tục ngữ của người Việt nam chúng ta
cũng có câu nói về lòng dạ con người: “Sông sâu còn có thể dò, lòng người nham
hiểm ai đo cho lường.”
Vì thế, chúng ta phải gieo vào cánh đồng tâm
hồn con người chúng ta những hạt giống tư tưởng tốt lành, những luật lệ điều
răn của Thiên Chúa, thì mới sinh ra những hoa trái là những việc tốt lành,
thánh thiện và hữu ích cho chúng ta và tha nhân.
Ngày xưa Chúa Giêsu đã dùng lời ngôn sứ
Isaia để trách dân Do Thái rằng: "Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn
lòng chúng thì lại xa Ta". Thế thì
chúng ta tự hỏi: “Phải chăng chúng ta cũng đáng bị trách như thế không?” Xin Chúa giúp chúng ta từ bỏ những cách sống giả
dối, hình thức bề ngoài. Vì chúng ta có thể giả hình, giả dối với người khác,
nhưng không thể dấu được Thiên Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta có tâm hồn yêu mến
và thành tâm lắng nghe và tuân giữ, sống luật Chúa dạy.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét