Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

Chúa Nhật 33 Thường Niên. Năm B_2018.

 
Trong những bài Tin mừng vào những tuần cuối của năm phụng vụ, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta về ngày tận thế và sự chết.  Giáo hội nhắc nhở không có tính cách muốn hù dọa chúng ta, nhưng muốn chúng ta thành tâm nhìn vào cuộc sống, nhận ra những ơn lành của Chúa ban trong một năm qua chúng ta sử dụng như thế nào? 
Chúng ta có đạo đức thánh thiện hơn không?  Chúng ta có bác ái, quảng đại, tốt lành hơn hay không? Cuộc sống đức tin của chúng ta, sự liên hệ với Chúa bây giờ như thế nào? Dấu hiệu nào chứng tỏ chúng ta sống đức tin, sống Lời Chúa? Tôi tin ai cũng ước mong, cầu nguyện sống tốt lành, đạo đức hơn và yêu mến Chúa hơn.

Như chúng ta biết không có gì thuộc về trần thế này tồn tại vĩnh viễn kể cả cuộc sống của mỗi người chúng ta. Chỉ có những gì thuộc về Thiên Chúa mới có tính cách vĩnh cửu mà thôi. Tất cả mọi sự vật và cuộc đời sẽ có lúc kết thúc và qua đi. Có lúc bắt đầu thì cũng sẽ có lúc kết thúc. Không ai biết lúc nào tận thế, nhưng điều quan trọng mà chúng ta phải chú ý là sự chết của chính chúng ta. Có lẽ không ai muốn nói hay đề cập tới sự chết, nhưng đó là định luật của tạo vật, có sinh thì có tử.

Những bài Kinh thánh hôm nay cho chúng ta biết những sự kiện và những dấu hiệu báo trước về ngày tận thế. Bài đọc 1 cho chúng ta biết về thời cùng tận, khi Tổng lãnh sứ thần Micae sẽ đứng lên chiến đấu và chiến thắng mọi thế lực gian tà. Nhưng đó cũng chính là lúc những người công chính sẽ được giải thoát và ban thưởng hạnh phúc trường sinh, còn người gian ác sẽ bị tủi nhục muôn đời. Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu nói về ngày tận thế và ngày trở lại của Ngài, lúc đó mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, các quyền lực trên trời bị lay chuyển.  Và lúc đó Chúa sẽ sai thiên sứ đi và tập họp những kẻ được Ngài tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất đến cuối chân trời.

Bài Tin mừng hôm nay làm cho tôi nghĩ đến bài Tin mừng của thánh Luca vào Thứ Sáu vừa qua khi những người Pha-ri-sêu đến hỏi Chúa Giêsu: Khi nào Nước Thiên Chúa đến?  Khi nào Thiên Chúa sẽ ngự đến?  Chúa Giê-su đã cho họ biết Thiên Chúa đến trong ngày tận thế một cách thình lình như chớp sáng lòe trên bầu trời trước sự hờ hững và khi thường của con người. Sau đó Chúa đã đưa ra 2 sự kiện điển hình để minh chứng.  Sự kiện thứ nhất về những người sống trong thời ông Nô-e. Thời đó người ta đang sống trong phồn thịnh, ăn chơi phè phỡn, tội lỗi thả dàn. Họ chỉ chú tâm đến việc kiếm tiền và mua bán vật chất, không nghĩ và để ý gì về đời sống tinh thần của họ. Trong khi đó một mình ông Nô-e nghe lời Chúa bảo chuẩn bị đóng tàu để tránh đại hồng thủy.  Các ngôn sứ khuyên bảo họ ăn năn sám hối nhưng họ khi thường, không muốn nghe, tiếp tục sống phè phỡn, lo kiếm tiền thật nhiều để hưởng thụ. Nhưng giữa lúc phồn thịnh và ăn chơi thì lụt đại hồng thủy xảy đến, cuốn trôi tất cả và tiêu hủy tất cả, như những trận bão lụt hurricane, hay như những cơn bão xoáy tornado to lớn mà chúng ta thường thấy xảy ra ngày nay.  Chúa cho chúng ta biết về ngày tận thế và ngày Chúa trở lại chắc chắn sẽ đến và có thể cũng sẽ thình lình, bất ngờ như vậy, để chúng ta chuẩn bị.

Sự kiện thứ 2 mà Chúa đề cập đến xảy ra thời ông Lót.  Thành Sô đô ma lúc đó cũng đang trong thời kỳ phồn thịnh, mọi người ăn chơi thả dàn, chú ý đến việc xây cất, mua bán để kiếm nhiều tiền của, có một cuộc sống hưởng thụ bình thản, nhưng là một loại bình thản giả tạo trong tội lỗi và lầm lạc. Giữa lúc như thế thì lửa bởi trời đổ xuống thiêu hủy tất cả, như những vụ cháy rừng đang xảy ra tại tiểu bang California, thiêu hủy hàng ngàn nhà cửa ra tro bụi và giết nhiều sinh mạng. Chỉ một mình ông Lót thoát chết.  Còn bà Lót thì hóa thành tượng muối vì đã quay đầu nhìn lại thương tiếc, ham đống của cải bỏ lại, thay vì cứu lấy chính bản thân mình. Chúa cho chúng ta biết trước để chuẩn bị.

Có câu truyện về cô Elena Frings, một cô gái 24 tuổi đang làm việc cho một công ty thương mại lớn ở thành phố New York. Tuy còn rất trẻ, nhưng bác sĩ cho cô biết bị bệnh tim vào thời mãn tính, và chỉ có thể sống được sáu tháng nữa sẽ chết.  Chính vì thế, cô đã bỏ công việc để đi giúp tình nguyện cho một giáo xứ và làm những công việc bác ái xã hội. Trong một buổi thuyết trình về công việc của mình, cô gặp một bác sĩ, vị bác sĩ này sau đó đã giải phẫu tim thành công cho cô, và thời hạn sáu tháng của tử thần qua đi. 

Sau đó cô vẫn tiếp tục hăng say, tình nguyện tình nguyện giúp giáo xứ và làm công việc bác ái xã hội. Cô đã nhận ra giá trị và ý nghĩa của cuộc sống của mình và nhất là luôn luôn ý thức cái chết gần kề. Tìm ra được ý nghĩa và giá trị về cuộc sống giúp cô sống trong an bình, quảng đại hơn, biết sống cho tha nhân, biết xoa dịu nỗi đau khổ và chia sẻ ơn lành, yêu thương với người khác. Cô không sống thu hẹp, ích kỷ cho riêng mình, nhưng cho tha nhân và cho Chúa.

Chúng ta biết vấn đề khi nào tận thế và có đời sau hay không, được xem như là những vấn đề lớn của mọi thời đại, ngày xưa cũng như ngày nay, và mọi người luôn chú ý và thắc mắc. Bởi vì nếu không có đời sau, thì cuộc sống cùng  những phấn đấu và nỗ lực của con người hôm nay ở đời này thật vô nghĩa, rốt cuộc rồi cũng chết, mà chết là hết. Vì thế chúng ta hãy tự hỏi: “Cuộc sống của chúng ta hôm nay có ý nghĩa, giá trị gì không?”

Lời Chúa mạc khải và xác quyết cho chúng ta biết có tận thế, có đời sau, có phán xét, có thưởng phạt, có Thiên đàng, hỏa ngục. Chúa cho chúng ta biết: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.” Cuộc sống con người ở thế gian này chỉ là đời tạm, hạnh phúc Nước Trời mới là vĩnh cửu, và hạnh phúc ấy chỉ dành cho những ai tin, yêu mến Chúa, cho những ai hy sinh phục vụ, sống chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: “Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.” Có thể so sánh Lời Chúa như những đài khí tượng báo cho chúng ta biết trước những cơn bảo hurricane sắp đến, hay còi hụ báo trước cho chúng ta biết trước khi nào những cơn bảo cuốn tornado nguy hiểm và dữ dội sẽ đến, để chuẩn bị. Vì thế chúng ta hãy chuẩn bị và tỉnh thức, sống cho Chúa và tha nhân, bằng những sự hy sinh phục vụ, bằng việc bác ái và lòng quảng đại, để có cuộc sống có ý nghĩa và giá trị, và để chúng ta luôn sống trong bình an, tin tưởng, hy vọng và bước đi vững vàng trong cuộc hành trình đức tin nơi trần thế.


Lm. Chánh xứ
 


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....