Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Giọt lệ thống hối

Tôi và các bạn trẻ cùng lên các hàng ghế đầu về cùng một bên. Mỗi người không mang theo tài liệu, sách hát gì cả. Trong giờ thống hối, có xen kẻ các kinh cầu nguyện và các bản thánh ca; nhưng tôi sẽ dùng các kinh nguyện và các bản thánh ca mà mọi người đều đã thuộc lòng. Tôi sẽ xướng đầu các bài kinh, bài hát. Chúng tôi đồng ý làm như vậy để mỗi người chỉ lo chú tâm vào chính tâm hồn mình, không lo phải đánh nhịp, không lo phải mở sách, xướng trang… Chúng tôi cũng không mở “nhạc nhẹ” khi mỗi người im lặng suy tư về đời mình trước mặt Chúa (xét mình) và tuần tự đến các toà Hoà Giải có các cha đã ngồi sẵn.

Trong “giờ thống hối”, tôi nhắc nhở và giúp các bạn suy tư về cuộc đời mình trong liên hệ với Chúa, với mọi người trong cuộc sống thường ngày (trong gia đình, sở làm, trường học, đoàn thể, bạn bè…); những gì mình đã xúc phạm đến Chúa, đến những người chung quanh; những thiếu sót trong bổn phận (ở gia đình, sở làm, đoàn thể…). Kết thúc “giờ thống hối”, trước khi đến toà Hoà Giải, mọi người cùng quỳ gối với tôi và đọc chung kinh Cáo Mình, kinh Ăn Năn Tội một cách thật thong thả; vừa đọc vừa lắng động tâm hồn mình với lời kinh và với tất cả tấm lòng thành thực thống hối những lỗi lầm, những thiếu sót trong cả cuộc đời mình cho đến giờ phút này. Rồi tiếp tục quỳ gối, chúng tôi cùng hát bài “Giọt Lệ Thống Hối” (cùa Tâm Bảo): “Lạy Chúa đoái thương nghe tiếng con…”. Trong thinh lặng của một đêm đông lạnh giá, những tiếng hát thoát ra từ những tâm hồn thành thật sám hối đã làm cho tâm hồn chúng tôi thực sự xúc động và âm vang mãi trong cả cuội đời.
 

Vào chiều hôm đó, trước giờ cầu nguyện sám hối, chúng tôi đã họp mặt tại hội trường nhà thờ để học hỏi về Bí tích Hoà Giải. Nhiều câu hỏi đã được nêu lên: Tôi chẳng có tội gì, làm sao tôi xưng tội? Tôi xưng tội thẳng với Chúa, cần gì qua con người? Thế nào là tội nặng, tội nhẹ? Tôi chỉ ‘xưng tội chung’ đủ rồi… Quỳ hay ngồi khi xưng tội?… Sau phần thảo luận, chúng tôi đã đi đến những nhận định như sau:
 

Trong Bí tích Hoà Giải (mà chúng ta thường gọi là Bí tích Giải Tội), chúng ta đến với Chúa, qua vị đại diện của Chúa, để thành thực trình bày cuộc đời mình với những lỗi lầm thiếu sót, thành thực ăn năn, xin ơn tha thứ và ‘làm hoà’ với Chúa và với tha nhân; rồi xin ơn Chúa giúp chúng ta làm ‘mới lại’ (renew) con người chúng ta mà Chúa đã dựng nên ‘theo hình ảnh Chúa’ và đã được tẩy rửa ‘nguyên tội’ qua Bí tích Thánh Tẩy; để rồi ‘sống lại’ một cuộc sống tốt đẹp hơn trong liên hệ với Chúa và anh chị em trong cuộc sống hằng ngày; tích cực hơn trong việc yêu thương phục vụ mọi người với tâm hồn khiêm tốn, hoà hợp.
 

Trong kinh ‘Vinh Danh’ chúng ta thường đọc (hoặc hát) có câu “Chỉ có Chúa là Đấng Thánh”. Trước sự Thánh thiện của Chúa con người khiêm tốn sẽ cảm thấy mình vẫn là “kẻ tội lỗi” cần được ơn thánh hoá của Chúa. Tổ phụ Adong, Eva sau khi “ăn trái cấm” đã “cảm thấy mình trần trụi đáng xấu hổ và tìm cách xa lánh Chúa!…” (Kn 3,7…). Thánh Phêrô, sau mẻ lưới kỳ diệu, đã sấp mình dưới chân Chúa và thưa với Chúa “Lạy Chúa, xin xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi!..” (Luca 5,8). Thánh Gioan viết: “Ai nói mình là không có tội thì tự lừa dối mình!…” (Gioan 1, 8…). Đọc tiểu sử các vị thánh, chúng ta thấy các ngài vẫn năng xưng tội. Có người đã hỏi Mẹ Têrêsa thành Calcuta: Thưa Mẹ, Mẹ tốt lành, thánh thiện quá… Mẹ đâu cần ‘xưng tội’. Mẹ trả lời: “Tôi vẫn xưng tội hằng tuần!…”. Đức giáo hoàng, các đức giám mục, các linh mục, tu sĩ đều vẫn ‘đi xưng tội’, thường khi hằng tuần, hoặc trong các dịp tĩnh tâm hằng tháng… Nhất là trong ‘Mùa Chay’, ‘Mùa Vọng’.
 

Nhưng thế nào là ‘tội’?. ‘Tội’ thường được coi như cố ý làm một điều gì trái với lương tâm của mình. Một em nhỏ khi lấy cắp một chiếc kẹo mà bị bắt gặp, em tự thấy xấu hổ, đỏ mặt… Đó là một hình thức cảm thấy mình ‘có tội’ trái với lương tâm. Chúa đã “dựng nên con ngừơi theo ‘hình ảnh’ Chúa’ (St 1,27). Mọi người đầy đủ lý trí đều có ‘lương tâm’ nhận ra điều tốt, điều xấu, điều phải, điều trái. Tuy nhiên, ‘lương tâm’ có thể bị lầm lạc vì chủ quan hay vì đã quen thói trong tội lỗi nào đó; vì thế cần những ‘giới răn’ (Mười Giới Răn Chúa; Sáu điều răn Hội Thánh…) để hướng dẫn cụ thể. Hơn nữa, không thể cân đo “tội” để xác định rõ ràng ‘tội nặng’ bao nhiêu! ‘tội nhẹ’ thế nào! Chính lương tâm của chúng ta sẽ nhận thấy điều đó trước mặt Chúa và khi chúng ta đến trình bày với Chúa qua vị đại diện Hội Thánh trong toà Hoà Giải. Hơn nữa ‘tội’ không phải chỉ là những điều sai trái mình đã làm; nhưng còn là những điều mình không làm đầy đủ theo bổn phận mà chúng ta vẫn gọi là ‘các điều thiếu sót’.
 

Tôi có thể ‘xưng tội’ thẳng với Chúa và xin Chúa thứ tha, cần gì phải qua một con người! Chỉ có Chúa mới có quyền tha tội. Nhưng Chúa đã ban quyền ‘tha tội’ cho Giáo Hội qua Thánh Phêrô và các Tông đồ (x. Mt 16,19 và 18,18). Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa thường dùng con người (như các Tiên tri trong Cựu ước, chẳng hạn) để đem ơn tha thứ cho con người. Trong câu chuyện ‘Thánh Phaolô được ơn trở lại’, chính Chúa đã sai ông Anania đi để đặt tay trên Phaolô (lúc đó có tên là Saolô) để ông được ơn tha thứ, “được nhìn thấy lại và được đầy Chúa Thánh Thần!” (Cv 9,3…).
 

Tôi có thể đi ‘xưng tội chung’ được rồi! Theo Giáo Luật (điều 961), có thể ban phép ‘xá giải chung’ khi thật cần thiết vì các trường hợp khẩn cấp mà không đủ thời giờ để giải tội cá nhân hoặc phải giải tội cho quá đông người trong các dịp Đại Lễ mà không có nhiều vị giải tội… Tuy nhiên, việc xưng tội cá nhân vẫn là điều thông thường và cần thiết để giúp hối nhân dễ dàng cảm nghiệm được đầy đủ hơn những hiệu quả tốt đẹp của ơn tha thứ tội lỗi, ‘trở về với Chúa và Giáo Hội’ qua Bí tích Hoà Giải, đựơc hướng dẫn cụ thể để xa tránh dịp tội và sửa đổi cuộc sống nên tốt đẹp hơn.
 

Ngày nay trong các toà Giải Tội, thường vẫn có bàn quỳ và ghế ngồi để tuỳ ai muốn quỳ hoặc ngồi khi xưng tội. Tuy nhiên, có nhiều người thích quỳ gối. Đó cũng là một hình thức giúp chúng ta dễ hạ mình để thống hối tội lỗi. Chúng ta nhớ chuyện Cha Charles de Foucauld (1858-1916) khi đang là sĩ quan trong quân đội Pháp, và đang sống một cuộc sống gần như đã ‘mất đức tin’. Có lần khi trở về nghỉ ở Pháp, Ngài đến nhà thờ xứ nơi ngài trước đây đã từng là chú giúp lễ, chỉ cốt để nhớ lại các kỷ niệm xa xưa… Vô tình ngài gặp lại Cha Sở mà lúc còn nhỏ ngài đã từng giúp lễ, đang ở trong nhà thờ. Trong câu chuyện trao đổi, Cha Sở cảm thấy anh chàng sĩ quan trẻ tuổi này cần được ơn hối cải… Cha bảo Charles de Foucauld: “Con cần xưng tội và ăn năn hối cải…”. Nhưng Charles de Foucauld nhất định từ chối và nói mình không còn tin tưởng gì cả. Được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Cha Sở nói: “Con cứ quỳ xuống!…”. Và chàng sĩ quan cứng đầu đó đã tự nhiên quỳ xuống như theo một mệnh lệnh của sĩ quan cấp trên… Chính lúc quỳ xuống đó, chàng được ơn Chúa tác động mạnh mẽ và kể lại tất cả cuộc đời ‘sa ngã’ của mình; sau đó được lãnh nhận ơn hoà giải và biến đổi cả một cuộc đời; trở nên một linh mục, sống cuộc đời truyền giáo khổ hạnh trong sa mạc Sahara. Khi qua đời đã để lại cả một di sản tuyệt vời cho Giáo Hội và thế giới qua Hội dòng “Tiểu Đệ” và “Tiểu Muội”.
 

Bí tích Hoà Giải (trong cuốn Giáo Luật gọi là Bí tích Thống Hối) là Bí tích huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa ban cho con người, những người dễ sa ngã phạm tội: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính; nhưng để kêu gọi người tội lỗi!” (Mt 9,13). Chúa đã chết để chuộc tội cho mọi người chúng ta là những con người yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội. Càng yếu đuối, dễ sa ngã, chúng ta càng cần đến với Chúa để xin ơn tha thứ và ơn thánh hoá: “Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần!” (Mt 9,12).
 

Mỗi lần Mùa Chay đến là dịp để chúng ta ý thức rỏ hơn “mình chỉ là cát bụi, và sẽ trở về cát bụi!”. Nhưng ‘cát bụi’ đó đã được Chúa dựng nên thành “con người theo hình ảnh Chúa”, có thể xác và cũng có linh hồn. “Linh hồn thì mạnh mẽ, nhưng thể xác thì nặng nề!...” (Mt 26,41). Vì mang thân xác yếu hèn nên chúng ta luôn luôn bị cám dỗ (Chúa Nhật I Mùa Chay). “Hãy ăn năn sám hối, từ bỏ tội lỗi và sống theo Tin Mừng mà Chúa đã rao giảng!” (Thứ Tư Lễ Tro). Hãy can đảm đứng lên, từ bỏ chốn tội lỗi (dịp tội), “trở về nhà Cha và xin ơn Tha thứ” (Chúa Nhật IV Mùa Chay C). Hãy đền bù các lỗi lầm, các tội phạm bằng các hy sinh hãm mình, bằng các công việc từ thiện bác ái (Mt 25,31…) và hát lên lời ca Mừng vui! Cảm tạ! Alleluia! Vì Chúa đã sống lại và chúng ta cũng được sống lại với Chúa! Alleluia!

 
Lm. Anphong Trần Đức Phương

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....