Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

Chúa Nhật 5 Mùa Chay. Năm C_2019

 

Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết từ sáng sớm Chúa Giê-su đi từ núi Cây Dầu xuống đền thờ để giảng dạy. Trong cuộc hành hương Đất thánh vừa qua, tôi có dịp đến tham quan khu vực núi Cây Dầu, nằm về phía Đông, cách đền thờ Giêrusalem không bao xa. Ngày nay có ngôi nhà thờ rất lớn và đẹp, bên cạnh vườn trồng nhiều cây dầu Ô-liu
nơi Chúa đã cầu nguyện, và tôi đã có dịp dâng Thánh lễ tại đây. Núi Cây Dầu là nơi đã xảy ra nhiều biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Từ núi Cây Dầu Chúa khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Ngồi ở núi Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về ngày tận thế. Tại vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu cầu nguyện và bị bắt. 

Bài Tin mừng tiếp tục cho chúng ta biết hôm đó, những người biệt phái và luật sĩ dẫn đến tới Chúa Giê-su một phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình để xét xử. Chủ đích của những người biệt phái và luật sĩ là muốn gài bẫy để tố cáo và lên án Chúa Giê-su, vì theo luật Mô-sê người phụ nữ phạm tội ngoại tình này sẽ bị kết án tử hình bằng cách bị ném đá cho đến chết. Nếu Chúa Giêsu đồng ý cho ném đá thì Người sẽ bị họ lên án là độc ác không biết thương người.  Nếu không đồng ý thì Người sẽ bị họ lên án chống lại hay phá luật Môsê.  Họ tin chắc Chúa Giê-su sẽ bị sa bẫy và họ chờ đợi. Nhưng Chúa im lặng không trả lời. Sự im lặng của Chúa có nghĩa là cho họ một thời gian để họ nhìn vào lương tâm và nhận ra sự độc ác, gian xảo, khoe khoang, kêu căng và khinh ghét của họ. Vì vậy họ đã chột dạ, bồn chồn, lo lắng và hỏi Chúa tới tấp. Câu trả lời của Chúa Giêsu quả thật là một tiếng sét đánh vào lương tâm họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi.”  Sau đó Tin mừng cho chúng ta biết họ đã lặng lẽ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất.  Lúc đó chỉ còn người phụ nữ nên Chúa bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị.  Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” 

Có một câu truyện về một người thanh niên được viết lại như sau. Anh bị bắt vì phạm tội giết người.  Anh giết tới 5 người trong đó có một người cảnh sát.  Khi ra tòa, anh bị kết án tử hình và ai cũng cho là công bằng, công lý được sáng tỏ. Thế nhưng trong thời gian chờ đợi tử hình, vị tổng thống lúc đó đã ân xá cho anh. Sau khi ân xá và trong một cuộc họp báo, một phóng viên đã hỏi vị tổng thống tại sao ân xá cho anh.  Vị tổng thống đã nói rằng, và tôi tạm trích dịch như sau: “Có những vấn đề làm cho tôi thức trắng đêm.  Trường hợp của anh thanh niên này cũng vậy. Tại sao tôi không tán thành bản án tử hình mà quyết định ân xá cho anh.  Lý do là vì tôi đọc được trong bản báo cáo của phiên tòa xử anh.  Và đây là lời anh nói trước vị chánh án: “Tôi xin nói với các vị một vài lời. Khi còn nhỏ, mẹ tôi thường không cho tôi bú sữa dù tôi đã khóc thét lên từng hồi vì đói.  Mẹ tôi nghiện rượu say sưa cả ngày.  Cha tôi cũng vậy và trong cơn say, ông thường dùng cây đập vào đầu tôi. Quí vị là những người may mắn sinh trưởng trong một gia đình khá giả, giàu có và được học hành đầy đủ.  Quí vị đâu có biết cái cảnh những đứa bé nghèo khổ, đói rách phải đi lang thang ngoài đường phố nhặt những thức ăn thừa thãi trong thùng rác mà sống.  Quí vị đâu có thấy cảnh người mẹ chết vì say rượu nằm chết cạnh gầm cầu, rồi đứa con thơ phải lôi xác mẹ vào một túp lều ở dưới gầm cầu, tắm rửa, thay quần áo, rồi đợi đưa mẹ đi chôn.  Hình ảnh đứa bé đó là chính tôi khi mới lên 9 tuổi.  Tôi sống trong cảnh đói khổ, không được dạy dỗ, học hành và sống lang thang không nơi nương tựa.  Quí vị là những người tượng trưng cho cái xã hội thương lưu, giàu có, và còn là những người có trách nhiệm lo cho đời sống của mọi công dân trong nước.  Thế mà quí vị đã để cho gia đình tôi và tôi đói khát, không chút tình thương, không được học hành, không hiểu thế nào là đạo đức và luân lý, và cơ hội để có cuộc sống bình thường.  Vậy mà bây giờ quí vị lại lên án buộc tội tôi. Tôi muốn tố cáo ngược lại và buộc tội quí vị.  Tố cáo xã hội đầy bất công là nguyên nhân gây ra tội lỗi này.”   Đó là những lời phản cáo của người thanh niên bị kết án tử hình khi đứng trước tòa, và đó cũng là lý do tại sao vị tổng thống đã quyết định ân xá cho người thanh niên này.

Qua phiên tòa xử người đàn bà phạm tội ngoại tình trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nhận ra được lòng nhân từ và thương xót của Chúa, và để hiểu một cách tường tận chúng ta tự hỏi: thương xót là gì? Thương xót có thể hiểu  là một tâm trạng đặc biệt vừa êm đềm ngọt ngào, vừa đau đớn đắng cay. Hai cảm giác mâu thuẫn vừa thương lại vừa xót ấy trổi dậy trong lòng chúng ta khi chúng ta đứng trước một người chúng ta yêu thương, nhưng người ấy phạm một lỗi lầm.  Thế thì khi đó, chúng ta phải đối xử thế nào?  Kết án chăng?  Không được, vì làm như thế là không thương. Bỏ qua chăng? Cũng không được, vì làm như thế là dung túng, a dua với sự xấu, và nhiều khi đưa đến sự gia tăng, hay khuyến khích người làm sự xấu. Đây cũng là hiện trạng của xã hội hôm nay, nhiều người dung túng hay a dua với người làm sự xấu.  Vậy làm thế nào bây giờ?  Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu: Ngườii nói với người phụ nữ ngoại tình: “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Nghĩa là Chúa không lên án mà cũng không dung túng, nhưng Ngài cho kẻ có tội một cơ hội. Nếu Người lên án thì chị này phải chết, không còn cơ hội nào nữa. Nếu Người bỏ qua thì chị này sẽ tiếp tục phạm tội, cũng không có cơ hội. Người bảo chị về và đừng phạm tội nữa tức là cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời.

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta hãy thương xót anh chị em để họ có những cơ hội làm lại cuộc đời, như Chúa cũng đã thương xót và cho chúng ta biết bao cơ hội để hòa giải với Chúa.  Mùa chay là thời gian và cơ hội ăn năn thống hối, quay trở về với Chúa, thay đổi đời sống, sống tốt lành, thánh thiện, thể hiện sự hy sinh, bác ái và quảng đại. Và cũng trong mùa chay này, Chúa kêu gọi chúng ta hãy thành tâm nhìn vào cuộc sống và đến với Chúa trong Bí tích Xưng tội, hay còn được gọi là Bí tích Hòa giải. Chúa đã vâng lời và khiêm nhường đến trần gian không phải để lên án nhưng để cứu thoát, và đó cũng mục đích và ý nghĩa của Bí tích Hòa giải.  Tất cả chúng ta là những người có tội, cần đến lòng thương xót và tình yêu của Chúa.  Đó cũng là lý do tại sao Chúa đến với chúng ta.  Tuần này chúng ta sẽ có tuần tĩnh tâm bắt đầu từ chiều Thứ Sáu, và vào chiều Chúa nhật sẽ có nghi thức thống hối và xưng tội.  Xin kêu gọi mọi người chuẩn bị thời giờ tham dự.

Lm. Chánh xứ


 


 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....