Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Chúa Nhật 3 Phục sinh. Năm C_2019

 
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ để minh chứng Ngài đã sống lại thật như lời Ngài đã hứa, củng cố đức tin cho các ông để các ông trung thành làm chứng, và can đảm rao giảng Tin mừng cho Chúa. Đây là một sứ vụ cần thiết và quan trọng, đầy gian truân, khó khăn, và đau khổ. 


Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ một lần nữa, và lần này ở bờ biển Ti-bê-ri-a. Các môn đệ là những người làm nghề đánh cá ở biển hồ này, và khi Chúa Giêsu kêu gọi họ theo Chúa, các ông đã bỏ tất cả nghề nghiệp để đi theo và sống với Chúa.  Họ ấp ủ một tương lai huy hoàng, trở thành những người quan trọng và quyền thế.  Nhưng sau khi Chúa bị bắt, bị sỉ nhục vác và chết trên thập giá thì mọi hy vọng gọi như tan thành mây khói.

Các ông trở về quê quán và sau đó rủ nhau đi đánh cá, nhưng đêm nay thất bại không bắt được gì. Đến gần sáng lúc trời còn tờ mờ tối, khi thuyền về đến gần bến thì Chúa Giêsu hiện ra đứng ở trên bờ, nhưng các ông không nhận ra Chúa, có lẽ vì mệt mỏi, chán chường và thất vọng. Riêng ông Gioan thì nhận ngay ra Thầy. Thế thì do đâu mà Gioan có thể nhận ra nhanh chóng được như vậy?  Thưa vì Gioan là môn đệ yêu mến Chúa nhiều nhất.  Chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan và giúp Gioan thấy được cái mà người khác không thấy.

Có câu chuyện kỳ thú về những ngày sau cùng của một người đàn ông đã cảm nghiệm sâu xa ơn thứ tha của Chúa, và đã hết lòng yêu mến Người, được kể lại như sau.  Người đàn ông này đến thành Rô-ma giữa lúc vua Nê-rông đang bắt bớ đạo Chúa.  Một số người đã chịu tử vì đạo. Tình thế lúc đó rất nguy kịch, nên các tín hữu khuyên người đàn ông này hãy chạy trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo thánh.

Thế thì khi ra khỏi cổng, ông gặp một người đang vác thập giá đi ngược lại vào thành Rô-ma. Ông lên tiếng hỏi: “Ngài đi đâu đó?”  Người ấy trả lời: “Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa.”  Ông chợt hiểu, vội vàng quay lại Rôma và vui mừng nhập vào hàng ngũ các tín hữu sắp chịu cực hình để an ủi họ và giúp họ giữ vững niềm tin.  Sau khi chứng kiến nhiều tín hữu chịu nhiều cực hình tử vì đạo, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất theo lời ông xin, vì nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.

Người đàn ông ấy chính là thánh Phêrô, và cái chết ấy đã được Chúa Giêsu tiên báo trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến.” Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa.

Chúng ta biết thánh Phêrô một con người rất bộc trực, nóng nảy, hay sa ngã và sa ngã thậm tệ. Có lần Chúa đã gọi ông là Satan, và mới đây nhất, ông đã chối Chúa tới ba lần. Nhưng con người đầy khuyết điểm ấy Chúa đã chọn làm “Đá tảng” thủ lãnh của Giáo Hội. Vai trò lãnh đạo của Phêrô cũng được tỏ rõ trong bài Tin Mừng hôm nay.  Chúa đã hỏi ông ba lần: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Và chúng ta thấy Phê-rô đã trả lời: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Và cũng ba lần, Chúa đã trao cho ông sứ mạng cai quản Giáo hội của Người: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”  Chúa đã tha thứ cho thánh Phêrô thật nhiều, và thánh nhân cũng đã yêu mến Người thiết tha, đích thực trở nên thủ lãnh của Giáo hội. Cuối cùng thánh Phê-rô cũng đã hiến mạng sống, chịu đóng đinh trên thập giá, để giữ vững niềm tin, và để yêu thương đoàn chiên cho đến cùng.

Người ta nói rằng tình yêu là một năng lực diệu kỳ, làm cho người ta can đảm và mạnh mẽ thêm, có thêm nhiều nghị lực để vượt qua những khó khăn và trở ngại, có sức mạnh để chịu đựng và hy sinh, và luôn hy vọng có tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

Chúng ta thấy điều này thật ra rất bình thường và chẳng có gì là khó hiểu. Chúng ta thử kiểm điểm lại một số kinh nghiệm trong cuộc sống của mình hay của con cái chúng ta xem.  Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau? Thích tìm đến tìm nhau?  Thích hay vui mừng hy sinh làm bất cứ việc gì cho nhau.  Tôi nghe nhiều cô nói rằng: “Thưa cha, bạn trai con dễ thương lắm! Con nói với anh điều gì anh cũng nghe.  Con nhờ anh điều gì anh cũng làm, và còn làm những điều con không nói hay nhờ anh nữa.”  Thế đấy!  Còn nếu không yêu mà mua đồ tặng cho người khác thì quả là dại!  Nếu không yêu mà trả tiền bữa ăn, hay trả tiền bao người khác đi chơi thì quả là ngu!  Nếu không yêu mà hy sinh làm điều người ta không nhờ thì quả là khờ, phải không?  Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác. Tặng quà, bao ăn, trả tiền là một niềm vui, hy sinh, khó nhọc là một sự sung sướng, tìm đến nhau cả sau khi đi làm về mệt nhọc là bằng chứng của một tấm lòng thiết tha!  Cho nên Thánh Augustinô đã nói: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc thật là đúng, chí lý. 

Cũng vậy, nếu chúng ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, phí thời giờ, đến nhà thờ tham dự Thánh lễ là một gánh nặng, vô ích, hy sinh phục vụ là một trở ngại, cực hình, bác ái và quảng đại thì là khờ dại, thiệt thòi.  Còn nếu chúng ta yêu mến Chúa và yêu mến nhiều thì sao?  Thì đương nhiên chúng ta thích cầu nguyện, sốt sắng và nhiệt tâm đến nhà thờ, sẵn sàng và vui mừng hy sinh và quảng đại.  Cho nên muốn sống đạo tốt và có một đức tin vững mạnh thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa.  Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực, có một đức tin sống động và trung thành sống lời Chúa dạy, tha thiết và sốt sắng giữ luật Chúa dạy. 

Thánh Năm là Tháng Hoa kính Đức Maria và chúng ta là những người con yêu dấu của Đức Mẹ.  Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta có lòng xác tín vào Chúa Ki-tô Phục sinh, và thể hiện lòng yêu mến Chúa và Mẹ qua lời nói, việc làm trong cuộc sống hằng ngày.
Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....