Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Chúa nhật 6 Phục Sinh. Năm C_2019.

Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu dạy chúng ta về giới luật yêu thương của Người: “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau.” Có nghĩa là Chúa cấp cho chúng ta một thẻ thông hành để trở
thành công dân và vào Nước Thiên Chúa. Thể thông hành của Chúa cấp không phải là chứng chỉ rửa tội, sổ gia đình Công giáo, chứng chỉ hôn nhân, thêm sức, cũng không tùy thuộc vào chủng tộc, màu da, ngôn ngữ hay tập quán, mà tùy vào giới luật yêu thương của Người.

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta lại được nghe Chúa dạy về luật yêu thương.  Chúa cho chúng ta biết: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.” Khi nói như thế, Chúa cho chúng ta biết biên giới của sự hiện diện của Người không giới hạn hay không xác định bằng rừng núi, sông biển, hay trong 4 bức tường nhà thờ, trong kinh nào, hay trong nhóm, đoàn thể nào, dòng nào hay danh xưng nào, kể cả tên Ki-tô hữu, nhưng trải rộng đến những tấm lòng biết yêu thương, có lòng bác ái, hy sinh và quảng đại. Vì thế, điều quan trọng mà chúng ta phải quan tâm là: có Chúa hiện diện và ơn sủng của Người hay không, tùy thuộc vào có sống giới luật yêu thương của Chúa hay không. 

Có bao giờ chúng ta tự hỏi: “Làm sao biết chắc được chúng ta thực sự yêu mến Chúa và có Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta?”  “Có phương cách nào giúp chúng ta biết chúng ta yêu mến Chúa không?”  Và  “Làm sao chúng ta biết chúng ta yêu mến Chúa nhiều hay ít?”       

Xin thưa: có một bằng chứng cho chúng ta biết có yêu mến Chúa hay không, đó là chúng ta có tuân giữ, thực hành lời Chúa dạy hay không.  Và chúng ta có thể nhìn vào việc sống lời Chúa của chúng ta để đo độ yêu mến Chúa của chúng ta nhiều hay ít.  Giữ nhiều là yêu mến nhiều, giữ ít là yêu mến ít. Thí dự như nếu chúng ta nói chúng ta yêu mến Chúa mà chúng ta không sống Lời Chúa dạy, thì có khác gì đứa con gọi dạ, bảo vâng, nhưng chỉ vâng vâng, dạ dạ, rồi làm ngơ hay không làm điều cha mẹ dạy bảo, thì tình yêu của chúng ta chỉ là thứ tình yêu điều kiện, tính toán, không chân thật, hay giả hình, thứ tình yêu đầu môi chót lưỡi, hay hình thức bên ngoài.  Chúa dạy chúng ta phải yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết sức và hết trí khôn, như thế người yêu mến Chúa thật là người yêu Chúa không những bằng lời nói mà còn bằng chính hành động, bằng cuộc sống.  

Tất cả chúng ta đều biết đạo của chúng ta là đạo yêu thương, và chúng ta xác tín rằng Lời Chúa là chân lý, là sự thật và là nền tảng đời sống Kitô hữu của chúng ta.  Nhưng Lời Chúa chỉ có ơn ích và sinh hoa trái tốt khi chúng ta tuân giữ và sống Lời Chúa. Vì thế chúng ta thường nghe Chúa nhấn mạnh đến ích lợi và giá trị về việc thực hành Lời Chúa là xây nhà trên đá hay sinh ra thêm 30, 50 hay 100. Và Chúa còn nói: “Ai nghe và thực hành lời Chúa là anh chị em và mẹ ta.”  Bởi vậy nghe mà không thực hành thì là tự lừa dối mình.  Còn nếu chúng ta tin, yêu Lời Chúa và can đảm thực hành thì là bằng chứng tình yêu mến Chúa của chúng ta, và Chúa sẽ đến và ở trong cuộc sống của chúng ta.  Và nếu có Chúa hiện diện trong cuộc sống thì chúng ta sẽ có ơn bình an của Chúa ngự trị trong tâm hồn.

Sau khi đã dạy các môn đệ về giới luật yêu thương, và trước khi về trời, Chúa biết các môn đệ sẽ phải đối diện với những khó khăn và thử thách khi thi hành sứ mạng rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Người.  Vì thế Chúa hứa sẽ ban Chúa Thánh Thần và bình an cho các ông.  Chúa bảo các ông đừng xao xuyến và sợ hãi nhưng hãy sống bình an, vì chính Người ban bình an đó.

Chúng ta đang sống trong một quốc gia giàu có nhất trên thế giới, với nền khoa học, kỹ thuật và y tế tiến bộ có thể nói là nhất thế giới.  Chúng ta cũng đang hưởng những phương tiện và có đời sống đầy đủ về vật chất. Thế nhưng chúng ta không thể tránh được những lo âu, sợ hãi trong đời sống hàng ngày.  Chúng ta không lo sợ về phương diện vật chất hay cơm ăn, áo mặc, nhưng về những sự trộm cắp, thiên tai, gió cuốn, bão lụt hay tai nạn có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nơi nào.  Chúng ta có những âu lo về đời sống gia đình, vợ chồng, con cái hay lo sợ lòng người tráo trở và gian dối. Ngoài ra chúng ta cũng lo sợ về cuộc sống tương lai, những sự đau yếu, bệnh tật và những hoàn cảnh ngang trái, khó khăn.  Nếu không có bình an thì cá nhân, gia đình bất an, không có hạnh phúc, yêu thương và hòa thuận.

Vì thế, ai trong chúng ta cũng khao khát, mong ước và tìm kiếm sự bình an. Bình an là cần thiết hơn cả vật chất và tiền bạc.  Có tiền bạc, vật chất mà không có bình an thì sẽ bất an và sinh ra nhiều thứ bệnh tật.  Bình an có nghĩa là một tình trạng mạnh khỏe cả xác lẫn hồn. Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta đã từng đi tìm bình an. Chúng ta mua bảo hiểm nhà, xe cộ, công việc, sức khoẻ và sinh mạng.  Nhưng tất cả những thứ bình an trên đây chỉ là những thứ bình an vật chất, bên ngoài của thế gian này thôi.  Vì thế, Chúa nói với chúng ta bình an của Người không như của thế gian ban tặng.  Bình an của Người không phải là thứ bình an tạm bợ, giả tạo, bên ngoài, nhưng là bình an bên trong tâm hồn. Có bình an bên ngoài mà không có bình an trong tâm hồn là chưa có bình an thật của Chúa.

Bình an của Chúa là gì?  Là sự thư thái, an hòa trong tâm hồn, nhận biết Chúa là Đấng tạo dựng, Đấng ban cho chúng ta ơn lành, sự sống, sức khỏe, và những gì chúng ta đang có, để chúng ta biết sống cảm tạ, tri ân, và thờ kính Chúa trên hết và trước hết mọi người và mọi sự trong cuộc sống, luôn luôn tin tưởng phó thác, vâng theo thánh ý và sống Lời Chúa dạy, và hoàn toàn bằng lòng với sự quan phòng của Chúa.  Bình an của Chúa là có một tâm hồn tốt lành, khiêm nhường, đã được giao hòa với Thiên Chúa, sống công bằng với Chúa và sống công bằng, hiền hòa, có lòng hy sinh, bác ái và quảng đại với mọi người.

Chúng ta còn phải đối diện với nhiều thử thách, khó khăn trong cuộc sống, nhưng chúng ta vững lòng tin vào Chúa quan phòng.  Xin Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, ban cho chúng ta sự bằng an của Chúa, để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cố gắng và thành tâm sống giới luật yêu thương Chúa dạy, để Chúa luôn hiện diện trong đời sống chúng ta.  

Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....