Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Lời Chúa và Thần Khí là “cặp đôi” hoàn hảo, năng động và hiệu quả trong Công vụ Tông đồ

Những bài giáo lý về Công vụ Tông đồ:
1. “Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” (Cv 1,3-4).
Anh chị em thân mến

Hôm nay chúng ta bắt đầu những bài giáo lý qua Sách Công vụ Tông đồ. Cuốn Kinh thánh này được thánh sử Luca viết, kể cho chúng ta về một hành trình, – một hành trình : nhưng về hành trình nào? Đó là hành trình của Tin mừng trong thế giới và cho chúng ta thấy sự liên kết thật lạ lùng giữa Lời Chúa và Chúa Thánh Thần, Đấng khai mở thời gian truyền giảng Tin mừng. Các vai chính trong sách Công vụ Tông đồ chính là một “cặp đôi” sống động và hiệu quả, đó là : Lời Chúa và Chúa Thánh Thần.
“Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi” (Tv 147,15). Lời Chúa khẩn trương, năng động, tưới cho mọi mảnh đất mà Lời gieo xuống. Và đâu là sức mạnh của Lời Chúa? Thánh Luca nói với chúng ta rằng, lời của con người mang lại hiệu quả không phải nhờ kiểu nói hoa mỹ, là nghệ thuật của khoa ăn nói, nhưng nhờ Chúa Thánh Thần, là năng động của Thiên Chúa, là sức mạnh của Ngài, có khả năng thanh tẩy lời nói, làm cho nó trở thành lời mang lại sự sống. Chẳng hạn như trong Kinh thánh có những câu chuyện, có lời con người; nhưng đâu là sự khác biệt giữa Kinh thánh và cuốn sách lịch sử? Lời trong Kinh thánh được bén rễ từ Chúa Thánh Thần, Đấng đã ban cho nó sức mạnh to lớn, khác biệt và giúp chúng ta biến những lời đó thành những hạt giống thánh thiện, hạt giống sự sống, phát sinh hiệu quả. Khi Thánh Thần đến lời con người trở nên năng động, giống như “thuốc nổ”, có thể làm bừng cháy những tâm hồn và làm nổ tung mọi kế hoạch, mọi kháng cự và những bức tường ngăn cách, bằng cách mở ra những con đường mới và mở rộng biên giới của dân Thiên Chúa. Và chúng ta sẽ thấy điều này trong tiến trình của những bài giáo lý, trong sách Công vụ Tông đồ.
Người có thể mang đến âm vang và tính sắc sảo cho lời nói mỏng manh của nhân loại – thậm chí có khi là phủ nhận và trốn tránh trách nhiệm của mình – chỉ có Chúa Thánh Thần mà thôi; nhờ Thánh Thần mà Con Thiên Chúa được sinh ra; Thánh Thần đã xức dầu và đã nâng đỡ Người trong sứ vụ; nhờ Thánh Thần mà Người đã chọn 12 Tông đồ và đã bảo đảm cho lời loan báo của các ông kiên vững và sinh hoa trái, giống như bảo đảm cho lời loan báo của chúng ta hôm nay.
Tin mừng kết thúc bằng sự Phục sinh và Thăng thiêng của Chúa Giêsu và tình tiết của trình thuật về Công vụ Tông đồ thực sự bắt đầu từ đây, từ sự thừa hưởng cuộc sống của Đấng Phục sinh truyền sang cho Giáo hội. Thánh Luca kể cho chúng ta biết rằng : “Chúa Giêsu chứng tỏ cho các ông thấy mình vẫn còn sống, sau cuộc thương khó của mình, với nhiều cố gắng, suốt 40 ngày, bằng cách hiện ra và nói về những điều liên quan đến Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3). Đấng Phục sinh, Chúa Giêsu Phục sinh, thực hiện những cử chỉ rất con người, như chia sẻ bữa ăn với các môn đệ và mời họ sống tin tưởng chờ đợi lời hứa của Chúa Cha được thực hiện: “Anh em sẽ được chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần” (Cv 1, 5).
Thực vậy phép rửa trong Chúa Thánh Thần là kinh nghiệm cho phép chúng ta bước vào trong sự hiệp thông cá nhân với Thiên Chúa, và tham dự vào ý muốn cứu độ phổ quát của Ngài, bằng cách đạt được khả năng của parresia, sự can đảm, nghĩa là khả năng loan báo lời với tư cách là “con cái của Thiên Chúa”, không chỉ với tư cách con người, nhưng với tư cách  là con cái của Thiên Chúa: một lời rõ ràng, tự do, hiệu quả, đầy tràn tình yêu vì Chúa Kitô và vì anh em mình.
Do đó, không có chuyện đấu tranh để giành được hay xứng đáng được ơn ban của Thiên Chúa. Tất cả mọi thứ đều được cho không và đúng hạn của nó. Thiên Chúa ban cho tất cả cách nhưng không. Ơn cứu rỗi không mua bán, nhưng đó là ơn ban không. Đứng trước lo âu về việc biết trước thời điểm sẽ xảy ra những biến cố mà Chúa đã loan báo, Chúa Giêsu trả lời cho các môn đệ : “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,7-8).
Đấng Phục sinh mời gọi các môn đệ đừng sống với âu lo hiện tại, nhưng hãy biết kết hợp với thời gian, biết chờ đợi để mở ra một lịch sử thiêng liêng không bị gián đoạn nhưng đang tiến lên, luôn tiến về phía trước; biết chờ đợi “những bước đi” của Thiên Chúa, Chúa của không gian và thời gian. Đấng Phục sinh mời gọi các môn đệ của mình đừng “tự tạo” ra sứ vụ, nhưng chờ đợi để được Chúa Cha gia tăng nghị lực cho tâm hồn bằng Thánh Thần của Ngài, để có thể tham gia trong việc làm chứng nhân truyền giáo, có khả năng lan tỏa từ Giêrusalem đến Samaria và vượt qua mọi biên giới của Israel để đến với những vùng ngoại ô của thế giới.
Các Tông đồ cùng nhau sống với mong đợi này, họ sống như là gia đình của Chúa, trong căn phòng trên hay phòng tiệc ly, nơi mà những bức tường vẫn còn là những chứng nhân cho món quà mà qua đó Chúa Giêsu đã tự hiến cho các môn đệ trong Bí tích Thánh Thể. Và các môn đệ chờ đợi sức mạnh năng động của Thiên Chúa như thế nào? Họ bền lòng cầu nguyện, như thể không phải nhiều người mà là một. Họ cầu nguyện trong sự hiệp nhất và kiên trì. Thật vậy, nhờ cầu nguyện, họ đã thắng vượt nỗi cô đơn, cám dỗ, nghi ngờ và mở lòng ra cho sự hiệp thông.
Sự hiện diện của các phụ nữ, của Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, làm tăng thêm kinh nghiệm này : trước hết họ đã học được từ người Thầy của mình việc làm chứng cho lòng trung thành yêu thương và sức mạnh của sự hiệp thông có thể chiến thắng mọi sợ hãi.
Chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa cho chúng ta biết kiên nhẫn chờ đợi những “bước đi” của Chúa, đừng “tự tạo” ra cho chúng ta công việc của Chúa và duy trì sự ngoan ngoãn bằng cầu nguyện, khẩn xin Chúa Thánh Thần và trau dồi nghệ thuật hiệp thông với Giáo hội.
Sau khi chào thăm các cộng đoàn tín hữu hiện diện, ĐTC nói :
Ngày mai chúng ta sẽ mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Giống như các Tông đồ, hôm nay Chúa cũng nhắc lại cho chúng ta : “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Ga 14 : 17-18). Nếu anh chị em là bạn của Chúa Giêsu, Ngài sẽ làm cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống chúng ta, và anh chị em sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn hay bị bỏ rơi.
1
1
1
1
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: Vatican.va

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....