Trong các bài Kinh thánh tuần này, Chúa dạy
chúng ta phải luôn tin yêu mến Chúa, khôn khéo sử dụng những ơn lành hồn xác
Chúa ban đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau.
Lời Chúa dạy bắt đầu ngay từ bài đọc 1 trích sách tiên tri A-mốt. Vào khoảng 1 ngàn 7 trăm 5 mươi năm trước
Chúa Cứu Thế giáng sinh, nước Do thái, đặc biệt là miền Bắc,
có nền kinh tế rất
thịnh vượng, vì vậy dân chúng có một cuộc sống giàu có và hưởng thụ, nhưng
không có tinh thần đạo đức, công bằng, bác ái và quảng đại. Họ sống ích kỷ và nhất là không còn chú ý đến
đời sống tôn giáo và trung thành với Chúa.
Họ tỏ ra rất thờ ơ trước những giới luật Chúa dạy về các ngày nghỉ lễ để
cầu nguyện và thờ phượng Chúa. Trong bối
cảnh này, ngôn sứ A-mốt được Chúa chọn và sai đi giảng dạy và khuyến cáo dân
chúng về đời sống tinh thần, cũng như cho họ biết những hậu quả sẽ đến nếu họ
không cảnh tỉnh và ăn năn quay trở lại. Ngôn sứ A-mốt cảnh báo rằng
ngày Sa-bát và những ngày lễ là những ngày nghỉ, dành cho việc cầu nguyện và thờ phượng Dân
buôn bán và thương mại thù ghét lời khuyến cáo của ông, và nổi lên chống đối vì
họ nghĩ sẽ bị thiệt thòi về tài chánh. Thậm
chí họ còn có một thái độ bực bội và khó chịu vì họ cho rằng ngôn sứ làm mất thời
giờ và cản trở công việc kiếm tiền của họ. Họ bỏ
không đến đền thờ để thờ phượng, và chỉ chú trọng đến một việc có tiền và phải
làm sao cho có thật nhiều tiền bất cứ dưới hình thức nào. Dân chúng đã coi tiền
bạc hơn Chúa và bỏ Chúa mà thờ tiền. Vì vậy, ngôn sứ A-mốt cho họ biết nếu họ
không từ bỏ cuộc sống này, thì sẽ lãnh nhận những hậu quả do việc họ làm như lời Chúa đã nói: “Ta sẽ không
bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng.”
Trong bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca, Giê-su kể cho chúng ta nghe dụ ngôn người quản lý bất
lương. Chúng ta sẽ thấy bài học chính và quan trọng
không phải câu chuyện người quản lý bất lương, nhưng là lời khuyên dạy của Chúa
về thái độ và cách sử dụng của chúng ta đối với tiền bạc. Chúa khuyên chúng ta khôn khéo sử dụng những
ơn lành hồn xác Người ban cho chúng ta đời này, biết lo xa đầu tư cho cuộc sống
đời sau, nhất
là phải hướng
cuộc sống về Nước Trời. Thật vậy, tác giả Lu-ca không
quan tâm đến chi tiết của câu chuyện người quản lý này bất lương ở chỗ nào, chỉ
biết anh ta bị tiếng phung phí tiền của chủ. Và ông chủ đã gọi anh ta đến để báo cho anh ta
một tin xấu bị đuổi. Bàng hoàng, thình
lình và bất ngờ như sét đánh! Bị tống ra
khỏi nhà anh nghĩ sẽ đi đâu? Sinh sống thế nào? Vì thế anh vội vàng gọi các con nợ của chủ đến,
làm ơn cho họ để sau này họ sẽ giúp đỡ anh.
Chúng ta thấy cư xử như vậy đối với chủ là bất lương nhưng đó lại là sự khôn
ngoan tính toán thế gian. Chúa khen sự
khôn ngoan tính toán mau lẹ đó vì Người thấy con cái đời này khôn khéo hơn con
cái sự sáng. Chúa cảm thấy buồn lòng về những người tin vào Chúa, họ không tính
toán khôn khéo mau lẹ như vậy về Nước Trời.
Vì yêu thương, Chúa Giê-su đã vâng lời và
khiêm nhường sinh xuống trần để loan báo về hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời. Qua lời giảng dạy và những phép lạ lớn lao, Chúa
đã biểu lộ tình yêu, lòng nhân từ và thương xót, nhưng câu hỏi là: “Tại sao con
người hững hờ, lạnh nhạt và thậm chí nhẫn tâm từ chối Chúa như vậy?” Thánh Gioan Tẩy giả, vị tiên tri tiền hô cho
Chúa, đã cảnh báo: “Rìu đã được mang đến đặt dưới chân cây, Thiên Chúa sắp phán
xét thái độ của loài người” thế mà con người vẫn hờ hững. Họ đã không chuẩn bị sẵn sàng và mau lẹ đối
với Nước Trời như người quản lý ở bất lương đã nhanh trí sắp sếp công việc cho
cuộc sống ở đời này.
Nếu
“con cái đời này” biết phải
làm gì và cách nào đối với tiền bạc để lo liệu cho ngày mai, thì tại sao chúng
ta, “con cái sự sáng”, lại
không biết sử dụng ơn Chúa ban trong hiện tại ở đời này để lo cho hạnh phúc
vĩnh cửu Nước trời của mình ở đời sau? Nếu
căn cứ vào cách sử dụng tiền bạc để biết được có trung tín hay không, thì tại
sao chúng ta lại không thể hiện lòng trung tín với Chúa để bảo đảm cho chúng ta
hạnh phúc chân thật đời sau? Thật vậy, chúng ta không trở nên giàu có với những
điều mình đã nhận lãnh, mà là với những điều chúng ta đã quảng đại chia sẻ. Chỉ
khi nào chúng ta biết quảng đại trong việc bác ái và tốt lành, hy sinh và phục
vụ, chúng ta mới thực là những quản gia trung tín và khôn ngoan làm theo ý chủ.
Chỉ khi nào chúng ta biết coi tiền bạc
là phương tiện phục vụ cho cùng đích là Nước Trời chúng ta mới thực sự “làm tôi Thiên Chúa.”
Là những Ki-tô hữu, chúng ta phải khôn ngoan tính
toán và chuẩn bị cho tương lai, không phải chỉ cho những năm tháng sống tại trần
gian này, mà quan trọng hơn, còn cho cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời. Tiền bạc đời này có thể làm cho chúng ta quên
đi, thờ ơ và lạnh nhạt với đời sống tinh thần, và nhiều khi có thái độ khó chịu
trước lời Chúa dạy về tiền bạc và thái độ của chúng ta.
Xin Chúa ban cho chúng ta tấm lòng chân thành lắng
nghe lời Chúa dạy, và khôn ngoan sử dụng những ơn lành Chúa ban cho chúng ta đời
này, là phương cách đưa chúng ta đến gần, sống mật thiết với Chúa, và hưởng hạnh
phúc vĩnh cửu Nước trời đời sau.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét