Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Chúa Nhật 28 Thường Niên. Năm C_2019.

 
Hôm nay, Chúa nhật, ngày 13 tháng 10, 2019,  kỷ niệm 102 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima, Bồ Đào Nha, với ba trẻ chăn chiên là Francisco, Jancinta và Lucia.  Vào ngày 13 tháng 10 năm 1917, ba em với đám đông dân chúng, đã chứng kiến lần hiện ra cuối cùng của Đức Mẹ. Mặc dầu chỉ có ba em được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, còn tất cả những người hiện diện chỉ nhìn thấy những vòng tròn lửa xoay chung quanh như mặt trời, tưởng chừng như sà xuống thiêu đốt trái đất, làm cho mọi người cảm thấy kinh hoàng.


Trong những lần hiện ra với 3 em, từ tháng 5 tới tháng 10, Đức Maria đã trao cho các em ba mệnh lệnh, mà chúng ta gọi là Mênh Lệnh Fatima, đó là: Cải thiện đời sống; Tôn sùng Mẫu tâm và Năng lần hạt Mân côi.  Vì thế đặc biệt trong 10, tháng Mân côi này, tôi kêu gọi mọi người, mọi gia đình trong giáo xứ cố gắng thi hành Ba Mệnh lệnh của Mẹ Maria, để xin Mẹ tiếp tục thánh hóa, dẫn chúng ta đến gần và yêu mến Chúa Giêsu, Con của Mẹ hơn.  Đồng thời chúng ta dâng lời cảm tạ tri ân Mẹ, vì Mẹ đã luôn luôn gần gũi, che chở và cầu bầu cho chúng ta.  Chúng ta tin rằng những ai thành tâm đến với Mẹ sẽ không bao giờ về không. Xin Mẹ luôn giúp chúng ta biết noi gương Mẹ, sống “Xin Vâng” theo thánh ý, Lời Chúa dạy để được Chúa ban ơn cho chúng ta trong cuộc hành trình dương thế với bao nhiêu nguy hiểm, khó khăn và thử thách. 

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta về sự nhận ơn và biết ơn. Bài đọc 1 trích sách các Vua quyển thứ hai ghi lại câu chuyện tướng Na-a-man, người ngoại đạo, được ngôn sứ Êlisa chữa khỏi bệnh phong cùi.  Phản ứng trước hết của ông là dâng lễ vật tạ ơn Thiên Chúa.  Nhưng khi ngôn sứ Êlisa từ chối không nhận lễ vật, thì tướng Na-a-man mới xin chở một ít đất ở nơi ông được chữa khỏi bệnh đem về xứ sở để luôn nhắc nhở cho ông về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa của người Ís-ra-en.  Ông còn hứa là từ nay ông sẽ không dâng hy lễ toàn thiêu cho thần nào khác, ngoài Thiên Chúa.

Trong bài Tin mừng hôm nay chúng ta nghe câu truyện Chúa Giê-su chữa 10 người bị bệnh phong cùi được lành sạch.  Nhưng một chi tiết đánh động chúng ta nhất là trong số 10 người cùi đã được Chúa chữa khỏi, chỉ có một người biết quay lại tạ ơn Người, mà người này lại là một người Samaria ngoại đạo.  

Có câu chuyện về một người đàn ông đi câu cá vào một buổi tối trên một con thuyền nhỏ.  Đêm đã khuya và một vật đều yên tĩnh. Gần đó có một du thuyền, trên thuyền có một người đàn ông đang uống rượu, và hình như đã say, cho nên thỉnh thoảng la to lên những câu giận dữ, tục tĩu. Người câu cá không màng tới ông ta chỉ chú tới việc câu cá của mình. 

Thình lình ông ta nghe một tiếng động mạnh trên mặt nước. Ông ngoảnh mặt lại nhìn, thì dưới ánh trăng, thấy người đàn ông trên du thuyền đã rớt xuống biển và đang chới với.  Ông vội vã cởi quần áo ngoài, nhảy xuống nước và bơi đến người đàn ông.  Sau khi đã dùng hết sức mình và kéo được ông lên thuyền thì nhận thấy hơi thở của ông kia thoi thóp.  Thất kinh, người câu cá làm hô hấp nhân tạo để cứu ông.  Khi nhận thấy người đàn ông đã tỉnh, người câu cá liền đặt ông vào gường và trở về chiếc thuyền nhỏ của mình.  

Sáng sớm hôm sau, người câu cá trở lại chiếc du thuyền để hỏi thăm người đàn ông trên du thuyền có cần gì không.  Người đàn ông trên du thuyền tỏ vẻ tức giận và chửi bới om sòm. Người câu cá nhắc cho ông biết là đêm qua đã liều mạng cứu ông khỏi chết đuối. Thay vì cám ơn, ông đã quát tháo và ra lệnh đuổi người câu cá đi xa ra chiếc du thuyền của mình.  

Người câu cá bơi chiếc thuyền nhỏ của mình về mắt nhòa lệ.  Ông ta không tin cái gì vừa xảy ra trước mắt.  Do đó ông ta ngước mắt lên trời và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, bây giờ con mới hiểu tâm tư của Chúa như thế nào.  Chúa đã hy sinh chính thân xác để cứu chúng con. Nhưng giống như người đàn ông trên du thuyền, thay vì cảm tạ tri ân, chúng con đã vô ơn với Chúa.”

Thế thì, nếu chúng ta thành tâm nhìn vào đời sống hôm nay và tự hỏi: “Chúng ta có vô ơn đối với Chúa như người đàn ông trên du thuyền không?” “Chúng ta tạ ơn Chúa bằng cách nào?’  Tôi nghĩ rằng chúng ta không phải là những người vô ơn với Chúa.  Có lẽ là vì chúng ta quá bận rộn, và đôi khi bận rộn với những công việc không cần thiết, cho nên quyên đi hay xao lãng tạ ơn Chúa hàng ngày về bao nhiêu ơn lành Chúa đã thương ban.

Trong cuộc sống, chúng ta muốn người nhận ơn của chúng ta phải tỏ lòng biết ơn chúng ta, thế nhưng khi nhận ơn người khác chúng ta lại ít hay miễn cưỡng tỏ lòng biết ơn. Điều này bộc lộ khuynh hướng ích kỷ của chúng ta, chúng ta làm ơn là để được biết ơn. Nói cách khác, chúng ta làm vì mình chứ không vì người khác.  Chúa Giêsu thì ngược lại.  Chúa muốn chúng ta tỏ lòng biết ơn Người không phải vì Người, mà vì ích lợi của chính chúng ta, bởi vì khi thể hiện lòng biết ơn, chúng ta sẽ ý thức hơn về tình yêu thương của Chúa, chúng ta nhận thức rõ hơn về thân phận nghèo hèn của mình, điều đó sẽ giúp chúng ta gắn bó mật thiết và nương tựa vào Chúa nhiều hơn.

Thánh lễ còn được gọi bằng một tên khác đúng với ý nghĩa hơn, đó là Lễ Tạ Ơn.  Nhiều người hiểu lầm tham dự Thánh lễ là để xin ơn. Mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta tạ ơn Chúa vì những ơn lành Người đã ban cho chúng ta, đặc biệt các ơn Người ban qua Con Một của Người là Chúa Giêsu Kitô. Nếu chúng ta thành tâm và sốt sắng tham dự Thánh lễ, tôi tin Chúa sẽ nhận tấm lòng tạ ơn của chúng ta và ban ơn cho chúng ta. 

Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra tình yêu thương và những ơn lành hồn xác Chúa ban trong cuộc sống. Luôn tâm niệm là tất cả những gì chúng ta đang có là do Thiên Chúa và có đời sống tạ ơn, ngợi khen, ca tụng Chúa qua những việc hy sinh, bác ái và quảng đại để làm sáng danh Chúa. 
Lm. Chánh xứ
 


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....