Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

Chúa Nhật 29 Thường niên. Năm C_2019.

Có câu chuyện ngụ ngôn về cuộc chạy đua giữa con thỏ và con rùa. Vừa bắt đầu thi con thỏ liền phóng vụt đi, rồi chạy một đường rất là ngoạn mục và lả lướt, nghiêng qua phải, ngả qua trái. Còn chú rùa thì cứ ì ạch, khệnh khạng đi từng bước như mệt nhọc.  Ðể tỏ ra khinh thị đối thủ, con thỏ quyết định dừng lại ngủ một giấc cho đỡ buồn.
Giật mình tỉnh giấc, nhìn thấy đằng xa con rùa đã gần tới đích, con thỏ vội đuổi theo nhưng không kịp, con rùa đã tới đích và thắng cuộc. Ý nghĩa của câu chuyện dụ ngôn là kiên trì sẽ giúp người ta thắng cuộc hay đạt được ý nguyện tốt đẹp.

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta kiên tâm cầu nguyện.  Cầu nguyện với Chúa là việc cần thiết đối với tất cả người Ki-tô hữu, như việc hô hấp hít thở không khí để có sự sống.  Bài trích sách Xuất hành hôm nay ghi lại lòng kiên nhẫn cầu nguyện của ông Môsê.  Khi ông Môsê giang tay cầu nguyện thì dân Chúa thắng quân A-ma-lếch. Còn khi ông mệt mỏi xuôi tay xuống thì quân A-ma-lếch thắng thế. Vì thế ông Aaron và ông Khua phải đỡ tay cho ông Mosê để khỏi rũ xuống.  Nói như vậy không có nghĩa là khi cầu nguyện người ta phải giang tay ra như ông Môsê.  Cách thế cầu nguyện của người Á đông là chắp tay, khoanh tay hay quì gối.  Nhưng cách thế cầu nguyện không quan trọng và cần thiết bằng việc cầu nguyện. Thánh Phaolô căn dặn Timôthê phải kiên nhẫn và trung kiên cầu nguyện và suy gẫm lời Chúa.  Dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay về bà goá kiên nhẫn nài xin quan toà xét xử công lý cho bà.  Ðể bà khỏi quấy rầy, ông quan toà, mặc dầu là người thiếu thanh liêm, cuối cùng cũng xét xử vụ kiện cho bà.   Qua dụ ngôn trong Tin mừng hôm nay, Chúa hứa sẽ đáp ứng lời cầu nguyện của chúng ta. Tuy nhiên trong thực tế có những khi chúng ta không nhận được điều chúng ta xin, vậy thì phải cắt nghĩa thế nào?  Hay tại sao điều chúng ta xin mà chưa được hay không được?  

Thứ nhất, Chúa hứa nhận lời chúng ta cầu nguyện nhưng theo đường lối của Chúa, như Người xin với Chúa Cha cất đi chén đắng, nhưng không theo ý Người, một theo ý Cha. (Lc 22:42)  

Thứ hai, Chúa ban ơn và ban ơn gì chúng ta không biết được, nhưng Chúa biết điều gì cần cho chúng ta. Đôi khi chúng ta xin ơn này mà Chúa lại ban ơn khác, khiến cho chúng ta không ý thức được là Chúa đã ban ơn. Ví dụ có người xin được khỏi bệnh phần xác, mà Chúa lại ban ơn khỏi bệnh tinh thần. Có trường hợp Chúa không ban ơn ngay, nhưng Chúa chữa trị dần dần qua người nọ, người kia. Có trường hợp người ta tưởng Chúa không nghe lời cầu của họ, nhưng thực sự Chúa đã nhận lời mà người ta không hay biết.

Thứ ba, điều chúng ta xin mà chưa được hay không được?  Lý do có thể là vì chúng ta không cộng tác với ơn Chúa hoặc không tự giúp mình. Điều này thường xảy ra.  Ví dụ một người xin Chúa bằng an mà cứ lăng săng, lo lắng, bận rộn hay quá quan tâm với nhiều công việc, nhiều khi công việc rất nhỏ mọn, tấm thường thì làm sao có bằng an được. Hay xin Chúa cho sức khỏe mà cứ thức khuya, uống rượu say sưa hay hút thuốc, thì làm sao có sức khỏe tốt được?  Ngoài ra, điều chúng ta xin chưa được chấp nhận cũng có thể là vì chúng ta đặt chướng ngại vật, làm cản trở ơn Chúa. Chẳng hạn như tính ích kỷ, lòng hận thù, tính ghen ghét và kiêu căng là những chướng ngại vật làm cản trở ơn Chúa. Và nhiều khi không xin được điều chúng ta xin có thể tại vì chúng ta thiếu kiên tâm bền chí và thiếu đức tin. Kiên tâm trong việc cầu nguyện là dấu chỉ người vững tin vào Chúa. Có những người cầu nguyện một thời gian mà không được, trở nên chán nản, bỏ việc cầu nguyện. Bỏ cầu nguyện cũng có nghĩa là không còn hy vọng. Còn hy vọng là còn cầu nguyện. Hết hy vọng, người ta sẽ thôi cầu nguyện.  Một yếu tố quan trọng trong việc cầu nguyện đó là đức tin. Nếu người ta cầu nguyện mà không có đức tin, lời cầu nguyện khó lòng mà được chấp nhận. Ðó chính là điều Chúa Giêsu thắc mắc ở phần cuối Tin mừng hôm nay: Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?

Ngược lại, cầu nguyện cũng là cách thế để nuôi dưỡng đức tin. Như vậy để cho đức tin được sống động, chúng ta có phải có đời sống cầu nguyện như là nến tảng của đời sống Ki-tô hữu. Chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.  Trong những trường hợp này, chúng ta không cần phải làm theo tư thế nào, và lời cầu nguyện của chúng ta không cần theo mẫu nào, vì cầu nguyện là nói chuyện, là tâm tình với Chúa.  Chúng ta tâm tình với Chúa về những ưu tư, lo lắng hay về những nhu cầu thiếu tốn của chúng ta, hay dâng cho Chúa hoàn cảnh và công việc của chúng ta.

Có lẽ nhiều chúng ta đã nghe biết về cuộc đời của thánh Au-gút-ti-nô.  Qua sự kiên nhẫn cầu nguyện của bà mẹ là Monica trong vòng mười bảy năm, thánh Au-gút-ti-nô đã ăn năn quay trở lại với Chúa.  Cầu nguyện kiên trì cùng Chúa để có đời sống đức tin vững mạnh như hít thở không khí để có sự sống.

Chúng ta cầu xin Chúa dạy chúng ta bài học kiên nhẫn cầu nguyện.  Xin Chúa dạy chúng ta biết xin điều gì thích hợp và theo thánh ý Chúa. Và xin đừng để chúng ta ngã lòng trông cậy Chúa, nhưng đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, nhất là những lúc đối diện với những khó khăn và thử thách. 
Lm. Chánh xứ




Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....