Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Con Hổ trong đời sống người Việt

Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt Nam lại nghênh đón con vật biểu trưng cho năm mới. Đón Xuân Nhâm Dần, lòng người thảnh thản, cảnh vật xanh tươi, trời đất giao hòa. Chúng ta cùng lần chuyện hổ để xem trong văn hóa dân gian và Kinh Thánh, con vật thứ ba trong 12 con giáp như thế nào?

Hổ có tên khoa học là Panthera tigris, là động vật lớn nhất thuộc họ Mèo (Felidae), có răng nanh nhọn sắc, chân to, vuốt nhọn, bước đi không gây tiếng động, thường ăn thịt thú rừng khác. Do sức mạnh và sự nhanh nhẹn, nên hổ được phong là “chúa sơn lâm”, trở thành linh vật biểu trưng cho nhiều tín ngưỡng và tôn giáo. 

Trong văn hóa Á Châu

Hổ là con vật hung hãn nhất tượng trưng cho sức mạnh của nền văn hóa cổ phương Đông. Về khôn ngoan, hổ không thể sánh với khỉ và chuột, không kiên trì như trâu, nhanh không bằng ngựa, uy vũ không bằng rồng, luồn lách và hiểm độc không bằng rắn, nhưng hổ hội đủ các đặc chất như dũng mãnh, can trường, hiên ngang, dám tấn công cả những con thú to khỏe hơn trong 12 con giáp. Nhờ những đặc chất ấy mà hổ được con người thần thánh hóa trong đời sống xã hội, văn hóa, và nghệ thuật, chẳng một con vật nào dám qua mặt.

Đối với người Việt Nam

Hổ tượng trưng cho quyền uy, dũng mãnh, đại diện và biểu trưng cho các vị tướng lĩnh, quân đội, lực lượng quân sự.

Truyền thuyết kể rằng, vị tướng họ Hùng có công đánh đuổi giặc Ân do bà mẹ hổ sinh ra (ngày nay đền Trình ở thắng cảnh Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội còn thờ thần hổ, hương khói khắp bốn mùa). Hoàng Hoa Thám được mệnh danh là Hùm thiêng Yên Thế. Các võ tướng ngày xưa có phù hiệu, ấn tín khắc hình đầu hổ, gọi là hổ phù. Các đình chùa, miếu mạo thường chạm khắc hình hổ, thể hiện sự linh thiêng, bất khả xâm phạm.

Trong văn học, văn hóa dân gian

Hổ được so sánh với những gì được cho là tốt như: hổ dữ không ăn thịt con (chỉ về đạo lý làm người, tình cảm mẫu tử), cọp chết để da, người ta chết để tiếng (nói về danh dự), nam thực như hổ (chỉ về ăn khỏe), mình hổ, tay vượn, bụng beo, lưng sói (chỉ về sự hoàn thiện của một cơ thể đầy sức mạnh), hổ phụ sinh hổ tử (chỉ sự tự hào khi có thế hệ tiếp nối), “Mèo tha miếng thịt xôn xao – Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”, “làm bạn với vua như đùa với hổ” v.v…

Truyện dân gian có “Ông Nghè hóa cọp” chế giễu những người “chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng”. Trong truyện cổ tích “Trí khôn ta đây”, con hổ hiền lành, dại dột, bị người lừa. Giai thoại “Con hổ có nghĩa” đã được đưa vào sách giáo khoa cho thấy hổ cũng là con vật có tình nghĩa, biết đền ơn xứng đáng người đã giúp đỡ mình.

Trong tín ngưỡng 

Ở nước ta, hổ được gắn với tục thờ Mẫu, thờ Thần Hổ như một biểu tượng của con vật dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương.

Truyền thuyết kể rằng, lúc Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy lùng; gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, hết cả lương thực, may nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế mỗi ngày mà sống. Sau khi lên ngôi vua, ông đã lập miếu thờ hổ tại vùng Mô Xoài, tỉnh Bà Rịa để tạ ơn. Dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Chữ “ông” được dùng với những danh từ kể trên để tỏ lòng tôn kính. Nguyễn Ánh truyền rằng, kẻ nào lỡ tay giết chết hổ thì bị phạt 30 trượng. Còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là Ông Ba Mươi.

Dù là con vật hoang, rất ít khi được thuần phục nhưng hổ đã có sự gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân Việt, điển hình là câu chuyện Bố cái đại vương Phùng Hưng là người phục hổ bằng tay không.

Trong điêu khắc

Khó lòng thống kê hết số lượng và kiểu dáng tượng, phù điêu, tranh tường, tranh lụa, tranh giấy, tranh thờ…có hình hổ. Tuy vẽ hổ vẽ được hình dáng, khó vẽ được cốt cách, thần thái), nhưng bức “Ngũ Hổ” của tranh dân gian Việt Nam là một kiệt tác nghệ thuật.

Trống đồng Đông Sơn có cách đây khoảng 2500 đến 3000 năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ. Điều này cho thấy ý nghĩa hổ trong hóa Việt Nam đã gắn bó hàng nghìn đời nay với sự trân trọng.

Trong y học

Cao hổ cốt có phải là “thần dược” hay không, đến nay khoa học chưa kiểm chứng, song điều đó đã đẩy hổ vào tình trạng hết sức nguy hiểm. Một lạng cao hổ cốt chính hiệu giá lên đến mấy chục triệu đồng. Hổ thật không đủ, người ta làm hổ giả. Có người làm giả xương hổ bằng…bê tông, để lừa những người mê thần dược hổ cốt nhưng thiếu hiểu biết. Vì vậy, bây giờ các “đại gia” chỉ mua hổ nguyên con ướp lạnh và thuê người về nấu tại nhà.

Trong chiêm tinh, nhân tướng

Người tuổi Dần mạnh mẽ, không bao giờ ngần ngại, lùi bước trước khó khăn, quan điểm của người này là khó khăn, nguy hiểm bao nhiêu thì chiến công càng vang dội, hãnh diện bấy nhiêu. Họ làm việc nhiệt tình, khẳng khái, quyết đoán, dũng cảm, dám làm việc nghĩa giúp đỡ người khác với lòng bác ái. Có ý thức độc lập mạnh mẽ, không muốn người khác lãnh đạo mình. Có đức tính lạc quan, dám nghĩ, dám làm, ham thích sự đổi mới. Một đức tính đặt biệt mang tính cách riêng của họ là: Đơn giản, tự nhiên.

Người tuổi Dần có trí nhớ tốt và tinh thần ham học hỏi, có con mắt nhìn xa trông rộng, phân tích vấn đề một cách logic, khoa học, ít khi thấy họ mắc sai lầm. Mục tiêu phấn đấu của họ trong suốt cuộc đời là tiền bạc, địa vị và quyền lực.

Những việc người khác không làm được thì người tuổi Dần lại giải quyết rất nhanh chóng, lý do bởi họ không bao giờ sợ hãi, khuất phục trước công việc khó khăn nào. Họ coi trọng danh dự và chữ tín của mình, có trách nhiệm với công việc và với mọi người xung quanh. Vì vậy, tuổi Dần thường hay ra tay bảo vệ những con người yếu đuối, khổ cực.

Trong Kinh Thánh

Lời trăng trối của ông Giacóp cho các con trong cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh, đã nhắc đến con hổ: “Giuđa ví tựa hùm tơ… nó phục xuống như chúa sơn lâm: nào ai bắt nó dậy được? (St 49, 8-10). Hôsê dùng hình ảnh hổ để cảnh cáo dân chúng về sự “đánh ghen”: Quả thế đối với Epraim, Ta sẽ như sư tử, Ta sẽ như hùm tơ cho nhà Giuđa” (Hs 5,14).

Ngôn sứ Isaia đã ví sức hùng mạnh của quân thiện chiến Átsua: “Chúng gầm thét như cọp non”(Is 5,29). Trong ý hướng đó ngôn sứ Khabacúc đã loan báo Thiên Chúa dùng dân Canđê để đánh phạt dân phản nghịch: “Ngựa nó nhanh hơn hổ báo, lanh lợi hơn sói chiều hôm”(Kb 2, 8).

Trước khi phanh thây con mồi, thú dữ thường gầm rống lên gọi đàn đến xẻ thịt. Có lẽ vì thế mà ngôn sứ Amôt đặt câu hỏi: “Phải chăng sư tử gầm lên trong lùm rậm mà nó lại không mồi? Phải chăng trong hang ổ, hùm tơ rống lên mà lại không chụp được gì?” (Am 3, 4).

Sưu tầm và góp nhặt

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....