Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Đừng để sự tử tế ngủ quên

Muốn biết ý nghĩa của hòa bình, hãy hỏi người chiến binh trở về từ nơi lửa đạn. Muốn biết giới hạn của thời gian, hãy lắng nghe khát khao còn được nhìn thấy ánh bình minh của người đang mang bệnh hiểm nghèo. Và để cảm nhận được tầm vóc của tình người, “sự tử tế” trong cuộc sống, xin hãy đồng cảm với những người vừa bước ra từ nơi không có tình thương và sự sống. Vậy tại sao phải đánh thức sự tử tế trong con người của bạn, qua bài viết ngắn này tôi xin sẻ chia một cách ngắn gọn và khát quát nhất theo quan điểm của riêng mình.

Đã bao giờ bạn tự hỏi sự tử tế là gì mà bao người bỏ cả cuộc đời để kiếm tìm. Phải chăng, sự tử tế là con người sống công bằng với nhau có vay có trả. Tử tế là cách đơn giản để nói cho những tâm hồn đang đau khổ biết thế giới này vẫn còn tồn tại tình thương[1]. Hay nói một cách khác là sự giúp đỡ đùm bọc nhau trong cuộc sống thường ngày… nhưng có lẽ chẳng ai cho chúng ta một câu trả lời hoàn hảo cả. Vì thế mỗi người hãy tự tìm cho mình một cho trả lời cho riêng mình.

Vậy có phải trong cuộc sống này sự tử tế đang dần chết và biến mất đi? Nếu ai đó hỏi tôi như thế thì tôi sẽ trả lời cho người đó ngay rằng: sự tử tế không mất đi bao giờ vì đôi khi cuộc sống sẽ chỉ cho bạn và tôi thấy những người đạt được sự tử tế theo một cách giản dị đến bất ngờ. Sự tử tế là khi bạn gấp một tờ tiền cách cẩn thận rồi trao cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người thấy được, hiểu được: bạn không chỉ là một người có lòng nhân hậu mà bạn còn là một người giàu cả về tâm hồn lẫn nhân cách. Khi đó bạn thực sự là người tử tế. Bởi vây, sự tử tế thời nào cũng có, nó chẳng bao giờ mất đi, nó chẳng ở đâu xa xôi, hay ở đâu cao tít mà ở ngay trong con người bạn, ngay trong tâm hồn bạn. Vì vậy, bạn đừng bao giờ tiết kiệm hay để cho nó ngủ quên. Vì giữa cuộc sống xô bồ, nhiễu nhương và chủ nghĩa loại bỏ, sống ích kỉ lên ngôi thì sự tử tế của con người dường như bị lép vế, dần mất đi. Thực trạng này hiện hữu nhưng lại ẩn mình rất tinh vi khiến mỗi chúng ta có khi bị rơi vào sự lạc lối của nó mà không hề hay biết. Bởi ai cũng nghĩ: mọi người sao thì tôi vậy, tôi vậy thì đã làm sao… Lối sống ấy, sẽ làm cho cuộc đời trở nên bế tắc, làm trái tim chúng ta chai cứng, cùng với đó là hành động thiếu suy nghĩ, lối sống giả hình sẽ hình thành để rồi con người sẽ cười trên đau khổ của người khác, hệt như câu nói của Karl Marx: “chỉ có xúc vật mới quay lưng lại với đau khổ của người khác mà chăm sóc cho bộ lông của mình”.[2]

Trong cuộc sống chắc hẳn không ai đánh mất hết tình người và sự tử tế cả, bởi “nhân chi sơ tính bản thiện”[3] luôn có sẵn trong mỗi con người. Tình thương và sự tử tế sẽ chẳng thể chết đi dù con người ta có thể bị rơi vào nghịch cảnh éo le và tang tóc nhất. Như đối với Đức hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, nhà tù là nơi giam giữ ngài còn được ngài coi như tòa “Tổng giám mục” của mình thì sao gọi đó là chốn cực hình, chết chóc, không có tình thương được[4]. Trái lại, có những nơi tưởng chừng như là nhà, là tổ ấm, là nơi để bảo vệ chở che thì lại thành nơi giết người như: bệnh viện hay trong chính mái ấm của mình… Vậy mới thấy rõ: tình người và sự tử tế không lệ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, cuộc sống hay môi trường mà lại lệ thuộc vào chính mỗi chúng ta. Khi đó, với một trái tim tràn ngập yêu thương thì cuộc sống không bao giờ trở thành một gánh nặng[5].

Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Chuyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả mẹ: Người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp, nhăn nheo nhưng lại dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: “bà ngoại là người mẹ, người phụ nữ đã che chở, nâng đỡ em trong suốt hành trình cuộc đời”. Bài văn bị phê là “Lạc đề” phải về nhà viết lại, đọc xong tôi ngẫm nghĩ phải chăng, từ lời phê của cô giáo, cô đã tự biến chính mình thành người vô cảm và đã vô tình trở thành người đứng bên ngoài trong câu chuyện của một cậu bé mồ côi mẹ từ bé và phải sống với bà ngoại. Cuộc sống là vậy, đôi khi chúng ta vô tình hay hữu ý đứng bên lề cuộc đời người khác để nhận xét, chê bai mà quên đi mất sự đồng cảm sẻ chia để từ đó lạc mất cảm thức của tình thương và sự tử tế của mình. Vì vậy, đừng để sự tử tế ngủ quên trong cuộc sống của chính mỗi người chúng ta nhất là với thế hệ trẻ. Chúng ta có rất nhiều cách để thể hiện sự tử tế đối với người khác, nhưng không nhất thiết bằng việc lớn lao. Vì thế bạn và tôi hãy quan niệm rằng: hành động tử tế nhỏ bé nhất cũng đủ tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của ai đó.

Bạn không cần giàu có hay tài giỏi thì mới có thể tạo ra ảnh hưởng đến thế giới. Một nụ cười tươi tắn, lời chào thân thiện hay một việc làm tử tế nhỏ bé của bạn cũng đủ tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của người khác. Và nếu mỗi người chung tay làm một điều tử tế mỗi ngày hãy tưởng tượng xem thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao. Vì vậy, đừng bao giờ bỏ qua cơ hội và để cho sự tử tế ngủ quên chỉ vì nghĩ rằng: điều đó nhỏ nhặt các bạn trẻ nhé!


Tuấn Mạnh


[1] Sức Mạnh Của Sự Tử Tế-Tp. HCM-NXB Tổng Hợp, 2019

[2] Câu nói nổi tiếng của nhà triết học duy vật Karl Marx

[3] Triết lý về cái “Thiện” của Mạnh Tử

[4] Đường Hy Vọng-Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận

[5] Làm Bạn Với Bầu Trời-Nguyễn Nhật Ánh/Hà Nội-NXB Trẻ, 2019

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....