Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Chuyện Rồng Năm Thìn

Tri Ân Thiên Chúa Khi Giã Từ Quý Mão
Cầu Khấn Thánh Ân Lúc Chào Đón Giáp Thìn

Năm 2024 là năm Giáp Thìn, kết hợp thứ 41 (tính từ Giáp Tý) trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông, được kết hợp từ thiên can Giáp (Mộc Dương) và địa chi Thìn (Rồng). Phải 60 năm nữa mới gặp lại Giáp Thìn – năm 2084.

Rồng là con vật đứng đầu trong Tứ Linh: Long, Ly, Quy, Phụng – thường nói là Long, Lân, Quy, Phụng. Đó là bốn linh vật trong thần thoại Trung Hoa cổ đại: Rồng, Lân (Kỳ Lân), Rùa, Phượng (Phượng Hoàng). Được bắt nguồn từ bốn vị thần trấn giữ đất trời trong tự nhiên là Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước. Bốn linh vật này được tạo ra để canh giữ bốn phương trời, tương đương các nguyên tố chính tạo ra trời đất là Đất, Nước, Gió và Lửa.

Rồng tượng trưng Uy Quyền, Kỳ Lân tượng trưng Lòng Nhân Từ, Rùa tượng trưng Sự Trường Tồn, Phượng Hoàng tượng trưng Sự Kính Trọng.

CON RỒNG CHÁU TIÊN

Nói về nguồn gốc dân tộc Việt Nam có truyền thuyết “Con Rồng, Cháu Tiên” – Rồng chỉ Lạc Long Quân, Tiên chỉ Âu Cơ. Người Việt tự xưng là nòi giống rồng tiên – tức là nhận mình thuộc dòng dõi Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Truyền thuyết kể rằng ngày xưa ở đất Lạc Việt, nay là Bắc Việt, có một vị thần thuộc nòi rồng tên là Lạc Long Quân, con trai thần Long Nữ. Thần mình rồng, thường ở dưới nước, thi thoảng lên sống trên cạn, sức khỏe vô địch, làm nhiều phép lạ. Thần giúp nhân dân diệt trừ Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh – những yêu quái làm hại dân lành. Thần dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở. Xong việc, thần thường về thủy cung với mẹ, khi có việc cần thần mới hiện lên.

Bấy giờ, ở vùng núi cao phương Bắc, có nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần, nghe tiếng vùng đất Lạc có nhiều hoa thơm cỏ lạ, bèn đến thăm viếng. Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, đem lòng yêu thương, rồi trở thành vợ chồng, cùng nhau chung sống trên cạn ở điện Long Tráng. Ít lâu sau, Âu Cơ mang thai và sinh ra một cái bọc có 100 trứng, nở ra 100 con trai hồng hào, đẹp khác thường. Đàn con không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô, khỏe mạnh như thần.

Một hôm, Lạc Long Quân vốn quen ở nước, cảm thấy mình không thể sống mãi trên cạn được, đành từ biệt Âu Cơ và đàn con để trở về thủy cung với mẹ. Âu Cơ ở lại một mình nuôi đàn con, tháng ngày chờ mong, buồn tủi. Cuối cùng nàng gọi chồng lên và than thở: “Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi đàn con nhỏ?”

Lạc Long Quân nói: “Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là giống tiên ở chốn non cao. Kẻ trên cạn, người dưới nước, tính tình tập quán khác nhau, khó có thể ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài. Nay ta đưa 50 con xuống biển, nàng đưa 50 con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau, đừng quên lời hẹn.”

Âu Cơ và trăm con nghe theo, rồi cùng nhau lên đường. Người con trưởng được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Triều đình có tướng văn, tướng võ, con trai vua gọi là “quan lang,” con gái vua gọi là “mỵ nương,” khi cha chết thì được truyền ngôi cho con trưởng, hơn mười đời truyền nối ngôi vua đều lấy danh hiệu duy nhất là Hùng Vương. Cũng bởi sự tích này mà người Việt nói mình là con cháu vua Hùng, và nhắc đến nguồn gốc là con Rồng, cháu Tiên.

Tài liệu “Biên Sử về Thiên Triều Vĩnh Bình” cho biết rằng, vào mùa hè năm Đạo Quang thứ 19, nhà Thanh, một con rồng từ trên trời xuống vùng hạ lưu sông Luân Hà, ở huyện Lao Đình. Dân địa phương làm một mái che để bảo vệ nó khỏi nắng và phun nước lên người nó. Ba ngày sau, sau một đêm giông bão, con rồng đã bay đi.

Rồng có liên quan mật thiết đến thiên tượng và thời tiết. Vì vậy, mỗi lần rồng xuất hiện thì trời sẽ có mưa hoặc thời tiết khắc nghiệt. Điều này cũng phù hợp với truyền thuyết kể về việc Long Vương phụ trách việc mưa lũ trên trần gian. Khi Rồng xuất hiện tại nhân gian thì những người thợ thủ công đã chính mắt nhìn thấy, từ đó họ điêu khắc Rồng theo trí nhớ.

Người cổ đại cho rằng Rồng là loài vật có khả năng ẩn hình, trừ khi nó hiện hình cho con người chứng kiến, hoặc khi có nguy hiểm đến tính mệnh thì con người sẽ không thể nhìn thấy chúng. Người xưa tin rằng mỗi lần Rồng xuất hiện thì sẽ có đại biến, sử sách địa phương hay triều đình phải kịp thời ghi chép, hoàng đế và dân chúng cũng tổ chức tế lễ Trời Đất để tỏ lòng tôn kính.

CA DAO TỤC NGỮ

Văn chương bình dân giản dị mà sâu sắc, lời lẽ bình thường mà thâm thúy. Ca dao tục ngữ làm cho con người “lớn” lên, liên quan Rồng có câu này: “Ai là con cháu Rồng Tiên – Tháng Hai nhớ hội Trường Yên mà về.” Trường Yên là ngôi làng nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Thế kỷ X, đó là kinh đô Hoa Lư của nước ta, lúc ấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Tại đây có đền thờ Đinh Tiên Hoàng trên nền cung điện Hoa Lư xưa, và đền thờ Lê Đại Hành gần đó. Tháng Hai hằng năm, nhân dân tổ chức lễ hội ghi nhớ công lao của hai vị vua dựng nước và giữ nước này.

Như chúng ta biết, Rồng chỉ là con vật của óc tưởng tượng, có mình rắn và có chân, tượng trưng sự cao quý thời phong kiến. Mọi thứ của vua đều có chữ “long” – rồng: long nhan, long thể, long bào, long ỷ (ghế), long sàng (giường),... Khi nói vui với ý thậm xưng, người ta nói với nhau: Rồng chầu mặt nguyệt, Rồng đến nhà tôm, Rồng mây gặp hội,... Ý nói là quý hóa lắm. Rồng liên quan mây. Ca dao nói:

Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời
Nữa mai rồng ngược mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây

Hình ảnh Rồng được dùng khi nói về người khỏe mạnh: “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo.” Khi nói “Rồng bay phượng múa” là ám chỉ dáng điệu uyển chuyển hoặc chữ viết đẹp. Rồng là biểu tượng thế giá khi nói về hôn nhân: “Phận gái lấy được chồng khôn – Xem bằng cá vượt Vũ môn hóa rồng.” Rồng còn là biểu tượng của hạnh phúc gia đình: “Ngày nào nên ngãi vợ chồng – Đôi ta như cá hóa rồng lên mây.” Vì thế có câu: “Long phụng hòa minh, sắc cầm hảo hợp.” (Rồng và Phượng cùng thề nguyền sẽ hòa hợp với nhau, hạnh phúc lâu dài.)

Nói về thân phận, Rồng tượng trưng quân tử, cao sang, danh giá, đối lập với giun, tôm, liu điu: “Trứng rồng lại nở ra rồng – Liu điu lại nở ra dòng liu điu.” Tương đương kiểu nói: “Con vua thì lại làm vua – Con sãi ở chùa lại quét lá đa.” Ngày xưa, nơi thi cử gọi là “long môn” (cửa rồng), đấng trượng phu phải qua cửa ải này để có thể tiến thân lập nghiệp, người ta ví von là “cá vượt Vũ môn hóa rồng.” Khi gặp thời vận, quân tử sẽ làm nên nghiệp lớn như “Rồng gặp mây.”

Nói chung, Rồng là quý giá, là tốt đẹp. Vì thế, dân gian nói người sinh năm rồng (thìn) là người “tốt số,” cuộc đời sẽ có nhiều cơ hội thành đạt. Tất nhiên người Công Giáo không “nhảm nhí” như vậy.

RỒNG TRONG KINH THÁNH

Sách Étte, chương 1, câu D tới L, cho biết giấc chiêm bao của ông Moóc-đo-khai: “Đây là giấc chiêm bao: bỗng nhiên, nổi lên những tiếng la lối om sòm, sấm sét rền vang, đất rung chuyển, rối loạn xảy ra trên mặt đất! Và này hai CON RỒNG lớn tiến ra, cả hai đều sẵn sàng giao chiến. Chúng hét lên một tiếng lớn. Khi tiếng chúng vang ra, mọi dân nước chuẩn bị chiến tranh chống lại dân công chính. Và này một ngày tối tăm u ám, trên mặt đất chỉ thấy toàn những gian truân, ngặt nghèo, sầu khổ và rối loạn lớn lao. Tất cả dân công chính đều bấn loạn vì kinh khiếp trước những tai họa sắp xảy đến cho họ. Thấy mình sắp bị tiêu diệt, họ kêu lên cùng Thiên Chúa. Từ tiếng kêu cứu đó, người ta thấy như từ dòng suối nhỏ phát ra một con sông lớn, nước đầy tràn. Mặt trời mọc lên, tỏa lan ánh sáng. Kẻ thấp hèn được cất nhắc lên và nuốt sống người cao sang quyền thế. Sau khi chiêm bao thấy những gì Thiên Chúa có ý thực hiện, ông Moóc-đo-khai tỉnh dậy; ông giữ lại điều đó trong lòng và mãi đến tối, dùng đủ cách để tìm hiểu ý nghĩa.”

Is 14:29-30 nói về việc hạch tội người Phi-li-tinh: “Năm vua A-khát băng hà, có lời sấm sau đây: ‘Hỡi toàn cõi Phi-li-tinh, chớ vội vui mừng, vì cây gậy đánh ngươi đã bị bẻ gãy; bởi chưng từ dòng dõi rắn sẽ vọt ra một con rắn hổ mang, và con của nó sẽ là một CON RỒNG bay. Những kẻ hèn mọn nhất sẽ được nuôi dưỡng và những kẻ nghèo khó sẽ được nghỉ ngơi an toàn. Còn cội rễ ngươi, Ta sẽ làm cho chết đói, và giết hại phần sống sót của ngươi’.”

Gr 51:34-36 nói về việc báo phục: “Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, đã xâu xé, đã loại trừ tôi, gạt tôi ra như chiếc bình rỗng; tựa CON RỒNG, nó đã nuốt trửng tôi, các miếng ngon của tôi, nó nhét đầy bụng, rồi xua đuổi tôi đi. Cô thiếu nữ Sion sẽ nói: ‘Chớ gì bạo lực và thương tích tôi phải chịu sẽ đổ xuống Ba-by-lon!’ Và Giê-ru-sa-lem sẽ nói: ‘Chớ gì máu tôi đổ trên đầu dân cư Can-đê!’ Vì thế, Đức Chúa phán: ‘Này Ta sẽ bênh vực, đòi báo thù cho ngươi, Ta sẽ làm cho biển của nó ra khô cạn, và suối nước của nó phải cạn khô’.”

Sách Khải Huyền đề cập Con Mãng Xà, nhưng có bản dịch là Con Rồng. Khi nói về điềm lạ: “Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. Lại có điềm khác xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.” (Kh 12:1-6)

Khi nói về cuộc giao chiến: “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Micaen và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Sa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó. Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời: Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.” (Kh 12:7-10)

Sau đó, sách Khải Huyền cho biết: “Khi Con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai. Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà, tại đó bà được nuôi dưỡng một thời, hai thời và nửa thời, ở xa Con Rắn. Từ miệng, Con Rắn phun nước ra đằng sau bà như một dòng sông, để cuốn bà đi. Nhưng đất cứu giúp bà: đất há miệng ra uống cạn dòng sông từ miệng Con Mãng Xà phun ra. Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu. Rồi nó đứng trên bãi cát ngoài biển.” (Kh 12:13-18)

Thánh Vịnh gia mời gọi: “Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui đi nào, ngàn muôn hải đảo! Mây u ám bao phủ quanh Người, bệ ngai rồng là công minh chính trực.” (Tv 97:1-2) Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất, không có thần linh nào khác, vì thế chúng ta “hãy suy tôn Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta, phủ phục trước bệ rồng, bởi Người là Đấng Thánh.” (Tv 99:5) Thánh Vịnh gia tiếp tục mời gọi: “Nào ta tiến vào nơi Chúa ngự, phủ phục trước bệ rồng.” (Tv 132:7)

Lạy Chúa Tể càn khôn, xin cho chúng con nhận biết Ngài và nhận ra thân phận chúng con để chúng con tôn thờ Ngài cho phải đạo, nhất là trong thời khắc linh thiêng của năm mới. Xin gia ân và tăng lực cho chúng con theo sự quan phòng và tiền định của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....