Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Chúa Nhật Thứ 14 Thường Niên Năm B - 2012.


Ông bà anh chị em thân mến. Cách đây khoảng 1 năm có một câu chuyện đã được báo chí và truyền hình đề cập, bàn tán và bình luận rất nhiều.  Và tôi nghĩ có rất nhiều người hiện diện trong nhà thờ hôm nay đã đọc và biết câu chuyện này.  Đó là câu chuyện của ông Bernard Madoff, người đã gian lận hàng tỉ đô la.  Ông đã bị bắt và hiện đang bị giam trong tù.  Nhưng điều làm cho mọi người ngạc nhiên là câu nói của người vợ sau khi ông này bị kết án, là: “Người đàn ông phạm tội gian lận không phải là người đàn ông mà tôi đã sống chung với bao nhiêu năm qua.” 
Thật vậy, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta nghĩ và cho rằng chúng ta biết người nào đó, nhưng thật sự ra chúng ta không biết rõ.  Có nhiều cặp vợ chồng tuy đã sống chung với nhau bao nhiêu năm và có nhiều con với nhau nhưng cũng chẳng biết hay chưa biết nhau rõ.  Ngay cả đến người vợ hay người chồng mà cũng không biết rõ nhau.  Có người tự nghĩ rằng mình biết cha này, cha nọ như thế này, làm điều này điều kia, nhưng sự thật họ không biết. Và họ đồn thổi ra những điều họ không biết rõ hay chỉ là những điều họ nghe được mà thôi.  Chúng ta không biết chủ ý hay tâm địa họ như thế nào?  Chúng ta phó thác cho Chúa phán xét.
     Trong trường hợp của Chúa Giê-su mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay, những người thân trong gia đình, bạn bè và hàng xóm nghĩ rằng họ biết rõ về Người.  Đối với họ, Chúa chỉ là một người như họ, giống họ, một người lao động trở thành một người rao giảng.  Người không thuộc về dòng giống thượng phẩm hay linh mục, hay có sự học vấn cao siêu ở Giêrusalem như những người biệt phái hay kinh sư. Có lẽ có một số ít người cảm phục nhưng hầu hết không tin Người có cái gì đặc biệt, mặc dầu họ đã nghe đồn về công việc và  một số phép lạ Người đã làm ở nơi khác. 
      Cho nên như chúng ta vừa nghe khi Chúa về quê hương và giảng dạy trong hội đường thì họ thắc mắc và có vẻ khi thường:  “Ông là ai? Bởi đâu ông ta đã làm được những chuyện lạ lùng như thế?  Ông ta không phải là con ông Giuse và bà Maria sao?  Họ hàng anh chị em của ông ta không phải là những người láng giềng của chúng ta sao? Ông ta không phải là người đã sinh sống và làm nghề thợ mộc ở đây với chúng ta sao?”
     Thật sự ra thì trước khi về thăm dân làng, dân chúng đã nghe về những lời giảng dạy mới lạ đầy uy quyền của Chúa, cũng như đã nghe dân chúng bàn tán xôn xao về những phép lạ Chúa đã làm ở nơi này nơi kia.  Đó là những công việc, những phép lạ Chúa Giêsu đã làm trước khi Người về Na-da-rét, quê hương của Người.  Nhưng những người đồng hương của Người ngạc nhiên đến độ không tin, không thể tin và có một thái độ như khi thường.  Tin làm sao được ông Giêsu đang đứng trước mặt họ đây có thể làm được những điều lạ lùng như thế, tin làm sao được ông Giêsu đây là Thiên Sai, Đấng Cứu Chuộc, là Đấng mà dân tộc họ đang trông đợi cả ngàn năm!
     Ông bà anh chị em thân mến.  Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta nhiều bài học quí giá thực tế trong đời sống Ki-tô hữu.  Nhưng tôi chỉ muốn chú ý đến 2 bài học quan trọng.  Bài học thứ nhất là thành kiến.  Nhu chúng ta biết thành kiến là một tâm trạng, thái độ lệch lạc, sai lầm rất tai hại, là một sự in sẵn, cố định trong tâm trí một đường lối, một quan niệm và một lối suy nghĩ.  Bởi vậy, những người có thành kiến suy diễn, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm có sẵn trong đầu óc.  Nhất là khi những tư tưởng, quan niệm hay những sự hiểu biết sai lạc đó có thể đưa đến những hậu quả không hay, gây ra những sự hiểu lầm, tranh chấp, chia rẽ nguy hại.  Thật vậy như chúng ta đã hiểu biết ai đeo kính đen thì nhìn cái gì cũng tối hết, lưỡi đắng thì ăn gì cũng đắng, lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ.  Chúng ta thường nghe: “yêu nên tốt, ghét nên xấu,” và “khi yêu nhau thì yêu cả đường đi, yêu cả những tật xấu. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.”  Lòng chúng ta có khuynh hướng mạnh về điều gì, thì mắt chúng ta hay tìm, trí chúng ta hay tưởng, và rồi chúng ta phán đoán, nhận xét người khác theo khuynh hướng đó của chúng ta.  Ít khi hay không bao giờ chúng ta tìm hay để ý đến những cái hay, cái tốt, hữu ích của họ, mà cảm nhận ra hay cám ơn về những ảnh hưởng đến đời sống của chính mình.
     Như chúng ta biết thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài người không ai thoát khỏi ngày xưa hay ngày nay cũng vậy.  Chúng ta thường to tiếng chỉ trích hay kết án lối sống phô trương bên ngoài.  Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hay căn cứ vào những cái bên ngoài đó mà đánh giá người khác.  Sự thực thì đánh giá một người theo phương diện bên ngoài có thể đúng nhưng cũng có thể sai lầm.  Chúng ta có câu nói: “Trông mặt mà bắt hình dong.”  Và ngược lại chúng ta cũng thường nghe câu nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,” hay “Xanh vỏ mà đỏ lòng.”  Cho nên, nhận xét đánh giá một người mà chỉ căn cứ vào thành kiến và bề ngoài có thể là nông nổi, thiển cận, nhiều khi phạm tội mất đức công bằng và bác ái, và gây ra những hậu quả chia rẽ, nghi ngờ trầm trọng, nguy hiểm và tai hại mà chúng ta thấy xảy ra trong nhiều cộng đoàn tôn giáo.
       Tóm lại, thành kiến đã làm cho dân làng Na-da-rét nhận xét và phán đoán sai lầm về Chúa Giêsu.  Họ đã không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế.  Đối với chúng ta cũng vậy, thành kiến có thể làm chúng ta mù quáng, không nhận định và phán đoán một cách khách quan, đúng đắn được.  Thành kiến làm chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi người khác, nhiều khi, vì thiển cận và sai lầm chúng ta còn tìm cách bới móc để xuyên tạc, vu oan, giá hoạ cho người khác.  Chúng ta nghe Chúa Giê-su đã nhiều lần khiển trách người Pharisêu, biệt phái và kinh sư về thành kiến của họ.
     Vì thế, là những Kitô hữu có đức tin vào Chúa, chúng ta phải cố gắng loại bỏ tất cả những thành kiến, để thứ nhất đối với cá nhân bản thân, khỏi sự tự ti mặc cảm; khỏi bị thu hẹp và nhất là tự hạ thấp giá trị con người của mình.  Và thứ nhì đối với những người chung quanh, có được một cái nhìn đúng đắn hơn, trung thực hơn, có một nhận xét chân thành hơn, một phán đoán khách quan hơn, và có một đời sống yêu thương cởi mở thân mật hơn.
      Bài học thứ hai là chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta đừng bao giờ tự phụ và tụ nhủ là đã biết rõ Chúa.  Chúng ta đi nhà thờ, chúng ta nghe về Chúa trong Tin mừng, tuyên xưng Chúa trong kinh Tin kính, chúng ta đã học một số giáo lý và về Chúa ở lớp học, chúng ta nghe hay đọc về Chúa trong các kinh, và tự xưng là biết Chúa rõ rồi.  Các thánh và các người có đời sống liên hệ mật thiết thánh thiện với Chúa luôn nhắc nhở chúng ta: mọi ngày từng giây phút trong đời sống phải có tấm lòng khao khát muốn biết rõ hơn Chúa Giêsu là ai.  Vậy chúng ta phải làm sao để biết Chúa hơn?  Bằng bốn điều thiết yếu sau: thứ nhất cầu nguyện, thứ hai năng chịu các Bí tích, thứ ba hy sinh khiêm nhường phục vụ và thứ bốn có tấm lòng quảng đại bác ái chân thật. Chỉ có một hay chỉ có 3 không đủ. 
      Ông bà anh chị em thân mến.  Tôi cũng phải thú nhận với mọi người, tôi cũng chưa biết Chúa đủ hay một cách rõ ràng, nhưng tôi cố gắng và cố gắng từng giờ, từng ngày, và tôi cũng biết tất cả ông bà anh chị em cũng đang cố gắng như vậy, đó là lý do tại sao chúng ta hiện diện trong Thánh lễ hôm nay. 
     Vì thành kiến và lòng tự phụ mà người dân tại làng Na-za-rét đã không nhận được những ơn sủng của Chúa.  Xin Chúa khích động chúng ta có lòng khao khát muốn biết Chúa rõ hơn, biết loại bỏ những thành kiến, có tâm hồn chân thành và quảng đại để hứng nhận ân sủng của Chúa tuôn đổ xuống cuộc sống chúng ta.
 
Lm. Quản Nhiệm

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....