Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Chúa nhật 17 Thường niên Năm B_2012.


    Có câu chuyện về một tù binh Hoa kỳ trong thế chiến thứ 2 bị giam tại trại tù hẻo lánh với khoảng 1,200 người bên bờ sông ở Thái Lan do quân đội Nhật cai quản.  Hàng ngàn tù binh đã chết vì đói khát và bị hành hạ tra tấn một cách tàn nhẫn.  Thế nhưng, theo tù binh kể lại, kẻ thù ghê gớm nhất của họ không phải là quân đội Nhật, cũng không phải vì bị đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo, mà là chính con người của họ. Sự sợ hãi và luật rừng trong tù làm cho mọi người sống trong tâm trạng kinh hoàng, tâm lý của họ bị xáo động, khủng hoảng.
Do đó họ ăn cắp, ăn trộm và lừa dối lẫn nhau.  Họ nghi ngờ và không tin nhau.  Để lấy lòng và được ưu tiên, họ đã tố giác, chỉ điểm lẫn nhau.  Các lính gác trại tù đã khinh bỉ nhạo báng họ từ một người lính kiêu hùng, giờ đây trở thành những con người khiếp đảm, sợ hãi và hèn nhát. Trong tình trạng này, họ cảm thấy cần một cái gì để khởi động tinh thần, tạo một sự liên kết và tin tưởng.  Nhưng họ có thể làm được cái gì trong tình trạng đau khổ và tuyệt vọng này!  Họ cố gắng bằng cách này, bằng cách nọ để an ủi và hỗ trợ nhau, nhưng đều thất bại.  
      Cuối cùng, 1 người lính có đạo cương quyết dùng đức tin để củng cố tinh thần và danh dự của nhau.  Trong âm thầm và kín đáo, người lính này tổ chức những nhóm nhỏ 1, 2 người cầu nguyện, đọc Kinh thánh và chia sẻ trong đêm tối.  Dần dần họ lôi kéo được nhiều người tham gia và nhận biết Chúa Giêsu.  Qua việc đọc Phúc âm, lắng nghe và chia sẻ, họ nhận ra được những trở ngại, khó khăn mà họ đang chịu.  Họ cảm nhận ra rằng những khó khăn và đau khổ của họ cũng giống như những sự đau khổ mà Chúa Giêsu đã trải qua. Chúa Giêsu cũng đã từng nếm sự đói khát trong hoang địa, cô đơn trong những đêm không chỗ trọ, những sự phản bội và bỏ rơi của môn đệ, và những sự tra hành hạ, khinh bỉ và bị tra tấn dã man, tàn nhẫn của quân thù.  Họ dần dần cảm nhận được những điều Phúc âm diễn tả về Chúa Giêsu: Người là ai, nói và làm những gì.  Cuộc đời của Chúa Giê-su bắt đầu thấm nhập vào tâm hồn và trở thành sống động trong đời sống của họ. Từ đó một sự lạ lùng diễn ra.  Họ dần dần chấm dứt nghi ngờ, chỉ điểm và hãm hại lẫn nhau.  Một sự biến đổi hoàn toàn diễn ra một cách rõ ràng trong đời sống của những người trong nhóm.  Khi cầu nguyện, họ cầu nguyện không phải cho chính họ mà cho nhau. Và nếu cho chính họ thì họ không xin được cái này hay cái khác, họ chỉ đơn giản xin được vững tâm, sự trông cậy và phó thác.  Rồi dần dần tinh thần này lan từ khu này tới khu khác. Và cũng từ đó, một niềm hy vọng đã nảy sinh và dâng lên trong tâm hồn mọi người.  Sau này những tù nhân đã thố lộ rằng đó chính là sự khác biệt giữa cuộc sống tuyệt vọng và hy vọng, giữa sự sống và sự chết.
     Ông bà anh chị em thân mến. Câu chuyện người người tù nhân dùng đức tin biến đổi cuộc sống và tình trạng trong trại tù ở trên, mang một sự trùng hợp xâu sa với câu chuyện của em bé trai trong phép lạ Chúa Giêsu hoá 2 con cá và 5 chiếc bánh ra nhiều để nuôi sống hơn 5 ngàn người đói khát trong chốn hoang vu mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay. Em bé đã hy sinh dâng hiến tất cả những gì mình có cho Chúa và tha nhân.  Chúng ta hãy tưởng tượng hành động lạ lùng của em bé trai này. Thông thường, những em nhỏ hay ích kỷ, và đặc biệt hơn, đây là phần ăn bảo vệ sinh mạng cho em.  Em đã hy sinh quảng đại cho tất cả.  Tuy chỉ là một phần nhỏ bé nhưng chúng ta thấy Chúa Giêsu đã thực hiện những gì còn lại. Chúa đã biến 2 con cá và 5 chiếc bánh của em bé ra nhiều để nuôi đám đông, vượt qua sự tưởng tượng của cậu bé, các môn đệ và mọi người.  Chúng ta thấy trong câu chuyện ở trên, Chúa Giêsu cũng đã dùng đức tin và danh dự của người lính, biến đổi một cách lạ lùng hoàn toàn hoàn cảnh trong trại tù, ngoài sức tưởng tượng và khả năng của ngay chính người lính và mọi người trong tù. 
   Ông bà anh chị em thân mến. Phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện cho đám đông đói khát, cho những tù binh trong trại giam, thì Người cũng muốn thực hiện cho mọi người trong xã hội và thế giới hôm nay.  Thế nhưng Chúa cần đến chúng ta.  Chúa muốn chúng ta hợp tác với Người như cậu bé trai quảng đại trong Tin mừng, và người lính can đảm trong câu chuyện, để Chúa biến đổi bộ mặt đau khổ, nghèo khổ, gian dối, lừa đảo, biến đổi sự sợ hãi, bất hạnh và vô vọng của chúng ta, của gia đình, cộng đoàn, xã hội và nhân loại, trở nên tốt đẹp, tràn đầy bình an và hy vọng.  
    Thực ra trong cuộc sống hay hoàn cảnh hiện tại, chúng ta gặp hay đối phó với rất nhiều sự khó khăn hay đau khổ. Chúng ta nhận thấy nhu cầu, trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình, thân nhân, cộng đoàn, xã hội và tha nhân luôn đè nặng trên vai, đôi khi đến ngộp thở và vô phương giải quyết.  Làm thế nào và làm sao để tôi, trong sự giới hạn, có thể giúp đỡ, giải quyết được tất cả những vấn đề, khó khăn và đau khổ mà mọi người đang gánh chịu?  Đó cũng chính là tâm trạng của các môn đệ, của em bé trai trong Tin mừng và của người tù binh Hoa kỳ trong trại tù.  Chúng ta thấy các môn đệ lượng định khả năng giới hạn của mình và nhận ra sự bất lực.  Họ nhận ra tình trạng thực tế hiện tại trước mắt và thú nhận rằng: “làm thế nào nuôi sống ngần ấy người?”  Thực sự họ muốn có thức ăn cho đám đông, họ không làm ngơ hay giả điếc trước nhu cầu cấp bách và cần thiết của người khác, nhưng chẳng biết xoay sở làm sao.  Vấn đề cấp bách trước mắt vượt quá khả năng và họ đã thú nhận với Chúa: “Ở đây có một em bé trai, có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người?”  Thật sự ra thì Chúa Giêsu cũng đã nhìn thấy vấn đề, và chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa sẽ phải đã giơ vai gánh vác trách nhiệm, vì con người làm sao có thể giải quyết được.
       Ngày nay cũng thế, nhiều khó khăn và đau khổ xem ra vượt quá sức lực, khả năng của chúng ta, nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cộng tác và tham gia với Người.  Trước mắt, chúng ta nhận thấy nhiều vấn đề khó khăn như công ăn việc làm, tương lai, gia đình, con cái, giáo xứ, cộng đoàn,  nhiều sự đau khổ như lo âu, bệnh hoạn và tật nguyền của chính chúng ta và người khác.  Chúng ta phải thành thật tự nhận rằng toàn những vấn đề hình như vượt khỏi tầm tay nhỏ bé và giới hạn của mình. Chúng ta chẳng biết giải quyết ra sao?   Như các tông đồ xưa, chúng ta cảm thấy như bất lực, nhưng chúng ta tin Chúa đã, đang và sẽ có những kế hoạch trong chương trình, đường lối và thánh ý của Chúa.  Điều Ngài muốn nơi chúng ta là sự hy sinh, can đảm cũng như lòng chân thành cộng tác. Còn khả năng giải quyết khó khăn là ở nơi Ngài quan phòng!    Nhưng là những người có đức tin, chúng ta nhận rõ chúng ta đã nhận được nhiều ơn lành của Chúa cho chính chúng ta, cho gia đình và cho cộng đoàn.  Ngoài ra chúng ta cũng cảm nhận được tình yêu và ân sủng của Chúa tuôn đổ xuống cho chúng ta.  Chúng ta cũng đã nhiều lần thể hiện tấm lòng hy sinh thời giờ, đóng góp tiền bạc và khả năng cũng như thể hiện lòng bác ái, quảng đại, yêu thương của chúng ta trong công việc cộng tác với Chúa, để biến đổi đời sống người khác, để đem yêu thương sưởi ấm những tâm hồn cô đơn, đói khổ và nhất là những người sống trong sự tật nguyền như những em khiếm thị mà các sơ dòng Mến Thánh Giá hiện đang săn sóc, giúp đỡ và nuôi nấng.  Tôi thật sự cảm động trong những lần các sơ và các em đến thăm viếng cộng đoàn giáo xứ chúng ta. Các sơ đã hy sinh cuộc đời của mình để trở thành khí cụ, trở thành những chiếc bánh để Chúa xử dụng nuôi các em. Các sơ thật tình nhờ đến sự giúp đỡ và quảng đại của chúng ta để thực hiện điều này. Thật vậy, chúng ta biết chúng ta không thi hành sứ vụ này một mình. Có Chúa Giêsu cùng hoạt động cùng với chúng ta.  Ngài nhìn thấy khó khăn và “biết mình sắp làm gì rồi."  Chính qua các môn đệ, qua một em bé trai chỉ có 2 con cá và 5 chiếc bánh, mà Chúa nuôi sống đám đông!  Ngày nay và hôm nay, qua tấm lòng quảng đại và yêu mến Chúa của chúng ta mà Chúa sẽ nuôi sống và ban cho các em khiếm thị niềm bình an và hy vọng trong cuộc sống thiếu may mắn của mình. 
     Chúng ta cầu xin Mình Máu Chúa sẽ là nguồn sức mạnh giúp chúng ta có một đức tin vững chắc và có lòng sốt sắng, chân thành cộng tác với Chúa, tuy chỉ là một phần bé nhỏ, trong việc biến đổi mọi sự trở nên tốt đẹp, và chuyển đưa tình yêu thương của Chúa chan hòa đến cho những người, nhất là những em bé có đời sống thiếu may mắn.
 
Lm. Quản Nhiệm

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....