Trong các chuyện cổ của người Do Thái hồi thế kỷ thứ 18 có câu chuyện một chàng thanh niên nọ muốn học nghề đóng móng chân ngựa. Vốn sẵn có trí thông minh và lòng chuyên cần, cậu học nghề rất mau chóng. Cậu học cách cầm kìm, cầm búa và đập sắt v.v... Mãn thời gian học nghề, cậu lại còn cái may tìm được việc làm ngay tại chỗ đóng móng ngựa của nhà vua. Thế nhưng, tất cả tài nghệ của cậu đã trở nên vô ích bởi vì cậu đã không học cách đốt lò lửa, là yếu tố cần thiết và quan trọng nhất trong nghề nghiệp của cậu.
Các bạn thân mến, câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy sự tai hại trầm trọng khi bỏ qua yếu tố căn bản trong vấn đề giáo dục con người toàn diện. Trong môi trường xã hội nặng mùi vật chất và hưởng thụ, nhiều cha mẹ quá quan tâm đến việc học hành, nghề nghiệp, danh vọng và cả đến những đua đòi của con cái. Nhưng nếu không biết cho con cái điều gì khác hơn ngoài những thứ phù vân mau qua đó, nếu họ từ chối con cái chiều kích thánh thiêng của đời sống con người, thì quả thật những công lao khó nhọc của họ sẽ chỉ là công dã tràng. Thật không khác chi người chỉ quan tâm đến những chi tiết vụn vặt mà lại bỏ quên cái chính yếu và cần thiết nhất, là tâm điểm và là đích điểm của đời sống con người.
Hơn bao giờ hết, đây chính là vấn đề nghiêm trọng của đường lối giáo dục trong thời đại chúng ta, và là điều cấp thiết hầu như dưới hết mọi bầu trời; mặc dù người ta không muốn thú nhận, hoặc không muốn đề cập tới nó. Nói đến việc giáo dục tôn giáo, hoặc đào luyện lòng đạo, người ta thường nghĩ ngay đến những thứ giáo lý trừu tượng, một mớ kiến thức về Thiên Chúa xa vời, không có liên quan gì đến những bon chen trong đời sống con người, và những nghi thức rườm rà bên ngoài. Khi các trẻ em mới bắt đầu đi học giáo lý, ở nhà trường cũng như nhà xứ, các em thường được nghe những danh từ rất hay, rất đẹp, chẳng hạn như: Thiên Chúa, tình yêu, lòng nhân từ tha thứ, lòng bác ái, chia sẻ cơn áo, đời sống mới, ơn thánh, v.v... nhưng đối với một số đông, đó chỉ là những danh từ trống rỗng. Các em cố gắng chịu đựng những giờ giáo lý cách bất đắc dĩ. Vì thế không lạ gì khi đến tuổi “xả lồng” là các em bỏ hết mọi việc kinh hạt, cũng không thấy cần phải đến nhà thờ, đi dự lễ nữa.
1. Gia đình là cái nôi của đời sống đạo
Cha mẹ giao phó việc giáo dục cho nhà trường, và họ tưởng thế là làm tròn bổn phận. Thế nhưng, họ đã quên rằng gia đình chính là môi trường đầu tiên trong việc giáo dục tôn giáo và tinh thần đạo đức. Cha mẹ là người có bổn phận bù đắp vào những chỗ trống mà môi trường học đường, xã hội không thể đáp ứng được. Gia đình là cái nôi, của đời sống thiêng liêng, là vườn ương các nhân đức tự nhiên, cũng như siêu nhiên. Từ kinh nghiệm yêu thương và được yêu thương trong gia đình, con cái sẽ bắt đầu hiểu biết tình thưong vô biên của Thiên Chúa là gì. Không ai được nhìn thấy tận mắt Thiên Chúa như thế nào, nhưng qua tình thương và nhân cách của cha mẹ, con cái sẽ hình dung được phần nào Thiên Chúa là ai và Ngài yêu thương chúng ta như thế nào. Trái lại, nếu cha mẹ chỉ nói về Thiên Chúa bằng một số danh từ đạo, hoặc một số hình ảnh mơ hồ, nhưng không cho con cái được dịp cảm nghiệm tình thương chân thành cách cụ thể, thì chẳng khác gì như khi nói về những món ăn ngon lành làm các em chảy nước miếng, nhưng rồi lại đặt trước mặt cái em cái mâm với những cái chén không. Việc giáo dục đời sống thiêng liêng và lòng đạo đức phải được nảy sinh ngay trong đời sống hằng ngày. Biết chia sẻ với con cái những niềm vui nho nhỏ trong gia đình, khi nhìn ngắm vẻ đẹp thiên nhiên, khi yêu thương con cái cách vị tha, vô điều kiện, đó chính là lúc cha mẹ phản ánh phần nào dung mạo của Thiên Chúa là Cha nhân từ đầy tình thương.
2. Gia đình là cộng đoàn thiêng liêng bé nhỏ
Trong gia đình, các phần tử liên kết với nhau không những chỉ bằng sợi giây thiêng liêng, nhưng là bởi chính sợi giây bền chặt tự nhiên, là cùng một giòng máu, cùng xương thịt. Ở đâu người ta có thể cảm nghiệm dễ dàng hơn về sự an bình vì có được một chỗ đứng, vì biết mình được chấp nhận, được coi trọng hơn tiền tài, đồ vật, biết mình được yêu thương, tha thứ mỗi khi lầm lỗi, được khích lệ trước những cố gắng thành công, nếu không phải là qua những biến cố lớn nhỏ thêu dệt nên đời sống ga đình ?
3. Gia đình là trường huấn luyện lòng hy vọng
Bước chân vào đời, các bạn trẻ sẽ nhận thấy ngay rằng trên đời không chỉ có an bình, hòa thuận và yêu thương mà thôi, nhưng còn phải đương đầu với những khó khăn thử thách và những thất bại, thất vọng đắng cay ngoài ý muốn. Chính trong những lúc gian nan đó, con cái cần tìm được chốn nương tựa qua sự hướng dẫn khôn ngoan, sự thông cảm, và tình thương tha thứ để lấy lại niềm tin tưởng và lòng tự tin hướng nhìn về tương lai. Chỉ trong bầu khí an bình đầy tình thương của gia đình, các bạn trẻ mới có cơ hội đối chiếu và thử sức với những khó khăn thất bại, đồng thời không lo sợ bị mất mát vì biết mình vẫn luôn được yêu thương. Tinh thần lạc quan hy vọng sẽ giúp các bạn trẻ khám phá ra rằng đau khổ, thất bại chỉ là thực tại mau qua, tuy không thể nào loại bỏ hết được, và cũng không phải là cùng đích của đời sống con người,nhưng chỉ là cái bàn đạp để vươn lên, để tiến xa hơn, và để trưởng thành về mọi mặt, thể xác, tâm lý cũng như tinh thần.
Trước những biến cố đau buồn của cá nhân, của gia đình và của xã hội, thay vì thất đảm, chán nản, đóng kín cửa lòng, tại sao chúng ta lại không biết cầu nguyện chung với nhau trong gia đình? Tại sao chúng ta lại không cùng nhau lần giở lại những trang sử đau thương của dân Do thái và của các tín hữu anh dũng đã phải chiến đấu, đã đi trước chúng ta ?
4. Sát nhập gia đình vào cộng đoàn đức tin rộng lớn hơn
Tham gia vào đời sống cộng đoàn giáo xứ là phương cách hữu hiệu có thể tìm lại được và diễn tả căn cước tính của mỗi gia đình. Tuy nhiên cũng nên lưu ý xa tránh và đề phòng những cạm bẫy sau đây.
* Cha mẹ không nên gọi đến Thiên Chúa như người có thể đáp ứng những nhu cầu của mình, hoặc như người cảnh sát luôn canh chừng có ai lỗi phạm để trừng phạt. Tốt hơn, nên vun trồng mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa để củng cố tình mến và lòng tin tưởng đối với Ngài.
* Chú ý tới những nghi thức đạo. Có thể bắt đầu từ cách làm dấu thánh giá nghiêm trang, thái độ cung kính khi đọc và lắng nghe lời Chúa qua sách kinh thánh cũng như lòng khiêm tốn ngoan thảo đối với những trung gian của Ngài.
Một danh nhân đã viết: Làm cha mẹ, chỉ hai điều có thể hy vọng ban tặng cho con cái. Một là rễ cái ăn sâu trong lòng dất, hai là đôi cánh vững chắc để có thể bay bổng lên cao.
Thật vậy rễ cái ăn sâu và đôi cánh vững mạnh đó không còn gì khác hơn ngoài lòng đạo đức và những tâm tình thiêng liêng sâu xa được bắt đầu bén rễ và lớn mạnh ngay từ dưới mái gia đình.
Ferrero Bruno
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét