Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Trách nhiệm giáo dục của các cha mẹ độc thân

Cha mẹ độc thân là những ai? Từ ngữ “cha mẹ độc thân” ngày nay đã trở nên thông thường được dùng để đề cập đến những trường hợp liên quan đến ly dị, có con ngoài hôn nhân, hoặc có con mà không kết hôn nhưng ở chung hay ở một mình. Quan niệm và lối sống này đã dẫn đến một trong những vai trò mới của người làm cha mẹ thời nay, vai trò của những người cha hay người mẹ tự mình nuôi dậy con, hoặc nuôi dậy con với sự giúp đỡ của người tình, người yêu, người chồng hay người vợ sau này. Trách nhiệm chính trong việc giáo dục, nói một cách khác, vẫn là người cha hay người mẹ này. Họ mới chính là người có trách nhiệm, có ảnh hưởng chính đến đời sống tâm lý, tình cảm, luân lý, đạo đức, học vấn và xã hội sau này của đứa trẻ. 
Đối với những cha mẹ độc thân này, theo thống kê từ Văn Phòng Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ: 

84% những người được quyền nuôi dưỡng con cái là những người mẹ, 
16% những người được quyền nuôi dưỡng cái cái là những người cha.

Thống kê chi tiết cho biết những cha mẹ độc thân gồm: 

Phụ nữ Đàn ông 
Ly dị hoặc Ly thân: 45% 57%
Chưa bao giờ kết hôn: 34.2% 20.9%
Tái hôn: 19% 20%
Góa bụa: 1.7% Ít hơn 1% 


Cũng theo thống kê trên: 
54% những bà mẹ đang nuôi 1 con, và
46% có 2 hoặc nhiều hơn con đang sống với họ.

Về phương diện tâm lý và giáo dục, những tài liệu nghiên cứu trước đây cho biết rằng trẻ em sau khi cha mẹ ly dị đã phải gánh chịu những hậu quả tinh thần, hậu quả tâm lý rất lớn. Nỗi bất hạnh nhất là các em không được sống bên người cha hay người mẹ của mình. Không được hưởng cái tuổi xuân trọn vẹn bên người cha và người mẹ thân yêu. Không có quan niệm đầy đủ thế nào là một mái ấm hạnh phúc, trong đó người cha, người mẹ, anh chị em sống và lớn lên như thế nào. Ngược lại chỉ sống một mình với cha hoặc với mẹ. Trong nhiều trường hợp anh chị em cùng một cha mẹ còn bị phân chia em này theo cha, em kia theo mẹ. Một số sau khi cha hay mẹ có người yêu, có bồ, có chồng, hoặc có vợ mới thì lại phải sống với những người này. Những người mà các em thương hay không thương nhưng vẫn phải miễn cưỡng để sống. 

Kết qủa của những khảo cứu này còn cho biết, theo đó, trẻ em nhỏ tuổi dễ hòa đồng, trong khi các em lớn tuổi cảm thấy đau khổ và căng thẳng về việc cha mẹ ly dị. Về khác biệt giữa phái tính, các em nữ tuy tình cảm bị va chạm khiến đau khổ hơn so với các em nam khi cha mẹ ly dị, nhưng lại mau quên và có thể tháp nhập đời sống mới nhanh hơn. Ngược lại, các trẻ em nam khó quên và khi lớn lên thì ảnh hưởng ly dị của cha mẹ càng làm cho các em cảm thấy đau khổ, mất mát. Song song với những phân tích này, các em trai khi ở với người phối ngẫu hay bạn trai của mẹ thường bị đánh đập, chửi bới bởi những người đàn ông này. Các em gái dễ bị xâm phạm tình dục, bị cưỡng hiếp bởi những ông bố ghẻ. Hậu quả kế tiếp, sau này khi kết hôn các em này cũng có xác xuất ly dị cao hơn so với các em mà cha mẹ không ly dị. 

Những khảo cứu trước đây không đề cập đến trường hợp các em có cha hay mẹ sống một mình, có con ngoài hôn nhân mà những đứa trẻ ấy cũng chẳng biết cha hay mẹ mình là ai. Ảnh hưởng này thiết tưởng cũng không mấy khác nhau nếu đem so sánh với trường hợp các em sống với cha mẹ ly dị. 

Nhưng gần đây, do quan niệm và trào lưu đổi mới tư tưởng, hoặc vì lối sống buông thả coi nhẹ giá trị hôn nhân, gia đình, những nghiên cứu mới lại có những kết quả hoàn toàn khác biệt. Dựa theo những kết quả này thì con cái của những người cha, người mẹ đơn chiếc, ly dị hay không ly dị thì ảnh hưởng giáo dục, ảnh hưởng tâm lý của các em này cũng không khác biệt. Có nghĩa là cha mẹ ly dị, cha mẹ độc thân, hoặc cha mẹ sống với người tình, người yêu hay vợ, chồng sau này thì con cái cũng không gặp những ngãng trở, những khó khăn trong lãnh vực tâm lý, đạo đức, tâm linh và giáo dục. Cũng có kết quả cho rằng thà cha mẹ ly dị còn hơn sống với nhau mà cãi lẫy, gây gỗ làm ảnh hưởng đến con cái. 

Thực tế, càng kinh nghiệm trong đời sống hôn nhân, gia đình, càng đi sâu vào lãnh vực tâm lý, giáo dục, xã hội thì càng thấy rõ việc giáo dục của những cha mẹ độc thân không đơn giản, và không có kết quả tốt như nhiều người nghĩ. Những kết quả của khảo cứu mới về vấn đề này gần đây đã không mang nhiều tính thuyết phục nếu như ta để ý theo dõi, chứng kiến những khó khăn và trăn trở của nhiều phụ huynh độc thân. Một em khoảng 10 tuổi đã nói với tôi: 

- Ba con và má con đã ly dị nhau. Họ hay cãi nhau và làm con buồn. Bây giờ con sống với mẹ. Mẹ con đã có người bạn trai mà con gọi là uncle George. Ông ấy thỉnh thoảng đến nhà con chơi và ngủ lại qua đêm. Con không ghét nhưng cũng không yêu ông ta. Con vẫn mong ba con và má con hòa với nhau. Còn ba con thì đang sống rất xa. Thỉnh thoảng cũng về chở con đi chơi, đi hớt tóc, đi ăn tiệm, và cho con tiền. Nhưng con không thích những thứ đó. Con yêu và nhớ ba con. Muốn được ở bên ba con hơn. Nhiều khi trong lớp mấy đứa trẻ bắt nạt con, con muốn đánh lại và nghĩ nếu con có ba chúng nó không dám bắt nạt hay chọc quê con đâu. Nhiều lần sau giờ học bạn con có ba đến đón về con thấy mình buồn vì thiếu ba. Nhiều đêm nhớ ba, con đã khóc một mình. Lắm hôm con cũng thấy chán không muốn học nữa, nhưng mẹ con bắt con phải học. Những lúc nhớ ba như vậy con học không vô. 

Đó là trường hợp tâm lý biến đổi của một em bé còn biết nghe, còn biết vâng lời mẹ; còn được ba thương và người bồ của mẹ không đến nỗi đáng yêu mà cũng không đến nỗi đáng ghét đối với em. Nhưng nếu người bồ của mẹ kia đáng ghét, và như nhiều trường hợp mà báo chí đã loan tin là hành hạ và lạm dụng tình dục, hiếp dâm các em thì sao? Hậu quả ấy sẽ ảnh hưởng và hằn sâu vào đời sống tâm lý, tình cảm của các em như thế nào?!!! 

Nhưng còn những trường hợp khác, thí dụ một người cha hoặc người mẹ độc thân với đứa con 3 tuổi mang hội chứng Autism hoặc ADHD sống một mình hay sống với một người bạn trai hoặc bạn gái thì sao? Liệu rằng những tình cảm cần thiết mà một em bé mắc những chứng bệnh như vậy có được từ phía những người mà không phải là cha hay mẹ ruột của các em sẽ giúp gì cho các em cũng như giúp gì trong bổn phận và trách nhiệm của cha hay mẹ các em liên quan đến vấn đề giáo dục? Một hôm tôi đã hỏi một người mẹ trẻ có con mang hội chứng Autism: 

- Người chồng mới của cô đối với con cô đang bệnh tật như vậy thế nào? Anh ta có chia sẻ trách nhiệm và giúp cô giáo dục đứa trẻ không? 

Và người vợ trẻ ấy nhìn tôi rồi òa lên khóc: 

- Dạ không! Chỉ một mình em thôi. Anh ấy không giúp mà nhiều khi còn chửi xéo em, tỏ ra rất khó chịu với mẹ con em nữa. Hồi đầu khi mới về Việt Nam cưới em, anh ấy đã hứa hẹn đủ thứ là sẽ đưa mẹ con em qua Mỹ và sẽ tìm cách chữa trị cho con em. Nhưng qua rồi em mới biết, rốt cuộc anh ấy cũng chỉ là một người làm công tầm thường, đời sống vật chất của chúng em vì vậy rất vất vả. Có lẽ vì kiếm tiền vất vả nên anh ấy hay cau có, gây gỗ, và phàn nàn về con em. Em cũng mới biết đây là anh ấy chẳng hiểu gì về các chương trình chữa trị cho con em. Cũng không thông cảm với em. Nhiều hôm em muốn ôm con trở về Việt Nam, nhưng nghĩ lại thấy chồng cũ của em quá tệ với mẹ con em nên em không muốn trở về. Ngoài ra, em cũng còn đang mang ơn người chồng mới vì dầu sao anh ấy cũng đưa mẹ con em qua được đến Mỹ. 

Trong lãnh vực chuyên môn và trải qua những kinh nghiệm nghề nghiệp tôi có thể xác tín điều này, trách nhiệm giáo dục của các cha mẹ độc thân thật hết sức khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực có khi là gấp 3, gấp 4 hoặc nhiều hơn nữa nếu như đem so sánh với những gia đình mà còn cả cha lẫn mẹ. 

Giáo dục là công tác và trách nhiệm của cha lẫn mẹ, đặc biệt khi gặp những đứa trẻ khó bảo, hay bệnh tật thể lý, tâm lý hoặc tâm thần. Những điều này chỉ nhằm nhắn nhủ các cha mẹ trẻ rằng không phải hễ mình muốn ly dị là ly dị mà không hề nghĩ đến những hậu quả mà con cái mình phải lãnh chịu. Rằng không nên vì mình mà bắt con cái phải lãnh cái hậu quả tồi tệ cho tương lại chúng. Làm như vậy là ích kỷ, là bất công, là thiếu đạo đức. Con cái chúng ta không muốn làm con chúng ta trong nhiều hoàn cảnh nếu như chúng được lựa chọn. Nhưng chính do huyền nhiệm của Thượng Đế, của tình yêu mà chúng đến với chúng ta trong cuộc đời này. 

Giáo dục không phải là chu cấp tiền bạc cho mẹ hay cho cha các em để nuôi chúng. Giáo dục cũng không phải là cho các em ăn no, mặc đẹp, gửi các em vào trường tư hoặc những trường nổi tiếng. Giáo dục toàn diện bao gồm cả trí, đức, và thể dục. Điều này một người không làm được. Chính vì vậy, trong trường hợp những cha mẹ độc thân thì trách nhiệm này càng nặng nề hơn nữa. Trong trường hợp một đứa trẻ không có cha hoặc không có mẹ, bổn phận người cha hay người mẹ còn lại là phải thay thế cả hai vai trò. Họ vừa là cha, vừa là mẹ, hoặc vừa là mẹ, vừa là cha. Trông đợi vào người chồng hoặc người vợ đã ly dị. Trông đợi vào sự giúp đỡ của người tình, người yêu, người chồng hay người vợ mới sau này là một điều mong manh và không bảo đảm. Thực tế và cũng dễ hiểu, rất ít người vợ hay người chồng, người tình sau thương yêu con mình, thương yêu với tất cả tấm lòng lo lắng, săn sóc như con ruột. Cái khó của những trường hợp này còn chòng kéo qua phạm vi, con ông, con tôi và con chúng ta. Làm sao người đến sau có thể hiểu và giáo dục được con mình? Làm sao những người đến sau có thể dung hòa được tình cảm giữa con của mình với con của chính họ? Và làm sao có thể dung hòa những con riêng ấy với con của chung giữa hai người. 

Tóm lại, nếu nói rằng việc giáo dục con cái của những cha mẹ độc thân là một vấn đề không quá khó khăn, phức tạp, và vì thế nó chỉ là chuyện cá nhân xảy ra cho một vài trường hợp thì không đúng; ngay cả khi quan niệm này được những thống kê hoặc khảo cứu đồng thuận. Ngược lại, đây là vấn đề với những khó khăn, chòng chéo mà hàng ngày những người có trách nhiệm trong các chương trình xã hội, y tế, luật pháp, và ngay cả học đường đang phái đối diện. Nó là vấn nạn chung của xã hội, của thời đại. Và nó cũng là những vấn nạn hoàn toàn không đơn thuần và dễ dàng giải quyết.

Trần Mỹ Duyệt
 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....