Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Giáo dục trong gia đình - điều kiện để con cái trưởng thành

Tuân Tử đã nói "Nhân chi sơ tính bản thiện". Con người sinh ra vốn mang tính thiện. Mỗi một con người như một tờ giấy trắng. Những nét đầu tiên viết lên trang giấy có thể sẽ quyết định  cả cuộc đời mỗi con người.

Con người sinh ra, bản thân chưa hình thành tính cách rõ rệt. Song, môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ tiếp xúc - là gia đình - sẽ là những ảnh hưởng đầu tiên, quan trọng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của mỗi người. Bởi vậy, cách giáo dục và môi trường sống trong mỗi gia đình đóng vai trò quyết định, ảnh hưởng đến việc đứa trẻ lớn lên như thế nào và sống ra sao!

Một người trưởng thành, tất nhiên chịu ảnh hưởng của nhiều môi trường sống: gia đình, nhà trường, bạn bè, nơi làm việc… Từng môi trường có tác động khác nhau, vào từng "góc" tiếp thu của con người. Song, môi trường gia đình giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong việc hình thành tính cách, nhân cách, lối sống của mỗi người. Vì vậy, hãy chú ý đến cách giáo dục trong gia đình. Muốn con cái trưởng thành, hãy tự xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, phù hợp và hiệu quả trong mỗi mái nhà.

Hãy biết cách giáo dục con, hãy tạo điều kiện để con mình phát triển toàn diện, không phải bằng cách ép buộc, gia trưởng … hay bất cứ hình thức nào gây ức chế đến tâm lý con cái. Nếu dạy con không đúng cách, sớm hay muộn, con cái cũng sẽ đi "chệch hướng" yêu cầu của cha mẹ, thậm chí còn phản tác dụng, gây tâm lý chống đối và căng thẳng từ con cái.

Mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, thói quen khác nhau, cách sinh hoạt khác nhau và phương pháp giáo dục con khác nhau. Song, khi cha mẹ giữ vai trò là người đặt ra các nguyên tắc giáo dục trong gia đình, hãy chọn cách giáo dục phù hợp để không chỉ uốn nắn con theo ý mình và còn tạo nền móng để con cái phát triển toàn diện và trưởng thành theo đúng nghĩa.
  
Các bậc cha mẹ có thể tham khảo một vài qui tắc chính trong việc giáo dục con cái để giúp con trưởng thành toàn diện:

Không cầu toàn

Con người không ai toàn diện. Bất cứ ai cũng có thể có mặt tốt, xấu, thiếu sót. Đó là lý do không nên quá cầu toàn trong việc dạy con, đánh giá con cái và trong cả việc giáo dục con cái.

Hãy tìm hiểu tính cách của con mình, phân tích xem nên phát huy mặt gì mạnh, khắc phục mặt yếu nào của con. Khi dạy con, đừng đòi hỏi con phải làm gì đó thật tốt, thật xuất sắc, mà hãy dạy con biết tiết chế những mặt yếu để phát huy mặt mạnh của mình. Điều đó sẽ giúp con bạn nhận thức đúng đắn về bản thân, đồng thời cũng giúp con không có tâm lý quá cầu toàn trong cuộc sống, để trên đường đời, con bạn không bị những cú "sốc" về những điều còn hạn chế của xã hội.
Rất nhiều gia đình quá cầu toàn trong cách dạy con, ép con thực hiện việc gì cũng phải hoàn toàn tốt, tuyệt đối xuất sắc, vô hình chung làm cho con cái cũng đánh giá mọi sự vật, hiện tượng xung quanh qua lăng kính cầu toàn, chúng đòi hỏi mọi việc lúc nào cũng phải tốt đẹp, toàn diện, không chấp nhận những mặt trái của xã hội, của con người. Điều đó dễ gây bất mãn, mất niềm tin vào mọi điều xung quanh.

Đừng kỳ vọng quá mức

Nếu đặt kỳ vọng quá mức vào con, bạn đã gây áp lực lớn cho con mình. Như thế, con bạn lúc nào cũng sống trong trạng thái căng thẳng, luôn lo lắng mình làm như thế này đã đúng yêu cầu của bố mẹ chưa. Dù còn nhỏ hay đã trưởng thành, con cái cũng không muốn bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào mình. Bởi đó là một trách nhiệm nặng nề mà không phải lúc nào cũng thực hiện được. Nếu đặt hi vọng quá lớn vào con, khi con bạn không thực hiện được ước muốn của cha mẹ, lúc đó, bản thân cha mẹ sẽ bị thất vọng nặng nề, gây tác động xấu đến chính con cái mình.

Hãy đánh giá con cái đúng khả năng vốn có. Hãy chịu khó và cố gắng tìm hiểu xem con mình có sở trường, sở đoản gì. Hãy chấp nhận rằng không phải tất cả mọi người đều thông minh, nhanh nhẹn, dễ tiếp thu, có năng lực… Quả là may mắn nếu con bạn là một trong những người như thế. Nhưng cũng hãy biết đối diện với sự thật, nếu con bạn không là một trong những "ngôi sao sáng". Ở trường hợp này, hãy hướng nghiệp cho con đúng với khả năng của con. Như thế bạn đã làm một việc đúng đắn để phát huy khả năng của con người.

Hiện nay, "cuộc chiến" đi săn tìm các trường học chất lượng cao là một ví dụ về sự kỳ vọng quá mức vào con cái. Sẽ là phù hợp, nếu con bạn có năng lực, khi theo học trong những lớp "chất lượng cao". Song sẽ là gánh nặng, thậm chí còn kéo con "thụt lùi" nếu bạn cứ ép con mình vào một môi trường quá khả năng của nó. Hãy biết đánh giá đúng về con cái!
  
Thống nhất trong cách giáo dục

Đây cũng là điều mà ít gia đình làm được. Bởi lẽ, giữa hai vợ chồng, nhiều khi quan điểm giáo dục trái ngược nhau. Nhiều khi, bố dạy một đằng, mẹ dạy một nẻo làm cho con cái không biết "đường nào mà lần". Cuối cùng, hẳn chúng sẽ làm theo ý riêng của mình.


Hai vợ chồng hãy thống nhất về phương pháp dạy con. Tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèm thổi ngược. Một người cha nghiêm khắc sẽ không thể nào dạy được con nếu bà mẹ chiều con quá mức hoặc ngược lại. Tốt nhất, cha mẹ hãy bàn bạc trước khi đưa ra một vấn đề với con. Điều đó tạo sự đồng thuận không chỉ giữa cha mẹ mà còn giữa cả cha mẹ và con cái.

Gương mẫu

Con cái bạn sẽ vượt đèn đỏ nếu thấy bố mẹ chúng làm thế.

Việc gương mẫu để làm gương cho con cái là một việc cực kỳ quan trọng trong việc dạy dỗ con. Con cái phải tâm phục, khẩu phục. Có như thế tiếng nói của cha mẹ mới có "sức nặng". Bạn hãy "chấn chỉnh" mình trước rồi dạy con. Điều mà các ông bố bà mẹ nên tâm niệm là "mình là tấm gương cho con".

Những điều bạn dạy con bằng lời có ảnh hưởng 10 phần, thì những điều bạn thể hiện bằng hành động sẽ ảnh hưởng đến con bạn gấp 10 lần đấy.

Đối thoại

Thông tin một chiều không bao giờ có hiệu quả bằng thông tin hai chiều. Thay vì bạn ra lệnh: con phải làm việc này, con phải làm việc kia… , bạn hãy đối thoại, trao đổi với con. Chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn hẳn.

Khi đối thoại, các bậc cha mẹ hãy coi mình như người bạn của con, bạn sẽ khám phá ra nhiều điều từ con mình, từ tính cách, sở thích, suy nghĩ và rất nhiều thông tin quan trọng. Bạn đừng áp đặt suy nghĩ của mình cho con và bắt chúng làm theo. Đôi khi sẽ tạo phản ứng ngầm trong suy nghĩ của con bạn.

Đừng quan niệm rằng mình là cha mẹ, mình có quyền bắt con cái làm theo những gì bạn muốn. Hãy cho con được thể hiện suy nghĩ và quan điểm của chúng. Đối thoại là một cách để hiểu về con mình.

Tôn trọng con cái

Mặc dù là con, nhưng con cái cũng đòi hỏi mình được tôn trọng. Tôn trọng tính cách, sở thích và quan điểm của con là một cách để gần gũi và hiểu con hơn. Bạn có thể đưa ra một vấn đề và đề nghị con bạn đưa ra quan điểm riêng. Như thế sẽ khuyến khích tính tự lập và thói quen phản ứng nhanh nhạy trước một vấn đề nào đó của con bạn.

Nếu con bạn mắc lỗi, đừng mắng chửi, lên án, mà hãy nói chuyện một cách nghiêm túc để con bạn nhận ra vấn đề. Không ai có thể luôn luôn làm điều đúng đắn. Con cái bạn cũng như thế.

Ngay cả đời sống riêng tư của con, cha mẹ cũng tránh không nên xâm phạm thái quá. Đừng nghĩ đọc trộm nhật ký là giải pháp đúng để kiểm tra suy nghĩ của con. Hãy tôn trọng tính cách, thói quen, đời sống riêng của con và hãy tìm hiểu bằng cách trao đổi và tôn trọng ý kiến của con. Đó là cách giúp con bạn trưởng thành hơn.

Tin tưởng

Có rất nhiều bậc cha mẹ sai lầm khi cho rằng "trứng" không "khôn hơn vịt" được. Đừng "cổ hủ" như thế mà hãy tin tưởng vào con cái, khuyến khích con đánh giá các vấn đề và đưa ra ý kiến. Cha mẹ đặt niềm tin vào con sẽ giúp con cái tự tin hơn để đối diện với các vấn đề trong cuộc sống.

Cha mẹ nào cũng muốn con cái trưởng thành và thành đạt. Nhưng nếu không tin tưởng ở con, thì con bạn khó có thể trưởng thành trong mắt cha mẹ. Có nhiều trường hợp khi ra ngoài xã hội, có rất nhiều người tự tin, thành đạt, nhưng khi trở về gia đình, vẫn bị cha mẹ coi như trẻ thơ.

Trong cuộc sống, môi trường giáo dục gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người từ khi sinh ra đến tận lúc trưởng thành. Nếu gia đình nào có tác động tích cực đến con cái thì phần lớn con cái đều trưởng thành và tự tin trong cuộc sống. Ngược lại, có những cách giáo dục sai lầm làm cho con cái trì trệ, dựa dẫm và không thể tự "đứng" trên đôi chân của chính mình, thậm chí còn làm hư hỏng con cái mình.

Giáo dục trong gia đình đúng cách sẽ "cung cấp" cho xã hội nhiều con người "tích cực". Hãy góp phần xây dựng một xã hội phát triển từ chính gia đình mình. Bởi gia đình là tế bào của xã hội.

Tác giả bài viết: Thủy Linh
Nguồn: www.gdtd.vn

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....