Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung

Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều đề cập đến biến cố Hiển Dung (Mátthêu 17,1-8; Máccô 9,2-9; Luca 9,28-36). Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế và sau lần đầu tiên Chúa Giêsu nói về sự thống khổ và cái chết của Người. Sự hăng hái của Phêrô trong việc dựng lều nơi hiển dung đưa ra giả sử rằng, biến cố đó xảy ra trong dịp Lễ Lều kéo dài một tuần lễ trong mùa thu.
Tabor là ngọn núi cao nhất miền Galilêa. Từ trên đỉnh ta có thể nhìn thấy một khung cảnh bao quát. Chính tại đây, Chúa Giêsu đã biến hình trước mặt ba môn đệ là những người sẽ được chứng kiến cơn hấp hối của Ngài sau này trong vườn cây Dầu.
Mặc dù cả ba văn bản đều rất giống nhau, theo các học giả Thánh Kinh, thật khó để diễn lại cảm nghiệm của các tông đồ, vì các Phúc Âm dựa rất nhiều vào Cựu Ước trong đoạn diễn tả cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa ở núi Sinai và những điều tiên tri về Con Người. Chắc chắn là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã thoáng được nhìn thấy thiên tính của Chúa Giêsu, nhưng ấn tượng ấy đủ mạnh để tạo nên sự sợ hãi in sâu trong tâm hồn họ.
Phúc Âm đã kể lại: "Quần áo Ngài trở nên rực sáng và trắng đẹp đến nỗi không một thợ giặt nào ở thế gian làm được như vậy. Rồi Elia và Môsê hiện ra nói chuyện với Ngài. Bấy giờ Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu: "Lạy Thầy, ở đây tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều: Thầy một, Elia một và Môsê một". Phêrô không rõ mình nói gì vì cả ba đều kinh sợ. Kế đến có một đám mây che phủ các Ðấng ấy và nghe thấy tiếng từ đám mây phán ra: "Này là con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người".
Một cảm nghiệm như vậy không thể nào diễn tả được, do đó các ngài dùng cách diễn đạt thông thường trong kinh sách để diễn tả. Và tất nhiên, Chúa Giêsu đã cảnh cáo cho họ biết, sự vinh hiển và sự thống khổ của Người liên hệ với nhau một cách chặt chẽ - đó là chủ đề mà Gioan lập đi lập lại trong Phúc Âm của ngài.
Sự biến hình, một lần nữa lại minh xác với chúng ta rằng: Ðức Kitô chính là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể, đồng thời cho chúng ta thấy trước được hình ảnh sự sống lại vinh hiển của Ðấng Cứu Thế, và sự sống lại của những người công chính trong ngày sau hết.
Truyền thống coi núi Tabor là nơi hiển dung. Ðầu tiên, trong thế kỷ thứ tư một nhà thờ được dựng nên ở nơi đây để cung hiến cho biến cố này vào ngày 6 tháng Tám. Một ngày lễ để tôn kính sự Hiển Dung được Giáo Hội Ðông Phương cử hành mừng bắt đầu từ khoảng thời gian đó. Sự mừng kính của một vài Giáo Hội Tây Phương bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ tám.
Vào ngày 22 tháng Bảy năm 1456, Thập Tự quân đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Belgrade. Tin tức về cuộc chiến thắng được đưa về Rôma vào ngày 6 tháng Tám, và vào năm sau, Ðức Thánh Cha Callistus III đã đưa ngày lễ này vào niên lịch phụng vụ của Rôma.
(Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....