Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Năm Ngọ nói chuyện Ngựa

NGỰA TRONG VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM
Trong nhiều cuốn phim, đặc biệt những phim thời xưa, chúng ta thấy ngựa là một con vật được xử dụng để di chuyển. Đặc biệt trong chiến tranh ngựa được dùng để giao chiến và trong lịch sử mỗi quốc gia chắc hẳn có những chuyện huyền thoại về những con chiến mã đã cứu vua, cứu tướng, hoặc giúp vua, giúp tướng hiện thực được những chiến công hiển hách! Kho tàng văn chương Việt Nam, câu chuyện Thánh Gióng đã đề cập tới một con ngựa sắt như sau:

Vào thời vua Hùng Vương thứ VI, ở một làng thuộc bộ Vũ Ninh, một người đàn bà đã thụ thai một cách kỳ lạ và sinh ra một bé trai bụ bẫm, chỉ khác một điều là cậu bé không khóc, không cười, không nói! Dù đã 3 tuổi rồi mà vẫn chưa nói! Lúc bấy giờ có giặc kéo đến đánh nước Văn Lang, vua lo âu truyền chiếu chỉ tìm nhân tài ra dẹp loạn cứu nước. Nghe thế bà mẹ vỗ vào con nói giỡn “Thằng cu này bao giờ mới đi dẹp được giặc đây!” Bỗng bà thấy con biết nói, biết cười, biết ngồi v.v… giục bà đi gọi sứ của vua lại… Chú bé nói:
Bay về, bay rổng vua bay
Cơm thì bay thổi đầy bảy nong
Cà thì muối lấy ba gồng
Ngựa sắt, vọt sắt, ta dùng dẹp cho.
Mắt chú bé sáng, tiếng nói vang như sấm… Dân làng lo đi nấu và cung cấp thức ăn, chú bé ăn và cao lớn… Sứ thần về tâu vua. Vua cho đúc ngựa sắt đặc và Thánh Gióng vươn mình mặc áo giáp sắt phi ngựa, đi tới đâu dân chúng reo hò theo Thánh Gióng ra trận mạt… Nơi trận chiến Thánh Gióng tiêu diệt binh giặc đem lại thái bình cho dân nước… Xong nhiệm vụ Thánh Gióng quất ngựa bay lên đỉnh núi cao và biến mất!
Câu chuyện cổ tích trên nói lên sự khát khao một vị cứu nhân độ thế và sức mạnh của con ngựa sắt… Thành ngữ, tục ngữ dân gian Việt Nam thường ví von: Quất Ngựa truy phong – Thẳng như ruột Ngựa – Ngựa chạy đường dài – Ngựa chạy về ngược – Ngựa háu đá – Ngựa quen đường cũ – Ngựa xe như nước – Ngựa kéo Voi giày – Một con Ngựa đau cả tàu không ăn cỏ – Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn – Đường dài mới biết Ngựa hay.
Về các loại ngựa, có rất nhiều loại khác nhau như con Hà Mã, Ngựa Rằn ở Phi Châu. Dưới biển có con Hải Mã hoặc còn được gọi là con Cá Ngựa. Ở Hy Lạp thời xưa, có một giống Ngựa có cánh để bay được gọi là Phi Mã.
Tại các vùng Châu Mỹ, Úc Châu, Au Châu và Phi Châu các tay cao thủ vẫn hay dùng ngựa trong các môn thể thao… và khắp nơi trên thế giới, tại các thành phố lớn người ta thường tổ chức đua ngựa và cá ngựa. Những giải đua lên tới cả chục triệu và mỗi mùa cá ngựa tiền “cá” có thể lên tới cả tỷ đô. Ở Úc, giải Melbourne Cup vẫn là một giải đua ngựa lớn, đã trở thành ngày nghỉ lễ của cả tiểu bang…
Đấy là ngựa trong dân gian và văn học. Còn ngựa trong tôn giáo thì sao? Đặc biệt trong Thánh Kinh đã có những đoạn nào đề cập tới ngựa? Tò mò tôi đã đi tìm trong Cuốn Bách Khoa Kinh Thánh và cuốn Kinh Thánh Cựu và tân Ước xem sao?
NGỰA TRONG CỰU ƯỚC
Tôi ngạc nhiên trong Cưu Ước có tới 33 câu đề cập tới ngựa. Hầu hết các lần nói tới là ngựa là phương tiện chuyên chở cho quân binh tướng và để hạ được quân binh tướng đó, thì phải tìm cách hạ thủ con ngựa cả trong lãnh vực tâm linh như trong sách Khởi Nguyên 49: 16-17 đề cập tới Đan như một tướng lãnh của thế lực ma qủy như sau:
Đan đứng ra trọng phán dân nó đàng hoàng như một chi họ Israel,
Đan hãy là con rắn trên đường, tầm hạp nằm ngang lối,
Nó nhắm gót ngựa nó cắn mà làm kị mã lộn nhào!
Còn sách Xuất Hành chương 15 tường thuật việc Giavê Thiên Chúa can thiệp giải phóng dân Do Thái thoát khỏi ách thống trị của vua Pharaô qua cuộc vượt Biển đỏ dưới quyền thủ lãnh của Maisen. Dân Do Thái không võ trang binh kỵ chỉ tin vào Giavê Thiên Chúa, Đấng dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập sau nhiều sự lạ, ấy vậy mà vua Ai Cập sai kỹ mã và binh lính phóng ngựa đưổi theo bắt lại… Biển đỏ rẽ ra cho dân Chúa đi qua ráo chân, còn khi ngựa xe chiến mã Ai cập đuổi sau thì bị nước ập lại làm ngựa xe và họ bị nhậm chìm và trôi dạt vào bờ (Ex 15: 1, 19,21)… Những can thiệp của Giavê cho dân Người cũng được sách tiên tri Isaia chương 43 câu 17 diễn tả:
Đấng đã xuất trận với xe với ngựa,
Bá quân binh lực cùng nhau,
Chúng đã nằm rạt, không còn trỗi dậy,
Chúng đã rịu, tắt nghỉm như tim đèn.
Cũng như Giavê Thiên Chúa có thể dùng những người khiêm hạ, không tài cán để đối kháng lại những kẻ tự kiêu như tiên tri Giêrêmia đã viết trong chương 51 từ câu 20 – 23 như sau:
Ta đã dùng ngươi để đập tan các dân tộc
Ta đã dùng ngươi để hủy diệt các nước.
Ta đã dùng ngươi để dập tan ngựa với kỵ sĩ
Ta đã dùng ngươi để dập tan xe với người đánh xe v.v…
Tiên tri Amos cũng nói về sức mạnh của Giavê trước những thế lực người đời như 2:13 -15
Này đây, Ta sẽ cho các ngươi sa lầy tại chỗ,
như xe thổ mộ sa lầy khi đầy những lúa.
Kẻ lanh chai hết đường chạy trốn.
Người khoẻ mạnh vô phương trổ tài sức lực.
Anh hùng cũng vô phương thoát mạng.
Người cầm nỏ không tài đứng vững.
Người cưỡi ngựa cũng vô phương thoát mạng.
Những tâm tình tín thác vào Chúa chứ không vào sức mạnh con người hay chiến mã binh đội được diễn lột tả qua các ThánhVịnh 33: 16 -17
Vua oai không thắng nhờ lắm quân binh,
Anh hùng không thoát do nhiều sức mạnh.
Chiến mã hão huyền cho chiến thắng,
Sức nó nhiều, cũng không làm cho thoát nạn!
Và Thánh Vịnh 76: 4 – 7
Ở đó, Người bẻ gãy chớp lòe cung nỏ,
Khiên mộc, gươm giáo với chiến tranh.
Người thật sáng lạn, oai phong:
Trên từng núi chiến phẩm cướp được.
Can trường đã lăn ngủ giấc triền miên,
Hùng binh hết thảy, tay không còn cất nổi!
Tiếng Người quát ra, lạy Thiên Chúa Gia-cóp,
Xe với ngựa đã tê mê chết điếng.
Cuối cùng Thánh Vịnh 147:10-11
Nơi sức vóc ngựa, Người không vui khoái,
Bắp chân vạm vỡ, Ngươì không yêu chuộng.
Giavê yêu chuộng những ai kính sợ Người,
Những ai cậy trông ân nghĩa của Người!
Sách Cách Ngôn còn nói rõ hơn trong chương 21 câu 31 viết:
Người ta trang bị ngựa cho ngày lâm chiến,
Nhưng chiến thắng thuộc về Giavê!
Cũng như sách tiên tri Giacaria 12:4-5 nói lên cái xác quyết của dân Do Thái cũng như của quân thù rằng sức mạnh ở nơi Giavê Thiên Chúa chứ chẳng phải ở quân binh lãnh tướng:
Ta sẽ giáng đòn, làm tất cả ngựa đâm cuồng, làm kỵ mã hóa điên…
Các lạc tướng Giuđa sẽ nói trong lòng:
‘Sức mạnh của Giêrusalem nơi Giavê các đạo binh, Thiên Chúa của chúng!’
Và cũng tiên tri Giacaria trong chương đầu của ngôn sứ của Ngài nói tới một thị kiến Giavê Thiên Chúa sai sứ thần của Ngài cưỡi ngựa hung hung đỏ giữa những con ngựa hồng trắng khác đi thăm sát trần gian và loan tin Giavê Thiên Chúa sẽ giải thoát đất nước Giuđa và thành thánh Giêrusalem…
NGỰA TRONG TÂN ƯỚC
Ngựa được đề cập tới 14 lần trong Tân Ước, sách Tông Đồ Công Vụ đề cập tới ngựa như phương tiện chuyên chở như trong trường hợp của Thánh Phaolô: “Các ông cũng cho dọn ngựa lừa cho Phaolô cỡi, cho ông ấy được bình an vô sự đến cùng trấn thủ Fêlix” (TĐCV 23:24).
Còn thánh Giacôbê dùng hình ảnh hàm thiết ngựa để đưa ra một bài học làm cho quảng đại quần chúng suy nghĩ “Nếu ta tra hàm thiết vào mõm ngựa được để bắt chúng theo ý ta, thì ta cũng hướng dẫn một trật cả thân mình chúng” (Giacôbê 3:3).
Đăc biệt nhất là thánh Gioan trong sách Khải Huyền chương 6 đề cập tới thị kiến của Ngài về Con Người, tức Chúa Kitô khi Ngài trở lại trong ngày cánh chung mà những vị kỵ mã của vương quốc nước trời đã dùng những con ngựa màu sắc khác nhau được diễn tả như sau:
Tôi vẫn mãi nhìn: Khi Chiên Con đã mở ấn thứ nhất, thì tôi nghe Sinh vật thứ nhất hô như tiếng sấm: “Hãy đến!”
Tôi nhìn, thì này: một con ngựa bạch, và người cỡi nó mang chiếc cung; và người ấy được ban tặng triều thiên, và đã xuất chinh đắt thắng để chiến thắng.
Và khi Ngài mở ấn thứ hai, thì tôi nghe Sinh vật thứ hai hô: “Hãy đến!” Và một con khác, con ngựa xích thố xuất hiện, còn người cỡi nó được lịnh đánh bạt bình ra khỏi cõi đất, để cho thiên hạ sát hại lẫn nhau, và người ấy được ban tặng một thanh kiếm lớn.
Và khi Ngài mở ấn thứ ba, thì tôi nghe Sinh vật thứ ba hô: “Hãy đến!” Tôi nhìn, thì này một con ngựa màu huyền, và người cỡi nó tay cầm cân; và tôi nghe từ giữa các sinh vật như có tiếng nói: “Một thưng lúa miến, một đồng quan! Ba thưng lúa mạch, một đồng quan! Còn dầu và rượu, thì ngươi đừng hại đến!” Và khi Ngài mở ấn thứ tư, thì tôi nghe thấy tiếng Sinh vật thứ tư hô: “Hãy đến!”
Tôi nhìn, thì này: một con ngựa màu lục; và người cỡi nó manh danh: Ôn dịch!- có âm phủ theo sau. Đã ban quyền cho người ấy trên phần tư cõi đất, để giết bằng gươm giáo, đói kém, ôn dịch, và thú dữ trên đất. Và khi Ngài thứ năm mở ấn thứ năm, thì tôi thấy dưới tế đàn hồn những kẻ đã bị sát hại vì Lời Thiên Chúa, và vì lời chứng tá họ có nơi mình; họ kêu lớn tiếng rằng: “Cho đến bao giờ, lạy Chúa tể chí thánh và chân thật, Người không phân xử và báo phục cho máu chúng tôi trên dân cư trên đất”.
Và đã ban tặng cho họ mỗi người một áo trắng; và có lời phán bảo họ: Hãy an nghỉ, còn một ít nữa! Chờ cho đầy số những tôi tớ cùng một Chúa với họ, các anh em họ, những người sắp phải giết như họ. Tôi vẫn mãi nhìn: Khi Ngài mở ấn thứ sáu, thì xảy có động đất lớn; và mặt trời hóa đen sẫm như bốn dệt tóc huyền; và mặt trăng hoàn toàn ra như máu.
Tinh tú trên trời sa xuống đất, như cây vả trút hết quả non, khi bị cuồng phong quày cho lăn lóc. Và trời cuốn đi mất như quyển sách cuộn lại; và núi non cùng hải đảo hết thảy đều bị đánh bật khỏi chỗ. Và vua Chúa trên đất cùng Vương hầu và khanh tướng, giàu sang hay quyền thế, và nô lệ hay tự do hết thảy chui rúc ẩn mình nơi hang hốc và ghềnh đá núi non, và họ nói với núi non đá tảng: Hãy sập đè trên chúng tôi và che khuất chúng tôi cho khỏi nhan Đấng ngự trên ngai, cho khỏi cơn thịnh nộ của Chiên Con. Vì chứng Ngày lớn lao thịnh nộ của Người đã đến! Và ai nào có thể đứng vững được.
Trái lại trong chương 9 thánh Gioan đề cập tới Vị Thiên Thần thổi loa thứ năm với những hình phạt tàn sát địa cầu của thế giới đen tượng trương cho ma qủi: Hình thù châu chấu: chúng giống như ngựa sẵn sàng lâm chiến. Trên đầu chúng, có như thể triều thiên óng ánh vàng; và mặt chúng như mặt người ta.
Chúng có bờm như tóc đàn bà; và nanh chúng như nanh sư tử. Chúng có ngực tựa hồ áo giáp sắc; tiếng phát tự cánh chúng như tiếng xe trận rậm rộ, như vạn mã cùng xông vào trận. Chúng có đuôi như bò cạp và có nọc; chính nơi đuôi mà chúng có thế hiểm để làm thiên hạ điêu đứng trong vòng năm tháng. Chúng có Thiên thần Vực thẳm làm vua cai chúng; tên Hipri của nó là Abađđôn, còn theo tiếng Hy Lạp nó mang tên là Apollyôn.
Thánh Gioan tiếp tục thị kiến về loa thứ sáu như sau:
Và như vậy tôi đã thấy ngựa trong thị kiến, và những người cỡi chúng: Họ mặc áo giáp màu lửa đỏ, màu cánh trả, màu diêm sinh; và đầu ngựa, tựa hồ đầu sư tử; mõm chúng thét ra lửa, khói và diêm sinh. Do ba tai ương ấy, một phần ba nhân loại bị giết, bởi lửa, bởi khói, bởi diêm sinh phun ra tự mõm ngựa. Và sức hiểm của ngựa ở nơi mõm chúng, và nơi đuôi chúng: vì đuôi chúng giống như rắn có đầu; và nhờ đó mà chúng làm hại. Những người khác, những kẻ không bị giết trong các tai họa ấy, vẫn không hối cải bỏ các việc thay họ đã làm; vẫn không thôi thờ ma lạy quỉ và thần tượng vàng, bạc, đá, gỗ, những đồ vô phương thấy, nghe, đi đứng. Họ không hối cải bỏ tội sát nhân, phù phép, dâm bôn, trộm cắp của họ.
Cuối cùng của Sách Khải Huyền thánh Gioan nhìn thấy thị kiến chiến thắng của Vương Quốc của Đức Kitô được diễn tả trong chương 19 như sau:
Và tôi đã thấy trời mở ra, và này: một con ngựa bạch, và Đấng cỡi nó manh danh: Tin thành và Chân thật. Một cách công minh, Ngài xét xử, và giao chinh. Mắt Ngài là ngọn lửa hỏa hào; trên đầu Ngài, có nhiều vương miện; Ngài mang Danh đã viết, mà không ai biết được, chỉ trừ một mình Ngài.
Ngài mặc chiến bào nhúng máu, và danh hiệu gọi Ngài là Lời Thiên Chúa. Và theo Ngài, có những cơ binh thiên quốc cỡi ngựa bạch, mình vận trúc bâu trắng ngời tinh sạch. Tự miệng Ngài phóng ra thanh kiếm sắc bén, để nhờ đó Ngài chinh phạt các dân; chính Ngài dùng trượng sắc chăn dắt chúng. Chính Ngài đạp bồn rượu lôi đình thịnh nộ của Thiên Chúa toàn năng. Ngài mang Danh viết trên áo, trên tà áo của Ngài: Vua trên các vua và Chúa trên các Chúa. Và tôi đã thấy một Thiên Thần đứng trên mặt trời kêu lớn tiếng bảo chim muông hết thảy bay nơi thượng đỉnh vòm trời: “Đến mau! Hội lại dự tiệc linh đình của Thiên Chúa!
Để ăn thịt vua Chúa, thịt tướng lãnh, thịt binh hùng, thịt ngựa chiến, làm một với ky mã, thịt mọi người, tự do và nô lệ, kẻ bé và người lớn!” Và tôi đã thấy Mãnh thú và vua Chúa trên đất, với các cơ binh của họ, tụ họp lại để giao chiến với Đấng cỡi ngựa và cơ binh của Ngài. Và Mãnh thú đã bị bắt và với nó cả tiên tri giả, kẻ làm dấu lạ phò tá nó, khiến nó đã mê hoặc được những kẻ đã chịu thích tự Mãnh thú và những kẻ thờ lạy ảnh tượng nó. Cả hai bị quăng sống vào vũng lửa đốt bằng diêm sinh. Và mọi kẻ khác bị sát phạt do thanh kiếm của Đấng cỡi ngựa phóng ra tự miệng Ngài. Và hết mọi loài chim muông được no nê thịt chúng.
LỜI KẾT
Khi bước vào năm Giáp Ngọ, năm con ngựa, chắc hẳn tâm lòng của mỗi người chúng ta có những ý nghĩ khác nhau, có những mơ ước và âu lo riêng tư… Nhưng một trong những đặc điểm của ngựa là phi nhanh phóng mạnh cũng điểm tô cho mơ ước của chúng ta nhuốm màu cá biệt của loài ngựa. Chúng ta khát vọng cho lý tưởng được mau thành đạt. Chúng ta ước mơ cho thành công lớn mạnh. Chúng ta nhóm lửa tin yêu hy vọng cho cháy bừng và ghìm theo vó ngựa phi nhanh tới hang cùng ngõ hẻm để thắp sáng tin yêu cho người người và dựng xây hy vọng cho trần thế!
Như trong thị kiến của thánh Gioan chúng ta ước mơ những con ngựa của chúng ta sẽ là những con ngựa thuần, ngựa tốt phi theo con Bạch Mã của Lãnh Tướng Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai, Vua vũ trụ muôn loài…
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....