Chủ tịch Hạ viện,
Và quý vị đại biểu danh dự của Quốc hội
Kính thưa quý vị,
Tôi hết lòng biết ơn vì lời mời được đến
phát biểu tại phiên họp lần này của Quốc Hội ngay “tại vùng đất của tự
do và là ngôi nhà của người can đảm”. Tôi rất hân hạnh suy nghĩ rằng lý
do cho lời mời này đó là vì tôi cũng là một người con của lục địa to lớn
này, để từ đó tất cả chúng ta đã nhận lãnh quá nhiều điều và hướng về
đó chúng ta cùng chung chia một trách nhiệm chung.
Mỗi người con trai hay con gái của đất
nước này đều có một sứ mạng, một trách nhiệm cá nhân và với xã hội.
Trách nhiệm của chính quý vị, với tư cách là những đại biểu Quốc Hội, là
phải làm cho đất nước này, ngang qua hoạt động lập pháp của quý vị,
được lớn mạnh như một quốc gia. Quý vị là bộ mặt của nhân dân nước này,
là những đại biểu của họ. Quý vị được mời gọi để bảo về và duy trì phẩm
giá của đồng bào của quý vị trong nỗ lực theo đuổi không mỏi mệt và đầy
đòi hỏi của thiện ích chung, bởi lẽ đây là mục tiêu chính yếu của tất cả
các thể chế chính trị. Một xã hội chính trị được bảo đảm khi nó tìm
kiếm, như là một ơn gọi, để nhằm thoả mãn những nhu cầu chung bằng cách
khuyến khích sự phát triển của tất cả các thành viên, đặc biệt là những
ai ở trong các tình trạng dễ bị tổn thương và bị đe doạ. Hoạt động lập
pháp phải luôn được dựa trên sự quan tâm đến con người. Vì nó, quý vị đã
được mời, được kêu gọi và quy tụ lại bởi những ai đã tuyển chọn quý vị.
Công việc của quý vị là điều khiến cho
tôi phải suy tư dưới hai cái nhìn về nhân vật Mô-sê. Một mặt, tổ phụ và
người ban hành luật cho dân Ít-ra-en tượng trưng cho nhu cầu của dân tộc
để làm cho ý thức về sự hiệp nhất được sinh động ngang qua sự lập pháp
đúng đắn. Mặt khác, nhân vật Mô-sê dẫn đưa chúng ta trực tiếp đến với
Thiên Chúa và như thế là đến với phẩm giá siêu việt của con người. Mô-sê
cung cấp cho chúng ta một sự tổng hợp tốt đẹp của công việc của quý vị:
đó là quý vị được yêu cầu để bảo vệ, bằng công cụ pháp luật, hình ảnh
và nét giống với Thiên Chúa được phác hoạ trên mỗi khuôn mặt của con
người.
Hôm nay, tôi không chỉ muốn nói với quý
vị, nhưng còn với toàn thể nhân dân của Hoa Kỳ, thông qua quí vị. Ở đây,
cùng với các đại biểu của họ, tôi muốn tận dụng cơ hội này để đối thoại
với hàng ngàn người nam và người nữ, những người đang nỗ lực mỗi ngày
để thực hiện công việc hằng ngày một cách trung tín, để mang về nhà
lương thực hằng ngày, để dành dụm tiền bạc và – dần dà với thời gian –
để kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những gia đình của họ. Đây là
những người nam và người nữ không chỉ đơn thuần quan tâm đến việc thanh
toán các khoản thuế của họ, nhưng trong cách thức âm thầm của mình, họ
đang duy trì đời sống của xã hội. Họ khởi phát sự đoàn kết bằng hành
động của mình, và họ thiết lập các tổ chức để giúp đỡ những ai đang
thiếu thốn nhất.
Tôi cũng ước ao được bước vào cuộc đối
thoại với biết bao người cao niên, vốn là một kho tàng thông thái được
trui rèn bởi kinh nghiệm, và cũng là những người đã tìm kiến trong nhiều
cách thức khác nhau, đặc biệt ngang qua công tác thiện nguyện, để sẻ
chia các câu chuyện và sự sáng suốt của họ. Tôi biết rằng rất nhiều
người trong số họ đã nghỉ hưu, nhưng vẫn còn rất năng động, họ vẫn tiếp
tục lao tác để kiến thiết mảnh đất này. Tôi cũng muốn đối thoại với tất
cả những người trẻ, họ là những người đang lao tác để nhận ra những
nguyện vọng vĩ đại và cao quý của mình, họ đã không để mình bị lầm đường
lạc lối bởi biết bao đề nghị dễ dãi, họ đương đầu với những tình huống
khó khăn thường là hậu quả gây ra bởi sự thiếu trưởng thành của biết bao
người lớn. Tôi ước cao được đối thoại với tất cả quý vị, và tôi mong
muốn làm điều đó ngang qua ký ức lịch sử của những người trẻ của quý vị.
Chuyến viếng thăm của tôi diễn ra trong
thời điểm mà những người nam nữ thiện chí đang đánh dấu những kỷ niệm
của một vài nhân vật vĩ đại của Hoa Kỳ. Những sự phức tạp của lịch sử và
thực tại yếu đuối cứ như thế của con người, những người nam nữ, bởi vì
tất cả những khác biệt và giới hạn của họ, đã có thể bằng cách làm việc
chăm chỉ và hy sinh – vài người đã phải trả giá bằng mạng sống mình – để
kiến thiết một tương lai tươi sáng hơn. Họ đã khuôn đúc nên những giá
trị nền tảng vốn sẽ được duy trì mãi mãi trong tinh thần của nhân dân
Hoa Kỳ. Một con người với tinh thần này có thể vượt qua nhiều khủng
hoảng, căng thẳng và xung đột, trong khi vẫn luôn tìm kiếm những sáng
kiến để tiến về phía trước, và thực hiện điều đó với một sự tử tế. Những
người nam nữ này mang lại cho chúng ta một cách thức để nhìn và giải
thích thực tại. Khi vinh danh ký ức của họ, chúng ta được gợi hứng, thậm
chí ngay giữa những xung đột, và ngay tại đây và vào lúc này, để gợi
lại những tàn tích văn hoá sâu thẳm nhất của họ.
Tôi muốn đề cập đến bốn người trong số họ: đó là Abraham Lincoln, Martin Luther King, Dorothy Day và Thomas Merton.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 150 năm ngày
Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát, ông là người bảo vệ sự tự do, và
đã lao tác không mỏi mệt để “quốc gia này, trong Thiên Chúa, có thể sản
sinh ra tự do”. Kiến thiết một tương lai của tự do đòi hòi phải yêu mến
thiện ích chung và sự hợp tác trong tinh thần của sự bổ trợ và đoàn kết.
Tất cả chúng ta đều nhận thức rằng, và
hết lòng âu lo, bởi sự xáo trộn của hoàn cảnh xã hội và chính trị trong
thế giới ngày nay. Thế giới của chúng ta ngày càng trở nên một nơi chốn
của xung đột bạo lực, oán ghét và tính hung bạo, bị vi phạm ngay cả nhân
danh Thiên Chúa và tôn giáo. Chúng ta biết rằng không có tôn giáo nào
lại được miễn trừ khỏi những hình thức của ảo tưởng cá nhân và chủ nghĩa
cực đoan mang tính ý thức hệ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải hết
sức tỉnh táo với mọi dạng thức của chủ nghĩa cuồng tín, dưới hình thức
tôn giáo hay bất cứ dạng thức nào. Một sự cân bằng tinh tế thì cần thiết
để đánh bại bạo lực vi phạm vì nhân danh tôn giáo, một ý thức hệ hay
một hệ thống kinh tế, trong khi vẫn bảo đảm đảm sự tự do tôn giáo, tự do
tư tưởng và những tự do của cá nhân. Nhưng cũng có một cám dỗ khác mà
chúng ta phải đặc biệt đề phòng để chống lại: đó là quy giản luận đơn sơ
vốn chỉ nhìn thấy cái tốt và cái xấu; hay, nếu quý vị muốn, chỉ thấy có
người công chính và những tội nhân. Thế giới đương đại, với những vết
thương mở rộng đã tác động đến biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta,
đòi hỏi chúng ta phải đương đầu với mọi dạng thức của sự phân cực vốn sẽ
chia cắt nó thành hai phe. Chúng ta biết rằng trong nỗ lực để được giải
thoát khỏi kẻ thù bên ngoài, chúng ta có thể bị cám dỗ để dung dưỡng
cho kẻ thù bên trong. Bắt chước sự căm ghét và bạo lực của những bạo
chúa và sát nhân đấy là cách tốt nhất để chiếm chỗ của chúng. Đó là một
điều mà quý vị, với tư cách là người, sẽ khước từ.
Phản ứng của chúng ta đúng hơn phải là
một phản ứng của hy vọng và chữa lành, của bình an và công lý. Chúng ta
bị đòi hỏi để vận dụng sự can đảm và trí thông minh để giải quyết những
khủng hoảng địa lý chính trị và kinh tế. Ngay cả trong thế giới phát
triển, những tác động của những cơ cấu và hành vi bất công thì cũng quá
rõ ràng. Những nỗ lực của chúng ta phải nhắm tới phục hồi hy vọng, chỉnh
đốn những sai lầm, duy trì những sự tận tâm, và đẩy mạnh sự thịnh vượng
của những cá nhân và các dân tộc. Chúng ta phải tiến bước về phía trước
cùng nhau, như là một, trong một tinh thần của huynh đệ và đoàn kết đã
được canh tân, hợp tác một cách quảng đại vì thiện ích chung.
Những thách đố trước mặt chúng ta ngày
nay mời gọi một sự canh tân đối với tinh thần hợp tác, vốn đã thực hiện
biết bao điều tốt đẹp trong suốt lịch sử của Hoa Kỳ. Sự phức tạp, tính
nghiêm trọng và sự khẩn thiết của những thách đố này đòi buộc chúng ta
phải đóng góp những nguồn lực và tài năng của mình, và kiên quyết hỗ trợ
lẫn nhau, với sự tôn trọng những khác biệt và những xác tín trong lương
tâm của chúng ta.
Nơi mảnh đất này, các nhiều tôn giáo khác
nhau đã đóng góp rất nhiều cho việc kiến thiết và củng cố xã hội. Ngày
nay, cũng như trong quá khứ, thật là quan trọng khi tiếng nói của đức
tin vẫn tiếp tục được lắng nghe, bởi vì đó là một tiếng nói của tình
huynh đệ và tình yêu, vốn đã cố gắng để mang lại những gì tốt đẹp nhất
cho mỗi con người và cho mỗi xã hội. Sự hợp tác như thế thực là một dũng
lực vô song trong trận chiến để loại trừ những dạng thức mới mang tính
toàn cầu của tình trạng nô lệ, bắt nguồn từ những bất công trầm trọng
vốn chỉ có thể được vượt thoát thông qua những chính sách mới và những
hình thức mới của sự đồng tâm của xã hội.
Đến đây, tôi nghĩ đến lịch sử chính trị
của Hoa Kỳ, là nơi mà chế độ dân chủ đã cắm rễ sâu trong tâm trí của
nhân dân nước này. Tất cả các hoạt động chính trị đều phục vụ và đẩy
mạnh lợi ích của người dân và được đặt trên nền tảng của sự tôn trọng
phẩm giá của họ. “Chúng ta thừa nhận những chân lý này là hiển nhiên
đúng, đó là người nam và người nữ được dựng nên bình đẳng, cũng như họ
được Tạo Hóa phú bẩm cho những quyền nhất định bất khả nhượng, mà trong
số đó là quyền được sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn Độc lập,
ngày 04 tháng 07, 1776). Nếu thể chế chính trị thực sự chỉ phục vụ con
người, thì hệ quả là nó không thể nào nô lệ cho kinh tế và tài chánh.
Đúng ra, thể chế chính trị là một sự biểu lộ của nhu cầu để chúng ta hợp
nhất, nhằm kiến tạo cho thiện ích to lớn nhất: đó là một cộng đồng hy
sinh những lợi ích riêng để chia sẻ, trong công bằng và hòa bình, những
tài sản, những lợi tức, và đời sống xã hội của nó. Tôi không đánh giá
thấp những khó khăn có thể liên quan, nhưng tôi muốn khuyến khích quý vị
trong sự cố gắng.
Ở đây tôi cũng cũng nghĩ đến cuộc diễu
hành mà Martin Luther King đã dẫn đầu từ Selma đến Montgomery năm mươi
năm về trước của chiến dịch nhằm hoàn tất “giấc mơ” của ông về những
quyền lợi đầy đủ về chính trị và dân sự cho người Hoa Kỳ gốc Phi Châu.
Giấc mơ ấy vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta. Tôi hạnh phúc vì
Hoa Kỳ tiếp tục, đối với nhiều người, vẫn là một vùng đất của “những
giấc mơ”. Những giấc mơ sẽ dẫn đến hành động, để tham dự và để dấn thân.
Những giấc mơ sẽ đánh thức những gì sâu thẳm và chân thực nhất trong
đời sống của con người.
Trong những thế kỷ gần đây, hàng triệu
con người đã đến vùng đất này để theo đuổi ước mơ kiến tạo một tương lai
trong tự do. Chúng ta, những con dân của lục địa này, không sợ hãi
những người nước ngoài, bởi vì nhiều người trong số chúng ta đã từng là
người nước ngoài. Tôi nói điều này với quý vị với tư cách là người con
của những người di dân, bởi vì tôi biết rất nhiều người trong số quý vị
là con cháu của những người di dân. Thảm thương là, những quyền lợi của
những ai đã cư ngụ ở đây trước chúng ta rất lâu đã chẳng luôn luôn được
tôn trọng. Cho tất cả những con người và những quốc gia của họ, từ con
tim của chế độ dân chủ của Hoa Kỳ, tôi ước ao được tái khẳng định lòng
quý trọng lớn lao và sự cảm kích của mình. Những tiếp xúc sơ khởi thì đã
bị hỗn loạn và đầy bạo lực, nhưng rất khó để phán xét quá khứ bằng
những tiêu chuẩn của hiện tại. Tuy nhiên, khi người khách lạ ở giữa
chúng ta van xin chúng ta, chúng ta không được phép lập lại những tội
lỗi và sai lầm ấy của quá khứ. Chúng ta phải kiên quyết giờ đây sống
càng cao thượng càng tốt, như là cách chúng ta giáo dục những thế hệ mới
không bao giờ quay lưng lại với “những láng giềng của chúng” và mọi sự
chung quanh chúng ta. Kiến thiết một quốc gia mời gọi chúng ta nhận ra
rằng chúng ta phải thường xuyên liên hệ với các quốc gia khác, và phải
từ bỏ đi cái quan niệm của thái độ thù nghịch để rồi vận dụng một sự bổ
trợ lẫn nhau, trong một cố gắng thường hằng để làm hết sức mình. Tôi xác
tín rằng chúng ta có thể làm được điều này.
Thế giới của chúng ta đang phải đương đầu
với thảm họa di dân với một quy mô to lớn chưa từng thấy kể từ sau Thế
chiến thứ 2. Điều này mang lại cho chúng ta nhiều thách thức lớn và rất
nhiều quyết định khó khăn. Trên lục địa này, cũng thế, hàng ngàn con
người bị thu hút di cư về phương bắc để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp
hơn cho chính họ và những người thân yêu, để tìm kiếm những cơ hội to
lớn hơn. Đây chẳng phải là điều chúng ta mong muốn cho chính con em
chúng ta sao? Chúng ta không nên ngạc nhiên vì số lượng của họ, nhưng
đúng hơn hãy nhìn nhận họ như những con người, ngước nhìn khuôn mặt của
họ và lắng nghe những câu chuyện của họ, cố gắng để đáp ứng hết khả năng
chúng ta có thể cho hoàn cảnh của họ. Để đáp ứng trong một cách thức
luôn luôn đầy tính nhân đạo, công bình và huynh đệ. Chúng ta cần tránh
cơn cám dỗ chung ngày nay: đó là loại bỏ bất cứ thứ gì gây rắc rối.
Chúng ta hãy nhớ đến khuôn vàng thước ngọc: “Vậy tất cả những gì anh em
muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”
(Mt 7, 12).
Giới răn này chỉ cho chúng ta một hướng
đi rõ ràng. Chúng ta hãy đối xử với người khác với cùng một tình cảm
nồng nàn và lòng trắc ẩn như chúng ta mong ước họ đối đãi với mình.
Chúng ta hãy mang lại cho tha nhân những cơ hội như chúng ta tìm kiếm
cho chính mình. Chúng ta hãy giúp người khác lớn lên, như chúng ta mong
muốn làm cho chính mình. Nói vắn gọn, nếu chúng ta muốn an toàn, hãy
trao ban sự an toàn; nếu chúng ta muốn sống, hãy trao ban sự sống; nếu
chúng ta muốn những cơ may, chúng ta hãy mang lại những cơ may. Thước đo
mà ta dùng cho tha nhân cũng sẽ là thước đo mà thời gian sẽ dành cho
chúng ta. Khuôn vàng thước ngọc cũng nhắc nhớ chúng ta về trách nhiệm
bảo vệ và bênh vực sự sống con người trong mọi giai đoạn phát triển của
nó.
Xác tín này đã dẫn đưa tôi, từ khi bất
đầu thừa tác vụ của mình, đến việc bênh đỡ ở nhiều cấp độ khác nhau cho
việc xóa bỏ án tử hình trên toàn cầu. Tôi xác tín rằng đây là cách thức
tốt đẹp nhất, bởi vì mọi sự sống là thánh thiêng, mỗi bản vị người được
phú bẩm cho một phẩm giá bất khả nhượng, và xã hội chỉ có thể hưởng lợi
từ việc phục hồi cho những ai bị kết án vì phạm tội. Gần đây những anh
em giám mục của tôi ở đây, trong nước Hoa Kỳ này đã canh tân lời kêu gọi
của họ cho việc xóa bỏ án tử hình. Tôi không chỉ ủng hộ họ, mà còn
khuyến khích tất cả những ai xác tín rằng một hình phạt công bằng và cần
thiết thì không bao giờ được phép loại trừ chiều kích của hy vọng và
mục tiêu của việc hoán cải.
Trong những thời khắc này khi mối bận tâm
về xã hội đã trở nên quá quan trọng, thì tôi không thể nào bỏ qua không
nhắc đến Tôi Tớ Chúa Dorothy Day, là người đã sáng lập Phong trào Công
Nhân Công Giáo. Chủ nghĩa tích cực mang tính xã hội của chị, khao khát
của chị cho công bình và sự quan tâm cho những ai bị áp bức, đã được gợi
hứng bởi Tin Mừng, bởi niềm tin của chị và gương lành của các thánh.
Biết bao nhiêu tiến bộ đã được thực hiện
trong lãnh vực này trong nhiều khu vực của thế giới! Biết bao điều đã
được thực hiện trong những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba này để
kéo con người ra khỏi sự đói nghèo cùng cực! Tôi biết rằng quý vị chung
chia với xác tín của tôi rằng vẫn còn rất nhiều việc cần làm, và nhất là
trong trong những thời khắc của khủng hoảng và khó khăn về kinh tế thì
lại càng không thể nào đánh mất tinh thần đoàn kết toàn cầu. Đồng thời
tôi cũng muốn khuyến khích quý vị luôn nghĩ đến những người xung quanh
chúng ta đang mắc kẹt trong vòng vây của đói nghèo. Họ cũng cần được
trao ban hy vọng. Cuộc chiến chống lại nghèo khổ và đói khát phải được
thực hiện thường xuyên và trên nhiều mặt trận, đặc biệt nơi những nguyên
nhân của nó. Tôi biết rằng rất nhiều người Hoa Kỳ ngày nay, cũng như
trong quá khứ, đang đương đầu với vấn nạn này.
Dĩ nhiên là một phần của nỗ lực to lớn
này là việc gầy dựng và phân phối của cải. Sử dụng đúng đắn những tài
nguyên tự nhiên, việc ứng dụng cách thích hợp kỹ thuật công nghệ và việc
thấm nhuần tinh thần của các công ty là những nhân tố chính yếu của một
hệ thống kinh tế vốn nỗ lực để trở nên hiện đại, bao gồm tất cả và đứng
vững. “Thương mại là một ơn gọi cao quý, hướng đến việc sản sinh ra của
cải và cải thiện trái đất”. Nó có thể một suối nguồn của thịnh vượng
đầy ích lợi cho khu vực ở nơi nó hoạt động, đặc biệt nếu nó nhận thấy
việc tạo ra công ăn việc làm như là một phần thiết yếu trong sự phục vụ
của nó đối với thiện ích chung” (Laudato Sì, 129). Thiện ích
chung này cũng bao gồm cả trái đất, một chủ đề trọng tâm của thông điệp
mà tôi viết gần đây để “bước vào một cuộc đối thoại với tất cả mọi người
về ngôi nhà chung của chúng ta” (Laudato Sì, 3). “Chúng ta cần
một cuộc đối thoại bao gồm tất cả mọi người, bởi vì những thách đố về
môi trường chúng ta đang phải chịu đựng, và gốc rễ con người của nó,
liên quan và có tác động đến tất cả chúng ta” (Laudato Sì, 14).
Trong thông điệp Laudato Sì, tôi kêu gọi một nỗ lực can đảm và trách nhiệm để “tái định hướng những bước đi của chúng ta” (Laudato Sì, 61)
và ngăn ngừa những ảnh hưởng nghiêm trọng của việc hủy hoại môi trường
vốn gây ra bởi hoạt động của con người. Tôi xác tín rằng chúng ta có
thể thực hiện một sự khác biệt và tôi tin chắc Hoa Kỳ – và Quốc Hội này –
có một vai trò quan trọng để thực thi. Đây là thời điểm của những hành
động can đảm và các chiến lược, nhắm thực hiện đầy đủ một “nền văn hóa
của sự chăm sóc” (Laudato Sì, 231) và “một sự tiếp cận tổng hợp
để chống lại nghèo khổ, khôi phục phẩm giá của những ai bị loại trừ, và
đồng thời bảo vệ thiên nhiên” (Laudato Sì, 139). “Chúng ta có tự do cần thiết đủ để giới hạn và điều khiển kỹ thuật công nghệ” (Laudato Sì, 112); “để nghĩ ra những cách thức khôn ngoan của…việc phát triển và giới hạn khả năng của chúng ta” ” (Laudato Sì, 78);
và khiến cho công nghệ “phải phục vụ một dạng thức khác của tiến bộ,
một dạng thức lành mạnh hơn, nhân bản hơn, xã hội hơn và toàn vẹn hơn”(Laudato Sì, 112).
Về mặt này, tôi tin tưởng rằng những trung tâm nghiên cứu và học thuật
trỗi vượt của Hoa Kỳ có thể thực hiện một sự đóng góp quan trọng trong
những năm sắp tới.
Một thế kỷ trước, lúc khởi đầu của Thế
Chiến, điều mà Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô 15 đã gọi tên là một “lò sát
sinh vô nghĩa”, thì một người Hoa Kỳ kiệt xuất đã chào đời: tu huynh
dòng Xi-tô Thomas Merton. Ngài vẫn là một nguồn cảm hứng về mặt tinh
thần và là người dẫn đường cho rất nhiều người. Trong tự thuật của mình,
ngài viết: “Tôi đã bước vào thế giới. Tự do với thiên nhiên và mang
hình ảnh của Thiên Chúa, thế nhưng tôi đã là tù nhân của bạo lực của
chính mình và sự ích kỷ của chính tôi, trong hình ảnh của một thế giới
mà tôi được hạ sinh vào. Thế giới ấy là hình ảnh của hỏa ngục, đầy rẫy
những con người giống như tôi, yêu mến Thiên Chúa, nhưng vẫn còn căm
ghét Ngài; họ được sinh ra để yêu mến Ngài nhưng lại sống trong nỗi sợ
của sự đói khát vô vọng tự mâu thuẫn với chính mình”. Merton trước tiên
là một người của cầu nguyện, một nhà suy tư đã từng thách đố những điều
chắc chắn vào thời của mình và đã mở ra những viễn tượng mới cho các
linh hồn và cho Giáo Hội. Ngài cũng là một con người của đối thoại, một
nhà hoạt động cho hòa bình giữa các dân tộc và tôn giáo.
Từ viễn tượng này của cuộc đối thoại, tôi
muốn công nhận những nỗ lực được thực hiện trong những tháng gần đây để
giúp vượt qua những khác biệt lịch sử được nối kết với những giai đoạn
đau thương của quá khứ. Đó là nhiệm vụ của tôi để bắc những nhịp cầu và
giúp đỡ tất cả những người nam nữ, bằng bất cứ cách nào có thể, cũng làm
tương tự như tôi. Khi các quốc gia đã từng xung đột với nhau hồi phục
lại con đường đối thoại – một cuộc đối thoại vốn có thể bị ngắt quãng
bởi vì những nguyên do chính đáng nhất – thì những cơ hội mới mẻ lại
khai mở cho tất cả. Điều này đã và đang đòi hỏi sự can đảm và liều lĩnh,
vốn là những điều khác với sự vô trách nhiệm. Một lãnh đạo chính trị
tốt lành là người, với lợi ích của tất cả mọi người trong tâm trí, chộp
lấy khoảnh khắc trong một tinh thần cởi mở và thực dụng. Một lãnh đạo
chính trị tốt luôn chọn lựa để khởi xướng những tiến trình hơn là chiếm
dụng những khoảng không (Evangelii Gaudium, 222-223).
Phục vụ cho đối thoại và bình an cũng có
nghĩa là thực sự quyết tâm để tối thiểu hoá, trong dài hạn, và chấm dứt
biết bao cuộc xung đột vũ trang trên khắp hoàn cầu. Ở đây chúng ta phải
tự vấn: Tại sao những vũ khí giết người lại có thể được bán cho những ai
âm mưu giáng xuống vô số những đau thương trên các cá nhân và xã hội?
Đáng buồn thay, câu trả lời, như chúng ta đã biết, giản đơn đó là vì
tiền: tiền được tấm đẫm trong máu, thường là máu của người vô tôi. Trên
khuôn mặt của sự im lặng đáng xấu hổ và đáng khiển trách này, đó là
nhiệm vụ của chúng ta để đối mặt với vấn đề và ngăn chặn việc mua bán vũ
khí.
Ba người con trai và một con gái của mảnh
đất này, bốn cá nhân với bốn ước mơ: Lincoln, tự do: Martin Luther
King, tự do trong sự đa nguyên và không loại trừ; Dorothy Day, công bằng
xã hội và những quyền của con người; và Thomas Merton, khả năng đối
thoại và mở ra với Thiên Chúa.
Đó là bốn đại diện của nhân dân Hoa Kỳ.
Tôi sẽ kết thúc chuyến viếng thăm của
mình ở Philadelphia, là nơi tôi sẽ tham dự Đại Hội thế giới của các gia
đình. Tôi ước ao rằng trong suốt chuyến viếng thăm của tôi thì gia đình
sẽ là một chủ đề được nhắc đi nhắc lại. Gia đình cần thiết biết bao cho
việc kiến tạo một đất nước! Và quý giá biết bao khi gia đình tiếp tục
là nguồn trợ lực và động viên của chúng ta! Vâng, tôi không thể che giấu
mối bận tâm của mình cho gia đình, vốn là điều đang bị đe doạ, có thể
như chưa từng có trước đây, từ bên trong cũng như bên ngoài. Những mối
liên hệ nền tảng đang bị đặt nghi vấn, chẳng hạn như chính nền tảng của
hôn nhân và gia đình. Tôi chỉ có thể nhắc lại tầm quan trọng và, trên
hết, là sự phong phú và vẻ đẹp của đời sống gia đình.
Một cách cụ thể, tôi muốn kêu gọi sự chú ý
đến những thành viên của gia đình dễ bị tổn thương nhất đó là người
trẻ. Bởi vì nhiều người trong số họ, một tương lai được đong đầy với vô
vàn những khả thể vẫy gọi, nhưng nhiều người trẻ khác xem ra có vẻ đang
mất phương hướng và không mục tiêu, bị mắc kẹt trong một mê cung vô vọng
của bạo lực, lạm dụng và chán chường. Những vấn đề của họ cũng là của
chúng ta. Chúng ta không thể lãng tránh chúng. Chúng ta cần phải đương
đầu với chúng cùng với nhau, để nói về chúng và tìm kiếm những giải pháp
hữu hiệu hơn là sa lầy trong những cuộc thảo luận. Ngay tại nguy cơ của
sự đơn giản hoá quá mức, chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang sống
trong một nền văn hoá vốn gây áp lực để người trẻ không lập gia đình,
bởi vì họ thiếu những tiềm năng cho tương lai. Vâng cũng chính nền văn
hoá này giới thiệu cho những người khác nhiều chọn lựa đến nỗi họ cũng
được can ngăn để khởi đầu một gia đình.
Một quốc gia chỉ có thể được xem là vĩ
đại khi nó bảo vệ tự do Linconln đã làm; khi nó thúc đẩy một nền văn hoá
cho phép con người “mơ mộng” về những quyền lợi tròn đầy cho những anh
chị em của nó, như Martin Luther King đã nỗ lực dựng xây; khi nó tranh
đấu cho công bình và chống lại các tác nhân gây đàn áp, như Dorothy Day
đã dày công vun đắp bằng sự lao tác không mỏi mệt; khi hoa trái của đức
tin vốn trở nên cuộc đối thoại và gieo vãi bình an trong phong thái
chiêm niệm của Thomas Merton.
Trong tất cả những nhận xét này, tôi đã
nỗ lực để trình bày một vài sự phong phú của di sản văn hoá của quý vị,
của tinh thần của nhân dân Hoa Kỳ. Khao khát của tôi là tinh thần này
tiếp tục phát triển và tăng trưởng, để rồi càng có nhiều người trẻ có
thể thừa hưởng và cư ngụ trên mảnh đất đã truyền cảm hứng cho rất nhiều
người để mơ mộng.
Chúa chúc lành cho Hoa Kỳ!”
Chuyển ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét