Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm B_2015

 
Ông bà anh chị em thân mến.  Thiên Chúa yêu thương con người chúng ta và mong muốn chúng ta luôn sống bình an, vui mừng, hạnh phúc và trong ân sủng của Chúa mãi mãi. Nhưng chúng ta thành tâm thú nhận rằng nhiều khi chúng ta mù quáng chạy theo những cám dỗ của vật chất, thú vui thế gian, sống trong sự lầm lạc, tội lỗi theo ý của chính con người chúng ta.  Để đưa con người chúng ta quay trở về, hay để mở con mắt tâm hồn
chúng ta, Chúa muốn chúng ta hãy thành tâm lắng nghe lời kêu mời của Chúa, nhận ra sự bất an và đau khổ mà chúng ta tự tạo cho mình, thành tâm đến với Chúa để được Chúa chữa lành. Các Bài Đọc lời Chúa hôm nay biểu lộ quyền năng, và tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta, qua những trường hợp và hoàn cảnh khác nhau, để chúng ta nhận được ơn sủng và chữa lành của Chúa.

Trong Bài Đọc I, khi dân Do thái mù quáng sống trong lầm lạc, và không chịu nghe lời các ngôn sứ dạy bảo, quay trở về sống trong tình yêu và ân sủng của Chúa, họ đã bị ngoại bang xâm lăng và giày xéo. Kết quả là dân Do thái đã bị mất nước và bị đưa đi lưu đày nô lệ. Nhưng tình yêu thương của Thiên Chúa không bao giờ cạn cho dân Do thái, dân riêng của Chúa, cho dù họ phản bội và tội lỗi đến đâu, Chúa đã sai các ngôn sứ tới để khuyên bảo và kêu gọi họ giữ vững niềm tin và trông cậy, và Ngài sẽ giải thoát, đưa họ về quê hương làm lại cuộc đời.  Là những Ki-tô hữu, chúng ta tin một cách vững chắc vào tình yêu thương và lòng nhân từ của Chúa cũng sẽ không bao giờ cạn cho chúng ta, dù chúng ta sống trong hoàn cảnh và tình trạng nào.

Trong bài đọc 2, chúng ta thấy tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Ngài chọn và gởi các thượng tế đến để làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Các thượng tế thay Thiên Chúa lo lắng và chăm sóc phần hồn cho dân qua mọi thời đại. Nhưng vị Thượng Tế cao cả nhất là chính Người Con Một của Ngài, là Chúa Giê-su Ki-tô đã xuống thế làm người, và sứ mạng của Chúa Giê-su Ki-tô là mang ánh sáng và tình yêu thương của Thiên Chúa Cha đến cho con người trần gian chúng ta đang sống trong tội lỗi và tối tăm.  Và qua Người Con Một này, Thiên Chúa muốn con người chúng ta đón nhận tình yêu của Chúa, để sống trong an mạnh, vui mừng và hạnh phúc hồn và xác.    

Trong bài Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giê-su Kitô đã chữa lành cho một người mù thành Giê-ri-cô.  Với một niềm tin mạnh mẽ, anh mạnh dạn vượt qua mọi trở ngại, đến xin Chúa chữa lành cho anh được thấy. Tin mừng còn cho chúng ta biết anh bị mù chứ không điếc, cho nên anh đã được nghe người ta nói về Chúa Giêsu và quyền năng của Ngài, và anh có lòng tin mạnh mẽ Ngài là Đấng có thể cứu chữa anh. Chúng ta thấy anh đã không chút ngần ngại và biết nắm lấy cơ hội để lên tiếng cầu xin với Chúa: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!”

Ông bà anh chị em thân mến. Qua câu chuyện chữa lành sự đui mù thể xác, Chúa Giê-su cũng muốn chứng tỏ cho chúng ta biết Ngài cũng có thể chữa lành sự đui mù tâm hồn. 

Có một câu chuyện về người đàn ông cứng lòng và rất khó tính, luôn phê bình, chỉ trích người khác.  Vì ích kỷ, ông không bao giờ giúp đỡ hay quảng đại, và vì tự cao, cho nên ông không bao giờ nhìn thấy điều gì tốt nơi người khác, nhất là những người không đồng ý hay làm theo ý của ông. Bất cứ họ làm một việc gì kể cả việc tốt, thì ông cũng phải cố tìm cho ra một lý do để chỉ trích, phê bình, hay cố tìm một khía cạnh, một nguyên do để chống đối. Ông thường đưa ra những lý lẽ: Người đó phải có ý đồ đen tối hay dấu diếm gì, hay được cái gì lợi trong đó. Và ông thường khinh thường và hay bắt lỗi những ý kiến, những công việc của người khác, và tệ hơn nữa còn thường hay rỉ tai nói xấu người khác.

Thế rồi một ngày kia, được người vợ thúc đẩy dự buổi tĩnh tâm, và được nghe linh mục cắt nghĩa về đoạn Tim Mừng kể lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù bẩm sinh, ông bỗng sực tỉnh và nhận thấy rằng tâm hồn mình đã thực sự bị mù loà vì đã không nhận ra được những cái tốt đẹp, không nhận ra được những công việc tốt lành, không nhận ra được tấm lòng của những người khác, và ông không sống trong ân sủng của Chúa.

Ông bà anh chị em thân mến. Chính sự đui mù tâm hồn này còn tác hại  chúng ta hơn cả sự đui mù thể xác, vì sự đui mù tâm hồn này ngăn cản chúng ta không nhìn thấy sự thật, không nhìn thấy chân lý, không nhìn thấy những điều tốt đẹp của những người chung quanh, và không nhận ra tình yêu, ơn sủng của Chúa.  Tật đui mù này lại thường hay lây lan. Chính vì thế là những Ki-tô hữu, mỗi người chúng ta phải không ngừng tự hỏi: “Tôi có bị đui mù về tâm hồn hay không?”  Nếu có, thì chúng ta hãy thành khẩn kêu cầu Chúa cứu chữa chúng ta như người đui mù trong đoạn Tin Mừng hôm nay.  Chúng ta nhận thấy người mù có một sự ao ước, khát vọng mãnh liệt và mong chờ được đối diện với Chúa để được Chúa chữa lành.  Sự khát vọng này đã giúp anh vượt qua mọi trở ngại để được gặp Ngài. Chúng ta cũng tự hỏi “Chúng ta có một sự ao ước, một khát vọng mãnh liệt được gặp Chúa Giêsu như anh không?” “Chúng ta có sẵn sàng vượt mọi trở ngại trong cuộc sống để được đối diện và gặp Chúa không?”

Qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và anh mù, chúng ta cũng còn thấy được quyết tâm và niềm tin vững mạnh của anh. Anh không muốn bất cứ sự gì ngăn cản anh trong việc đến với Chúa.  Khi Chúa Giêsu đứng lại và nói với người ta gọi anh mù đến. Phản ứng của anh mù ra sao?  Chúng ta thấy phản ứng của anh rất rõ ràng và quyết liệt: “Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu.” Và khi nghe Chúa Giêsu hỏi: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Anh mù đáp không một chút do dự và mạnh mẽ thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.” Tức khắc, anh nhìn thấy được, cũng như nhìn thấy con đường Chúa đang đi, và cũng từ lúc đó, anh quyết định đi theo con đường Chúa đi.

Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta nhìn thấy được con đường Chúa đi, và nhất là thấy được tình yêu thương bao la của Chúa cho chúng ta, để chúng ta có một niềm tin vững chắc vào Chúa, và can đảm đi theo con đường con đường Chúa chỉ bào, để chúng ta trở thành ánh sáng Chúa Ki-tô, dẫn dắt người khác đến với Chúa, và luôn sống trong an mạnh, hạnh phúc và trong ân sủng tình yêu thương của Chúa.

Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....