1. Lịch sử và ý nghĩa
Xuất
xứ từ truyền thống Do Thái giáo, từ ngữ và khái niệm năm thánh được ghi
lại trong nhiều trình thuật Ngũ thư, trong đó, câu chủ chốt là từ sách
Lê-vi: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên
cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi,
đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu
của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình.” (Lv 25, 10) Năm thánh,
trước tiên gắn liền với một khoảng thời gian nhất định, khoảng thời gian
nghỉ ngơi, như ngày sabat và năm sabat. Thời gian nghỉ
không chỉ mang ý nghĩa vậy lý, người và súc vật được nghỉ làm, nhưng còn
mang thông điệp thiêng liêng, là thời gian con người ngưng công việc
của mình để “trả lại” đất đai cho Thiên Chúa: “Hãy nói với con cái
Ít-ra-en và bảo chúng: Khi các ngươi vào đất Ta sắp ban cho các ngươi,
đất phải nghỉ một sa-bát kính ĐỨC CHÚA.” (Lv 25, 2)
Năm sabat
còn mang nhiều ý nghĩa thần học khác nhau. Thứ nhất, Thiên Chúa làm chủ
tất cả. Ý nghĩa này khẳng định Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá và làm chủ
đất đai và Ngài trao cho con người canh tác: “Đất thì không được bán
đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà
Ta.” (Lv 25, 23). Do đó, con người cần có thái độ tri ân và tạ ơn Đấng
đã ban cho họ đất đai trổ sinh hoa màu nuôi sống họ: “Đất sẽ sinh hoa
trái, các ngươi sẽ được ăn no nê và được sống yên hàn tại đó. Có lẽ các
ngươi sẽ nói: “Năm thứ bảy chúng tôi sẽ ăn gì, nếu chúng tôi không gieo
vãi và không thu hoa lợi? “Ta sẽ truyền cho phúc lành của Ta đến với các
ngươi vào năm thứ sáu, và phúc lành sẽ sinh hoa lợi đủ cho ba năm.” (Lv
25, 19-21) Thứ hai là ý nghĩa công bình. Con người được Thiên Chúa trao
tặng thụ tạo để tiếp tục công trình tạo dựng của Thiên Chúa, làm cho
thế giới tốt đẹp hơn. Như thế, con người phải thực thi công bình, phải
sống công chính như là cùng đích của hạnh phúc con người. (x. Is 32,
15-20) Và trên hết, năm sabat nhấn mạnh chiều kích tha thứ, được
coi như dịp mừng long trọng của toàn dân, ngày lễ của lòng nhân hậu tha
thứ: “Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, (các) ngươi sẽ thổi tù
và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, (các) ngươi sẽ thổi tù và trong
toàn xứ các ngươi”. (Lv 25, 9) Cái tù và được làm từ sừng con cừu đực,
tiếng Do Thái là yobel, từ đây xuất phát từ năm thánh
(jubilee, giubileo). Mừng năm thánh, trong ý nghĩa hoà giải, đi kèm với
việc trả lại đất đai cho chủ cũ, xoá hết nợ nần, giải phóng người nô lệ
và cho đất đai “nghỉ ngơi”.
Bước
vào thời Tân Ước, truyền thống năm thánh được tiếp tục và được chính
Đức Giêsu công bố khi Người vào hội đường ở Nazaret: “Thần Khí Chúa ngự
trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho
kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ
được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị
áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18-19) Như thế, Năm
Thánh, không chỉ với những dịp lễ và nghi thức trọng đại, là dịp canh
tân đời sống ngang qua việc củng cố đức tin, thăng tiến công bình, hăng
say việc bác ái, thiết lập mối tương quan huynh đệ, hiệp nhất trong Giáo
Hội và xã hội. Tất cả nhằm mục đích kêu gọi và khuyến khích tín hữu
sống cách chân thực và đồng nhất đức tin của mình vào Đức Kitô, Đấng Cứu
Độ duy nhất.
2. Năm Thánh trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo
Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Côn Giáo được Đưc Thánh Cha BonifacioVIII công bố vào năm 1300 với trọng sắc Antiquorum Habet Fida Relatio.
Đây là dịp khích lệ và thực thi tha thứ và bác ái hầu chống lại những
thù ghét và bạo lực đang diễn ra trong lòng Giáo Hội. Một lý do khác là
việc tái khẳng định ai đi hành hương đền thờ Thánh Phêrô vào dịp bách
niên sẽ được ơn toàn xá. Đông đảo tín hữu đã hành hương vể Roma và Đức
Thánh Cha Bonifacio VIII đã quyết định ban ơn toàn xá trong suốt năm và
trong tương lai, sẽ lập lại cứ mỗi 100 năm.
Sau
đó, thỉnh theo rất nhiều ao ước của các tín hữu về Năm Thánh, Đức Thánh
Cha Clemente VI quyết định tổ chức Năm Thánh theo chu kỳ 50 năm. Thêm
vào đó, khách hành hương có thể viếng thăm đền thời thánh Phaolo ngoại
thành và đền thờ thánh Gioan ở Laterano để hưởng ơn toàn xá. Tiếp đến,
Đức Urbano VI quyết định lại chu kỳ năm thánh là 33 năm, phỏng theo thời
gian dương thế của Đức Giêsu. Nhưng sau đó, vị kế nhiệm là Bonifacio IX
công bố Năm Thánh vào năm 1390 và sau đó một lần nữa vào năm 1400. Theo
đó, Năm Thánh không phải luôn luôn được tổ chức theo chu kỳ nhất định.
Có năm thánh thông thường, theo chu kỳ thời gian cố định, và ngoại
thường với thời gian dài ngắn khác biệt nhau và chỉ được tổ chức nếu có
những lý do thật đặc biệt. Những Năm Thánh tiếp theo cho đến ngày nay
tương ứng với tên vị chủ chăn đứng đầu Giáo Hội như sau:
1550 : Paolo III (công bố), Giulio III (cử hành)
1700 : Innocenzo XII (khai mạc), Clemente XI (kết thúc)
1775 : Clemente XIV (công bố), Pio VI (cử hành)
3. Cửa thánh
Điều
được quan tâm đặc biệt trong dịp Năm thánh là nghi thức mở cửa thánh.
Đó là một trong những cửa chính dẫn vào đền thờ và chỉ được mở ra vào
dịp Năm Thánh, ngoài thời gian này, cửa được đóng lại và xây kín phía
trong.
Ở
Roma, có 4 đền thờ sẽ được mở cửa thánh: Đền thờ thánh Phêrô, Đền thờ
thánh Gioan ở Laterano, Đền thờ Đức Bà Cả và đền thờ thánh Phaolo ngoại
thành. Theo chương trình, 9 giờ 30 phút sáng ngày 8/12, Đức Thánh Cha
Phanxicô sẽ chủ sự nghi thức mở Cửa thánh của Đền thờ thánh Phêrô. Chúa
nhật 13, cũng vào buổi sáng, Đức Thánh Cha sẽ mở Cửa thánh của đền thờ
thánh Gioan ở Laterano. Buổi chiều cùng ngày, Đức Hồng Y James Harvey sẽ
chủ sự nghi thức mở Cửa thánh tại đền thờ thánh Phaolo ngoại thành.
Cuối cùng, vào buổi chiều ngày 1/1/2016, Đức Thánh Cha sẽ mở Cửa thánh
của Đền thờ Đức Bà Cả.
4. Năm Thánh về Lòng Thương Xót
Với tông sắc “Dung mạo lòng thương xót” (Misericoridiae Vultus),
Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố năm thánh ngoại thường về Lòng thương
xót, cũng là dịp kỷ niệm 50 bế mạc Công Đồng Chung Vaticano II. Ngay ở
những dòng đầu tiên của tông sắc, Đức Thánh Cha đã khẳng định: “Dung mạo lòng thương xót
của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như
đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này. Nơi Đức Giêsu Nazareth, lòng
thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh.” (MV,
s. 1) Lý do vị chủ chăn Giáo Hội đưa ra là: “Chúng ta cần liên lỉ chiêm
ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót. Đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh
lặng và an bình. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Lòng
thương xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng thuơng xót
là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng
ta. Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai
biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên
đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con
người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi,
bất chấp tội lỗi của chúng ta.” (MV, s. 2)
Quả
vậy, kinh nghiệm về Lòng Thương Xót dường như gây dấu ấn mạnh mẽ trong
kinh nghiệm thiêng liêng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong bài giảng lễ
ngày 15 tháng Ba năm 2015, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tình yêu của Đức
Giêsu là tình yêu vượt qua cả sự công chính, vượt qua thái độ thường
thấy nơi các thầy thông luật, của những người cách đây hai ngàn năm và
của cả người đương thời. Kinh nghiệm của ngài cũng là điều mà thánh tông
đồ Phaolo đã nhắn nhủ tín hữu Roma: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức
làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức
Ki-tô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính,
hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô
đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là
bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5, 6-8)
Lòng
Thương Xót khởi đi từ con tim và chỉ có con tim mở ra mới có thể cảm
nghiệm được tình yêu này. Năm Thánh là “để chúng ta thực thi trong cuộc
sống hằng ngày lòng thương xót mà Chúa Cha không ngừng ban cho chúng ta.
Trong Năm Thánh này, hãy để Thiên Chúa tạo bất ngờ cho chúng ta. Ngài
luôn để cánh cửa trái tim Ngài rộng mở, và không ngừng lập đi lập lại
rằng, Ngài yêu thương chúng ta và muốn thông truyền sự sống của Ngài cho
chúng ta”. (MV, s. 25)
Nguyễn Mai Kha, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét