Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Chúa Nhật 4 Thường niên. Năm C_2016

 

Ông bà anh chị em thân mến. Sau khi nghe bài Tin mừng, có lẽ chúng ta có những thắc mắc: “Tại sao cuộc thăm viếng dân làng của Chúa Giê-su đã biến đổi từ sự ca ngợi qua căm phẫn, thù hằn và muốn giết chết?” Hay “Làm sao Chúa Giê-su có thể thoát đi được mà không bị hành hung hay bị thương?” Hay “Có phải thánh Lu-ca chỉ tóm tắt những
sự kiện đã xảy ra trong những lần Chúa thăm viếng trước đây?”  Chúng ta thấy thánh Lu-ca không chú ý hay có ý định trả lời những thắc mắc trên đây của chúng ta. Ngài chỉ chú ý đến một điểm duy nhất là: đối với dân làng, họ nghĩ Chúa Giê-su không là một người đặc biệt tuy họ đã nghe biết những câu chuyện nói về quyền năng qua những phép lạ Chúa đã làm.  Thật sự, thánh Lu-ca muốn cảnh báo cho chúng ta biết về những gì sẽ xảy ra cho Chúa trong sứ vụ rao giảng và chữa lành, bắt đầu là một sự ưa thích của dân chúng, nhưng dần dần dân chúng hiểu được ý nghĩa những lời rao giảng và sứ vụ của Chúa, và họ bắt đầu chống đối Chúa, đưa đến cái chết Người.  Cũng có thể thánh Lu-ca muốn dạy chúng ta điều quan trọng và cần thiết cho đời sống Ki-tô hữu, đó là, chúng ta không thể bắt Chúa phải theo ý định hay đường lối của chúng ta.  Ngược lại, nếu chúng ta muốn nhận hồng ân cứu độ, chúng ta phải theo đường lối và sống theo sự dạy dỗ của Chúa.  Chúng ta phải chấp nhận điều căn bản và quan trọng là: chúng ta phải trở thành và sống như người mà Chúa muốn chúng ta trở thành.  Và Chúa sẵn sàng chấp nhận tất cả những hậu quả sẽ xảy ra cho Người để Người luôn trung thành với sứ mệnh Thiên Chúa Cha trao ban.

Bài đọc 2 hôm nay là một trong những đoạn văn tuyệt đẹp nhất của thánh Phao-lô viết về đức ái, hay đức yêu thương của Ki-tô giáo, và chúng ta rất thường nghe đọc trong những Thánh lễ Hôn phối và đúng như vậy. Thật sự bài đọc nghe có vẻ lãng mạng, và chúng ta nhận thấy những đôi nam nữ yêu thương nhau theo như sự diễn tả của thánh Phao-lô không mất đi tính cách lãng mạng trong tình liên hệ của họ. Nhưng đức bác ái, tình yêu thương mà thánh Phao-lô đề cập ở đây không xảy ra dễ dàng, hay không có sự cố gắng, sự hy sinh.  Đức bác ái, tình yêu thương này cần sự hãm mình và sự vị kỷ, những điều này khó tìm và xảy ra trong xã hội này.  Như thánh Phao-lô cho chúng ta biết đức ái, tình yêu thương thì không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu.  Nhưng nếu chúng ta chú ý thì chúng ta sẽ nhận ra sự quan trọng và cần thiết trong cuộc sống của người Ki-tô hữu mà thánh Phao-lô muốn nhất mạnh: không có đức bác ái, không có tình yêu thương thì chúng ta sẽ vô nghĩa và vô phúc, bởi vì cuối cùng chỉ còn đức mến tồn tại.   

Để chúng ta hiểu rõ chân lý yêu thương của Ki-tô giáo và để sống, thánh Phao-lô cho chúng ta thấy trong chương trước đoạn văn hôm nay, và chúng ta đã nghe đọc trong Chúa nhật tuần trước.  Trong chương này, thánh Phao-lô so sánh Giáo hội như Thân Thể Chúa Ki-tô.  Tất cả chúng ta là chi thể trong Thân Thể đó, và không ai trong chúng ta có thể nói chúng ta không cần sự ảnh hưởng, sự phụ thuộc hay sự liên hệ của các chi thể khác. Như thân thể con người, mỗi chi thể có những phần sự riêng, có những chức năng riêng, hay có những bổn phận riêng. Nếu một cánh tay bị cắt ra khỏi thân thể thì chỉ còn hình dáng là một cánh tay với xương, da và thịt.  Nếu cánh tay không được dính liền với thân thể thì vô nghĩa, vô dụng và không có sự sống.  Chúng ta tự hỏi “Sự gì liên kết chúng ta lại với nhau thành một thân thể?” Và câu trả lời: “Nếu không phải là đức mến.”  Nếu không có đức yêu mến, tình yêu thương, chúng ta chỉ là những cá nhân riêng biệt, không còn liên kết trong cùng một thân thể có chung một đầu là chính Chúa Giê-su Ki-tô.  Do đó, thánh Phao-lô khẳng định rằng nếu một người trong chúng ta nói được nhiều thứ tiếng, làm được nhiều phép lạ, có những tài năng như nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm, có mọi sự hiểu biết, khôn ngoan, và lòng tin đến nỗi làm được nhiều việc to lớn, chuyển dời được núi non, mà không có đức mến, không có tình yêu thương, thì người đó vẫn là không. 

Chúng ta phải biết phân biệt và phải hiểu rõ ràng danh từ đức mến, còn gọi là tình yêu (agape) mà trong Phúc âm và thánh Phao-lô sử dụng là một thứ tình yêu mến không tìm sự đền ơn hay vinh danh, mà là thứ tình yêu của Chúa Giê-su ban cho chúng ta.  Thánh Gioan trong thư thứ 1 nói rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga. 4,8), như thế, nếu chúng ta  không có tình yêu, chúng ta không có Chúa và ngược lại, Chúa không ở trong chúng ta. Và vì không có Chúa, không liên kết với Chúa, chúng ta không liên kết với đầu và với nhau.

Ông bà anh chị em thân mến.  Thánh lễ giúp liên kết chúng ta nên một, và ở trong tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô.  Chúng ta lắng nghe Lời Chúa nói với chúng ta, chúng ta cử hành hy lễ của Chúa Giê-su trên Thánh giá cho chúng ta, và chúng ta được kết hợp với Người qua Thánh Thể, là nguồn kết hợp mọi thứ tình yêu.  Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng dâng lời cảm tạ đội ơn Chúa vì Chúa đã ban tình yêu, sự sống của Người cho chúng ta, và chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta sống tình yêu thương của Chúa trong đời sống hàng ngày, để chúng ta trở thành chi thể ích lợi cho thân thể, làm cho thân thể được khỏe mạnh và tốt đẹp.

 Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....