Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Chúa Nhật 24 Thường Niên. Năm C_2016.

 

Ông bà anh chị em thân mến.  Có một câu chuyện về một thiếu niên tên Thông bỏ nhà ra đi sống bụi đời một thời gian.  Nhưng vì không thể nào chịu đựng được sự tàn nhẫn của cảnh bụi đời nữa, cho nên cậu viết một lá thư gửi về cho mẹ, bày tỏ niềm hy vọng sẽ được bố tha thứ, và cho phép cậu trở về nhà.  Lá thư như sau: “Mẹ kính yêu, trong một vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà. Nếu bố bằng lòng nhận con trở lại, thì xin mẹ yêu cầu bố cột một miếng vải trắng lên cây táo ở trước nhà.

Vài ngày sau Thông lên xe buýt trở về nhà. Trong lúc xe buýt chạy gần đến nhà thì hai hình ảnh cứ chớp lòe liên tục hiện ra trong trí anh ta. Khi thì trên cây có cột một miếng vải trắng, khi thì trên cây chẳng có một miếng vải trắng nào.  Xe buýt càng tiến gần nhà, trái tim của cậu càng đập nhanh hơn.  Không còn bao lâu nữa cây táo sẽ hiện ra nơi khúc quẹo, nhưng Thông không dám tự mình nhìn, vì sợ nhỡ không có miếng vải trắng cột ở đó. Thế là cậu quay sang người đàn ông bên cạnh ấp úng nói: “Thưa ông, ông có thể làm ơn giúp cháu một việc không? Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cây có nhiều cành. Ông làm ơn cho cháu biết trên cành cây có cột một miếng vải trắng không nhé.”

Khi xe buýt từ từ lướt qua cây táo, Thông nhìn chăm chăm về phía trước, và với giọng run run cậu hỏi người đàn ông: “Thưa ông, có một miếng vải trắng treo ở một cây nào đó không?” Ông ta sửng sốt trả lời: “Ồ này cậu bé, cành cây nào tôi cũng thấy có cột một miếng vải trắng cả, và hình như trong nhà đang chuẩn bị tiệc vui.”

Ông bà anh chị em thân mến.  Câu truyện trên đây và những câu truyện trong những bài Kinh thánh Lời Chúa hôm nay cho chúng ta sự hiểu biết về Thiên Chúa là một người cha nhân từ yêu thương và những hành động của Người. Thiên Chúa biết rõ từng người chúng ta và những tội lỗi của chúng ta hơn chúng ta biết chúng ta. Mặc dầu vậy, Người vẫn luôn yêu thương chúng ta với một tình yêu bao la vô bờ bến hơn chúng ta và những người thân thuộc yêu thương chúng ta, và với lòng nhân từ và thương xót, Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta hơn lòng chúng ta ước mong nơi Chúa.  

Bài đọc một trích sách Xuất hành cho chúng ta thấy lòng nhân từ và sự tha thứ của Thiên Chúa cho sự phản bội và bất trung của dân Người. Sau khi dân Do thái được Chúa cứu thoát khỏi cuộc sống nô lệ bên Ai cập đang trên đường về Đất hứa, và vừa ký Giao ước trung thành với Thiên Chúa, họ đã quay lại phản bội Chúa.  Trong khi Chúa gọi Môi-sê trở lên núi Si-nai để nhận mệnh lệnh, thì ở dưới dân chúng đúc và thờ thần bò vàng của dân ngoại giáo Ca-na-an. Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ định tiêu diệt dân này để lập một dân khác trung thành hơn, nhưng nhờ lời khẩn cầu của Môi-sê, xin Chúa nhớ lại những việc lạ lùng Chúa đã làm cho dân mà thương xót và tha thứ cho họ. Chúng ta được biết Chúa đã nguôi giận, mở rộng lòng thương xót và sẵn lòng tha thứ cho họ. 

Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô minh chứng cho chúng ta về tình yêu, lòng nhân từ và thương xót của Chúa đối với chính ngài, một người tội lỗi tày trời.  Từ một người tội lỗi sống trong lầm lạc, bắt bớ và hành hạ những người theo Ki-tô giáo, ngài đã được chính Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh thương xót tha thứ, và biến đổi trở thành tông đồ, giao phó sứ vụ rao giảng Tin mừng của Người cho những người ngoại giáo.  Thánh Phao-lô xác tín rằng: Ðức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi.”

Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giê-su bị những người Biệt phái và Pha-ri-sêu phê bình và chỉ trích về việc liên hệ với những người tội lỗi, cho nên Người đã kể 3 dụ ngôn tuyệt đẹp để minh chứng Người là sứ giả tình yêu và lòng thương xót của Chúa Cha cho mọi người, nhất là những người tội lỗi và lầm lạc.  Tôi biết ông bà anh chị em đã nghe 3 dụ ngôn này nhiều lần và đã được giải nghĩa qua nhiều ý tưởng, cũng như bài Tin mừng dài và ý nghĩa rõ ràng: Thiên Chúa yêu thương và quan tâm đến tất cả mọi người, và Người không muốn bất cứ một ai phải hư mất, cho nên tôi chỉ muốn chia sẻ 2 điểm ngắn gọn thôi.

Điểm thứ nhất mà tôi muốn nhấn mạnh là trong 2 dụ ngôn đầu “Chiên lạc” và “Đồng tiền đánh mất”, người đàn bà và chủ chiên không ngại khó nhọc và thời giờ đi tìm đồng bạc và chiên lạc cho đến khi tìm được.  Trong khi dụ ngôn mà chúng ta thường gọi “Người con hoang đàng”, người cha không đi tìm và bắt con phải trở về.   Người cha chỉ đơn giản kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng người con sớm quay trở về với ông mà thôi.  Trong một tình huống, Thiên Chúa dùng mọi phương cách đi tìm và dẫn dắt chúng ta về với Người khi chúng ta tội lỗi và sống xa lìa Người.  Trong tình huống khác, Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta quay trở về với Người.  Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi chúng ta tự do quyết định quay trở về với Người.  Cũng như Chúa tôn trọng sự tự do của chúng ta nếu chúng ta quyết định tách xa, sống xa Chúa, cho đến khi như bài Tin mừng nhấn mạnh chúng ta “hồi tâm” quay trở về với Người.  Cầu xin và hy vọng, chúng ta còn có thời gian và cơ hội quay trở về với Chúa.

Điểm thứ hai mà tôi muốn chia sẻ với ông bà anh chị em là chúng ta có thể tự hỏi: “Tại sao Chúa quá sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho chúng ta?” Thưa vì Chúa yêu thương và muốn chúng ta sống trong bình an, hạnh phúc và ân sủng của Người.  Chúa biết khi chúng ta thành tâm mở rộng tâm hồn với Chúa, chỉ điều đó đã mang lại cho chúng ta an bình và hạnh phúc, và đó cũng là lý do tại sao Chúa đã tạo dựng nên chúng ta.

Điểm cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là khía cạnh vui mừng chứa đựng trong cả 3 dụ ngôn.  Thiên Chúa đầy sự vui mừng khi đồng bạc, con chiên và người con hoang đàng đã tìm lại được.  Tôi tin chắc Thiên Chúa cũng sẽ vui mừng khi tìm lại được chúng ta, hay khi chúng ta “hồi tâm” trở về với Người. 

Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....